Nhân viên Microsoft cũng bị tấn công… bằng e-mail
Sau khi một loại tài khoản trên mạng xã hội của Microsoft bị hacker tấn công, hôm nay, hãng công nghệ Mỹ cho biết một số tài khoản e-mail của nhân viên đã bị Nhóm Quân đội Syria điện tử- SEA khống chế.
Một đợt tấn công của nhóm tin tặc SEA đang nhắm vào gã khổng lồ Microsoft.
Cuối tuần qua, Nhóm Quân đội Syria điện tử- SEA (Syrian Electronic Army) là nhóm những người ủng hộ Tổng thống Syria, Bashar Assad đã bắt đầu gây hấn với Microsoft bằng cuộc tấn công và chiếm đoạt quyền điều khiển các tài khoản Twitter của Bộ phận Xbox, Xbox Support và cả tài khoản Instagram của Xbox. Ngoài ra, tài khoản trên blog TechNet của Microsoft cũng bị khống chế.
Hôm nay, Microsoft đã lên tiếng khẳng định ngoài một số tài khoản trên mạng xã hội của hãng này bị tấn công thì một số lượng rất nhỏ tài khoản e-mail nhân viên đã bị Nhóm SEA khống chế.
Nhóm tin tặc này tự xưng là Quân đội Syria điện tử- SEA nổi lên từ một số vụ đánh cắp thông tin người dùng từ một vài năm nay đã đăng trên twitter 3 đoạn e-mail được cho là của các nhân viên Microsoft trên nền tảng Outlook Web Accesss. Ảnh chụp màn hình lưu lại một vài đoạn hội thoại giữa các nhân viên Microsoft nói về các cuộc tấn công vào tài khoản Twitter của hãng này.
Sau hành động của nhóm tin tặc, một phát ngôn viên của Microsoft đã cho biết: “Một đợt tấn công Phishing đã gây ảnh hưởng đến một số lượng nhỏ tài khoản e-mail và mạng xã hội của các nhân viên Microsoft. Những tài khoản này đã được cài đặt lại và không có thông tin khách hàng nào bị khống chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ nhân viên của mình cũng như các tài khoản cá nhân trong thời gian tới”.
Video đang HOT
Nhóm tin tặc này hôm qua còn đăng tải một đoạn tweet cho biết cuộc tấn công vào gã khổng lồ Mỹ vẫn chưa kết thúc.
Trước đó, nhóm tin tặc tự xưng là SEA mới đây cũng đã thực hiện một loạt vụ tấn công vào các hãng tin tức Onion, dịch vụ nhắn tin Viber, và các hãng tin lớn trên thế giới là AP (Associated Press), NPR, CBS the Guardian, và BBC.
Theo Dantri
Tin tặc ở Trung Quốc là một "nghề" thông dụng
Tại Trung Quốc, việc dùng internet và các phần mềm để thâm nhập vào hệ thống máy tính, lần ra nguồn gốc phát tán thông tin trực tuyến và đánh cắp bí mật thương mại được thảo luận công khai tại các diễn đàn, trường học, viện nghiên cứu và thậm chí là được quảng bá tại các hội chợ triển lãm, theo tờ New York Times (Mỹ).
Bộ Giáo dục Trung Quốc và các trường đại học nhiều lần kết hợp với các doanh nghiệp trong nước để tài trợ cho các cuộc thi về tấn công điện tử, New York Times dẫn lời một chuyên gia an ninh mạng Trung Quốc giấu tên đang làm việc tại một viện nghiên cứu cấp nhà nước.
Ông này tiết lộ rằng, dù "chất lượng của các cuộc thi này chỉ làng nhàng mà thôi", nhưng chúng cũng thu hút sự chú ý của các tuyển trạch viên quân đội.
Các công ty Trung Quốc còn thuê các tin tặc hoạt động độc lập để do thám các công ty đối thủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, một tin tặc Trung Quốc đã giải nghệ khẳng định chuyện một công ty vật liệu xây dựng hàng đầu Trung Quốc tiến hành ăn cắp bí mật thương mại của đối thủ bằng gián điệp mạng mà báo chí nước này đăng tải gần đây là có thật.
Lãnh đạo một công ty nhà nước Trung Quốc khoe với New York Times rằng đội ngũ kĩ thuật viên của công ty ông này có thể đột nhập vào máy tính của một người bất kì, sao chép toàn bộ dữ liệu trong ổ cứng và ghi nhận những kí tự trên bàn phím mà người này gõ.
Những công nghệ nói trên được quảng bá tràn lan tại triển lãm thiết bị "tác nghiệp" dành cho cảnh sát ở Bắc Kinh hôm 15/5 vừa qua, nhân viên tiếp thị của công ty cung cấp dịch vụ theo dõi bình luận trực tuyến phần mềm Xhunter Nam Kinh cho biết.
"Chúng tôi có thể lần ra nơi ở của bất kì ai tung tin đồn lên internet", nhân viên này cho hay.
Một vài tin tặc tin rằng trở thành một tội phạm tin học sẽ kiếm được nhiều tiền hơn là các công việc làm công ăn lương. Thực tế, các tin tặc giỏi vẫn có cơ hội kiếm lương "khủng" từ các công việc hợp pháp, chẳng hạn như làm việc cho các công ty an ninh mạng chuyên cung cấp các giải pháp về an ninh mạng cho chính phủ.
"Cá nhân tôi từng làm việc cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia", một tin tặc lão luyện với bí danh là V8 Brother tiết lộ với New York Times.
Anh này còn cho hay từng được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ về quốc phòng, nhưng từ chối cho biết chi tiết về các nhiệm vụ này.
V8 Brother còn cho biết giới tin tặc tại Trung Quốc thích làm việc cho các công ty an ninh mạng có hợp đồng với chính phủ hơn là làm việc cho nhà nước, vốn thường trả lương không cao.
V8 Brother hiện đang làm việc cho một công ty an ninh mạng với mức lương 100.000 USD/năm.
Các chuyên gia an ninh mạng Mỹ cho biết, không giống như các "đồng nghiệp" Nga, tin tặc Trung Quốc thường không tìm cách che đậy các hoạt động của họ.
Tin tặc Trung Quốc thường "làm việc" từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều (theo giờ Bắc Kinh), dựa theo các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính Mỹ của Trung Quốc, New York Times dẫn lời các chuyên gia an ninh mạng Mỹ.
Theo Thanh Niên Online