Nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son cất tiền ngoài ban công
Sau khi thương vụ AVG hoàn tất, bị cáo Phạm Nhật Vũ mang 3 triệu USD đến nhà hối lộ ông Nguyễn Bắc Son. Số tiền này được cựu bộ trưởng để trong 2 vali và 1 balo rồi cất ở ban công.
VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông – TT&TT) và 13 bị can liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Văn bản dài 56 trang do Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Văn Quảng ký thể hiện cụ thể việc bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) mang 3 triệu USD đến hối lộ ông Son.
Ông Son muốn trả lại 3 triệu USD nhưng gia đình bất hợp tác
Ông Phạm Nhật Vũ được các cổ đông ủy quyền giao dịch bán 95% cổ phần AVG. Biết năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn và giá trị tài sản thấp nhưng vì mong muốn bán công ty cho MobiFone, bị cáo Vũ đã đưa ra thông tin AVG bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là công ty 8206 Hong Kong với giá với giá 700 triệu đô (nhận đặt cọc 10 triệu USD).
Cơ quan tố tụng xác định việc giao dịch với đối tác nước ngoài là không có căn cứ. Ông Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin trên nhằm nâng cao giá trị AVG. Trong thời gian này, Vũ đã 85 lần gọi điện và nhắn 206 tin nhắn đề nghị Bộ trưởng TT&TT thông bấy giờ là ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc MobiFone mua AVG.
Ngoài ra, bị cáo Phạm Nhật Vũ còn nhiều lần liên hệ với ông Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải để thúc đẩy thương vụ nhằm mang lại lợi ích cho AVG.
Ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận được hối lộ 3 triệu USD. Ảnh: Hoàng Hà.
Sau 5 lần đàm phán, tháng 10/2015, hai bên ký thỏa thuận mua bán cổ phần. Phía MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá không khách quan để mua AVG với giá trên trời là gần 8.900 tỷ đồng. Chỉ sau 19 ngày, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, gây thiệt hại cho nhà Nhà nước gần 6.500 tỷ.
Kết quả điều tra cho thấy ông Nguyễn Bắc Son có vai trò chỉ đạo xuyên suốt từ khi đàm phán đến thanh toán thương vụ. Cơ quan tố tụng thống kê ông Son đã gội cho Phạm Nhật Vũ 126 cuộc và gửi 139 tin nhắn để đốc thúc triển khai dự án. Song song với đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn chỉ đạo các ông Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải thực hiện dự án trái quy định pháp luật.
Sau khi thương vụ hoàn tất, ông Son được Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD tại nhà riêng ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Sau đó, ông Son mang toàn bộ số tiền này lên phòng làm việc tại tầng 2 trụ sở Bộ TT&TT để xếp đầy vào 2 vali du lịch màu đen và một balô du lịch, rồi mang cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.
Theo lời khai của ông Son, 3 triệu USD được bị cáo đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền. Ông Nguyễn Bắc Son dặn con gái có thể dùng số tiền này để đầu tư nhưng không được gửi tiết kiệm.
Ông Nguyễn Bắc Son khai được Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD tại nhà riêng ở phố Lý Nam Đế. Ảnh: Hồng Quang.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, con gái ông Son phủ nhận việc cầm 3 triệu USD của cha. Còn ông Son nhiều lần viết đơn xin nộp lại khoản tiền nhận hối lộ nhưng không nhận được sự phối hợp của gia đình. Đến nay, bị cáo Nguyễn Bắc Son sử dụng gần 600 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm để trả lại một phần tài sản chiếm đoạt.
Do chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu Huyền nên VKSND Tối cao cho biết sẽ điều tra làm rõ hành vi này qua kết qua xét hỏi tại tòa.
Ông Trương Minh Tuấn tuân lệnh cấp trên để được làm bộ trưởng
VKSND Tối cao cáo buộc ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng TT&TT) là người tham mưu, thực hiện tích cực chỉ đạo từ ông Nguyễn Bắc Son trong việc mua 95% AVG.
Biết rõ giá trị thực của AVG nhưng ông Tuấn đã làm trái các quy định về đầu tư, sử dụng vốn Nhà nước, phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ông Trương Minh Tuấn khai làm theo lời ông Nguyễn Bắc để được chọn làm người kế nhiệm. Ảnh: Hoàng Hà.
Sau thương vụ này, ông Trương Minh Tuấn được Phạm Nhật Vũ hối lộ 200.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng). Cựu bộ trưởng nhận thức việc được hối lộ do đã chỉ đạo việc MobiFone mua 95% AVG.
Bị cáo Trương Minh Tuấn lý giải việc tích cực thực hiện việc bán vì được ông Nguyễn Bắc Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm bộ trưởng. Sau đó, khi ông Son nghỉ hưu, ông Tuấn được chọn làm người kế nhiệm.
Trong vụ án này, ngoài ông Son và ông Tuấn, còn có 2 bị can khác nhận tiền từ Phạm Nhật Vũ. Trong đó, ông Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone) nhận 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải (nguyên Tổng giám đốc MobiFone) được hối lộ 500.000 USD.
Theo Zing.vn
Thương vụ MobiFone mua AVG: Công lý phải bình đẳng với tất cả mọi người
Trong thương vụ MobiFone mua AVG, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm và công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
Video: Vi phạm của ông Trương Minh Tuấn trong thương vụ MobiFone mua AVG
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG.
Kết quả điều tra mới nhất cho thấy, 2 cựu lãnh đạo Bộ thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã nhận hơn 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐQT công ty AVG để đẩy nhanh dự án. Hơn 3 triệu USD (gần 70 tỷ) đó là số tiền mà các bị can trong vụ án gọi là "cảm ơn bằng vật chất".
Điều dư luận quan tâm, liệu đây có phải là khoản tiền hối lộ duy nhất? Hơn 3 triệu USD có thu hồi được hay không và thu hồi bằng cách nào? Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng.
- Ông có bất ngờ không khi nghe tới con số hơn 3 triệu USD mà 2 cựu lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhận được từ ông Phạm Nhật Vũ trong thương vụ MobiFone mua AVG?
Trước khi có kết luận của cơ quan điều tra, thông tin này đã được "đồn đại" trong dư luận xã hội, nên tôi không quá bất ngờ.
- Trong số hơn 3 triệu USD, riêng bị can Nguyễn Bắc Son đã khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ với ý nghĩa "cảm ơn bằng vật chất". Kết quả điều tra cũng cho thấy, ông Son nhận khoản tiền này khi nhiệm kỳ làm Bộ trưởng sắp kết thúc với ý muốn tạo dấu ấn cho MobiFone. Ông có bàn luận gì về tính thời điểm trong trường hợp này?
Công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Đúng là khi chuẩn bị sắp kết thúc, người ta muốn có một cái gì đó để lại tiếng thơm cho đời. Nhưng ở đây, không phải là dấu ấn như vậy.
Thương vụ này không tạo nên kỳ tích cũng như đóng góp gì đó cho xã hội một cách vượt trội. Để hạn chế những việc này, công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ. Bởi vì công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
- Từ một "xác chết", AVG đã được thổi giá thành khối tài sản trị giá hơn 8.500 tỷ đồng. Từ lời khai của Phạm Nhật Vũ, mới có khoảng 100 tỷ đồng được dùng để cảm ơn lãnh đạo Bộ TT&TT và bộ sậu của MobiFone. Dư luận đặt câu hỏi, liệu hơn 7.000 tỷ đồng tiền vốn nhà nước đã đi về đâu. Ông có chung mối quan tâm này không?
Tôi cũng có chung suy nghĩ, nếu mới chi khoảng 100 tỷ đồng tiền cảm ơn thì hơn 7.000 tỷ đồng kia đi đâu? Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nếu câu hỏi này không được trả lời rõ ràng thì mọi sự nghi ngờ vẫn còn đó!
- Theo kết luận điều tra, sau khi nhận 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đã đưa tiền cho con gái trong nhiều lần, nhưng không có tài liệu chứng minh sự đưa-nhận này. Ông có bàn luận gì về cách thức tẩu tán tài sản tham nhũng kiểu như vậy?
Đưa cho con gái thì không nhất thiết phải có chứng từ nên bây giờ muốn có chứng từ đã chuyển cho con gái thì rất khó.
Cách dùng người nhà để đứng tên các tài sản bất động sản, đất đai... là một cách để che dấu tài sản và họ sẽ không khai những cái đó.
Đó là một trong những thủ thuật mà rất nhiều người lợi dụng để tẩu tán tài sản, tránh bị phát hiện và cũng tránh phải kê khai tài sản mà Luật phòng chống tham nhũng đã đặt ra.
- Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, dù tòa công bố lời khai của Nguyễn Văn Dương đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng C50. Tuy nhiên, trong vụ này, không có ai bị truy tố về các tội liên quan đến hối lộ. Từ thực tế các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn được xét xử trong thời gian gần đây, ông có cho rằng, khuôn khổ pháp lý hiện vẫn còn quá nhiều kẽ hở?
Nếu có những lời khai như vậy, nhưng hoạt động điều tra không tìm thấy chứng cứ thì năng lực điều tra có thể cần phải tăng cường. Điều băn khoăn là sự việc tương đối rõ nhưng không tìm được chứng cứ.
- Nhận thức được số tiền đã nhận là hưởng lợi bất chính nên ông Nguyễn Bắc Son xin nộp lại hơn 500 triệu đồng, ông Trương Minh Tuấn xin nộp hơn 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Dư luận cho rằng, số tiền các ông ấy nộp lại là quá ít so với số tiền hơn 3 triệu USD đã nhận hối lộ. Ông có bàn luận gì về câu chuyện này?
Pháp lý có điều khoản của Luật Hình sự, nếu người phạm tội chủ động nộp lại 3/4 tài sản nhận hối lộ thì được giảm án.
Số tiền ông Son xin nộp lại là quá ít so với số tiền ông ấy đã nhận hối lộ. 3/4 số tài sản mà ông Son đã nhận phải là 45 tỷ thì phải hoàn trả lại. Anh vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, bị trừng trị theo quy định của pháp luật thì đó mới là công lý.
- Vụ án đang được mở rộng điều tra trong khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Ông có kỳ vọng gì trong việc điều tra, xét xử đại án này?
Vụ án này thể hiện rất rõ "không có vùng cấm", bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý, đặc biệt là cấu thành tội tham nhũng thì đều bị nghiêm trị.
Thông điệp rõ nhất là cán bộ ở cấp gì, giữ chức vụ gì thì đều phải giữ gìn, tuân thủ pháp luật, không được tham nhũng.
Với thông điệp "không có vùng cấm", pháp luật được áp dụng triệt để thì sự răn đe sẽ cao hơn.
Nguồn: VOV.VN
Vụ Mobifone mua AVG: Luật không quy định 'chính sách hình sự đặc biệt' Một số thẩm phán, luật sư nêu ý kiến như trên, khi được hỏi quanh việc cơ quan điều tra có đề nghị khi truy tố, xét xử sẽ áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với bị can Phạm Nhật Vũ -nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Bị can Phạm Nhật Vũ...