Nhân viên cứu hộ kể lại cảnh tượng nhói lòng tại hiện trường động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Nhân viên cứu hộ người Anh thuộc đội tìm kiếm và cứu nạn được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ đã kể lại những cảnh tượng nhói lòng mà ông đã chứng kiến khi đưa những nạn nhân bị chôn vùi ra khỏi đống đổ nát.
Steve Davies, một trong 77 chuyên gia được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cứu sống những người bị nạn trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ảnh: PA
Theo tờ Independent, thời điểm vàng 72 giờ để tìm kiếm người sống sót đã qua đi, nhưng lực lượng cứu hộ đến từ hàng chục quốc gia vẫn làm việc cật lực ngày đêm trong đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót. Trong nhiệt độ đóng băng, họ thường xuyên kêu gọi mọi người im lặng khi lắng nghe bất kỳ âm thanh nào vọng lên từ đống bê tông đổ nát.
Trong số đó, Steve Davies, 51 tuổi, đến từ Swansea, South Wales, một trong 77 chuyên gia của Đội Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế Vương quốc Anh (UK-ISAR) đã được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu nạn sau thảm họa động đất kinh hoàng hôm 6/2.
Davies từng làm việc ở một số khu vực thiên tai và cho biết đây là đây là một trong những cảnh tượng khủng khiếp nhất mà ông từng chứng kiến.
“Tôi cũng có hai con gái. Bạn sẽ không thể hiểu được cảm giác của những người sống sót sau trận động đất, với hy vọng tuyệt vọng tìm được người thân. Thật đau lòng và khó khăn!”, anh nói.
Theo Davies, là một nhân viên cứu hộ, điều khó khăn nhất đối với ông là phải đối mặt với những lời cầu xin giúp đỡ khi đi qua những đống đổ nát. Nhiều người đã cầu xin Davies cố gắng vào khu vực đó để tìm kiếm người thân của họ.
“Nhưng những chú chó cứu hộ đã kiệt sức và chúng tôi hiểu rõ không có cơ hội cứu sống người thân họ nữa. Chúng tôi phải cố gắng cứu càng nhiều người càng tốt vì thời gian rất quý giá”, anh nói.
Video đang HOT
Thành viên của Đội Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc tế của Vương quốc Anh làm nhiệm vụ cứu hộ ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: PA
Phó trưởng nhóm cứu hộ, làm việc cho Cơ quan Cứu hỏa và Cứu hộ khu vực Swansea và West Wales, cho biết lực lượng đã làm việc suốt 3 ngày liên tục sau khi hạ cánh xuống thành phố Gaziantep hôm 7/2, một ngày khi trận động đất hủy diệt xảy ra.
Davies là một trong 5 chuyên gia của cơ quan cứu hộ South Wales đã được điều đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Văn phòng Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển sau khi chính phủ Ankara yêu cầu trợ giúp.
Các nhân viên cứu hộ như Davies làm nhiệm vụ tại thị trấn Antakya ở tỉnh Hatay, sử dụng các thiết bị tìm kiếm chuyên dụng – bao gồm thiết bị nghe địa chấn, thiết bị cắt và phá bê tông, cùng các công cụ khác để nỗ lực đưa người còn sống ra khỏi các tòa nhà bị sập.
“Chúng tôi đã đưa được một số thi thể ra ngoài nhưng trọng tâm của chúng tôi là người bị thương còn sống”, Davies nói và cho biết nhóm cứu hộ vừa bắt đầu tiến hành cuộc giải cứu ở một địa điểm khác.
Có hai nạn nhân đang mắc kẹt bên trong. Đó là một cảnh sát nam và một thành viên nữ trong gia đình anh.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đưa họ ra ngoài, nhưng đây sẽ là một quá trình phức tạp và kéo dài. Các đội cứu hộ phải luân phiên nhau suốt đêm đào sâu để tiếp cận họ”, anh nói.
Lực lượng cứu hộ đưa người phụ nữ ra khỏi tòa nhà bị sập 87 giờ sau trận động đất ở Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 9/2. Ảnh: AP
Cùng với đội cứu hộ, bốn chú chó nghiệp vụ – gồm Colin, Davey, Sid và Vesper – cũng đã được đưa đến hiện trường để đánh hơi những dấu hiệu sự sống mơ hồ nhất từ bên dưới các tòa nhà đổ sập.
“Thiết bị đầu tiên và hiệu quả nhất của chúng tôi là những chú chó nghiệp vụ. Chúng tôi đưa chúng vào đống đổ nát. Nếu chó phản ứng, chúng tôi biết rằng có nạn nhân còn sống. Những người bạn này giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều giờ và chúng thực sự là những con vật đáng kinh ngạc”, Davies chia sẻ.
Ông cho biết địa hình tại khu vực xảy ra thảm họa rất nguy hiểm, khi các dư chấn tiếp tục xuất hiện ở đất nước này.
“Nếu bạn đang làm việc trên một đống đổ nát, bạn phải có kiến thức vì tình huống có thể thay đổi. Một số tòa nhà đang rung lắc, nhưng các kỹ sư xây dựng đang theo dõi chúng”, ông nói.
Nhiều nhân viên cứu hộ đã bị thương do phải đi trên địa hình mặt đất không bằng phẳng, bê tông, sắt thép ngổn ngang. Nhưng đối với họ, điều đó không có gì nghiêm trọng. Một số chú chó nghiệp vụ cũng bị thương ở chân, các nhân viên đã phải băng bó cho chúng.
Trước bình minh ở Gaziantep, gần tâm chấn của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã kéo Adnan Muhammed Korkut ra khỏi tầng hầm, nơi anh bị mắc kẹt nhiều ngày từ khi trận động đất xảy ra hôm 6/2. Chàng trai 17 tuổi nở nụ cười rạng rỡ trước bạn bè và người thân, vỗ tay và rơi nước mắt vì hạnh phúc khi được đưa ra ngoài và được đưa lên cáng.
“Cảm ơn Chúa đã đến cứu giúp tôi”, Adnan nói và ôm lấy mẹ anh. Những người khác đã cúi xuống ôm hôn Adnan khi anh được đưa vào xe cứu thương. Adnan xúc động nói: “Cảm ơn mọi người!”
Bị mắc kẹt suốt 94 giờ nhưng may mắn cơ thể không bị nghiền nát, chàng trai 17 tuổi cho biết cậu đã phải uống nước tiểu của chính mình để giải tỏa cơn khát. “Tôi đã có thể sống sót bằng cách đó”, anh chia sẻ.
Nhân viên cứu hộ Yasemin đã ôm Adnan một cách ấm áp và nói: “Chú cũng có con trai khoảng tuổi cháu. Chú đã không ngủ được trong suốt 4 ngày. Chú thề là chú đã không ngủ! Chú đã cố gắng đưa cháu ra ngoài”.
Số người chết trong động đất ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria đã tăng lên trên 23.760, khi đội cứu hộ chạy đua với thời gian để cứu người sống sót.
Tổng số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dự kiến tiếp tục tăng do nhiều nạn nhân được cho là vẫn mắc kẹt bên dưới những tòa nhà bị sập. Hàng trăm nghìn người đã mất nhà cửa và thiếu lương thực trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt.
Khoảnh khắc bé trai Thổ Nhĩ Kỳ đoàn tụ với mẹ sau 52 giờ mắc kẹt vì động đất
Một loạt các bức ảnh ấn tượng chụp lại hình ảnh bé trai Yigit Cakmak 8 tuổi được các nhân viên cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát ở Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) 52 giờ sau trận động đất đầu tiên xảy ra ở khu vực này.
Khoảnh khắc Cakmak được kéo ra khỏi tòa nhà bị sập. Ảnh: Getty Images
Theo kênh CNN, phóng viên ảnh Burak Kara của Getty Images đã chụp được những bức ảnh về Cakmak khi cậu bé được cứu thoát khỏi tòa nhà bị sập.
Cậu bé được các nhân viên cứu hộ chuyền tay nhau ra phía ngoài đến khi ở trong vòng tay của người mẹ đang đợi bên ngoài.
Nhân viên cứu hộ bế Cakmak ra ngoài. Ảnh: Getty Images
Trên 8.000 người đã được kéo ra khỏi đống đổ nát chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ước tính hàng chục nghìn người vẫn đang bị mắc kẹt dưới hàng loạt tòa nhà đã bị san phẳng.
Tính tới 21h tối 8/2 (giờ Việt Nam), tổng số người thiệt mạng vì động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên trên 11.200 người, trong đó ở Thổ Nhĩ Kỳ là trên 8.500 người. Con số này sẽ còn tăng vì động đất khiến hàng trăm tòa nhà đổ sập tại nhiều thành phố, vùi lấp những người dân còn đang ngủ. Trong khi đó, thời tiết giá lạnh khắc nghiệt tại nhiều vùng chịu ảnh hưởng của động đất càng gây khó khăn cho công tác tìm kiếm và cứu những người còn mắc kẹt bên trong các đống đổ nát.
Cakmak được một nhóm nhân viên cứu hộ đưa qua đống đổ nát. Ảnh: Getty Images
Trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4h17 sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Ít nhất 285 dư chấn đã xảy ra sau trận động đất này. Tính đến nay, đây là trận động đất gây thiệt hại nghiêm trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1999.
Cậu bé đoàn tụ với mẹ. Ảnh: Getty Images
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu trợ cho các vùng bị ảnh hưởng.
Những hình ảnh nhói lòng trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ Còn nỗi đau nào hơn khi chứng kiến những đứa trẻ phải chịu đau đớn, sợ hãi cùng cực như thế... Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý về Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria khi chỉ trong chưa đầy 1 ngày, 2 trận động đất mạnh đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng vùng miền Nam...