Nhận định về tương lai tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc
Giới quân sự Trung Quốc đang so sánh J-20 và J-31 để tìm ra lời giải cho chiếc tiêm kích tàng hình trên tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.
Kể từ khi Tập đoàn chế tạo hàng không Thẩm Dương ra mắt chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 J-31 đầu tiên màu đen, mang số hiệu 31001, loại máy bay có biệt danh “Cốt Ưng” (“Gyrfalcon”) này đã nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận. Đến nay, nó đã phát triển rất nhanh, tiềm tàng khả năng trở thành loại tiêm kích, đại diện cho hàng không mẫu hạm tương lai Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn từ “vịt đất” hóa “chim biển”, Thẩm Dương J-31 phải vượt qua một đối thủ đáng gườm, một trụ cột không thể thay thế của không quân Trung Quốc trong tương lai là “Dải lụa đen” J-20 (“Black Silk”). Máy bay chiến đấu hạng nặng J-20 còn được biết đến với những biệt danh khác như “Black Eagle”, “Mighty Dragon”.
Trong cuộc lựa chọn này, ban đầu dư luận có khuynh hướng nghiêng về loại tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Tập đoàn chế tạo hàng không Thành Đô, bởi kế hoạch sản xuất loại máy bay này là công trình trọng điểm cấp quốc gia, tập trung trí tuệ, công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc với nguồn ngân sách khổng lồ.
Trong bối cảnh tàu sân bay có hạn, tính năng tác chiến của bản thân tiêm kích hạm là vấn đề rất quan trọng. Tiêm kích J-20 có kích thước tương đối lớn, tải trọng bom đạn, phạm vi hành trình và bán kính tác chiến lý tưởng, có thể giúp hàng không mẫu hạm đứng chân trong khu vực an toàn, có lợi cho sự sống còn của hạm đội.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia kỳ cựu lại đánh giá cao J-31 vì cho rằng ngoài việc phải có tính năng tương tự như máy bay mặt đất, tiêm kích hạm còn gặp phải rất nhiều hạn chế và có nhiều yêu cầu đặc thù hơn. Trong lĩnh vực này, chiếc J-31 có những đặc điểm phù hợp với việc triển khai trên tàu sân bay hơn.
Người Trung Quốc đang nỗ lực phát triển 1 loại tiêm kích tàng hình trên hàng không mẫu hạm
Video đang HOT
Trước tiên, tiêm kích hạm phải hoàn thành việc cất, hạ cánh và lưu trú trên sân bay nhỏ hẹp, di động của tàu sân bay, đồng thời phải sử dụng trong môi trường khí hậu khắc nghiệt trên biển. Do đó, những yêu cầu đối với chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm đều hà khắc hơn so với chiến đấu cơ mặt đất.
Lý Tiểu Kiện, chủ biên diễn đàn quân sự cjdby.net đưa ra giải thích: “Ví dụ như boong tàu sân bay thường sử dụng chung cho nhiều phương tiện tác chiến như máy bay chiến đấu, cảnh báo sớm, trinh sát điện tử và các loại trực thăng nên yêu cầu kích thước của tiêm kích hạm phải càng nhỏ càng tốt, cánh máy bay hoặc thậm chí cả đuôi cũng có thể xếp lại”.
“Ngoài ra, sương muối trên biển có độ ẩm cực cao, sẽ ăn mòn nghiêm trọng vật liệu kim loại, yêu cầu tiêm kích hạm phải có tính năng chống ăn mòn. Cất, hạ cánh trên boong tàu trong tình trạng rung lắc, di chuyển nên phải yêu cầu nghiêm ngặt tính năng ổn định và kiểm soát ở độ cao thấp của tiêm kích hạm, hạn chế mức thấp nhất tình trạng thất tốc”.
Theo đánh giá của giới truyền thông nước ngoài, J-31 có chiều dài chưa đến 17m, rõ ràng là nhỏ gọn hơn chiều dài 20m của J-20, sẽ phù hợp hơn nếu được triển khai trên hàng không mẫu hạm.
Yếu tố quan trọng hơn là, J-20 có kết cấu khí động kiểu một con ngỗng, thêm cặp cánh mũi nên nó có tính năng cơ động tuyệt vời ở tốc độ cao. Tuy nhiên, cặp cánh chính xuôi hình tam giác, vát về phía sau của nó lại không thích hợp để thường xuyên cất, hạ cánh và bay ở tầm thấp với tốc độ thấp như trên mẫu hạm.
J-31 (dưới) có kích thước nhỏ hơn so với J-20 và thiết kế phù hợp để trở thành tiêm kích hạm
Hãy thử hình dung, nếu điều khiển tiêm kích hạng nặng J-20 cất, hạ cánh với tốc độ và trần bay thấp trên tàu sân bay CV-16 “Liêu Ninh”, rất có thể “gã khổng lồ” này sẽ có phản ứng chậm chạp, kém nhạy bén, rất dễ xảy ra tình trạng thất tốc, gây ra những sự cố vô cùng nguy hiểm cho hàng không mẫu hạm.
Ngoài ra, cánh chính của J-31 được thiết kế theo bố cục kiểu thông thường nên rất thuận tiện cho kết cấu gập xếp, còn cánh chính hình tam giác, nằm rất sát về phía đuôi của J-20 lại rất khó.
Đối với vấn đề mang tải nhiên liệu và bán kính tác chiến được bạn đọc quan tâm nhiều nhất, Lý Tiểu Kiện cho biết, tiêm kích hạm thật ra không cần phải quá chú trọng tới tầm hoạt động xa hay gần.
“Tháng 6 năm 1944, trong trận hải chiến Mariana của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, tiêm kích hạm của lực lượng cơ động hải quân Nhật Bản có hành trình tầm xa hơn nhiều so với của Hoa Kỳ, hơn nữa quân đội Nhật còn áp dụng chiến thuật ném bom nhiều đợt để phát huy ưu thế của tiêm kích hành trình tầm xa ở mức độ cao nhất.
Nhưng kết cục lại là quân đội Nhật thảm bại, tiêm kích hạm của họ từ thế tấn công bị máy bay chiến đấu của Mỹ tàn sát ngược lại, khiến cho trận chiến trở thành “Cuộc săn vịt trời Marianas” hay “Trận bắn gà Marianas” (The Marianas Turkey Shoot).
Hình ảnh tưởng tượng của cư dân mạng Trung Quốc về tiêm kích hạm J-31
Không giống như sân bay trên đất liền có tọa độ cố định, hàng không mẫu hạm là một căn cứ di động, hành tung bất định, khi tấn công có thể tiến gần quân địch, sau khi biên đội tiêm kích hạm xuất kích, mới rút lui ra vùng an toàn. Do đó, nhiên liệu nội bộ trên máy bay đủ dùng là được.
Thực tế, trong số tiêm kích hạm thế hệ thứ tư của Mỹ, bất luận là F-14 hay F/A-18, đều không có hành trình tầm cực xa. Lượng dầu trong khoang máy bay của F/A-18 thậm chí còn rất ít, khi thực hiện nhiệm vụ thường phải chở thêm 4 thùng dầu phụ.
Ngoài ra, cha đẻ của J-31 là Viện nghiên cứu thiết kế máy bay Thẩm Dương, chính là đơn vị phát triển chiến cơ J-15 trên tàu sân bay. Với đội ngũ giàu kinh nghiệm trong việc phát triển tiêm kích hạm, họ hiểu rõ hơn ai hết những yêu cầu tác chiến của chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Điều này cũng giúp J-31 dành thêm điểm trước J-20.
Lý Tiểu Kiện còn chỉ ra rằng, trong hai mươi hoặc ba mươi năm tới, khả năng hải quân Trung Quốc sở hữu tàu sân bay năng lượng hạt nhân cỡ lớn trên 100 nghìn tấn là không lớn, trọng tải tàu sân bay nội địa có lẽ chỉ là bảy mươi hay tám mươi nghìn tấn là cùng.
Do đó, những máy bay hạng trung, chiếm ít diện tích trên boong và nhà chứa máy bay, điều động thuận tiện linh hoạt, sẽ càng thích hợp với tình hình thực tế hơn. Vì vậy, J-31 đang có những ưu thế lớn so với J-20 để trở thành một loại tiêm kích trên hàng không mẫu hạm.
Theo Đất Việt