Nhập hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ ngay khi khai sinh
Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”.
Hiện nay, các quy trình khai sinh, đăng ký hộ khẩu, làm bảo hiểm y tế cho trẻ vẫn tách biệt nhau, do các cơ quan khác nhau thực hiện.
Mục tiêu của Đề án nhằm đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục, giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên; nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc giải quyết các công việc của người dân.
Theo Đề án được Thủ tướng phê duyệt, việc liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện liên thông. Áp dụng nguyên tắc kế thừa kết quả giải quyết thủ tục hành chính nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người dân trong việc chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ.
Thời hạn giải quyết liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 15 ngày làm việc; liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 20 ngày làm việc.
Lập Cục Kiểm soát tài nguyên, môi trường biển đảo
Video đang HOT
Cũng trong ngày 1/8/2014, Thủ tướng ký quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao các nhiệm vụ và quyền hạn, như nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án và công trình quan trọng quốc gia phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
Cục này được tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, đề án về quốc phòng, an ninh, ngoại giao liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo; các cơ chế, chính sách về quản lý các ngành, nghề khai thác sử dụng tài nguyên biển do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng.
Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo thực hiện việc quản lý, điều tra cơ bản về biển, hải đảo, trong đó có việc chủ trì xây dựng chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển, đại dương; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục cấp phép đối với hoạt động nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam còn được giao thực hiện các nhiệm vụ như: Quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng biển và hải đảo; kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng biển, ven biển và hải đảo Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ..v.v.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có 16 đầu mối về cơ cấu, tổ chức, trong đó có các đơn vị như: Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Cục quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; Cục quản lý khai thác biển và hải đảo; Viện nghiên cứu biển và hải đảo.
P.Thảo
Theo Dantri
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Cán bộ phải biết... 4 xin"
"Người dân nghe nói nhiều về cải cách hành chính mà lâu nay vẫn phải xếp hàng mỏi mệt để đăng ký xe, đổi bằng lái. Cần chọn ra điểm làm đột phá. Cán bộ công chức phải biết "4 xin" đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép"...
Đây là yêu cầu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ sáng 17/4.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, công tác CCHC thời gian qua đã có kết quả cả về vấn đề cải cách thể chế; tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Trong đó đáng chú ý Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thành. Theo đó, quy định nguyên tắc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thành phải tinh gọn, hiệu quả, tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; không nhất thiết ở TƯ có bộ, cơ quan ngang bộ thì ở cấp tỉnh có tổ chức tương ứng.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan cho biết, đến nay các bộ ngành đã cắt giảm 4.066 TTHC, đạt 86%. Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ nghị quyết về một số cải cách thủ tục đối với các dự án đầu tư, theo đó sẽ rút ngắn 50% thời gian cho vay đối với các nhà đầu tư, tiết kiệm cho DN khoảng 1.200 tỷ đồng.
Về việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, đến nay Bộ Tư pháp đã công bố công khai 15 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của bộ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (với 112.282 hồ sơ TTHC và 10.635 hồ sơ văn bản có liên quan), đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, giám sát việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng, trình Thủ tướng Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ công chức, Bộ Nội vụ cho biết hiện nay công tác thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý; tuyển dụng công chức bằng hình thức thi trực tuyến và thi nâng ngạch theo hình thức cạnh tranh tiếp tục được đẩy mạnh và được coi là những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng nền công vụ.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ dẫn chứng thành công trong thi tuyển 4 chức danh ở Đồng Tháp. Tỉnh Quảng Nam cũng thí điểm thi tuyển Hiệu trưởng trường đại học Quảng Nam; Hiệu trưởng, Hiệu phó trường cao đẳng kinh tế-kỹ thuật... Bộ GT-VT thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam. Bộ Tư pháp thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Người dân nghe nói nhiều về cải cánh hành chính mà lâu nay vẫn phải xếp hàng mỏi mệt để đăng ký xe, đổi bằng lái".
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng nhận định, CCHC vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình tổng thể xác định dến năm 2015, 50% cơ quan hành chính từ TƯ đến địa phương xác định xong vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, sau đó Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức lại nâng lên 70% nhưng cho đến nay, tình hình triển khai trong cả nước rất chậm. Đây là một thực trạng đáng lo ngại.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người dân thấy nói nhiều về CCHC rồi nhưng nền hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết, vì thế cần phải tập trung làm thật tốt để nền công vụ phục vụ dân tốt hơn. Cần chọn ra những trọng điểm có thể đột phá.
"Hiện nay đã có mô hình trung tâm hành chính dịch vụ công, rất nhanh gọn, thuận lợi, minh bạch, chứ không tù mù như trước đây. Cùng với đó, các ngành, các địa phương cũng phải làm tốt cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông. Phải dần dần bỏ tình trạng người dân phải xếp hàng mỏi mệt để đăng ký xe, đổi bằng lái..", Phó Thủ tướng gợi ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu từng ngành, địa phương, đơn vị phải có kế hoạch CCHC của mình. Trong đó, vấn đề con người là quan trọng nhất, dù có cải cách đến mấy mà không có con người đủ phẩm chất, năng lực thì cải cách khó thành công. "Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Xây dựng muốn thêm hàng chục nghìn người có công được hỗ trợ nhà ở Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng thêm 4 năm (2015-2018) để tạo cơ hội cải thiện chỗ ở cho thêm hàng chục nghìn người có công. Bộ trưởng Xây dựng cho biết, theo Quyết định số 22 năm 2013...