Nhấp vào link của kẻ lừa đảo, người bán chó ở Hải Phòng mất 122 triệu chỉ vài giây
Với chiêu trò giả vờ mua chó qua Facebook, gửi tin nhắn chuyển tiền lừa đảo và link yêu cầu xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chủ Facebook Pham Duy Tung đã cướp sạch 122 triệu của anh H.C.Phương.
Khai báo trên Facebook sống tại Moscow (Nga) nhưng Phạm Duy Tung nhắn với anh H.C.Phương (Hải Phòng) rằng ở Úc.
Phạm Duy Tung nhắn tin hỏi mua chó cảnh của anh H.C.Phương, chốt giá 7,8 triệu và nhờ chuyển về Nghệ An. Sau đó, hắn hỏi anh H.C.Phương có dùng Internet Banking không thì mới nhận được tiền chuyển về từ nước ngoài.
Đoạn tin nhắn của kẻ lừa đảo với anh H.C.Phương.
Lúc 6 giờ 29 phút sáng 9.10, Phạm Duy Tung gửi tin nhắn giả mạo đến ĐTDĐ của H.C.Phương với nội dung đã chuyển 7,8 triệu đồng từ dịch vụ Moneygram. Đến 6 giờ 43 phút, Phạm Duy Tung gửi tin nhắn kèm link nhantienonlinequocte.weebly.com/internetbanking. html yêu cầu anh H.C.Phương xác nhận lại thông tin nhận tiền.
Do không biết chiêu lừa đảo này, anh H.C.Phương đã nhấp vào link, khai báo tên, mật khẩu của tài khoản ngân hàng và cả mã OTP ( One Time Password – mật khẩu sử dụng một lần và được coi là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến hay e-mail, mạng xã hội. Để chuyển tiền hay thực hiện một giao dịch trực tuyến, bạn không chỉ dùng ID và mật khẩu để đăng nhập mà còn cần nhập đúng mã xác thực OTP mới hoàn tất được giao dịch – PV).
Tin nhắn lừa đảo đã chuyển 7,8 triệu vào tài khoản của anh H.C.Phương.
Tin nhắn chứa link yêu cầu xác nhận thông tin ngân hàng để nhận tiền.
Video đang HOT
Anh H.C.Phương khai báo tên tài khoản, mật khẩu…
… và cả mã OTP trên trang web do Phạm Duy Tung tạo ra.
Không những không nhận được 7,8 triệu từ Phạm Duy Tung mà chỉ vài giây sau, 122 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh H.C.Phương đã bị kẻ lừa đảo rút hết.
Anh H.C.Phương bị kẻ lừa đảo rút gần sạch tiền sau vài giây.
Đến lúc này, H.C.Phương mới biết mình bị lừa gần hết tiền.
Khi anh H.C.Phương biết mình bị lừa tiền thì đã quá muộn.
Điều gây bức xúc là chủ Facebook Phạm Duy Tung thường lân la vào những nhóm bán hàng trực tuyến để lừa đảo theo hình thức nêu trên. Hiện chưa biết hắn đang ở nước ngoài hay Việt Nam, ảnh trên Facebook có mạo danh không và lừa được bao nhiêu người?
Phạm Duy Tung bị một người có kinh nghiệm lật tẩy trò lừa và chửi sấp mặt.
Sau khi bị lừa, anh H.C.Phương lập tức lên ngân hàng và trụ sở công an phường lẫn quận nhờ giúp đỡ nhưng không lấy lại được tiền.
Quá đau đớn vì mất và phải gánh thêm nợ, anh H.C.Phương đăng lên Facebook cá nhân bài viết lật tẩy thủ đoạn lừa tiền qua mạng nêu trên. Bài viết này thu hút hơn 15 ngàn like, 29 ngàn lượt chia sẻ lại và hơn 18 ngàn bình luận.
Nội dung cụ thể như sau:
Vào sáng thứ 3, ngày 9.10.2018, chủ Facebook Phạm Duy Tung nhắn tin cho tôi để giao dịch mua một chú chó trị giá 8 triệu đồng. Sau đó, kẻ lừa đảo gửi tin cho tôi trả giá 7,8 triệu và nói đang ở Úc, mua làm quà tặng. Hắn sẽ chuyển tiền qua tài khoản và tôi chuyển chó đi. Tiếp theo, hắn gửi cho tôi một tin nhắn là đã chuyển 7,8 triệu đồng kèm link để vào xác nhận chuyển tiền do đây là tiền từ nước ngoài chuyển về. Tôi đã nhấp vào link, điền tên, mất khẩu và mã OTP.
Chỉ sau vài giây có tin nhắn báo tài khoản ngân hàng của tôi bị trừ 122 triệu đồng.
Ngay lúc đó, tôi biết mình đã bị lừa hết toàn bộ tiền trong tài khoản. Tôi gọi điện cho ngân hàng nhưng không được. Tôi lên công an phường, công an quận trình báo và phòng Cảnh sát kinh tế trình báo để phối hợp cùng ngân hàng niêm phong tài khoản được hưởng 122 triệu của tôi.
Tôi lên lúc 7 giờ 30 sáng nên ngân hàng chưa làm việc. Tôi đã đến phòng Cảnh sát kinh tế sau đó và cùng một cán bộ công an lên làm việc trực tiếp với ngân hàng để điều tra.
Phía ngân hàng trả lời không thể phong tỏa tài khoản thụ hưởng. Lý do vì số tiền 122 triệu của tôi bị lừa, đã chuyển sang một tài khoản cùng hệ thống ngân hàng. Tiếp theo, kẻ lừa đảo chuyển toàn bộ tiền sang các tài khoản của ngân hàng khác. Ngân hàng trả lời đã hết trách nhiệm và không thể làm gì để giúp đỡ lấy lại được số tiền này.
Nghe đến đây, tôi hiểu mình không còn hi vọng tìm lại được số tiền đã mất.
Số tiền này thưc sự rất lớn với gia đình tôi hiện giờ, là toàn bộ tiền trong nhà vì nhà tôi ở nhà thuê. Không dám để tiền trong nhà vì sợ trộm, 122 triệu trong đó chỉ có 40 triệu của gia đình tôi, còn lại 30 triệu là tiền mẹ tôi gửi, 50 triệu của người bạn gửi về và nhờ rút hộ.
Vậy là giờ tôi không những mất tiền mà còn gánh thêm hai khoản nợ.
Đến 12.10, sau 4 ngày từ hôm tôi bị lừa, bên cảnh sát và ngân hàng trả lời chưa có thêm thông tin gì về vụ lừa đảo của tôi.
Kính mong bên cảnh sát Kinh tế Hải Phòng giúp đỡ gia đình tôi điều tra về vụ lừa đảo.
Bên cạnh đó, anh H.C.Phương cảnh báo những ai đang dùng dịch vụ Internet Banking:
1. Đừng để nhiều tiền trong thẻ ngân hàng, có thể gửi vào sổ tiết kiệm.
2. Không cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng như mật khẩu, mã OTP và nhấp vào các link lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân trên các giao diện khác ngoài trang chủ của ngân hàng.
3. Khi giao dịch đã chuyển tiền thành công là chụp ảnh màn hình để kiểm chứng, không nhấp vào link để kiểm chứng số tiền. Tôi bị lừa do chưa bao giờ giao dịch với tài khoản nước ngoài, cũng mới bắt đầu sử dụng dịch vụ Internet Banking mấy tháng này.
4. Những đối tượng dễ bị lừa có thể giống như tôi, người kinh doanh, buôn bán online hay giao dịch qua thẻ. Chúng hay lừa vào sáng sớm, là giờ các ngân hàng còn chưa vào giờ làm việc.
Mong mọi người đã đọc được bài viết này của tôi. Hãy cảnh giác cao độ với cách hack tiền trong tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo.
Theo Một thế giới