Nhàn như trồng tre Điền Trúc, quanh năm lúc nào cũng có tiền
Tre Điền Trúc là loại cây có hiệu quả kinh tế khá cao. Tre cho măng quanh năm, măng tre Điền Trúc được nhiều người ưa chuộng… Đó là lý do mà ông Nguyễn Văn Tấn, ở ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) chọn trồng giống tre này hơn 10 năm qua, giúp kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Cùng chúng tôi tham quan vườn tre rợp bóng mát, ông Tấn trải lòng về cơ duyên với tre Điền Trúc: “Nhà tôi có 2 công đất. Trước đây, trồng xoài cát Hòa Lộc, thu lợi nhuận khá cao. Về sau, biết được giống tre Điền Trúc, tôi mua về trồng thử, thấy hiệu quả cao nên trồng nhân rộng. Đến nay có hơn 100 bụi”.
Theo ông Tấn, so với trồng cây ăn trái, trồng tre lấy măng cho thu nhập ổn định vì nhu cầu của người tiêu dùng khá cao. Bên cạnh đó, vốn liếng đầu tư và khâu chăm sóc rất nhàn nhã…
Lão nông Nguyễn Văn Tấn (người đứng giữa) đang giới thiệu mô hình trồng tre Điền Trúc của gia đình.
Lão nông Văn Tấn khề khà kể: “Trồng tre không khó, ít bệnh, chủ yếu là phải bón phân và tưới nước thường xuyên trong mùa khô. Ngoài ra, chỉ cần bón phân Urê và phân lân, phát dọn cành dư để tạo thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre, giữ lại gốc rễ để kích thích ra măng non…”.
Video đang HOT
Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau khi trồng hơn 1 năm, tre Điền Trúc sẽ cho thu hoạch. Các năm tiếp theo, tre sẽ cho măng nhiều hơn, rộ lên vào khoảng tháng 6 -7 âm lịch. Hiện nay, mỗi ngày ông Tấn thu hoạch 30-40 ký măng, bán với giá 25.000 đồng/ký. Giá măng tre thời điểm nghịch mùa, dịp Tết có lúc lên đến 50.000 đồng/ký, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Tấn nhẩm tính, bình quân vườn tre của ông cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, vườn tre Điền Trúc của ông Tấn có thể cho măng quanh năm, thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Ngoài thu hoạch măng, khi đốn tre già, tạo khoảng không thông thoáng, ông Tấn còn thu được nguồn lợi từ bán thân tre, với giá 15.000 đồng/cây. Ông Tấn bộc bạch: “Măng, thân đều bán được. Lá tre thì ủ phân, bón gốc. Hiện nay, gia đình tôi đang dự định nhân rộng mô hình này”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng tre Điền Trúc của ông Tấn, nhiều hộ nông dân lân cận cũng đã tìm đến tận nơi để mua giống về trồng với giá 20.000 đồng/nhánh. Bình quân mỗi năm ông Tấn bán được từ 700 – 800 nhánh, góp phần giúp xây dựng kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Theo Hồng Vân (Báo Cần Thơ)
Trồng tre Tứ Quý lấy măng, cứ sáng ra cầm chắc 1 triệu đồng
Đất cằn, từng trồng cỏ nuôi bò nhưng ông Mai Văn Dũng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phải đành bỏ. Ông Dũng bèn trồng tre Tứ Quý. Không nhờ tre Tứ Quý lại chịu được đất cằn và mỗi ngày ông thu từ 1-1,2 triệu đồng tiền bán măng và bán măng quanh năm nên tiền thu cũng quanh năm.
Những năm gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tận dụng diện tích đất ven kênh thủy lợi, đất trũng không trồng được các loại cây ăn trái để trồng tre lấy măng. Ghi nhận tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc cho thấy, mô hình này mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ.
Ông Nguyễn Duy Quang (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) thu hoạch măng.
Tận dụng 1ha đất ven tuyến kênh dẫn nước từ hồ chứa Sông Ray, cách đây 3 năm, ông Nguyễn Duy Quang (ở thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) đã đầu tư gần 300 triệu đồng xây hồ chứa nước, hệ thống bơm tưới, thuê nhân công làm đất để trồng 630 gốc tre Mạnh Tông và tre Điền Trúc lấy măng tại địa bàn xã Suối Rao.
Trung bình mỗi ngày ông Quang thu 50kg măng, với giá bán dao động từ 15-35 ngàn đồng/kg, tùy thời điểm. Mô hình này đã giúp gia đình ông có thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
"Để có măng trái mùa, hết mưa tôi dọn cây, vô phân rồi tưới nước. Kỹ thuật trồng tre lấy măng khá đơn giản, chỉ cần siêng năng chăm sóc sẽ cho thu hoạch tốt. Măng được thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 9. Sau đó dưỡng cây, cho lên cây tơ, hết mùa mưa thì làm lại vụ mới", ông Quang chia sẻ.
Tương tự, hộ ông Mai Văn Dũng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cũng có nguồn thu nhập khá từ mô hình trồng tre lấy măng. Ông Dũng cho biết, 6 sào đất của gia đình ông đất cằn cỗi, lại ẩm ướt, không trồng được hoa màu và các loại cây ăn trái nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Được Hội Nông dân xã Phước Thuận khuyến khích, năm 2015, ông mạnh dạn đầu hơn 120 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới, khoan giếng, mua tre giống, phân bón... triển khai mô hình trồng tre Tứ Quý để lấy măng. Hiện nay, gia đình ông Dũng thu nhập trung bình mỗi ngày 1 triệu đồng từ măng.
Gia đình ông Mai Văn Dũng (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày từ 6 sào tre Tứ Quý lấy măng.
Theo ông Dũng, măng tre Tứ Quý được người tiêu dùng ưa chuộng, nên các thương lái ở Bà Rịa và thị trấn Phước Bửu vào tận vườn thu mua. "Đất này khô cằn lắm, hồi trước tôi trồng cỏ nuôi bò nhưng không hiệu quả. Sau một năm trồng tre Tứ Quý cho thu hoạch măng, gia đình tôi bỏ hẳn nuôi bò, tập trung chăm sóc và thu hoạch măng. Mỗi ngày, vườn tre Tứ Quý của nhà tôi cho thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng từ măng và thu hoạch suốt năm", ông Dũng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa hình các xã Xuân Sơn, Phước Thuận vào mùa mưa thường ngập úng nhiều nơi, bà con không thể trồng loại cây nào khác. Với mô hình trồng tre lấy măng, người nông dân không những khai thác hiệu quả được diện tích đất, mà còn có thu nhập ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) có 8 hộ trồng tre lấy măng, với diện tích hơn 10ha; còn tại xã Phước Thuận có 4 hộ trồng tre lấy măng, diện tích hơn 3ha. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn xã Xuân Sơn và Suối Rao có một số hộ gia đình trồng tre lấy măng. Nhờ đầu ra ổn định, bà con nông dân có thu nhập khá so với các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều, mì...
Mô hình trồng tre lấy măng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con chỉ nên áp dụng trên các vùng đất ven suối, đất trũng, cằn cỗi không trồng được cây ăn trái và không nên trồng đại trà để tránh ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác.
Theo Đinh Hùng (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Công an TP Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà "Mái ấm tình thương" Phòng An ninh kinh tế vừa bàn giao số tiền 40 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình anh Nguyễn Văn Bình (ngụ tại huyện Cờ Đỏ) để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Ngày 6/4, Công an TP Cần Thơ cho biết, Phòng An ninh kinh tế vừa phối hợp với UBND xã Thới Hưng tổ chức Lễ khởi công...