Nhận là người quen, vào nhà “khua khoắng”
Trong chưa đầy 1 tuần, tại quận Long Biên xảy ra ít nhất 2 vụ các đối tượng vào nhà dân, tự nhận là người quen của con cái gia chủ, sau đó tìm cách lấy trộm tài sản.
Những khu dân cư vắng vẻ thường bị kẻ gian lợi dụng, gây án
Diễn biến các vụ việc cũng như đặc điểm gây án của đối tượng cho thấy, “tác giả” các vụ trộm táo tợn chỉ là một. Và trước khi gây án, chúng đã dành thời gian để tìm hiểu, chọn “ con mồi”. Bị hại là gia đình bà Nguyễn Thị Mai (SN 1931) ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên đến cơ quan công an trình báo vào cuối giờ chiều 11-1, trong khi đang lúi húi chọn mua đôi dép trước cửa nhà thì có 2 người đàn ông đi trên một chiếc xe máy dừng lại chào. “Con chào bác, bác khỏe không ạ. Chúng con là bạn của Linh đây”, hai người đàn ông, 1 khoảng gần 50 tuổi, người còn lại trên dưới 30, đon đả bắt chuyện. “Hôm trước cưới Linh bọn con không đến dự được, hôm nay tới chúc mừng nó đây”. Nghe nói thế, bà Mai tin lắm. Khách biết tên con trai mình, lại biết cả đám cưới cách đó gần tháng.
Bỏ dở việc mua dép, bà Mai mời 2 vị khách vào nhà. Uống chưa xong chén nước, tay trẻ hơn lấy lý do muốn xem phòng cưới của vợ chồng Linh, tự ý đi lên tầng 2. Chừng 5 phút sau, tay này đi xuống, tấm tắc khen nhà đẹp rồi xin phép bà Mai về, hôm khác quay lại chơi. Đến khi vợ chồng cậu con trai đi làm về, bà Mai kể chuyện, mới giật mình: “Bọn con làm gì có bạn bè như thế đâu”. Lên tầng 2 kiểm tra đồ đạc, gia đình bà Mai phát hiện bị mất 2 chiếc kiềng, 1 lắc và 2 nhẫn vàng (tổng cộng khoảng 11 chỉ vàng), và 7 triệu đồng tiền mặt để ở tủ phấn.
Câu chuyện bà Mai bị kẻ gian vào tận nhà lừa, lấy trộm tài sản chưa kịp lắng xuống, thì 3 ngày sau đó, tại nhà ông bà Phúc, phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cũng “tiếp” 2 vị khách tương tự. Ông bà Phúc sống cùng vợ chồng cô con gái trong ngôi nhà khang trang ngay sau mặt phố Ngọc Lâm. Trong giờ hành chính, chỉ hai ông bà ở nhà. Lúc ấy khoảng 15h, đang quét sân thì bà Phúc nghe tiếng chuông. Hai vị khách, một khoảng 50 tuổi, một chừng 30 tuổi, ăn mặc khá lịch sự, đi xe máy đứng bên ngoài. “Bác ạ, chúng con là bạn Thắng ạ. Bọn con vừa từ Thanh Hóa ra chúc tết vợ chồng Thắng. Nó cho bọn con địa chỉ và bảo về nhà chờ”, gã thanh niên trẻ tuổi liến thoắng. Nghe giới thiệu là bạn của con trai, bà Phúc vồn vã mời khách vào nhà. Hai ông bà pha ấm nước chè rồi cùng ngồi tiếp khách. Ngồi chưa ấm chỗ, gã trẻ tuổi tấm tắc khen: “Nhà thằng Thắng đẹp thật đấy”, rồi xin phép bà Phúc lên tầng trên “tham quan”. “Bố mẹ em cũng đã cảnh giác, nếu gã thanh niên đó mà vào phòng của vợ chồng em thì ông bà sẽ lên theo ngay. Nhưng nó lại đi sang mấy phòng bên cạnh không có đồ đạc”, chị Hoa, con gái bà Phúc kể lại sự việc.
Thế nhưng, sự “cảnh giác’ của ông bà Phúc vẫn còn chỗ sơ hở. Tối hôm trước, cháu nội của ông bà mang chiếc máy tính xách tay của bố mẹ sang phòng chơi. Hai vị khách “ra về” cùng chiếc máy tính xách tay trị giá gần 20 triệu đồng. Chiếc máy tính ấy bị chúng đem ra khỏi nhà ông bà Phúc bằng cách cho vào một chiếc cặp xách tay mà gã trẻ tuổi làm như vô tình cầm theo lúc lên “tham quan” nhà.
Thời điểm năm hết, tết đến, đối tượng lưu manh thường tìm mọi sơ hở của người dân để gây án. Việc chọn tìm những gia đình có điều kiện kinh tế, lại chỉ có người già ở nhà trong giờ hành chính, nhận làm người quen để tìm cách vào nhà, sẽ rất nguy hiểm. Không loại trừ khả năng nếu không trộm cắp được tài sản, hoặc bị chủ nhà phát hiện, đối tượng sẽ ra tay manh động, thực hiện đến cùng hành vi phạm tội.
Điều này từng xảy ra hồi cuối tháng 11-2011, tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Bị hại trong vụ án này là bà Trần Thị Bích; khi bà Bích đang ở nhà với đứa cháu thì có một phụ nữ khoảng 30-35 tuổi đến nhà tự giới thiệu là bạn của con dâu, mang theo cân mực biếu bà. Bà Bích mời người phụ nữ này vào trong phòng khách, bất ngờ, bị đối tượng dùng vật cứng đánh vào trán, cổ. Bà Bích ngất đi, đối tượng lục lọi lấy mất 40 triệu đồng, 1 đăng ký xe máy và một số giấy tờ tuỳ thân rồi trốn thoát.
Theo ANTD
Đừng trở thành "mồi" của kẻ cướp
Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, nạn trộm cướp ngày càng lộng hành. Nhiều đối tượng quyết liệt đeo bám để theo dõi và chờ cơ hội ra tay đối với những trường hợp mang tiền, vàng với một số lượng lớn lưu thông trên đường đến nơi cần giao dịch.
Dù sự việc xảy ra cuối năm 2010 nhưng khi nhớ lại, vợ chồng chị Kiều Thị H. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vẫn còn cảm giác ớn lạnh. Hai vợ chồng chị vào TPHCM lập nghiệp hơn 10 năm trời, gom góp, dành dụm được 800 triệu đồng để mua nhà. Nhưng chẳng may, đúng ngày vợ chồng chị đem tiền để sang tên hợp đồng công chứng căn nhà thì bị cướp. Dù cũng sợ khi phải mang một lượng tiền mặt lớn đi trên đường nhưng phía chủ nhà không quen giao dịch qua ngân hàng, nên vợ chồng chị H. đành chiều theo. Sau khi đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, chị H. cẩn thận chia 800 triệu đồng ra nhiều phần, rồi gói kỹ và cất trong cốp xe. Trên đường đi, vợ chồng chị không hề biết rằng mình bị theo dõi. Khi cho xe rẽ vào KCN Tân Bình, vợ chồng chị bất ngờ bị bốn thanh niên đi trên hai xe Nouvo ép vào lề đường. Chúng rút dao dí vào mặt chị H. và yêu cầu chị lấy giỏ sách trong cốp xe ra. Không thể chống cự, chị H. đành làm theo lời chúng. Sau khi giật phăng giỏ xách, chúng biến mất trong làn xe cộ đông đúc, trong khi vợ chồng chị H. vẫn chưa kịp hoàn hồn. "Cũng may nhờ tính cẩn thận, chị H. chỉ mất 1/4 số tiền mua đất. Tuy nhiên, vợ chồng chị không còn đủ tiền để mua nhà, lại phải ở trọ chờ thêm một thời gian nữa" - chị H. buồn bã trần tình.
Băng nhóm Indonesia gây ra nhiều vụ "bắn đinh" xe chuyển tiền đi ra từ các ngân hàng, từng gây nên nỗi kinh hoàng ở TPHCM và Hà Nội
Mới đây, Công an quận 4 bắt được một băng cướp chuyên dàn cảnh va quẹt xe để lấy tiền của người đi đường. Trước đó, anh Nguyễn P.H (ngụ quận Thủ Đức), làm nghề buôn bán dụng cụ inox đã đến Công an quận Thủ Đức trình bày việc bị mất 20 triệu đồng. Anh H. kể: "Từ hướng chợ Thủ Đức, tôi đi về hướng quận 5 để mua hàng. Khi đến ngã tư Kha Vạn Cân - Quốc lộ 13 thì có một xe phía sau ép vào đầu xe tôi. Sau đó, chúng giả vờ bị đau khiến tôi chú ý. Nhưng khi chúng rồ ga bỏ chạy, tôi kịp định thần thì phát hiện 20 triệu đồng trong túi quần đã "không cánh mà bay". Đã có rất nhiều trường hợp đến CAQ4 trình báo việc bị mất tiền với cùng một thủ đoạn như anh H. Tại ngã tư Đoàn Văn Bơ - Hoàng Việt, quận 4 , anh V.V.N cũng bị mất 60 triệu đồng vì cùng một chiêu thức này. Tuy nhiên, trong lúc các đối tượng chia nhau số tiền trộm được tại một quán cà phê ở quận 7 thì bị lực lượng trinh sát CAQ4 ập vào, bắt giữ. Sau đó, 8 đối tượng trong băng nhóm lần lượt sa lưới.
Chúng khai đã sử dụng xe gắn máy để quan sát người đi đường, nếu phát hiện ai mang theo nhiều tiền để ở túi quần hoặc giỏ xách sẽ dàn cảnh va quẹt xe với mục đích trộm tiền. Trong thời gian tháng 7 và tháng 8-2011, chúng đã thực hiện trót lọt gần chục vụ trộm tiền, số tiền dao động từ 20 đến 200 triệu đồng. Sau khi nghe tin Công an quận 4 triệt phá được băng nhóm này, ông Nguyễn Văn M. (ngụ quận Thủ Đức) đã đến trình báo việc bị mất 47 triệu đồng tiền của hợp tác xã cũng với thủ đoạn tương tự.
Một trong những giao dịch tiền mặt số lượng nhiều nhất hiện nay phải kể đến lĩnh vực mua bán nhà đất hay các nhà đầu tư vàng vật chất. Anh T. - một giám đốc công ty môi giới nhà đất tại quận 2 - cho biết có đến 95% số khách hàng cá nhân chọn phương thức đặt cọc mua nhà đất bằng tiền mặt (từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng). Do vậy, thực tế là có rất nhiều rủi ro vì địa điểm giao dịch có thể là tại căn nhà mua bán, quán cà phê hay một nơi khác. Nhiều khi, giữa hai bên mua bán còn phải kiểm tra số tiền lớn giữa chốn đông người là không an toàn. Dù thường khuyên khách nên mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng nhưng nhiều người không chịu không có thời gian, lại ngại thủ tục rắc rối. Trong khi đó, bọn cướp thường lảng vảng ở các khu dự án, nhà đất đang bán để theo dõi "con mồi". Anh T. chia sẻ: không ít trường hợp khách hàng trên đường đi đặt cọc mua nhà đất đã bị bọn chúng chặn xe cướp trắng trợn. Đã có một khách hàng nữ của anh suýt bị mất 1,2 tỷ đồng, nếu không phát hiện kịp thời có ba thanh niên bám sát phía sau và tìm cách nhờ người giúp đỡ.
Để tránh làm mồi cho bọn cướp, ý thức chính vẫn là từ những người dân, cần phải thận trọng khi đi giao dịch ở các ngân hàng và một số địa điểm khác với số lượng tiền lớn. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn nhất hiện nay là ý thức phòng chống tội phạm của người dân, người đi đường khi chứng kiến các vụ cướp còn quá kém. Có nhiều vụ người dân chẳng đả động gì đến việc tham gia bắt cướp mà còn chúi đầu vào việc hôi của của nạn nhân.
Theo CATP
Nhóm bạc bịp 'bẫy' đại gia lĩnh án Giả là doanh nhân, nhóm cờ bạc bịp tìm các giám đốc giàu có vờ hợp tác làm ăn để dụ họ đến khách sạn 5 sao ký hợp đồng. Tại đây chúng dàn cảnh ép "con mồi" chơi bài rồi lừa sạch tiền và tài sản. Ngày 6/9, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thạch Bách (37 tuổi, ngụ Bắc Ninh)...