Nhận định chứng khoán tuần từ 20-24/6: Xu hướng giảm điểm ngắn hạn có thể vẫn duy trì
Chịu áp lực lớn từ thị trường thế giới khi Cục dự trữ liên bang ( Fed) ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, VN-Index đã có tuần giảm mạnh nhất trong 1 tháng với mức giảm 5,2%, tương ứng giảm 66,78 điểm.
Giới phân tích cho rằng xu hướng giảm điểm ngắn hạn vẫn đang duy trì.
VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng 1.200 điểm
Nhà đầu tư theo dõi thị trường tại sàn giao dịch BVSC. Ảnh tư liệu Trần Việt/TTXVN
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, dù thị trường biến động, nhưng cổ phiếu cơ bản vẫn hút tiền. Chỉ số VN-Index hình thành nến rút chân vào cuối phiên cuối tuần (17/6) nên có thể tạo đà hồi phục vào đầu phiên tới với vùng mục tiêu gần là khu vực từ 1.223 – 1.230 điểm. Dù vậy, với xu hướng giảm ngắn hạn vẫn đang duy trì, VN-Index có thể sẽ phải kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm sau nhịp hồi phục kể trên.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thị trường đã có diễn biến phân hóa khá rõ nét trong tuần. Trong khi các nhóm cổ phiếu dầu khí, điện, thủy sản ghi nhận diễn biến tích cực với nhiều cổ phiếu tăng trên 10%.
Đáng chú ý, GAS tăng tới 12,9% trong tuần qua, trở thành là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực lớn nhất đến VN-Index.
Trong khi đó, nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng của thị trường như bất động sản, chứng khoán và ngân hàng lại chịu áp lực giảm mạnh. Thậm chí xuất hiện nhiều mã giảm từ 25 – 30% trong tuần.
Khối ngoại có tuần mua ròng gần 1.000 tỷ đồng, đây cũng là tuần 2 quỹ ETF FTSE và ETF VNM thực hiện cơ cấu danh mục cho Q2/2022. HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất với giá trị 448 tỷ đồng, tiếp đến là GAS với giá trị 198 tỷ đồng và DPM xếp thứ 3 với giá trị 159 tỷ đồng. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ VN-Diamond (FUEVFVND) bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 273 tỷ đồng.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, cùng với diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới, VN-Index cũng đang trong diễn biến tiêu cực. Ngưỡng 1.200 điểm đã thành công giúp chỉ số 2 lần hồi phục trong tuần và trở thành ngưỡng cân bằng ngắn hạn. Nếu ngưỡng này bị xuyên thủng, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) lo ngại rủi ro VN-Index sẽ hình thành xu hướng giảm điểm tại các chu kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thực tế, thị trường điều chỉnh trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm khá mạnh và thanh khoản cũng gia tăng. Kết thúc tuần giao dịch từ 13 – 17/6, VN-Index giảm 66,78 điểm xuống 1.217,3 điểm, HNX-Index giảm 26,38 điểm xuống 280,06 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 6,6% so với tuần trước đó với 78.029 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 16% so với tuần trước đó với 10.253 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm trong 3/5 phiên giao dịch với mức giảm mạnh (đều trên 1%) và hồi phục trong 2 phiên giao dịch còn lại vào thứ 3 và thứ 5 với mức hồi yếu hơn.
Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất trong tuần qua với 8% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng mạnh của các mã như: GAS tăng 12,9%, REE tăng 9,9%, POW tăng 7,3%, TDM tăng 5,2%, BWE tăng 1,7%…
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 0,4% giá trị vốn hóa, nhờ trụ cột trong nhóm là FPT tăng 1,2%.
Các ngành còn lại đều có mức giảm mạnh. Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 8,2% giá trị vốn hóa do sự sụt giảm của các cổ phiếu thép. Cụ thể, HPG giảm 8,9%, NKG giảm 23,9%, HSG giảm 26,8%.
Video đang HOT
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường ngân hàng với mức giảm 7,9% giá trị vốn hóa, đã tạo ra áp lực lớn lên thị trường. Theo đó, VCB giảm 2,1%, BID giảm 6,5%, ACB giảm 8,3%, TCB giảm 9,1%, SHB giảm 9,4%, VPB giảm 9,7%, CTG giảm 13,1%, MBB giảm 15,3%.
Những nhóm ngành cổ phiếu khác cũng giảm mạnh như công nghiệp giảm 7,3% giá trị vốn hóa, tài chính giảm 6,8%, dầu khí giảm 6,2%, dược phẩm và y tế giảm 4,7%, hàng tiêu dùng giảm 3,1%, dịch vụ tiêu dùng giảm 2,6%.
SHS cho biết, trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 13 đến 18 điểm cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh.
SHS nhìn nhận, sau khi quay đầu trong phiên thứ 6 tuần trước (10/6), thị trường lại trải qua một tuần giảm mạnh nữa. Điểm đáng chú ý là thanh khoản trong tuần qua cũng gia tăng và đã vượt mức trung bình 20 tuần gần nhất trên chỉ số VN30 cho thấy áp lực bán thực sự mạnh.
Tuần qua cũng diễn ra một số sự kiện ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế mà tiêu biểu có thể kể đến như quyết định của Fed về việc tăng lãi suất thêm 0,75% để đưa lãi suất lên mức 1,5-1,75% nhằm kiềm chế lạm phát.
Thị trường trong nước cũng diễn ra phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 6/2022 với cách tính giá thanh toán cuối cùng mới, phần nào đó đã khiến diễn biến về cuối phiên trở nên ít bất ngờ hơn.
Phiên cuối tuần cũng là thời điểm mà các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động) tiến hành tái cơ cấu danh mục cũng khiến cho cung cầu trên thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh c sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên 10/6. Theo lý thuyết sóng elliott thì mục tiêu của sóng điều chỉnh c là quanh ngưỡng 1.130 điểm. Tuy vậy, nếu bên mua trở nên chủ động hơn và bên bán suy yếu thì không loạt trừ khả năng thị trường có thể sớm hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, sau khi đã kiểm tra thành công lực cầu dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên 15/6 và 17/6.
Định giá của thị trường hiện đang ở mức hấp dẫn với khoảng 13 lần trên cả hai chỉ số VN-Index và VN30. Nếu xét trên triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm nay thì đây là mức định giá hấp dẫn trong dài hạn, SHS nêu quan điểm.
Lo ngại trước việc Fed đẩy mạnh tăng lãi suất
Hoạt động tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thực tế tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh cũng đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh việc tăng lãi suất.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần 17/6 trái chiều, với chỉ số Dow Jones đảo ngược đà tăng và đi xuống vào cuối phiên, khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh việc tăng lãi suất.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống mức 29.888,78 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 3.674,84 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 10.798,35 điểm. Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 5,8%, trong khi chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cùng giảm 4,8%.
Theo Dow Jones Market, cả ba chỉ số đều mất điểm tuần thứ ba liên tiếp, với chỉ số S&P 500 có mức giảm tính theo phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, còn chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
Người phụ trách chiến lược thị trường tại công ty bảo hiểm tương hỗ CUNA Mutual Group (Mỹ) Scott Knapp cho rằng, lạm phát cần được kiểm soát. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp vừa qua có thể khiến nền kinh tế giảm tốc đáng kể và các thị trường đang có sự điều chỉnh.
Các nhà chiến lược tại ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) cho rằng các số liệu được công bố tuần qua đã gây lo ngại kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại.
Số liệu về sản lượng công nghiệp của Mỹ tháng Năm công bố ngày 17/6 thấp hơn dự kiến nhưng vẫn cho thấy sự tăng trưởng tháng thứ năm.
Theo ông Knapp, sản lượng công nghiệp thấp và nền kinh tế đang giảm tốc rất nhanh. Các số liệu sơ bộ về chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực dịch vụ và chế tạo tháng Sáu được công bố tuần tới.
Trong phát biểu ngày 17/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đang tập trung vào nhiệm vụ đưa lãi suất về mức mục tiêu 2%.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cùng ngày nói rằng ông có thể ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng Bảy tới.
'Vết dầu loang' từ việc Mỹ nâng lãi suất đối với các nền kinh tế yếu hơn
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, tác động của quyết định đó không chỉ dừng ở việc người mua nhà ở Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản thế chấp, hoặc các chủ doanh nghiệp nhỏ, độc lập phải đối mặt với các khoản vay ngân hàng đắt đỏ hơn.
Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng tác động từ quyết định của Fed có thể vượt ra ngoài biên giới Mỹ, ảnh hưởng tới các chủ cửa hàng ở Sri Lanka, nông dân ở Mozambique và các gia đình ở nhiều nước nghèo trên thế giới. Nó có thể dẫn tới một loạt ảnh hưởng, từ việc đẩy chi phí đi vay ở những quốc gia này cao hơn đến khiến đồng nội tệ của họ mất giá.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN
Tính toán của Fed
Ngày 4/5, Fed tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra cách đây hai năm, đồng thời báo hiệu sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất khác. Hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ nằm trong khoảng 0,75% - 1%.
Bằng cách đẩy lãi suất lên, Fed hy vọng sẽ đạt được kịch bản "hạ cánh mềm" - chỉ việc tăng lãi suất cao vừa đủ để làm chậm các hoạt động trong nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhưng không đủ mạnh để đẩy nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái.
Vào tháng 3/2022, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ một năm trước đó - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981 tới nay.
Lạm phát tăng vọt là kết quả của sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ từ đợt suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020. Sự phục hồi này quá đột ngột, khiến các doanh nghiệp bị bất ngờ và phải cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm nhân công cùng nguồn cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu từ khách hàng. Kết quả là nền kinh tế phải đối mặt với sự thiếu hụt, chậm trễ trong việc đặt hàng và giá cả leo thang phi mã.
Các nước đang phát triển lo lắng rằng Fed có thể đã chờ đợi quá lâu để bắt đầu chiến dịch chống lạm phát. Do đó, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ buộc phải tăng lãi suất mạnh đến mức gây ra một cuộc "hạ cánh cứng" gây tổn hại cho cả nền kinh tế này và các nước đang phát triển.
Bà Liliana Rojas-Suarez, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn phi lợi Center for Global Development (CGD) cho biết tình hình sẽ khả quan hơn nhiều nếu Fed phản ứng nhanh hơn khi vấn đề nhen nhóm vào năm ngoái.
Chuyên gia này lưu ý Fed không có thành tích ấn tượng trong việc điều hướng chính sách để đạt được các cuộc "hạ cánh mềm". Lần cuối cùng nỗ lực như vậy diễn ra là vào giữa những năm 1990 dưới thời Chủ tịch Fed Alan Greenspan. Giai đoạn này kết thúc theo cách không mấy tốt đẹp đối với nhiều nước đang phát triển.
Bà Rojas-Suarez nhắc lại rằng nước Mỹ khi đó có thể quản lý được lạm phát và tránh được một cuộc suy thoái, nhưng đồng thời cũng tạo ra ảnh hưởng lớn cho các thị trường mới nổi. Sau động thái tăng lãi suất của Fed là một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính ở Mexico, ở Nga và cuối cùng là trên khắp châu Á.
Ông Eric LeCompte, Giám đốc điều hành của Mạng lưới Jubilee USA, một liên minh hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn cầu cũng chia sẻ quan điểm trên, nhấn mạnh rằng quyết định của Fed sẽ tạo áp lực lên mọi quốc gia đang phát triển.
Tác động "vết dầu loang"
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã bày tỏ sự lo lắng rất lớn về vấn đề này. Hồi tháng trước, bà phải lên tiếng cảnh báo Fed và các ngân hàng trung ương khác cần "lưu ý đến rủi ro lan tỏa đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dễ bị tổn thương" từ quyết định tăng lãi suất của họ.
Quyết định tăng lãi suất của Mỹ có thể gây ra thiệt hại lan tỏa theo một số cách. Đầu tiên, chúng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Điều này sẽ khiến những nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ chịu nhiều thiệt hại
Tiếp theo, lãi suất tăng cũng ảnh hưởng đến đầu tư toàn cầu: Khi lãi suất ở Mỹ lên cao, trái phiếu công ty và Chính phủ Mỹ vốn đã an toàn sẽ có vẻ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, họ có thể rút vốn khỏi thị trường các nước nghèo và thu nhập trung bình để đầu tư vào Mỹ. Những thay đổi đó thúc đẩy đồng USD tăng giá trong khi đẩy đồng nội tệ ở các nước đang phát triển đi xuống.
Sự mất giá tiền tệ có thể gây ra nhiều vấn đề. Chúng khiến việc chi trả cho thực phẩm nhập khẩu và các sản phẩm khác trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại vào thời điểm các nút thắt trong chuỗi cung ứng và cuộc chiến ở Ukraine làm gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón, đồng thời đẩy giá lương thực trên toàn thế giới lên mức cao báo động.
Để bảo vệ đồng tiền của nước mình, ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có khả năng tăng tỷ giá của chính họ. Song điều đó có thể gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế: kéo chậm tăng trưởng, xóa sổ việc làm và khiến những người vay vốn kinh doanh càng thêm khó khăn. Động thái đó cũng buộc các chính phủ mắc nợ phải chi nhiều ngân sách hơn cho việc trả lãi các khoản nợ, trong khi cắt giảm chi tiêu cho những công việc như chống dịch và đảm bảo an sinh cho người nghèo.
Tổng Giám đốc Georgieva của IMF đã cảnh báo rằng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đã ở trong hoặc gần ngưỡng "kiệt quệ vì nợ nần" - một ngưỡng đáng báo động chỉ việc số tiền trả nợ của các nước này đã lên tới tương đương một nửa quy mô nền kinh tế quốc gia.
Viện dẫn các điều kiện tài chính khắc nghiệt hơn, IMF gần đây đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của các nước thị trường đang phát triển và mới nổi xuống 3,8% - thấp hơn tới một điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro liên đới, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay để chống lạm phát đang tăng cao trong nước.
Dư địa phản ứng của các nền kinh tế đang phát triển
Tuy nhiên, tình hình không quá bi đát cho mọi quốc gia đang phát triển. Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), lưu ý rằng nhiều thị trường mới nổi đang có thể trạng tài chính mạnh hơn nhiều so với thời điểm những năm 1990, hoặc thậm chí so với năm 2013, khi Fed có kế hoạch cắt giảm các chính sách tiền tệ nới lỏng khiến dòng vốn đầu tư chảy khỏi nhóm thị trường đang phát triển.
Điều này là do nhiều nước đã tăng cường dự trữ ngoại hối của họ, cho phép các ngân hàng trung ương sử dụng khoản trên để mua và hỗ trợ đồng nội tệ quốc gia hoặc đáp ứng các khoản thanh toán nợ nước ngoài trong một cuộc khủng hoảng. Ví dụ, trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, dự trữ ngoại hối của Thái Lan chỉ tương đương 19% quy mô nền kinh tế này. Hiện, con số trên của quốc gia Đông Nam Á đang ở mức 47%.
Chuyên gia Brooks cũng nói rằng giá nguyên liệu thô tăng là "một chút may mắn" đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa, như Nigeria chuyên sản xuất dầu và Brazil sản xuất đậu tương.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc tài chính. Trong số đó bao gồm những nước phụ thuộc nhiều vào dầu nhập khẩu và các mặt hàng khác, trong khi có dự trữ ngoại hối thấp so với khoản nợ nước ngoài. Đứng đầu danh sách những quốc gia chịu rủi ro tài chính cao nhất theo đánh giá của bà Rojas-Suarez là Sri Lanka, quốc gia tháng trước cho biết họ phải tạm ngừng trả nợ nước ngoài trong khi thực hiện chương trình tái cơ cấu khoản vay với IMF. Cũng "nhấp nháy đèn đỏ" là Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mozambique.
Tóm lại, lãi suất của Mỹ tăng không phải lúc nào cũng là thảm họa đối với các nước đang phát triển trên thế giới. Nếu lãi suất tăng vì nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh - đồng nghĩa các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng muốn có các khoản vay để mua sắm thêm - các quốc gia có hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ có thêm nhiều cơ hội.
Nhưng hậu quả lại rất khác khi Fed nâng lãi suất trong một chiến dịch có chủ ý nhằm làm chậm tốc độ tăng trưởng và đẩy áp lực lạm phát ra khỏi nền kinh tế.
Các nhà kinh tế của Fed và Viện Doanh nghiệp Mỹ đã viết trong một báo cáo vào năm ngoái rằng: "Nếu việc lãi suất tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi những lo lắng về lạm phát hoặc sự quay lưng theo hướng "diều hâu" trong chính sách của Fed, điều này có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn hơn cho các thị trường mới nổi". Điều đáng lo ngại là Fed đang làm đúng như vậy.
Dow phục hồi hơn 270 điểm; Giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp Cổ phiếu tăng vào thứ Sáu khi các mức trung bình chính ghi nhận tuần tốt nhất trong hơn một năm. Dầu tăng, nhưng ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp Ảnh minh họa. Chứng khoán có tuần tốt nhất kể từ năm 2020 Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 274,17 điểm, tương đương 0,8%, trong ngày thứ năm...