Nhân viên làm ẩu: Hãng bay phải chịu!
Chuyên gia cho rằng nhân viên sân bay làm việc cẩu thả là vấn đề đáng lên án và hãng bay nào quản lý thì phải chịu trách nhiệm.
“Hàng hóa bạn gửi qua đường hàng không được đối xử như thế nào?”. Câu status đầy ẩn ý kèm clip ghi lại cảnh nhân viên bốc xếp đang quăng quật hành lý của hành khách lên băng chuyền máy bay do một Facebooker đăng tải đang trở thành đề tài được quan tâm trên mạng xã hội.
Quăng hành lý vô tội vạ
Clip được quay tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-10, ghi lại cảnh hai nhân viên bốc xếp hành lý ký gửi lên băng chuyền máy bay của hãng Jetstar Pacific. Điều đáng nói, thay vì chuyển hàng một cách cẩn thận lên băng chuyền thì họ quăng các gói hành lý một cách vô tội vạ, có hàng loạt kiện hàng bị vứt mạnh tới mức rớt khỏi băng chuyền, nhìn rất phản cảm.
“Nhìn thấy hành động trong clip tôi rất bức xúc. Tôi cũng thường xuyên đi máy bay của hãng, đồ cũng từng bị hư hỏng mà nhiều khi tôi cũng cho qua. Vì có đòi bồi thường hay khiếu nại gì thì cũng rất mất thời gian” – anh Trần Tiến (quận Phú Nhuận) phản ánh.
Một lãnh đạo của hãng hàng không Jetstar Pacific cũng nhận xét hành động của nhân viên bốc xếp hành lý như vậy là vô cùng phản cảm, cần phải được chấn chỉnh và xử lý, nếu không sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Sĩ, đại diện truyền thông Jetstar Pacific, phân trần: “Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan tại sân bay nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời tăng cường công tác giám sát quá trình phục vụ để đảm bảo không tái vi phạm các quy định của hãng trong công tác phục vụ hành khách. Hãng cũng sẽ có hình thức xử lý theo quy định đối với các cá nhân liên quan đến sự việc này”.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết: “Tôi đã tiếp nhận và chuyển cho bộ phận chuyên trách mảng dịch vụ hàng không để thụ lý. Chúng tôi sẽ thông tin lại ngay sau khi có kết quả xử lý”.
Video đang HOT
Hình ảnh nhân viên quăng hành lý của khách một cách phản cảm ở sân bay. (Ảnh cắt từ clip)
Trách nhiệm thuộc về hãng hàng không
Đánh giá vụ việc dưới góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng hành khách hoàn toàn có thể yêu cầu hãng hàng không bồi thường nếu hành lý ký gửi bị thiệt hại hoặc hư hỏng.
“Có thể đây không phải lần đầu mà là lần bị quay clip. Vì vậy, hành khách sau khi đi máy bay nên kiểm tra hành lý ký gửi của mình xem có hư hại gì không. Nếu có hư hại, hành khách hoàn toàn có thể lấy đó làm bằng chứng để yêu cầu hãng bay bồi thường thỏa đáng” – luật sư Hậu phân tích.
Theo luật sư Hậu, hành lý là tài sản của hành khách, khi mua vé hành khách phải mua thêm phần ký gửi hành lý nên nhân viên của hãng bay không được thiếu trách nhiệm trong việc bốc xếp hành lý của khách. “Hãy xem ở Nhật, nhân viên sân bay họ đối xử với hành lý của khách rất tôn trọng, xếp ngay ngắn, nhẹ nhàng, gọn gàng” – ông Hậu nói.
Ông Hậu cũng thông tin thêm theo luật thì nếu nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong công tác thì bị xử lý theo quy định của luật lao động.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng việc này thuộc về vấn đề quản lý và trách nhiệm của hãng hàng không. “Việc làm của nhân viên bốc dỡ hàng như vậy là điều đáng lên án. Các cấp quản lý của hãng hàng không phải chấn chỉnh để không ảnh hưởng đến ngành hàng không Việt Nam nói chung” – ông Tống nói.
Hàng hóa bị hư hỏng, đơn vị vận chuyển phải bồi thường
Theo công ước vận chuyển hàng không quốc tế: Giới hạn trách nhiệm của hãng hàng không đối với thiệt hại về hành lý ký gửi là 20 USD/kg và hành lý xách tay là 400 USD/hành khách hoặc mức cao hơn theo quy định. Đối với vận chuyển hành lý bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1.000 đơn vị tính toán (SDR) cho mỗi hành khách.
Theo Điều 161 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam về mức bồi thường thiệt hại hàng hóa, hành lý: Bồi thường theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế hoặc theo mức giá trị đã kê khai (nếu có kê khai) của việc nhận hàng hóa.Đồng thời hãng phải hoàn trả cho người gửi hàng cước phí vận chuyển đối với số hàng hóa, hành lý ký gửi bị thiệt hại.
AN NHIÊN
PHAN CƯỜNG
Theo PLO
Khách bay tranh cãi với nhân viên hàng không vì 500.000 đồng
Hành khách đôi co với nhân viên mặt đất của Jetstar Pacific vì bị đóng 500.000 đồng do hành lý vượt quy định.
Cụ thể, theo hành khách Văn Thị Thanh Thủy (49 tuổi, trú quận Ba Đình, Hà Nội), khi đang làm thủ tục lên chuyến bay BL 813 của Jetstar Pacific, khởi hành lúc 21h ngày 20/9 thì chị cùng một người đi cùng bị nhân viên mặt đất của hãng yêu cầu kiểm tra vì mang hành lý vượt quy định.
Hai bên đã xảy ra tranh cãi lớn, kéo dài 30 phút vì chị Thủy không đồng ý đóng thêm 500.000 khi lượng hành lý xách tay của chị lên tới 18 kg, trong khi quy định của hãng chỉ cho phép mang 7 kg.
Hành khách Văn Thị Thanh Thủy (thứ 2 từ phải sang) tranh cãi khi bị nhân viên mặt đất của Jetstar Pacific yêu cầu nộp 500.000 đồng phí hành lý quá cân.
Vụ việc đã gây náo loạn tại khu vực cửa ra tàu bay số 17, sảnh E của sân bay Nội Bài, khiến lực lượng an ninh sân bay phải vào cuộc, cách ly hành khách Thủy.
Hành khách này bức xúc về việc khi chị có thái độ phản ứng thì nhân viên của hãng máy bay liền gọi nhân viên an ninh đến lập biên bản, khiến chị và người đi cùng bị lỡ chuyến bay. Đến 9h, sáng 21/9 chị Thủy vẫn đang phải làm việc tại khu an ninh của sân bay Nội Bài.
Thời điểm xảy ra tranh cãi, chị Thủy cũng cho rằng đã bỏ lại "6 chai nước, ngoài ra có vài bộ quần áo và sách photo", tuy nhiên vẫn không được nhân viên mặt đất của hãng cho lên máy bay nếu không đóng phí hành lý vượt quy định.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Jetstar Pacific cho hay hành khách tên Thủy mang hành lý đến 18 kg, khi nhân viên yêu cầu chị Thủy mua thêm vé hành lý nhưng vị khách này không hợp tác dẫn đến cuộc tranh cãi gây mất an ninh trật tự.
"Vụ việc đã khiến chúng tôi phải để chị Thủy chuyển sang chuyến bay khác để đảm bảo lịch bay của các hành khách còn lại trên chuyến bay BL 813 do chị Thủy phải làm việc với an ninh sân bay thời điểm đó", vị này chia sẻ.
Cũng theo đại diện hãng, khi xảy ra cãi vã, người đi cùng chị Thủy đã chấp thuận yêu cầu nộp khoản phí 500.000 đồng, tuy nhiên chị Thủy can ngăn và vẫn nhất quyết không chịu đóng khoản phí phát sinh này.
Theo biên bản làm việc của Đội An ninh Cơ động Sân bay Nội Bài, hành khách Văn Thị Thanh Thủy sau khi làm việc với lực lượng an ninh đã nhận thức được hành vi to tiếng của mình là không phù hợp với quy định tại sân bay và xin rút kinh nghiệm cũng như hứa không tái phạm. Chị Thủy cũng đã ký xác nhận biên bản trên.
Sau khi chị Thủy làm việc xong với lực lượng an ninh sân bay, Jetstar Pacific đã sắp xếp cho hành khách này di chuyển tới TP.HCM trên chuyến bay gần nhất.
Ngô Minh
Theo Zing
Máy bay xin ưu tiên hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất vì khách đau tim Khi máy bay đang giảm độ cao và đi vào khu vực tiếp cận hạ cánh thì một hành khách quốc tịch Mỹ bị đau tim đột ngột. Cơ trưởng chuyến bay mang số hiệu BL664 đã phải xin thực hiện hạ cánh ưu tiên xuống sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM để cấp cứu hành khách kịp thời. Sự việc xảy...