Nhân viên trật tự đô thị ồ ạt nghỉ việc: Lương thấp, lắm đụng chạm
Lương thấp, công việc thường đụng chạm, gia cảnh khó khăn nên nhiều người đành bỏ việc.
Theo báo cáo mới nhất từ 24 quận – huyện ở TP HCM, tình hình thiếu nhân sự của lực lượng quản lý trật tự đô thị (TTĐT) đang rất nghiêm trọng. Riêng quận 1, trong năm 2016 có 62 trường hợp nghỉ việc. Năm nay, đến thời điểm này có thêm 29 nhân viên, cộng tác viên (CTV) nộp đơn xin không đảm nhiệm công việc này nữa. Lực lượng này của quận 9 và quận Tân Phú có 14 người nhưng 7 người nghỉ, quận Bình Tân cũng có 8 cán bộ nghỉ.
Tiền lương ít, chuyện buồn nhiều
Lý giải về chuyện này, ông Trần Thế Thuận – Chủ tịch UBND quận 1 – cho biết do mức lương của họ quá thấp (2 triệu đồng/tháng), chỉ đủ đổ xăng, ăn sáng, nhiều người còn không đủ tiền đóng học phí cho con. Chưa kể những tháng qua, khi lực lượng liên ngành ra quân liên tục để dẹp bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè thì công việc của họ thêm nặng nề.
Nhân viên Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, TP HCM cắt bỏ hàng rào lấn chiếm vỉa hè.
Một lãnh đạo UBND quận Thủ Đức cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý TTĐT cả cấp quận và cấp phường ra quân gần 5.000 lượt, trung bình mỗi ngày trên 25 lượt tuần tra, nhắc nhở, xử lý tình trạng lấn chiếm. “Lương 2 triệu đồng/tháng, chia ra mỗi ngày công hơn 66.000 đồng. Nhưng để ra quân xử lý, hầu hết nhân viên phải dùng xe máy để di chuyển. Như vậy, trừ tiền ăn sáng, đổ xăng chắc chắn không thể còn tiền để lo các chi phí khác” – vị lãnh đạo UBND quận Thủ Đức bày tỏ.
Ông Trần Văn Mau, Đội trưởng Đội Quản lý TTĐT quận 9, cho biết mới đây, một tổ công tác ra quân dẹp chợ tự phát tại ngã ba Long Trường của quận này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Sau đó, có cán bộ bị đuổi đánh và tạt cả nước rửa cá vào người. “Hôm đó, anh em về rất mệt mỏi. Công việc ở đây thường xuyên va chạm và ít được sự ủng hộ từ người dân vì đụng đến quyền lợi, thậm chí nồi cơm của họ” – ông Mau bày tỏ.
Video đang HOT
Sống nhờ gia đình
Theo chia sẻ của anh V.T.T – một CTV Đội Quản lý TTĐT quận Bình Tân, suốt 2 năm công tác anh nhận lương 2 triệu đồng/tháng và có những đợt cao điểm thì được tăng phụ cấp. Để gắn bó với công việc, anh phải dựa vào kinh tế gia đình và làm thêm bằng việc buôn bán xe máy. Anh T. khẳng định nhiều anh em cùng công tác với anh hiện sống rất chật vật.
Một lãnh đạo UBND quận 6 nói địa phương này có 10 biên chế công chức trong Đội Quản lý TTĐT nhưng 5 người phải đảm nhận công việc văn phòng, trong khi quận có đến 159 tuyến đường và 4 chợ. Để có thể ra quân liên tục thì phải ký hợp đồng với các CTV. Điều trăn trở là những người làm được việc thì phải nghỉ vì thu nhập không bảo đảm, những người chấp nhận làm là trường hợp gia đình có điều kiện kinh tế khá ổn định hoặc đang chờ một công việc khác.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nói tình trạng này rất căng suốt nhiều năm qua. Giải pháp đưa ra chỉ có thể là tìm mọi nguồn kinh phí có trong khả năng của quận để bồi dưỡng thêm cho anh em 600.000 đồng/người/tháng.
Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, nhìn nhận việc lương thấp, áp lực cao đã được địa phương thấy rõ kể từ khi giải tán đội thanh tra xây dựng cấp quận, huyện. Từ đó, để có thể bao quát hết mọi việc thì phải ký thêm hợp đồng với người ngoài mà theo quy định, chỉ khoán lương chứ không theo hệ số như công chức, viên chức. “Giải pháp địa phương đưa ra là luân chuyển các CTV, viên chức sang các vị trí khác liên tục để tránh áp lực, góp phần hạn chế nghỉ việc” – ông Hà nói.
Trước tình hình này, mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính đến từng quận, huyện ghi nhận thực tế và có những đề xuất cụ thể cho lực lượng này.
Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú: Đâu dám tự nâng lương Trước thực trạng lực lượng này không có BHXH và BHYT, tôi đã chỉ đạo chủ tịch UBND các phường linh động sử dụng kinh phí được trích trong xử phạt vi phạm hành chính để mua cho anh em nhằm bảo đảm phần nào quyền lợi. Còn về lương, chúng tôi cũng nhiều năm và nhiều lần kiến nghị UBND TP xem xét. Địa phương cũng không dám tự nâng lương vì sợ sau này kiểm tra xuất toán thấy chênh lệch chẳng lẽ bắt anh em nộp lại phần tiền nhận hơn quy định. Bởi vậy, lãnh đạo quận chỉ có thể quan tâm, động viên anh em trong khả năng cho phép. Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, Đoàn Luật sư TP HCM: Giải quyết nội bộ trước đã Cần đặt câu hỏi vì sao trước kia lương 2 triệu đồng/tháng mà có những nhân viên quản lý TTĐT sống khỏe? Phải chăng nhận việc, nhận lương rồi để đó hoặc có “trợ cấp” từ những người lấn chiếm vỉa hè? Rõ ràng ở đây muốn “cuộc chiến giành lại vỉa hè” thành công thì chính quyền TP nên giải quyết nội bộ bên trong trước đã. Phải tổ chức đào tạo theo hướng chuyên nghiệp cho lực lượng này và nâng lương để họ yên tâm công tác. Hoặc khi kinh phí chưa bảo đảm thì nên đề nghị các lực lượng như công an, dân quân tự vệ tăng cường trong “chiến dịch” vỉa hè.
Theo Lê Phong (Người Lao Động)
Hàng loạt nhân viên đô thị TP HCM nghỉ việc vì 'không đủ sống'
Cộng tác viên trật tự đô thị lương chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng trong khi công việc cực khổ, nguy hiểm... nên nhiều người xin nghỉ.
"Từ khi thành phố phát động phong trào lập lại trật tự lòng lề đường, chúng tôi phải căng mình làm. Ban đầu chỉ là các đợt ra quân nhưng nay trở thành thường nhật. So công sức bỏ ra với đồng lương thu về thật không tương xứng", nam cộng tác viên trật tự đô thị tại quận 1 cho biết.
Anh bảo đang sống rất khó khăn với thu nhập chỉ xấp xỉ 3 triệu đồng mỗi tháng trong khi lượng công việc "tăng đột biến". "Không đủ trang trải nên tôi và nhiều đồng nghiệp phải làm thêm ngoài giờ kiếm tiền lo cho gia đình, trong khi việc chính đã rất mệt mỏi", anh nói.
Một cán bộ khác cho hay, việc quản lý trật tự đô thị có ba khó khăn: áp lực giữ vỉa hè luôn thông thoáng từ cấp trên; trực tiếp làm việc với người vi phạm nên thường xuyên bị chửi mắng, đe dọa; mức lương quá thấp.
Như hôm 11/4, anh Lê Công Trung - cán bộ trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1) - khi xử lý vi phạm trên vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị người đàn ông tên Nguyễn Hoàng Sơn tấn công, gây thương tích.
Hay đầu năm, phó chủ tịch phường ở quận Bình Tân trong khi đi xử phạt, nhắc nhở các hành vi lấn chiếm lòng lề đường bị nhóm người dùng cây sắt đánh gãy tay...
Cán bộ trật tự đang phải chịu nhiều áp lực trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Ảnh: Hữu Công.
Tổng kết công tác lập lại trật tự lòng lề đường mới đây, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cũng nói về việc cộng tác viên trật tự đô thị của 10 phường nghỉ việc. Năm 2016 có 62 người nghỉ, đến giữa năm nay có thêm 29 trường hợp và nguyên nhân cũng do lương quá thấp, cường độ lao động cao.
Quân số của lực lượng đô thị quận trung tâm TP HCM hiện là 246 người, thiếu 112 người so với quy định khiến công tác lập lại trật tự lòng lề đường, chốt chặn tại các khu vực "nóng" giờ cao điểm gặp khó khăn.
Tình trạng này cũng phổ biến tại địa bàn khác. Trong đó, quận Thủ Đức có 38 cán bộ nhưng đã nghỉ 8; quận 9 và quận Tân Phú có 14 người thì 7 người nghỉ; quận Bình Tân 8 người...
"Công việc của đội trật tự đô thị có đặc thù riêng, anh em làm ngoài giờ, ban đêm... và thường xuyên đụng chạm, bị người dân phản ứng. Với quy định hiện nay, lương chỉ 2 triệu đồng cộng với một chút phụ cấp thì thu nhập của anh em chỉ hơn 2 triệu. Mức lương này anh em bươn chải cuộc sống không nổi, có công việc khác thu nhập tốt hơn thì họ sẽ đi", ông Nguyễn Nam Hải - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức - chia sẻ.
Do mức lương chưa đạt tối thiểu vùng (3.750.000 đồng) nên không đủ tiêu chuẩn làm bảo hiểm cho cộng tác viên trật tự đô thị. Ông Hải cho biết, vấn đề này địa phương đã kiến nghị thành phố từ lâu. Ngoài ra, do tính chất đặc thù của công việc nên cần có thêm sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố để giữ được nhân viên.
"Sở Nội vụ đang trình UBND, HĐND thành phố hỗ trợ thêm cho nhân viên trật tự đô thị, chứ anh em xin nghỉ như vậy rất căng. Họ là những người làm lâu năm đã có kinh nghiệm, nhận người mới vào làm phải tốn nhiều thời gian đào tạo mà không đảm bảo được chất lượng, yêu cầu đề ra", ông Hải nói.
Nhìn nhận sự việc tương tự tại quận Tân Phú, một lãnh đạo UBND quận đề nghị: "Anh em đô thị không đạt mức lương được hưởng các chính sách, mong thành phố quan tâm nhiều hơn".
Trung Sơn
Theo VNE
Hé lộ lý do nhân viên trật tự đô thị TP.HCM ồ ạt xin nghỉ việc Mức lương thấp, thiếu chế độ bảo hiểm mà áp lực công việc cao, phải thường xuyên làm việc ngoài giờ, ban đêm... khiến cuộc sống của cộng tác viên trật tự đô thị gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trước áp lực lớn trong giai đoạn cao điểm "giành lại vỉa hè", cộng tác viên trật tự đô thị tại nhiều quận,...