Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm xuất siêu
Thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng nhập siêu trong năm 2015 đã quay trở lại và việc tăng khai thác dầu thô khi giá ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Lo ngại việc tăng khai thác dầu thô
Một trong những điểm lo ngại lớn được Uỷ ban kinh tế nêu ra là tình trạng nhập siêu trong năm 2015 đã quay trở lại sau 3 năm (2012-2014) xuất siêu. Mặc dù, việc nhập siêu vẫn nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD.
Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay.
Một số ý kiến cũng cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. Việc khai thác dầu thô vượt kế hoạch đề ra, mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.
Về tình hình ngân sách, Uỷ ban kinh tế nhấn mạnh, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 5% GDP không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).
Video đang HOT
Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Kinh tế có thể khó khăn hơn năm 2015
Về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2016, nhiều ý kiến trong Ủy ban kinh tế đề nghị cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm và làm việc rất thành công của các đồng chí lãnh đạo cao nhất nước ta tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán TPP.
“Có ý kiến cho rằng phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015 với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với nước ta.
Với thực trạng bội chi ngân sách nhà nước cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu không thể xử lý nhanh, lãi suất cho vay ở mức cao khó giảm theo diễn biến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong khi thị trường vốn phát triển chậm thì dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, mức độ điều hành linh hoạt sẽ khó khăn”, ông Giàu nhấn mạnh.
Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến trong Uỷ ban kinh tế cho rằng phục hồi của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như tiếp tục giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội hóa đầu tư vào khu vực dịch vụ công chưa nhiều sẽ dẫn đến giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, đề nghị bội chi ngân sách nhà nước là dưới 5%. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia…
Ủy ban kinh tế cũng đề nghị đa dạng hóa, phát triển đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại thị trường, bảo đảm vận hành thông suốt và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
Thực hiện cơ chế thị trường, cần sớm tách dịch vụ công có khả năng sinh lời ra khỏi các cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đối với cung cấp dịch vụ công, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo_24h
Quốc hội sẽ bầu Tổng thư ký tại kỳ họp 10
Sẽ chất vấn việc thực hiện "lời hứa" của các tư lệnh ngành từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20-10 và dự kiến bế mạc ngày 28-11.
Tại buổi họp báo sáng 19-10, thông tin về kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (dự kiến khai mạc sáng mai 20-10 và bế mạc ngày 28-11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay:
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bầu chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Quyết định ngày bầu cử toàn quốc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Liên quan đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Phúc cho hay: "Chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vẫn diễn ra trong 2,5 ngày và sẽ rà soát lại toàn bộ tám nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Qua đó cho thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó đại biểu tiếp tục chất vấn về những điều đã làm được và tại sao có những việc chưa hoàn thành".
Cũng theo ông Phúc, Thủ tướng tham dự phiên chất vấn và có thể trực tiếp trả lời hoặc báo cáo tổng quát về những ý kiến liên quan theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, tất cả thành viên Chính phủ cũng phải có mặt để đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào.
Đánh giá về nội dung kỳ họp, ông Phúc cho biết đây là kỳ họp với rất nhiều nội dung quan trọng. Riêng về mặt tài liệu phát cho mỗi đại biểu Quốc hội nhiều hơn gấp ba lần so với các kỳ họp trước.
Cụ thể, trong 31 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến tám dự án luật.
Điều đáng lưu ý là tại kỳ họp này Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp (Bộ luật Hình sự sửa đội, Tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tạm giữ, tạm giam...).
Đồng thời Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân (đáng lưu ý là Luật Trưng cầu ý dân...).
Lượng thời gian còn lại, Quốc hội tập trung thảo luận, xem xét kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015...
Bên cạnh đó cũng có khoảng 30 báo cáo cũng được gửi tới Quốc hội, trong đó có báo cáo về việc đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014; thảo luận góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng... Các phiên họp toàn thể của kỳ họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các kênh: Truyền hình Quốc hội, VOV1, VTV1...
Trọng Phú
Theo_PLO
"Việt Nam gia nhập TPP, giai đoạn đầu nhập siêu sẽ tăng" Khi Việt Nam gia nhập TPP, có thể nhập siêu giai đoạn đầu sẽ tăng lên nhờ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi Việt Nam gia nhập TPP, có thể nhập siêu giai đoạn đầu sẽ tăng lên nhờ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trước những lo ngại về nhập siêu...