Nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo chưa cao
Trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022, một số địa phương vẫn còn xảy ra tai nạn lao động chết người như Bình Dương, Yên Bái, Bình Định… Nhận thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động của người lao động ở một số nơi như vùng sâu, vùng xa, biển đảo chưa cao.
Đảm bảo an toàn lao động được doanh nghiệp quan tâm hơn trước. Ảnh: TL
Ngày 21/10, Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức Tổng kết Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 và Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, qua Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022, nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp có sự chuyển biến và quan tâm nhất định đến tình hình an toàn, vệ sinh lao động, sức khoẻ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đã chú ý đầu tư đáng kể để cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường.
Việc tổ chức thực hiện Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Một số địa phương không để xảy ra tại nạn lao động hoặc tai nạn lao động chết người trong quý II năm 2022 như Đắk Nông, Lai Châu, Bình Thuận, Phú Yên, Bắc Giang…
Video đang HOT
Một số địa phương giảm mạnh tỉ lệ tai nạn lao động so với cùng kỳ như Đồng Tháp (giảm 71,4%), Lào Cai (giảm 33%), Phú Thọ (giảm 30%)…
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, một số địa phương vẫn còn xảy ra tai nạn lao động chết người như Bình Dương (20 người chết), Yên Bái (7 người chết), Bình Định (7 người chết).
Nhận thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động của người lao động ở một số nơi như vùng sâu, vùng xa, biển đảo… chưa cao nên việc tổ chức hoạt động còn mang tính hình thức, thụ động; các hoạt động hưởng ứng mới chỉ tập trung ở doanh nghiệp lớn, chưa thu hút được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ tham gia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, từ khi có sự phối hợp tổ chức giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tháng Công nhân được gắn với tháng an toàn, vệ sinh lao động. Như vậy, các hoạt động triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Trong những buổi đối thoại tại các địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa những nội dung về an toàn lao động, nâng cao nhận thức về vấn đề này với doanh nghiệp, người lao động.
Được biết, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được phát động cùng với Tháng Công nhân.
An toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc tốt - điều kiện cần thiết để doanh nghiệp phát triển
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Vai trò công tác an toàn, vệ sinh lao động trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn sau đại dịch COVID-19".
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu, sáng 31/5/2022. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Kể từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội từ sức khỏe, tính mạng, đời sống của các tầng lớp nhân dân, người lao động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chưa có tiền lệ nhằm vừa chống dịch COVID-19, sản xuất an toàn và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện "mục tiêu kép" với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân, cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động, đội ngũ y tế.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh đã tạm lắng. Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên công đoàn và người lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhằm góp phần tham mưu, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ sau đại dịch.
Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ cho rằng, những vấn đề cấp bách về an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần được giải quyết trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu; tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động, vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu...
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây mắc COVID-19, cũng như các yếu tố về sinh học hóa chất hay bất kỳ nguy cơ gây tai nạn, sự cố, bệnh tật nào khác; đồng thời phân tích, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, được làm việc trong môi trường an toàn, người lao động mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Trưởng Phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) Nguyễn Khánh Long cho biết: Từ đầu năm 2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 không chỉ đối với tính mạng, sức khỏe của người dân mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh dịch bùng phát nhanh khi chúng ta chưa chủ động được nguồn vaccine để tiêm phòng cho người dân.
Để góp phần bảo đảm hiệu quả, bền vững của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Nguyễn Khánh Long cho rằng các cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về an toàn, vệ sinh lao động, làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu, sáng 31/5/2022. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nêu rõ, đối thoại xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, đồng thời khuyến khích các nông trại, hợp tác xã hợp tác với nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung là khôi phục nền kinh tế trong nước.
"An toàn vệ sinh lao động là vấn đề quan trọng mà người sử dụng lao động nào, doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm để cải thiện đầu tư. An toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc tốt là điều kiện cần thiết để duy trì sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào", bà Ingrid Christensen nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu dự Tọa đàm kiến nghị, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của người lao động trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam hậu đại dịch COVID-19, trong đó bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về an toàn vệ sinh lao động để nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hóa trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hiện hành, bổ sung trong tài liệu huấn luyện kiến thức mới về nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai, các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát...
Tổ chức lễ cưới tập thể cho công nhân lao động Tối 20/10, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Việt Phượng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Lễ cưới tập thể cho 23 cặp đôi là đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Tham dự lễ cưới có đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện lãnh...