Nhân viên đòi nợ thuê: “Gây áp lực để lấy tiền nhưng tuyệt đối không được nhục mạ khách nợ”
Theo chia sẻ của nhân viên thu, đòi nợ, có nhiều “độc chiêu” để thu, đòi nợ, từ ngọt nhạt cho đến việc gây áp lực. Tuy nhiên, tuyệt đối không được nhục mạ khách nợ vì họ sẽ nghĩ công ty của bạn không tử tế.
Một “con nợ” bị nhóm đòi nợ xịt sơn lên nhà. Ảnh: Ngô Nguyên
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.
Theo đó, nhân viên của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên. Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công an quản lý dịch vụ nhạy cảm này.
Theo chia sẻ của những người làm công việc đòi nợ thuê, việc Bộ Công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê có điều kiện để ngăn chặn biến tướng là cần thiết nhưng không nên cứng nhắc.
Chia sẻ với PV, anh Long ( Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nhân viên thu, đòi nợ thuê cho Công ty đòi nợ L.T ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết, công việc của nhân viên thu, đòi nợ thuê được mô tả tóm tắt: Xác minh khách nợ, đàm phán với khách nợ và thu tiền về công ty.
Lý thuyết là vậy, nhưng công việc của họ phải lao vào “điểm nóng, đôi lúc gặp những phản ứng tiêu cực của khách nợ và người nhà khách nợ. Để tránh nguy hiểm, các nhân viên đòi nợ đều làm việc theo nhóm, nhóm trưởng sẽ sắp xếp thời gian để làm việc với từng khách nợ cho hợp lý.
Bảng giá của một công ty thu hồi nợ có trụ sở tại Hải Phòng.
Video đang HOT
Anh Long cho biết, có nhiều “độc chiêu” để thu, đòi nợ, từ ngọt nhạt cho đến việc gây áp lực. Tuy nhiên, tuyệt đối không được nhục mạ khách nợ vì họ sẽ nghĩ công ty của bạn không tử tế.
Cũng theo anh Long, cách nhanh nhất để thu hồi nợ là gây áp lực lên gia đình khách nợ, hoặc khu dân cư – nơi khách nợ sinh sống. Trường hợp đàm phán các kiểu không hiệu quả, nhóm của anh Long đợi khách nợ đi chơi cùng người yêu hoặc đi ăn cùng sếp rồi ập vào hỏi chuyện thanh toán nợ.
Theo anh Long, lương cứng của nhân viên thu nợ từ 8-12 triệu đồng, tuy nhiên, họ được hưởng phần trăm từ doanh số nợ thu được. Nhân viên trực tiếp đi thu tiền sẽ được hưởng từ 15-23% mức phí dịch vụ công ty thu của khách hàng.
Ông Mai Đăng Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh chia sẻ, những người làm công tác đòi nợ luôn phải đối phó hàng ngày với sự đe dọa và nguy hiểm, đó cũng là lý do tại sao mức hoa hồng công ty nhận được sau mỗi hợp đồng thành công khá cao.
Bên cạnh đó, phần lớn hợp đồng công việc đến tay các công ty đòi nợ đều là những khoản khó đòi, vì vậy mới cần đến sự giúp đỡ của các công ty thu, đòi nợ.
Liên quan việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê để ngăn chặn biến tướng, anh Long cho rằng, đó là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, anh mong muốn, các bộ ngành liên quan nên thiết lập quy chế rõ ràng, minh bạch, vì nếu áp dụng một cách cứng nhắc sẽ gây áp lực lên công ty. Các nhân viên thu, đòi nợ cảm thấy mình bị coi như đối tượng bị giám sát, theo dõi, chứ không phải là một dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
CƯỜNG NGÔ
Theo Laodong
Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen: Không cần thiết
Chuyên gia tài chính cho rằng, việc nhân viên đòi nợ thuê mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ.
Tại Đồng Nai, một nhóm đòi nợ thuê đã "khủng bố" con nợ bằng tờ rơi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ảnh: Ngô Nguyên
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ.
Theo đó, người lao động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Do vậy, Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Một số công ty tài chính hiện nay thuê công ty đòi nợ thu hồi các khoản nợ.
Liên quan việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen, chia sẻ với Lao Động, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng, việc quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý.
"Đến bảo vệ còn có đồng phục riêng, huống chi là nhân viên đòi nợ thuê - một ngành nghề kinh doanh rất nhạy cảm. Việc có đồng phục giúp phân biệt đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là đòi nợ kiểu "xã hội đen", ăn theo", chuyên gia kinh tế nói.
Đặt câu hỏi: "Trường hợp nhân viên công ty đòi nợ không mặc đồng phục thì đơn vị nào xử lý", ông Phong cho biết, khi đã có Nghị định sẽ quy định các hành vi bị cấm, đồng thời có các chế tài cho hành vi đó như phạt tiền, thu hồi thẻ của nhân viên đòi nợ thuê.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho rằng, về chủ trương, ông đồng tình với Bộ Tài chính là các tổ chức, cá nhân có thể thuê công ty đòi, thu hồi nợ, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Hiếu dẫn chứng, ở Mỹ, có nhiều ngân hàng thuê công ty đòi, thu hồi nợ đối với khách nợ. Những công ty này làm việc rất chuyên nghiệp. Họ hiểu tâm lý khách nợ, biết thu hồi nợ nhanh chóng, hợp pháp.
Còn việc nhân viên đòi nợ phải mặc đồng phục, ông Hiếu cho rằng không cần thiết. "Mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, giúp phân biệt với thành phần thu, đòi nợ kiểu "xã hội đen". Tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ", ông Hiếu nói.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhân viên thu, đòi nợ nên mặc đồ nghiêm chỉnh như comple, caravat, nhưng để quy định chặt chẽ "phải mặc đồng phục" thì không cần. Thay vào đó, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty thu, đòi nợ đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ, trụ sở, nội quy, hội đồng quản trị (nếu là công ty cổ phần).
Còn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, việc quản lý dịch vụ đòi nợ thuê không phải là việc của ngành công an, nhiệm vụ chính của công an là giữ gìn an ninh trật tự, đem lại sự bình yên xã hội.
"Đòi nợ thuê là một lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ quyền tự do kinh doanh, tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Quốc hội lo ngại tính khả thi việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, vì nhân viên đòi nợ mặc bộ đồng phục giống quân phục của công an, quân đội, đứng trước trụ sở DN hay gia đình cá nhân, sẽ ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh, cuộc sống của khách nợ.
Thay vì nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với "xã hội đen", ông Nhưỡng kiến nghị, Bộ Tài chính nên ban hành quy định tiêu chuẩn nhân viên thu nợ như viên tài chính ngân hàng và cần thiết áp dụng luật doanh nghiệp với hình thức kinh doanh này.
CƯỜNG NGÔ
Theo Laodong
Nhân viên đòi nợ thuê sẽ có đồng phục để không nhầm với xã hội đen? Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua. Nhân viên đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục là một trong những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị...