Nhân viên ngân hàng nào “giàu” nhất?
Báo cáo tài chính vừa được các nhà băng công bố cho thấy, mức lương trung bình của nhân viên dao động từ 10 triệu – 20 triệu đồng/tháng. Dẫn đầu thị trường vẫn là những cái tên quen thuộc như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MBB…
Thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng từ 10 triệu – 20 triệu đồng/tháng.
Hàng loạt nhà băng vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, cùng với con số về lợi nhuận, thị trường cũng đón nhận thông tin về các khoản lương, thưởng nhân viên một trong những ngành kinh doanh “ nóng” hiện nay.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014 đã được soát xét cho thấy: Trong quý II, lợi nhuận sau thuế đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.060 tỷ đồng và qua đó, nâng lãi 6 tháng lên 2.230 tỷ đồng, tăng 12,4% so với 6 tháng đầu năm 2013.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank dành hơn 1.553,2 tỷ đồng trong quỹ lương chi cho cán bộ công nhân viên. Tính ra, mỗi nhân viên nhà băng này nhận trung bình 111,9 triệu đồng/6 tháng, tương đương 18,6 triệu đồng/tháng.
Tại thời điểm 30/6, Vietcombank đang có 1 Hội sở chính, 1 Sở giao dịch, 1 Trung tâm đào tạo, 89 chi nhánh; 3 công ty con tại Việt Nam, 2 công ty con tại nước ngoài, 3 công ty liên doanh, 2 công ty liên kết và 1 văn phòng đại diện đặt tại Singapore. Toàn ngân hàng có 13.873 nhân viên, tăng nhẹ 9 nhân sự so với 31/12/2013.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Quân đội (MBB) đạt 1.702 tỷ đồng và sau thuế 1.338 tỷ đồng, giảm lần lượt 5,4% và 1,6% so với cùng kỳ 2013. Tính đến 30/6, Ngân hàng Quân đội có 6.389 cán bộ, công nhân viên, với tổng thu nhập trên 689,2 tỷ đồng. Tính ra, tiền lương bình quân tháng của nhân sự nhận hàng này là 10,274 triệu đồng và thu nhập bình quân tháng gần 18 triệu đồng/người.
Cùng với “top” nhà băng trả lương cao nhất cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm còn có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với mức lương trung bình gần 19 triệu đồng/tháng.
Nhân viên các nhà băng: VietinBank, Sacombank, Techcombank, ACB lần lượt nhận các mức lương trung bình: 17,9 triệu, 17,2 triệu, 16,9 triệu và 15,5 triệu đồng/tháng.
Video đang HOT
Với tổng lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 614,31 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lũy kế đạt 1.201 tỷ, tăng gần 9% so với cùng kỳ, Sacombank cũng đã tăng cường đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự. Tại thời điểm 30/6/2014, Sacombank có 11.089 nhân viên, tăng 303 người so với thời điểm cuối quý 1/2014.
6 tháng đầu năm, quỹ lương của Sacombank đạt 1.072,99 tỷ đồng. Theo đó, trung bình mỗi nhân viên của ngân hàng nhận 96,76 triệu đồng/người/6 tháng, tương ứng 16,13 triệu đồng/người/tháng.
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank) công bố cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong các chỉ tiêu quan trọng của nhà băng này giai đoạn 6 tháng đầu năm. Tính riêng quý II/2014, lợi nhuận sau thuế của Eximbank giảm tới 41,6% so với cùng kỳ, còn 169,1 tỷ đồng. Qua đó, đưa mức lãi 6 tháng đạt 515 tỷ đồng, bằng 88,6% cùng kỳ 2013.
Dù vậy, sáu tháng đầu năm, số lượng nhân sự tại Eximbank chỉ giảm nhẹ 6 người. Tổng số nhân sự tại thời điểm 30/6/2014 là 5.256 người, tính ra, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này xấp xỉ gần 11 triệu đồng/người/tháng.
Nhóm Ngân hàng Đại chúng (PVcomBank), Đại dương (OceanBank), Dầu khí Toàn cầu (PGBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội có mức lương trung bình từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng…
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố, trong kỳ, ngân hàng có lãi 472,6 triệu đồng, mặc dù khiêm tốn song đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 8,5 tỷ đồng cùng kỳ 2013. Mặc dù vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, mức lãi của ngân hàng lại giảm sút mạnh 63,3% còn 2,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, toàn ngân hàng có 1.373 nhân viên, giảm 179 người so với 1 năm trước đó. Tuy nhiên, tiền lương bình quân của người lao động lại tăng, đạt 9,1 triệu đồng/ tháng, so với mức 8,24 triệu đồng năm ngoái. Thu nhập bình quân đạt 9,75 triệu đồng, tăng gần 12% sau 1 năm.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Khối tài sản khổng lồ của nhà ông Trầm Bê tại Sacombank và Southern Bank
Gia đình ông Trầm Bê đang vi phạm Luật các tổ chức tín dụng 2010 về sở hữu tại Southern Bank khi nắm trên 20% vốn, nhưng nếu kịch bản sáp nhập Sacombank - Southern Bank hiện thực hóa thì bài toán vượt trần này sẽ được giải quyết.
Gia đình ông Trầm Bê là nhóm cổ đông lớn của cả hai ngân hàng Southern Bank lẫn Sacombank.
Năm 2012 thị trường ngân hàng chấn động với sự kiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bị thâu tóm bởi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), thời điểm đó cái tên Southern Bank và một nhân vật kín tiếng là Trầm Bê mới bắt đầu xuất hiện rõ nét, mặc dù ông Bê đã đầu tư ngân hàng từ 10 năm về trước (2004).
Lúc này, dư luận ngỡ ngàng khi Đại hội đồng cổ đông 2012 khép lại với một loạt gương mặt mới và đa số đến từ Ngân hàng TMCP Phương Nam - một ngân hàng nhỏ, trong khi, sự chú ý suốt một khoảng thời gian dài đều tập trung về Eximbank.
Cũng từ thời điểm này, người ta mới được "mục sở thị" khối tài sản khổng lồ và quyền lực mà ông Trầm Bê và gia đình nắm giữ thông qua những biến động trong sở hữu cổ phần tại Sacombank cũng như Southern Bank.
Từng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Southern Bank, số cổ phần mà ông Bê nắm giữ tại nhà băng này lên tới 33,36 triệu đơn vị, chiếm tỉ lệ 8,36% vốn điều lệ - và nếu chiểu theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì rõ ràng ông Bê đã vi phạm luật, vượt trần sở hữu cho phép đối với một cá nhân là 5% tại một tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cộng lại tổng tỉ lệ sở hữu của gia đình ông Bê tại ngân hàng này cũng vượt trần 20% cho phép. Theo đó, con trai ông Bê là ông Trầm Trọng Ngân có 17,68 triệu cổ phần tương ứng 4,42%; con gái Trầm Thuyết Kiều có 29,42 triệu cổ phần tương ứng 7,36% và con rể Lê Trọng Trí (Chồng bà Trầm Thuyết Kiều) có 2,69 triệu cổ phần tương ứng 0,67%.
Tổng cộng, nhà ông Trầm Bê có 83,25 triệu cổ phần tại Southern Bank và đồng nghĩa với việc đang sở hữu 20,81% ngân hàng này. Tính theo mệnh giá cổ phiếu, khối tài sản mà gia đình ông Bê đang có tại Southern Bank vào khoảng 832,5 tỷ đồng.
Hồi tháng 4 năm ngoái, ông Bê đã từ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank để chuyển sang vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, trong khi các vị trí quan trọng tại Southern Bank vẫn đang do 2 con ông Bê nắm giữ: ông Trầm Trọng Ngân hàng Phó Chủ tịch HĐQT và bà Trầm Thuyết Kiều là Phó Tổng giám đốc.
Tại Sacombank, gia đình ông Bê cũng sở hữu một khối lượng cổ phần khá lớn và đảm nhiệm những vị trí quan trọng. Đáng chú ý, con trai thứ của ông Bê là Trầm Khải Hòa còn rất trẻ (sinh năm 1988) nhưng đã Thành viên HĐQT với sở hữu lên tới 24,03 triệu cổ phần STB, chiếm tỷ lệ 1,93% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, hai người con khác là Trầm Trọng Ngân và Trầm Thuyết Kiều đang là lãnh đạo tại Southern Bank cũng sở hữu lần lượt 54,72 triệu cổ phần (tương ứng 4,4%) và 3,6 triệu cổ phần tương ứng 0,3%. Qua đó đưa tổng khối lượng cổ phần mà gia đình ông Bê nắm giữ tại Sacombank lên tới 84,2 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ 6,78% vốn điều lệ và trở thành nhóm cổ đông lớn của ngân hàng này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB của Sacombank hiện đang giao dịch với thị giá gấp đôi mệnh giá (đóng cửa phiên 6/3 đạt 20.100 đồng). Như vậy, tổng tài sản của gia đình ông Trầm Bê đang có tại Sacombank ước tính gần 1.700 tỷ đồng.
Trước giả thiết hiện nay cho rằng Sacombank sẽ sáp nhập Southern Bank, đây được coi là cách giúp cổ đông Trầm Bê và gia đình tránh được việc vi phạm vượt sở hữu cho phép ở Southern Bank, giảm tỉ lệ xuống dưới 20% vốn điều lệ của ngân hàng sau sáp nhập. Trong trường hợp lý tưởng, tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1, vốn điều lệ của ngân hàng sau hợp nhất sẽ lên hơn 16.400 tỷ đồng, tương đương 1.624,5 triệu cổ phiếu.
Tính theo phép cộng dồn, lúc này, tổng cổ phần mà gia đình ông Trầm Bê sở hữu tại ngân hàng sau sáp nhập sẽ là 167,44 triệu cổ phần và tỉ lệ sở hữu giảm xuống còn trên 10%.
Tuy nhiên, mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào cổ đông hai bên và sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Nếu xét về mặt hoạt động, Sacombank hiện đang vượt trội hơn cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động trong khi Southern Bank với quy mô nhỏ, khả năng sinh lời lại thấp.
Hiện tại Southern Bank chưa công bố kết quả hoạt động kinh doanh cũng như Báo cáo tài chính 2013. Tuy nhiên, theo các dữ liệu đã có thì cuối 2013, ROA và ROE của ngân hàng tương ứng chỉ đạt 0,16% và 2,78%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng/2013 chỉ đạt 225 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 1/10 Sacombank), với tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,79% (thuộc diện bắt buộc phải bán nợ cho VAMC).
Tuy nhiên, nếu thương vụ này thành công thì ngân hàng sau sáp nhập sẽ vươn lên xếp thứ 5 toàn hệ thống xét về quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu.
Bích Diệp
Theo Dantri
Lê Vũ Kỳ: Tiến sỹ toán vỡ mộng theo Bầu Kiên Nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Lê Vũ Kỳ - bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên - là một lãnh đạo kín tiếng. Tuy nhiên, trong giới tài chính ông khá nổi tiếng, được biết đến như một người thức thời với cái mới, nghiêm túc và nhiệt huyết cao trong công việc. Con đường thăng tiến của một...