Nhân lên niềm vui trên quê hương anh hùng
Tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến, Ban chỉ đạo 24 huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất những tiêu cực, sai sót trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ, góp phần nhân lên những niềm vui trên quê hương anh hùng.
Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Vĩnh Linh chi trả chế độ theo quyết định
49 cho các đối tượng chính sách ở xã Vĩnh Thủy.
Chúng tôi về xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) khi Ban Chỉ đạo 24 của huyện đang tiến hành chi trả tiền trợ cấp đợt 10 năm 2018 cho các đối tượng theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Cầm trên tay giấy chứng nhận cùng số tiền trợ cấp một lần, bà Phan Thị Chiểu, sinh năm 1924, ở thôn Thủy Ba Tây phấn khởi nói: “Tôi tham gia dân công hỏa tuyến không nghĩ sẽ được chế độ gì vì giấy tờ đã hư hỏng gần hết nên đây thực sự là niềm vui to lớn với tôi khi tuổi đã xế chiều”.
Video đang HOT
Còn ông Cao Duy Ngô không khỏi bùi ngùi xúc động khi nâng niu tấm bằng chứng nhận của cha mình là ông Cao Duy Khích tâm sự với chúng tôi: “Ba tôi tham gia dân công hỏa tuyến, trực tiếp phục vụ chiến đấu, nay đã mất, lại thiếu giấy tờ nên phải nhiều lần xác minh mới làm được chế độ. Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các anh ở Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện thì tôi khó có thể thu thập được đầy đủ giấy tờ pháp lý. Tuy số tiền không nhiều nhưng đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp cho cách mạng của ba tôi”.
Bà Chiểu, ông Khích là hai trong số 232 đối tượng dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Thủy được chi trả lần này. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Quang Thắng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Vĩnh Linh cho biết: “Đất nghèo nuôi anh hùng! Xã Vĩnh Thủy tính ra có dân số được tặng huân huy chương các loại, đối tượng dân công hỏa tuyến là 870, chiếm khoảng 1/10 dân số, chỉ tính riêng lần này xã có 232 đối tượng . Khó khăn trong thẩm định hồ sơ đối với các cấp là các đối tượng sau khi trở về địa phương hầu hết không có quyết định, hoặc giấy tờ của cấp có thẩm quyền, nếu có thì việc bảo quản, lưu giữ giấy tờ trong nhân dân còn để hư hỏng, mất mát nhiều ; nhiều đối tượng đã từ trần, tuổi cao, trí nhớ giảm sút nên khi kê khai không nhớ chính xác thời gian, địa điểm, người chỉ huy, người cùng đi, cùng về…”.
Được biết, trong số 15.500 đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định 49 của tỉnh Quảng Trị thì huyện Vĩnh Linh chiếm phần lớn với 12.313 đối tượng nên việc xét duyệt hồ sơ các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Tháo gỡ vướng mắc đó, Ban chỉ đạo 24 huyện đã đề ra nhiều biện pháp triển khai thực hiện, trong đó, yêu cầu các xã kiện toàn Hội đồng chính sách ngay tại cơ sở, thành lập tổ tư vấn ở cấp huyện, xã; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ làm công tác chính sách ở cơ sở; quá trình xét duyệt hồ sơ đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của tổ tư vấn cấp huyện và xã.
Thành phần tổ tư vấn là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, am hiểu về công tác chính sách và là cán bộ địa phương thời kỳ đó hoặc người đã trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến… Qua đó giúp Hội đồng chính sách cùng cấp xác định các đợt và số lượng huy động, làm cơ sở phát hiện, xem xét, xác định đối tượng. Bởi chính các cựu chiến binh, người cao tuổi, cựu thanh niên xung phong ở cùng quê với nhau sẽ hiểu rõ, nắm chắc các đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến; hạn chế thấp nhất những tiêu cực, sai sót trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ và không bỏ sót đối tượng, đồng thời lắng nghe dư luận và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở.
Nhờ đó năm 2018, Ban chỉ đạo 24 huyện Vĩnh Linh đã tiến hành chi trả cho 6.142 đối tượng với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt và chi trả nghiêm túc, chặt chẽ, đúng đối tượng. Thiếu tá QNCN Dương Văn Ánh, Trợ lý Chính sách Ban CHQS huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định 100 bộ hồ sơ ở Hội đồng chính sách xã Vĩnh Khê để kịp thời nộp lên tỉnh, Quân khu xét duyệt và phấn đấu trong thời gian sớm nhất chi trả chế độ cho các đối tượng”./.
Bài, ảnh: Trần Mạnh Hùng
Theo ĐCSVN
Nâng cao hiệu quả thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" ở Vĩnh Linh
Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài 27,5km, khu vực biên giới biển gồm 3 xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch và thị trấn Cửa Tùng, với 4.597 hộ/17.281 nhân khẩu. Những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với khu vực biên giới và thực hiện tốt "Ngày Biên phòng toàn dân".
Lãnh đạo địa phương và chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa Tùng ký kết thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Thành Phú
Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Linh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới biển; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới biển trong tình hình mới. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân" được gắn với đẩy mạnh phong trào "Quần chúng tự quản tàu thuyền, bến bãi và an ninh trật tự xóm (thôn)". Các địa phương tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành, đoàn thể với lực lượng BĐBP (trực tiếp là Đồn Biên phòng Cửa Tùng) và quan tâm chăm lo xây dựng BĐBP vững mạnh.
Thông qua hoạt động của BĐBP và các cấp, ngành ở địa phương, người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung lao động sản xuất và phát triển kinh tế. Phong trào toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới biển thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và phối hợp chặt chẽ với đồn Biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới biển.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh các xã ven biển. Qua đó, đã nâng mức thu nhập bình quân của người dân vùng ven biển từ 9,1 triệu đồng/người năm 2009 lên 37 triệu đồng/người vào năm 2017 và xây dựng được hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở tại các xã ven biển, như: Hệ thống giao thông, trạm y tế, trường học...
Cùng với đó, nhiều chủ trương, biện pháp đã được huyện Vĩnh Linh triển khai để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới. Hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu của các cơ quan, đơn vị đối với các xã, thị trấn ven biển đã mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần nhân dân bằng nhiều hoạt động như: Khám, chữa bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giao lưu, văn hóa, thể thao...
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015, của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Cửa Tùng đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân khi tham gia hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, nâng cao được trách nhiệm của ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển đúng pháp luật, không xâm phạm các vùng biển nước ngoài đấu tranh với các tàu nước ngoài xâm phạm các vùng biển của ta...
Các địa phương ven biển đã xây dựng được mô hình tổ tự quản an ninh trật tự, bến bãi tàu thuyền an toàn, để ngư dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đến nay, đã xây dựng được 6 tổ tàu thuyền an toàn/61 thuyền/585 thuyền viên; 39 tổ tự quản an ninh trật tự/183 thuyền viên và 7 tổ an ninh trật tự quản lý bến bãi/35 thuyền viên tham gia. Qua đó, đã chấm dứt được tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ngoài khi khai thác hải sản.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đề ra nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác quốc phòng - an ninh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới biển; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Đồn Biên phòng Cửa Tùng cũng tích cực tham gia cùng địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân..., thực sự là điểm tựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới biển.
Hoạt động "Ngày Biên phòng toàn dân" của quân và dân huyện Vĩnh Linh trong những năm qua đã thực sự có nền nếp, trở thành một trong những hoạt động thường xuyên trong đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã ven biển. Với những chủ trương, biện pháp, cách làm cụ thể và các phong trào, hoạt động thiết thực, huyện Vĩnh Linh đã huy động được sự tham gia đông đảo của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Nguyễn Thành Phú
Theo Biên phòng
Nam sinh lớp 6 đuối nước thương tâm Tại xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 6 tử vong khi cùng các bạn đi tắm biển. Người thân cùng người dân địa phương tổ chức tìm kiếm nạn nhân trong suốt đêm (ảnh: CTV) Thông tin ban đầu, khoảng15h30 ngày 4/12, em Nguyễn Ngọc Thiên Đăng (12 tuổi,...