Nhân rộng các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng: Phát huy lợi thế vùng miền, tạo nguồn thực phẩm sẵn có
Nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, ngăn chặn suy dinh dưỡng sẽ giúp đạt được ít nhất 12 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), giúp tạo ra một thế giới lành mạnh, thịnh vượng, ổn định và không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong 3 năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã được triển khai thí điểm và nhân rộng ở các địa phương.
Điểm nổi bật của các mô hình là tận dụng được lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giàu dinh dưỡng, qua đó cải thiện bữa ăn trong gia đình và tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia.
Nuôi gà lấy trứng và trồng rau giúp cải thiện bữa ăn
Trà Vinh là 1 trong 3 tỉnh (Trà Vinh, Lào Cai và Quãng Ngãi) được Bộ NNPTNT lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình “Không còn nạn đói”. Số hộ nghèo trên địa bàn huyện Trà Cú còn cao, đa số là người dân tộc Khmer, trong khi tỉnh không đủ ngân sách để hỗ trợ cho người dân.
Đàn gà phát triển rất nhanh, người dân có thể thu hoạch trứng để cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Ảnh: P. Đông.
Với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT), trong năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Phòng NNPTNT huyện Trà Cú, Trung tâm Y tế huyện Trà Cú, UBND xã Tân Hiệp thực hiện mô hình “Nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá” thuộc Chương trình “Không còn nạn đói”.
Theo đó, có 50 hộ dân thuộc diện cận nghèo ở ấp Ba Trạch A, ấp Ba Trạch B và ấp Con Lọp thuộc xã nghèo Tân Hiệp (xã có đông đồng bào Khmer, cuộc sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp) nhận được gà về nuôi lấy trứng. Bình quân mỗi hộ dân được hỗ trợ 48 con gà 20 tuần tuổi. Ngoài việc hỗ trợ nuôi gà lấy trứng, mô hình còn hỗ trợ toàn bộ kinh phí để các hộ dân trồng cải ngọt.
Trước khi tham gia mô hình, các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi gà và trồng rau ăn lá cho người dân.
Kết quả, đa số hộ dân tham gia mô hình nắm chắc và vận dụng tốt kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh trên gia cầm và cây trồng.
Đến nay, đàn gà phát triển tốt, đến giai đoạn sinh sản. Do đó, người dân thu hoạch trứng để cung cấp chp bữa ăn hàng ngày, số lượng trứng còn dư hộ dân bán đi để tăng thu nhập gia đình. Đối với rau ăn lá, người dân vận dụng khu đất trống để trồng, phục vụ tốt cho bữa ăn của gia đình.
Video đang HOT
Anh Thạch Thái Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: Nông dân trong xã có nhiều kinh nghiệm nuôi gà đẻ trứng nên mô hình triển khai được thuận lợi. Trong quá trình nuôi, cán bộ xã thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các hộ nuôi sao cho đạt kết quả tốt nhất có thể.
“Việc giao gà cho người dân nuôi đẻ trứng đã góp phần rất lớn giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm thiết yếu cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em tại xã” – anh Hòa nhấn mạnh.
Theo anh Hoà, dự án này không những tận dụng các lợi thế sẵn có mà còn góp phần rất lớn giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm như thịt, trứng, các vitamin thiết yếu từ các loại rau xanh cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em tại các ấp đặc biệt khó khăn của xã.
Anh Mai Thanh Điền – Phòng Cơ điện và Ngành nghề nông thôn thuộc Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cán bộ trực tiếp tham gia triển khai mô hình cho biết, khi tham gia mô hình, ý thức vươn lên thoát nghèo của các hộ tham gia nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung đã có chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và giữ vững ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
“Mô hình nuôi gà lấy trứng góp phần giúp các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm. Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm. Nâng cao ý thức tự chăm sóc, bảo vệ về dinh dưỡng của người dân” – anh Điều chia sẻ.
Nuôi ong lấy mật trên cao nguyên đá
Hữu Vinh là xã miền núi của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Người dân trên địa bàn xã chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi lợn gà, trâu bò, ong lấy mật… Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao liên thôn, thuỷ lợi nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao (năm 2020 số hộ nghèo trên địa bàn xã là 38,61%).
Người dân thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thu hoạch mật ong bạc hà. Ảnh: P. Đông
Cuộc sống khó khăn, bữa ăn hằng ngày của các hộ dân rất đạm bạc, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất nên sức đề kháng kém dẫn đến hay ốm vặt, suy nhược cơ thể, còi cọc, chậm lớn.
Qua điều tra địa bàn cho thấy, các chỉ số về thể trạng rất thấp, chiều cao bình quân của phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ là 153 cm, cân nặng trung bình là 44,8 kg. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 30%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 43,2%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm là 3,2%.
Trên cơ sở khảo sát, tổng hợp và phân tích số liệu, để khai thác các lợi thế của địa phương, trong năm 2020 Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT Hà Giang đã triển khai dự án”Nuôi ong lấy mật” tại thôn Khai Hoang II, xã Hữu Vinh với 28 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia.
Dựa vào lợi thế hoa bạc hà sẵn có trên những ruộng ngô vừa thu hoạch, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 thùng mật ong giống và tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và thu hoạch mật ong theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất từ 15-20% có với sản xuất truyền thống của người dân hiện nay.
Từ 10 thùng ong giống ban đầu, từ tháng thứ 2, người dân có thể tạo mũ chúa để nhân thêm đàn thành 20 thùng. Mật ong bạc hà là nguồn thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và được ưa chuộng của con người, là loại thực phẩm có thị hiếu rất cao trên thị trường, dao động từ 350.000 – 400.000đ/lít.
Bình quân một tổ ong cho từ 12 – 16 lít mật/năm, ngoài ra ong còn cung cấp các phụ phẩm giàu dinh dưỡng như nhộng ong, phấn hoa…
Theo tính toán, một năm mỗi hộ sẽ sản xuất được 300 lít mật ong bạc hà, tạo ra thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí bán mật các hộ sẽ mua thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng khác để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Giang Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, đối với 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung vào các vật nuôi, cây trồng có thế mạnh của địa phương là: mật ong, lợn đen bản địa Lũng Pù (Mèo Vạc), bò và cây ăn quả ôn đới để đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ dân trên địa bàn.
“Những vật nuôi, cây trồng này đã có sẵn vùng sản xuất, chăn nuôi. Bây giờ chỉ cần hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào thì sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất tốt hơn; qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng được thị trường trong tỉnh và khách du lịch” – ông Nam khẳng định.
Những nữ 'thủ lĩnh' Công đoàn năng động
Dẫu không "sức dài, vai rộng" như cánh đàn ông, nhưng các nữ thủ lĩnh Công đoàn vẫn ngược xuôi, ngang dọc trong suốt mùa dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, kịp thời chia lửa với công nhân, người lao động, lực lượng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch.
Các chị không chỉ căng mình để phòng, chống dịch mà còn vận động, tiếp nhập hỗ trợ, có lúc kiêm luôn cả chế biến, phân chia, vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng nhà, từng điểm cách ly, phong tỏa trong tâm dịch, các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cùng chính quyền địa phương vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Chị Nguyễn Thị Bạch Yến (phải), Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cùng lực lượng tình nguyện chuẩn bị "Suất ăn nghĩa tình Công đoàn Gò Vấp" cho người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: TTXVN phát
"Làm dâu trăm họ"
Giữa tháng 5/2021, quận Gò Vấp là một trong những địa phương bùng phát dịch đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành "điểm nóng" do có nhiều ca mắc COVID-19 và lây lan nhanh ra khắp cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp đang tất bật, đôn đáo chăm lo cho công nhân, người lao động thì bất ngờ ngày 29/5 khu vực nhà chị bị phong tỏa do có ca mắc COVID-19. Đến ngày 31/5, toàn quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch. Địa phương liên tục có nhiều ca nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của hàng chục nghìn công nhân lao động. Chị Yến chia sẻ: Đang trong lúc nước sôi, lửa bỏng thì sự việc đột ngột phải "bó chân" ở yên một chỗ khiến tôi đứng ngồi không yên. Do yêu cầu cấp bách, nên tôi phải điều hành mọi công việc qua điện thoại.
Ngay khi khu vực nhà được gỡ phong tỏa, chị Yến đã lập tức trực tiếp đi tặng quà cho công nhân lao động đang phải cách ly. Chị cùng các cô giáo Trường Mầm non Nhật Quỳnh, nhóm thiện nguyện "Nụ Cười Việt" và các đơn vị tài trợ tổ chức nấu hàng chục ngàn "Suất ăn nghĩa tình Công đoàn Gò Vấp" cung cấp cho lực lượng tuyến đầu, người lao động, tổ công nhân tự quản, khu vực bị phong tỏa, tạm ngừng việc và cho cả người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Sự năng động, tích cực của chị Yến được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tâm huyết đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, nhiều người lao động và đồng nghiệp quý mến; quyết tâm vượt qua khó khăn, chung sức sớm đẩy lùi dịch COVID-19.
Đồng hành cùng với nữ thủ lĩnh Công đoàn quận Gò Vấp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhật Quỳnh Nguyễn Ngọc Uyên Thương cho biết: Sự quan tâm, gần gũi, chia sẻ, sống hết mình với công nhân, người lao động của chị Yến là điểm mạnh. Cái hay của chị còn nói và làm ngay nên thuyết phục mọi người làm theo.
Không chỉ tích cực chăm lo công nhân, người lao động ở địa phương, chị Yến cùng các anh em trong cơ quan còn hăng hái thực hiện hỗ trợ kinh phí, đi chợ giúp công nhân; triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Trung tâm công tác xã hội Công đoàn thành phố. Chị Yến cùng cơ quan đã tiếp nhận, vận chuyển hơn 70 tấn rau củ quả, cá biển; vận động trao tặng hàng chục ngàn phần quà gồm các nhu yếu phẩm chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, người lao động tự do trong các khu cách ly, khu phong tỏa...
Khẳng định những việc làm nói trên là công sức đóng góp của các anh chị em, của tổ chức Công đoàn, chị Yến tâm sự: Việc hỗ trợ khẩn cấp trong thời điểm đó không chỉ giúp giải quyết về nhu cầu đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn giúp công nhân, người lao động yên tâm "ai ở đâu, ở yên đó" để phòng, chống dịch; thể hiện sự quan tâm của các cấp ngành, chính quyền và tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, sát cánh, chăm lo người lao động",
Chị Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú trao hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Vì việc chung
Chị Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú, chia sẻ: Chị từng phải cách ly y tế do trở thành F1, nên rất hiểu những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của công nhân, người lao động. Nhờ anh em trong cơ quan nỗ lực, nhiệt tình và làm đều tay nên việc hỗ trợ, chăm lo người lao động trên địa bàn quận cơ bản khá tốt...
Từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, tổ chức Công đoàn, địa phương, chị Lan luôn nỗ lực triển khai nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi để không chỉ chăm lo người lao động mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động; lập danh sách chuyển đoàn viên, người lao động thực hiện cách ly, bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về nơi đăng ký ban đầu để được hỗ trợ theo quy định.
Ông Phạm Hưng Quốc Bảo - Phó Bí thư thường trực Quận ủy Tân Phú đánh giá: Chị Lan là người nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Trăm công nghìn việc đổ dồn vào cùng thời điểm, song chị Lan cùng đội ngũ cán bộ Công đoàn đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác; xử lý kịp thời những tình huống phát sinh từ thực tiễn; tham gia hỗ trợ các lao động có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài khu vực quản lý, người lao động ở khu vực phi kết cấu...
Chị Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú trao tặng sổ bảo hiểm xã hội cho đoàn viên các nghiệp đoàn quận Tân Phú. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Suốt gần 3 tháng cao điểm phòng, chống dịch và giãn cách xã hội, Liên đoàn Lao động quận Tân Phú đã vận động và trao tặng hàng trăm tấn gạo, rau, củ, quả, hàng nghìn hộp sữa, đồ bảo hộ y tế, khẩu trang y tế, găng tay y tế trị giá gần chục tỷ đồng. Chị Lan cho biết, để chăm lo, hỗ trợ hơn 25.000 đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động, người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, tất cả cán bộ Công đoàn của quận gần như không có ngày nghỉ. Ngoài ra, mỗi cán bộ Công đoàn còn tận dụng tất cả các mối quan hệ, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ; luôn nắm chắc cơ sở để kịp thời chăm lo những trường hợp khó khăn, không để ai bị thiếu đói.
Điều chị Lan cảm thấy áy náy nhất là trong thời gian thực hiện cách ly không thể trực tiếp chăm sóc con phải nhập viện điều trị bệnh. Chị xúc động nói: "Mọi việc phải nhờ đến các anh chị em trong cơ quan, tổ chức Công đoàn chăm thay. Rất may là có các đồng nghiệp hỗ trợ nên mọi việc rồi cũng ổn. Mình đại diện Công đoàn lo chăm lo đoàn viên, người lao động; nay tổ chức lại chăm lo cho mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc, tình cảm của Công đoàn thật sự ấm áp như một gia đình".
Dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, khiến nhiều lao động càng thêm chật vật. Tại nhiều địa phương, các cấp Công đoàn cùng các tổ chức, cá nhân không chỉ góp công, góp sức, hết mình cho "cuộc chiến" phòng, chống dịch COVID-19 mà còn có nhiều việc làm thiết thực, kết nối tinh thần đoàn kết, đồng lòng.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động ở các cấp Công đoàn trong thời gian qua rất sôi nổi. Nhiều tổ chức Công đoàn đã năng động, sáng tạo, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực; vận động doanh nghiệp, các tỉnh, thành khác cùng chung mục tiêu hướng đến những trường hợp khó khăn, người yếu thế trong xã hội, đoàn viên công đoàn, người lao động ở khu vực phi kết cấu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong những nỗ lực chung ấy, những nữ "thủ lĩnh" Công đoàn như chị Yến, chị Lan đã không quản ngai khó khăn, nguy hiểm, vừa gánh vác công việc gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm của công tác đoàn thể. Để làm được điều đó, các chị đã nỗ lực rất nhiều, tạm gác việc riêng, thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ chăm lo đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố trong việc phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19....
Mở lại kênh bán hàng để hạ nhiệt giá rau, thịt Trong điều kiện thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng vì dịch COVID-19, các doanh nghiệp nên áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa ngang bằng với mức giá trong khung giờ bình thường. Từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo phương châm "ai ở đâu ở yên đó", người tiêu dùng chủ yếu...