Nhân lực ngành công nghệ rời Nga trong ‘làn sóng thứ 2′ giữa cuộc chiến Ukraine
Một làn sóng gồm nhiều nhân lực ngành công nghệ, doanh nhân, được cho là đang chạy khỏi đất nước khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra ác liệt tại Ukraine.
Một làn sóng thứ hai người Nga đang chuyển đến các quốc gia trải dài khắp châu Âu, Trung Đông và châu Á sau khi dành thời gian sắp xếp công việc của họ. Ảnh: AFP/Getty Images
Từ nhiều tháng nay, anh Vladimir, 37 tuổi, một giám đốc khởi nghiệp công nghệ, đã chuẩn bị các thủ tục giấy tờ và sắp xếp mọi việc để chuyển đến Pháp. Thủ tục xin thị thực trước đây tương đối dễ dàng nay lại trở nên phức tạp, nhưng người đàn ông 37 tuổi này tự tin rằng việc đưa gia đình và nhân viên của anh rời khỏi Nga là đúng đắn.
“Một mặt, thật thoải mái khi sống ở đất nước nơi mình sinh ra. Nhưng mặt khác, đó là sự an toàn của gia đình”, Vladimir nói với kênh CNBC qua cuộc gọi video từ văn phòng của anh ở Moskva.
Đối với Vladimir, quyết định rời bỏ quê hương “không được thực hiện trong một ngày”. Nhưng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đưa Vladimir đi đến quyết định cuối cùng. Anh lo ngại tình hình trong nước sẽ xấu đi trong một hoặc hai năm nữa.
Đại sứ quán Nga tại London và Bộ Ngoại giao Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNBC về vấn đề này.
“Làn sóng di cư thứ hai”
Vladimir là một phần của cái mà anh coi là “làn sóng di cư thứ hai” của Nga sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Làn sóng này bao gồm những người mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị rời khỏi đất nước, như những người đang vận hành doanh nghiệp hoặc gia đình muốn chờ con cái kết thúc năm học rồi mới rời đi.
Không có số liệu cụ thể về số người đã rời Nga sau khi chiến tranh Ukraine bùng phát, nhưng các nhà kinh tế ước tính có khoảng 200.000-300.000 người, tính đến giữa tháng 3. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images
Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra ngày 24/2, cùng với hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, quê hương, cuộc sống của một số người Nga cũng thay đổi.
Làn sóng đầu tiên rời đất nước gồm các nghệ sĩ, nhà báo đối lập và những người khác cảm thấy họ phải rời khỏi đất nước ngay lập tức. Sau đó khi chiến tranh diễn ra, thêm nhiều người Nga quyết định thu dọn đồ đạc và rời đi.
“Cách thức hoạt động của việc di cư là một khi dòng chảy bắt đầu và mọi người bắt đầu tìm ra cách để làm mọi thứ – mua căn hộ, xin tị nạn, tìm việc làm hoặc bắt đầu kinh doanh – điều đó sẽ thúc đẩy nhiều người khác rời đi”, Jeanne Batalova, nhà phân tích chính sách cấp cao thuộc Viện Chính sách Di cư (trụ sở ở Washington, Mỹ), cho biết.
Video đang HOT
Không có dữ liệu cụ thể về số lượng người Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Tuy nhiên, một nhà kinh tế Nga đã đưa ra con số 200.000 tính đến giữa tháng 3. Theo chuyên gia Batalova, con số này hiện nay có thể sẽ cao hơn nhiều khi hàng chục nghìn người Nga đã chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Armenia, Israel, các nước Baltic và xa hơn nữa.
Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ, ước tính có khoảng 50.000 – 70.000 chuyên gia đã rời Nga trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, và dự kiến có thêm 70.000 – 100.000 người nữa sau đó – theo một tổ chức thương mại trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Nga.
Một số nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp như Vladimir, người điều hành một dịch vụ phần mềm cho các nhà hàng, đã quyết định chuyển doanh nghiệp và nhân viên ra nước ngoài, lựa chọn các quốc gia có khả năng tiếp cận vốn cao như Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Síp. Vladimir đang đưa vợ và đứa con ở tuổi đi học, cùng với nhóm cộng sự bốn người và gia đình của họ, đến Paris.
Cuộc rời đi của họ diễn ra trong làn sóng nhiều nhân viên ngành công nghệ Nga đổ xô đến các quốc gia dễ cấp thị thực như Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mikhail Mizhinsky, người sáng lập Relocode, một công ty hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ chuyển địa điểm, cho biết nhóm các nhân viên ngành công nghệ trong các công ty IT lớn của Nga, phải đối mặt với một tình huống đặc biệt khó khăn. Nhiều người nhận được tối hậu thư từ các khách hàng nước ngoài đã ngừng kinh doanh với Nga. Họ phải cân nhắc giữa chi phí sống thấp ở Bulgaria, ảnh hưởng của Nga ở Serbia và lợi ích về thuế ở Armenia.
Ông Mizhinsky nói: “Hầu hết họ không nhất thiết muốn rời khỏi Nga, quê hương của họ. Tuy nhiên, mặt khác họ lại có những khách hàng mua các sản phẩm và dịch vụ CNTT thuê ngoài, những người đã yêu cầu họ rời đi. Nhiều người nhận được thư từ khách hàng nói sẽ chấm dứt hợp đồng nếu họ không rời Nga”.
Công nghệ chỉ là một trong số các ngành dịch vụ chuyên nghiệp đã chứng kiến sự “chảy máu” các nhân lực ngành công nghệ, kinh doanh khỏi các thành phố lớn của Nga, khi điều kiện kinh doanh ngày càng kém đi.
Khoảng 15.000 triệu phú dự kiến rời Nga trong năm nay, làm tăng thêm số lượng người di cư khỏi nước này. Ảnh: Getty Images
Scott Antel, một luật sư đã có gần hai thập kỷ làm việc tại Moskva, cho đến nay đã giúp 5 người bạn chuyển từ Nga đến Dubai. Antel cho biết: “Bạn đang thấy một cuộc chảy máu chất xám lớn.”
Giữ thái độ trung lập về mặt chính trị trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế, tiểu vương quốc Dubai đã nổi lên là một điểm đến được những người giàu có ở Nga lựa chọn. Nhiều người Nga giàu có đã tới đây đầu tư vào thị trường bất động sản cao cấp.
Trên thực tế, khoảng 15.000 triệu phú dự kiến sẽ rời Nga trong năm nay, theo một báo cáo tháng 6 từ công ty đầu tư Henley & Partners có trụ sở tại London. Trong đó, Dubai là địa điểm đến hàng đầu của giới siêu giàu.
Sự thận trọng của các nước chủ nhà
Làn sóng di cư thứ hai đang diễn ra trong bối cảnh có báo cáo cho rằng một số người di cư trước đó rời khỏi Nga đã trở về nhà, vì mối quan hệ gia đình và kinh doanh, cũng như gặp những khó khăn do hạn chế đi lại và các lệnh trừng phạt ngân hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia Batalova cho rằng những cuộc hồi hương như vậy sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Bà nói: “Tôi cá là cuộc di cư khỏi Nga sẽ tiếp tục, và khi mọi người quay trở lại, họ sẽ bán tài sản, nhà cửa, và sau đó lại rời đi”. Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc tiếp nhận người Nga di cư ở các nước sở tại.
Quả thật, một số nước chủ nhà lo ngại họ có thể trở thành mục tiêu cho hành động quân sự của Nga trong tương lai. Theo bà Batalova, các quốc gia như Gruzia, Armenia và các nước vùng Baltic có thể sẽ đặc biệt lo lắng.
Tuy vậy, Vladimir vẫn không nản lòng. Anh đang hy vọng về một khởi đầu mới bên ngoài nước Nga.
Các chuyên gia trí tuệ nhân tạo 'lũ lượt' rời bỏ Meta
Meta, công ty mẹ của Facebook đang chứng kiến tình trạng chảy máu chất xám khi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (A.I) hàng đầu của hãng lần lượt rời bỏ 'con tàu'.
Ít nhất 4 thành viên nổi bật của bộ phận Meta A.I đã xin nghỉ việc trong những tháng gần đây. Trong đó, có cả những nhà khoa học từng xuất bản hàng chục bài viết học thuật trên các tạp chí nổi tiếng thế giới và tạo ra nhiều đột phá mà công ty đang áp dụng trên Facebook và Instagram.
Karl Hermann, 1 doanh nhân trong lĩnh vực A.I, từng làm việc tại DeepMind, phòng thí nghiệm đối thủ của Meta, hôm thứ Hai (28/3) cho biết con số thực tế có thể lên tới nửa tá, đặc biệt phòng thí nghiệm A.I của công ty tại London đang chứng kiến số lượng nghỉ việc đáng báo động.
"Văn phòng của Meta tại London đã 'sập' khi phần lớn những nhà nghiên cứu hàng đầu của họ rời đi trong 6 tuần vừa qua", Karl cho biết.
Neil Lawrence, giáo sư máy học tại Đại học Cambridge, nói rằng ông không ngạc nhiên về tình trạng trên. "Mark Zuckerberg ngay từ đầu đã không đầu tư đúng mực đối với bất cứ thứ gì tại văn phòng ở London".
Trong số những người rời đi có cả Edward Grefenstette, nhà khoa học hàng đầu, từng dẫn đầu nỗ lực của Meta trong một nhánh của ngành A.I, được gọi là học tăng cường. Ông đã rời đi vào tháng 2 vừa rồi và từ chối bình luận lý do nghỉ việc.
Heinrich Kuttler, một trong những quản lý đội ngũ nghiên cứu kỹ thuật của công ty, cũng sang đầu quân cho Inflection A.I, công ty khởi nghiệp do người đồng sáng lập phòng thí nghiệm DeepMind, Mustafa Suleyman và tỷ phú Reid Hoffman của Linkedln thành lập. Kuttler gia nhập Meta vào tháng 1/2019, sau hơn 2 năm làm việc tại DeepMind.
Chảy máu chất xám không hồi kết
Một cuộc chia tay gần đây nhất là Admad Beirami, người rời vị trí nhà nghiên cứu khoa học tại Meta vào tháng 1 vừa qua để gia nhập Google với vai trò tương tự.
Trước đó, tháng 12 năm ngoái, nhà khoa học Douwe Kiela xin nghỉ việc sau 5 năm cống hiện tại công ty và đang là trưởng nhóm nghiên cứu tại một start-up A.I có tên Hugging Face.
Theo CNBC, tình trạng chảy máu chất xám tại Meta dự báo sẽ tiếp diễn, với việc một số nhân viên tại bộ phận A.I của công ty này đã có kế hoạch nghỉ việc trong những tuần sắp tới. Hiện vẫn chưa biết lý do cụ thể tại sao mọi người đồng loạt rời đi như vậy.
"Một số người có thể nhảy sang những phòng thí nghiệm lớn khác vì họ cảm thấy tại đó có thể thúc đẩy sự nghiệp và chương trình nghiên cứu của mình tốt hơn", nguồn tin của CNBC cho biết.
"Cũng có thể họ chỉ muốn khởi nghiệp hoặc tham gia vào công ty nhỏ hơn. Với một số người, cổ phiếu công ty mất giá cũng là một lý do, nhưng tôi không nghĩ đó là nguyên nhân chính".
Yann LeCun, Trưởng nhóm khoa học Meta A.I, cũng là người đồng sáng lập phòng nghiên cứu A.I công ty, cho biết "mọi người thay đổi suy nghĩ và tiếp tục cuộc sống mới".
Ông cũng cho biết thêm: "Ed Grefenstette đang làm việc cho 1 công ty khởi nghiệp không tên tuổi. Tôi khá buồn khi cậu ấy rời đi. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, suy nghĩ của mọi người đang thay đổi. Tôi không rõ kế hoạch của Heinrich là gì và cũng không tìm thấy nguyên nhân chung nào. Chúng tôi không thấy động thái bất thường nào từ FAIR (phòng nghiên cứu A.I của Facebook) London hay ở bất kỳ khu vực nào khác".
Được thúc đẩy bởi niềm tin A.I sẽ thay đổi thế giới, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực này trong những năm trở lại đây, trong đó phần lớn kinh phí được dùng chiêu mộ các tài năng hàng đầu từ một số trường đại học lớn như Oxford và Cambridge tại Anh và MIT, Stanford hay NYU ở Mỹ.
Tình trạng chảy máu chất xám phòng thí nghiệm A.I của Meta đã diễn ra trong 2 năm gần đây. Rob Fergus, đồng sáng lập phòng thí nghiệm Meta A.I, nghỉ việc tại công ty vào năm 2020 để gia nhập DeepMind và xây dựng đội ngũ ở New York.
Trong khi đó, Marc Aurelio Ranzato, quản lý nhóm nghiên cứu, cũng rời Meta A.I vào tháng 8/2021 sang đầu quân cho đối thủ.
Không chỉ liên quan tới bộ phận A.I, công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Zuckerberg còn chứng kiến nhiều sự rời đi của các giám đốc điều hành chủ chốt khác trong năm 2021 như Deborah Liu (Giám đốc Facebook Marketplace), David Fischer (Giám đốc kinh doanh quảng cáo và tổ chức bán hàng), Hugo Barra (Phó chủ tịch phụ trách mảng thực tế ảo)...
Nghìn tỷ đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài: Cách hay hơn... Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước lại tránh chảy máu chất xám, nên mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy ở Việt Nam. Theo dự thảo thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89 do Bộ Tài chính mới công bố, mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên...