Nhanh chóng kiểm điểm Chủ tịch UBND xã để xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra môi trường
Thời gian đầu khi dịch tả lợn châu Phi mới phát sinh, người dân chưa được tuyên truyền nên đã xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra môi trường. Huyện Đan Phượng đã nhanh chóng xử lý kiểm điểm với người đứng đầu địa phương.
Chiều 11-6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên ngày 6-4 tại một hộ gia đình ở khu chăn nuôi tập trung thôn La Thạch, xã Phương Đình. Ngay khi xảy ra dịch, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác, tổ kiểm tra, lập các chốt kiểm dịch trên địa ban toàn huyện. Chủ động cập nhật thông tin và tích cực tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cùng đó, tổ chức các hội nghị khẩn cấp về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với Ban chỉ đạo phòng chống dịch, các phòng ban, ngành chuyên môn ở huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn. Hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng, chống dịch bệnh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh đến từng hộ, thôn, xóm, kịp thời khoanh vùng, khống chế.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, mặc dù đã được các cấp ngành tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với dịch bệnh tả lợn châu Phi nhưng do yếu tố thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nhiều huyện tiếp giáp đã xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng.
Việc phòng dịch tả lợn châu Phi chủ yếu phụ thuộc vào việc khử trùng, sát khuẩn của mỗi hộ chăn nuôi. Ảnh:T.A
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển có nơi chưa chặt chẽ, địa điểm tiêu huỷ chưa chuẩn bị tốt, việc tiêu huỷ lợn với số lượng lớn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường; công tác khử trùng tiêu độc ở một số xã còn hạn chế, vẫn có hộ vứt xác lợn ra môi trường và do mưa trong thời gian từ 30-4 đến tháng 5 làm phát tán vi-rút gây bệnh.
Đến ngày 9-6 trên địa bàn tổng đàn lợn còn 68.000 con, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 578 hộ chăn nuôi của 16 xã, thị trấn, số lợn phải tiêu huỷ đến ngày 9-6 là 13.534 con, khối lượng 1.115,5 tấn.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thường trực huyện uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện tới xã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo thông báo của Thường trực Thành uỷ về công tác phòng dịch tả lợn châu Phi.
Song song đó, căn cứ hướng dẫn của Sở Tài chính Hà Nội, UBND huyện đã hỗ trợ 3 đợt tiêu huỷ cho 178 hộ với số tiền là 9,6 tỷ đồng; đợt 4 hỗ trợ tiêu huỷ cho khoảng 100 hộ với tổng số tiền khoảng 6 tỷ đồng, công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng và theo quy định của TP.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của PV báo PL&XH về việc vì sao có tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường là ở xã Hồng Hà, đã được chúng tôi xử lý triệt để bằng văn bản. Hiện tượng này xảy ra ở thời gian đầu dịch mới phát sinh, người dân chưa có kiến thức nên nghĩ lợn bị ốm đau đơn giản do chuyển mùa nên vứt đi mà không nghĩ đến lợn bị dịch tả châu Phi chứ không có chuyện không hỗ trợ kịp thời. Đến nay, sau khi được tuyên truyền người dân đã hiểu, khi có lợn ốm báo cho cán bộ thú y đến lấy mẫu test và tiêu huỷ đầy đủ theo quy định.
Thời gian qua, huyện đã gắn trách nhiệm với lãnh đạo chính quyền xã và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trường hợp xã Hồng Hà xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường chúng tôi đã xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã vì không tuyên truyền, vận động đến tận nhân dân. Trong cuộc họp giao ban, chúng tôi đã lập biên bản phê bình Chủ tịch xã Hồng Hà.
Dự báo tình hình dịch tả lợn châu Phi còn phát sinh, lây lan và ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân tự phòng chống dịch. Thực hiện “5 không, 4 tại chỗ”: Không giấu dịch, không vứt xác động vật ra môi trường, không tiêu thụ lợn mắc bệnh, không sử dụng thức ăn chưa qua xử lý…
Đến nay dịch bệnh đã chững lại nhưng việc ngăn chặn còn phụ thuộc vào thời tiết. Thời tiết xấu, lợn yếu miễn dịch kém nên huyện đang nỗ lực tập trung phòng dịch đảm bảo đời sống người dân. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời, động viên người dân để tạo điều kiện cho họ quay sang làm việc khác, nâng cao đời sống. Hiện trên địa bàn huyện có một số hộ kết thúc nuôi lợn và chuyển sang chăn nuôi gia cầm, không để chuồng trống.
Thịnh An
Theo PL&XH
Chung cư Tân Tây Đô vi phạm nghiêm trọng về PCCC, bao giờ bị xử lý?
KĐT Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư được phản ánh đã "cắt xén" các thiết bị PCCC, hệ thống hỏng hóc, xuống cấp, hạ tầng không đảm bảo,... Trải qua nhiều lần kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng tình trạng trên vẫn không thay đổi.
4 lần kiểm tra hệ thống PCCC vẫn không đảm bảo
Tòa chung cư CT02 A và B, KĐT Tân Tây Đô được Cty Cổ phần đầu tư Hải Phát bàn giao cho khách hàng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014. Tuy nhiên, sau đó 3 năm, đến ngày 13/10/2017 tòa nhà CT02 mới được xác nhận nghiệm thu PCCC theo văn bản số 390/NT-PCCC-P3.
Kể từ thời điểm có văn bản nghiệm thu, tòa chung cư CT 02 đã trải qua 4 lần kiểm tra PCCC, tuy nhiên, các tồn tại vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục, cư dân tại tòa CT02 vẫn nơm nớp hiểm họa cháy nổ.
Tòa nhà CT02 A-B, KĐT Tân Tây Đô vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn PCCC
Theo phản ánh của người dân, hiện nay nhiều thiết bị, hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, theo hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt, hoàn công được chủ đầu tư bàn giao, hệ thống các thiết bị có sự khác biệt, có dấu hiệu bị "cắt xén" một cách nghiêm trọng.
Cụ thể, đầu báo cháy tại khu vực tầng hầm theo bản vẽ hoàn công 2017 có 290 đầu, nhưng hiện trạng chỉ có 187 đầu, thiếu tới 103 đầu. Đầu Sprinkler (phun nước tự động) thiếu 88 chiếc so với thiết kế, ngoài ra, các modul van bướm tín hiệu không được cài đặt địa chỉ và không gửi tín hiệu về các tủ báo cháy.
Số lượng các modul cũng có dấu hiệu bị "cắt xén", tại các tầng 17, 23, 24, 25 của block A hiện trạng chỉ có 3 modul trong khi bản vẽ thẩm duyệt là 4. Các modul đã được lắp đặt tại các tầng 1, 3 của block B, tầng 24 của block A... nhiều modul lỗi, hỏng nhưng tín hiệu không được truyền về tủ.
Theo biên bản kiểm tra PCCC ngày 4/6 của CA huyện Đan Phượng, hệ thống báo cháy và hệ thống chữa cháy của tòa nhà CT02 không đảm bảo việc liên động nhau về hoạt động chữa cháy.
Các van khóa điện và công tắc dòng chảy trên đường ống cấp nước từng tầng không đảm bảo tín hiệu về hệ thống báo cháy tự động. Đáng chú ý, hệ thống màn ngăn cháy Drencher tại tầng hầm không hoạt động theo chế độ tự động quy định mà chỉ vận hành khi được kích hoạt bằng tay.
Với việc các thiết bị PCCC tự động không hoạt động, lỗi, hỏng... trong trường hợp tòa nhà có sự cố hỏa hoạn, cư dân tại tòa CT02, KĐT Tân Tây Đô buộc phải tự phát hiện và kích hoạt các thiết bị bằng tay để chữa cháy.
Vì sao cư dân phải sống chung với "bà hỏa"?
Trước thực trạng, hệ thống PCCC không đảm bảo dù đã nhiều lần được cơ quan chức năng kiểm tra, người dân sống tại tòa CT02, KĐT Tân Tây Đô đang phải sống trong mối lo về an toàn tính mạng.
Anh Hồ Sỹ Thắng, thành viên ban quản trị tòa CT02 cho biết: "Thời gian vừa qua, đội PCCC của huyện Đan Phượng có xuống kiểm tra, các hạng mục gần như không có cái nào đạt tiêu chuẩn. Việc hệ thống PCCC như vậy khiến công tác phòng ngừa, cứu hộ khi có sự cố xảy ra không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống người dân".
Cũng theo anh Thắng, vấn đề lớn nhất là việc các thiết bị thiếu hụt so với biên bản nghiệm thu hoàn công. Hàng trăm phần cứng bị "cắt xén" khiến người dân nghi ngờ và bức xúc.
Những hình ảnh không khó để bắt gặp tại KĐT Tân Tây Đô.
Ban quản trị tòa CT02 thông tin thêm, trong năm 2019 sẽ có các đợt kiểm tra PCCC lần thứ 5, 6. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc kiểm tra mà không có các chế tài xử lý nghiêm minh khiến tình trạng vẫn sẽ như các lần trước.
Đem những bức xúc, mối nguy tiềm ẩn của người dân tại tòa CT02 trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoàng, chủ tịch UBND huyện Đan Phượng. Ông Hoàng cho biết, huyện đã nhận được thông tin về việc hệ thống PCCC tại tòa CT02 không đảm bảo và đã tổ chức họp để tìm giải pháp.
"Chúng tôi đã nhận được thông tin và từ hôm đó đã tổ chức họp mấy lần, tuy nhiên vấn đề đó thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng." - ông Hoàng nói.
Việc các thiết bị PCCC ngày càng xuống cấp, chủ đầu không có động thái thay đổi, chính quyền các cấp chỉ kiểm tra cho có, đùn đẩy trách nhiệm. Đến bao giờ hàng nghìn người dân tại tòa CT02 mới thoát khỏi cảnh nơm nớp lo lắng "bà hỏa" đến thăm bất cứ lúc nào?
Khu đô thị Tân Tây Đô có diện tích 21 ha, nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư.
Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2014, kể từ dấu mốc ấy, cư dân nơi đây phải đối mặt với muôn vàn bức xúc từ sự bất tín của chủ đầu tư Hải Phát. Từ việc nguồn nước nhiễm asen, cơ sở hạ tầng xuống cấp, "phù phép" diện tích chung, vi phạm các quy định về an toàn PCCC...
UBND huyện Đan Phượng cũng đã nhiều lần lên tiếng "chỉ mặt đặt tên" sai phạm của chủ đầu tư Hải Phát. Cư dân nhiều lần chăng băng rôn, biểu ngữ, làm đơn thư kêu cứu với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay các vấn đề tồn tại vẫn chưa được xử lý.
Theo Danviet
Quảng Ninh lên phương án đưa lợn quý ra đảo để tránh dịch Ngày 10-6, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa chấp thuận đề xuất của ngành Nông nghiệp về phương án đưa một số giống lợn quý ra đảo để bảo tồn trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lây lan. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nnông thôn Quảng Ninh, đến nay dịch tả lợn...