Nhập máy xét nghiệm trước khi có giấy phép nhập khẩu!
- Theo thông tin mà TS có được, máy xét nghiệm sinh hóa của công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản đã được bàn giao cho BV huyện Thường Tín (Hà Nội) tại thời điểm ngày 09/6/2010. Trong khi đó, giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp để nhập máy trên lại là 02/08/2010!
Như vậy, máy đã được bàn giao cho BV trước khi được cấp phép nhập khẩu gần … 2 tháng!
Theo thông tin tìm hiểu của TS, ngày 02/08/2010, Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu số 5087, cho phép công ty TNHH Bình Mai (địa chỉ Phòng 1103, Tầng11, Tòa Nhà M3-M4, 91A Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa,Hà Nội) nhập khẩu lô hàng máy xét nghiệm sinh hóa model GA240, hãng sản xuất Greiner Diagnostic GbmH của Đức mới 100%.
Công ty Bình Mai là đơn vị nhập khẩu máy, sau đó bán máy cho công ty Tâm Long (ở Hà Nội), công ty Tâm Long lại tiếp tục bán cho công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản (Hà Nội). Công ty cổ phần xuất nhập khẩu khoáng sản đã tham gia đấu thầu gói thầu cung ứng máy xét nghiệm sinh hóa cho Sở Y tế và trúng thầu với giá 648 triệu đồng/chiếc.
Máy xét nghiệm sinh hóa model GA240, hãng sản xuất Greiner Diagnostic GbmH của Đức được cấp cho BV huyện Thường Tín từ ngày 9/6/2010 nhưng thực chất đến tháng 8/2010 máy này mới được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu!
Tuy nhiên, điều đáng nói là trước khi được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu gần 2 tháng, vào ngày 09/6/2010, tại BV huyện Thường Tín đã diễn ra lễ bàn giao máy xét nghiệm sinh hóa model GA240, hãng sản xuất Greiner Diagnostic GbmH của Đức giữa công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản và BV huyện Thường Tín.
Biên bản bàn giao hàng hóa ngày 09/06/2010 ghi rõ công ty cổ phần xuất nhập khẩu khoáng sản đã bàn giao đầy đủ danh mục thiết bị là máy phân tích sinh hóa tự động, Model GA 240, Hãng sản xuất: Greiner Diagnostic – Đức, năm sản xuất 2009-2010, số series: 301209003EZ.
Tại thời điểm bàn giao, máy trên đã được lắp đặt hoàn chỉnh các chi tiết và vận hành thử.
Video đang HOT
Ông Đỗ Văn Ngọc (nguyên trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV huyện Thường Tín và là người đại diện BV nhận máy tại lễ bàn giao năm 2010) cho TS biết: Tại thời điểm bàn giao máy (09/6/2010), máy sinh hóa trên đã được thực hiện đầy đủ 4 bước thủ tục để bàn giao cho BV, gồm: Kiểm tra niêm phong; bật công tắc điện kiểm tra xem máy có hoạt động không; Kết nối phụ kiện và chạy không tải; Chạy có tải.
Ngay trong ngày 9/6/2010, BV Thường Tín đã bàn giao máy này cho khoa Xét nghiệm và giao trách nhiệm quản lý cho người phụ trách cụ thể.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao máy này lại về Việt Nam và vào BV huyện của Hà Nội trước thời điểm được cấp phép gần 2 tháng?
Nhiều khả năng công ty TNHH Bình Mai đã làm giấy phép giả để nhập máy về trước khi được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, rồi dùng giấy phép giả đó để qua mặt cơ quan Hải quan, đưa máy vào Việt Nam rồi mua bán lòng vòng và cuối cùng trúng thầu vào Sở Y tế Hà Nội, sau đó cung ứng cho 6 BV tuyến huyện (Thanh Oai, Quốc Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Vân Đình, Phú Xuyên).
TS đã liên hệ nhiều lần với công ty Bình Mai để tìm câu trả lời nhưng bà Bùi Thùy Dương – GĐ công ty – không nghe điện thoại và sau đó tắt máy.
Được biết liên quan đến vụ việc này Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra. TS sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.
Cẩm Quyên
Theo_VietNamNet
Hà Nội: Máy xét nghiệm tại bệnh viện huyện là hàng Trung Quốc "đội lốt" Đức?
Nhiều máy xét nghiệm sinh hóa tại 6 bệnh viện Hà Nội đang bị nghi là hàng Trung Quốc "đội lốt" Đức, khi mà vừa đưa vào sử dụng 3 năm, nhiều máy đã "đắp chiếu" vì hỏng hóc, nhiều linh kiện máy có xuất xứ Trung Quốc, Việt Nam....
Chiều muộn ngày 29/7, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng máy xét nghiệm cũ được đưa vào bệnh viện tuyến huyện, lãnh đạo Sở Y tế đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 6 bệnh viện gồm BV Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai có sử dụng các loại máy xét nghiệm sinh hóa được cung cấp tại gói thầu số 4 năm 2010".
Cụ thể, trong ngày 29/7, tổ công tác của Sở Y tế Hà Nội đã làm việc tại BV Đa khoa Thường Tín, BV Đa khoa Hoài Đức để xác minh thông tin: máy sinh hóa tự động- Model: GA 240, hãng sản xuất Greiner Diagnostic GmbH (Đức), xuất xứ của Đức nhưng thực tế lại "trộn" linh kiện Việt Nam, Trung Quốc và chưa được hải quan đồng ý nhập khẩu vào Việt Nam.
Sở y tế Hà Nội cho biết, khi tháo máy kiểu tra phát hiện nhiều linh kiện có
xuất xứ Trung Quốc, Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tổ trưởng Tổ kiểm tra các bệnh viện cho biết kết quả kiểm tra hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa này tại hai bệnh viện là giống nhau. Theo đó, các máy được nhập về đều có đầy đủ hồ sơ đấu thầu, hồ sơ quản lý tiếp nhận máy, quá trình vận hành, sử dụng máy đều được ghi nhận kí máy. Đoàn công tác cũng lấy ý kiến những cán bộ trực tiếp sử dụng máy đều cho biết máy hoạt động tốt.
"Tuy nhiên trong quá trình vận hành, chạy có những lúc trục trặc lỗi phần mềm. Cụ thể, máy tại BV Đa khoa Thường tín hỏng bóng đèn từ tháng 7/3/2013 còn máy tại BV Đa khoa Hoài Đức hỏng bóng đèn từ tháng 11/2013. Thế nhưng đến nay cả hai máy đều chưa được thay bóng đèn nên cả năm chưa hoạt động trở lại", ông Dung nói.
Lý giải vấn đề này, ông Hiền cho biết, lỗi của hai bệnh viện này là không liên lạc với đơn vị cung cấp khi máy hỏng hóc cần thay linh kiện mà mới chỉ liên hệ với công ty cung cấp hoá chất để nhờ sửa chữa, thay tế trong khi theo hợp đồng, đơn vị cung cấp phải đảm bảo cung cấp linh kiện thay thế trong vòng 10 năm.
"Đoàn kiểm tra chúng tôi cũng trực tiếp kiểm tra hoạt động thực tế của máy, mở một số bộ phận nhất định cho thấy: cả hai máy tem nhãn có ghi sản xuất 5/2010 tại Đức. Kiểm tra bên trong đúng như thông tin báo chí phản ánh, đó là 3 quạt gió xuất xứ từ Trung Quốc, 1 quạt gió xuất xứ tại Việt Nam và 5 mô tơ máy xuất xứ tại Trung Quốc", ông Dung cho biết.
Đại diện công ty cung cấp máy chưa có lý giải thoải đáng về nguồn gốc Đức của máy xét nghiệm sinh hóa được cung cấp cho các bệnh viện.
Về phía công ty cung cấp, đại diện công ty này cho rằng công ty không phải là nhà nhập khẩu trực tiếp mà qua một đơn vị trung gian. Toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đủ giấy tờ hợp lệ như hóa đơn hàng hóa, chi tiết đóng gói hàng hóa, chứng chỉ chất lượng, chứng chỉ xuất xứ.
Kết quả xét nghiệm có chính xác? Bà Đỗ Thị Hằng, Phó trưởng khoa xét nghiệm sinh hóa BV Xanh Pôn khẳng định: bà đã từng hỗ trợ chuyên môn tại BV Hoài Đức và một số bệnh viện khác, máy khi hỏng thì không thể sử dụng phải dùng các máy xét nghiệm khác Sở Y tế điều chuyển sang. Vì thế, các kết quả xét nghiệm cho người bệnh đều chính xác.
Và việc trong máy sinh hóa tự động này có một chi tiết tem mác thể hiện là sản xuất tại Trung Quốc không ảnh hưởng đến chất lượng bởi xu thế hiện nay các nước công nghiệp trên thế giới đã có sự liên kết và toàn cầu hóa trong sản xuất, lắp ghép, hoàn chỉnh thiết bị mà vẫn phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Đức.
Sáng nay đơn vị cung cấp đã xem xét thay thế bóng đèn của các máy này để máy nhanh chóng được hoạt động trở lại bình thường.
Ông Hiền cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra các bệnh viện còn lại có hệ thống máy xét nghiệm này. Tuy nhiên, Giám đốc Sở y tế cũng chưa thể trả lời chính xác nguồn gốc những máy xét nghiệm sinh hóa đắt đỏ (648 triệu đồng/chiếc) là hàng Trung Quốc hay xuất xứ Đức.
Trước nhiều nghi vấn về chất lượng máy xét nghiệm sinh hóa, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng cũng như công tác quản lý, kiểm tra trang thiết bị y tế của Hà Nội, ngày 29/7, Bộ Y tế cũng đã có công văn, yêu cầu Sở Y tế làm rõ các nghi vấn và báo cáo về Bộ, tăng cường kiểm tra hoạt động đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế ở Hà Nội.
Chỉ kiểm tra chất lượng máy trên giấy tờ Trước câu hỏi, vì sao một nhãn hiệu máy có nguồn gốc không rõ ràng, của một hãng không chuyên, không đảm bảo về chất lượng lại trúng thầu. Các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra trên giấy tờ rồi chấp thuận thầu có phải là quá quan liêu? Ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm hiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị y tế (Viện trang thiết bị và công trình y tế) - đơn vị đứng ra nghiệm thu chất lượng máy Greiner GA 240 cho biết: "Chúng tôi chỉ kiểm tra chất lượng máy trên giấy tờ, thấy máy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật. Còn theo quy trình đấu thầu thì các máy cũng chỉ ghi tính năng kỹ thuật thông thường, không ghi nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ nên đơn vị nào đáp ứng yêu cầu về tính năng kỹ thuật thì duyệt".
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo Dantri
Vụ máy xét nghiệm vỏ Đức ruột Trung Quốc: Sở Y tế Hà Nội nói gì? - Trong số 6 bệnh viện tuyến huyện sử dụng máy xét nghiệm sinh hoá do Sở y tế Hà Nội cấp theo gói thầu số 04, ít nhất phát hiện 2 máy Greiner GA 240 ( trị giá 648 triệu đồng/máy) nhãn hiệu của Đức nhưng ruột bên lại là hàng Trung Quốc. Lý giải vấn đề trên trong cuộc họp báo...