Nhận định ban đầu lý do vỡ đập thủy điện ở Lào
Đã có 19 người được xác nhận đã thiệt mạng, hơn 3.000 người “cần cứu hộ” và 2.851 người đã được giải cứu sau khi vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy.
Theo Vientiane Times, vụ vỡ đập đã khiến 1.300 ngôi nhà chìm trong nước lũ và hơn 6.600 người dân buộc phải di tản đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hộ đã triển khai tàu thuyền khắp khu vực Attapeu để giải cứu những người mắc kẹt. Tuy nhiên, do địa thế khu vực hiểm trở nên việc tiếp tế và viện trợ khẩn cấp cho hàng ngàn người mắc kẹt gặp nhiều khó khăn.
Chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đoàn thể, các tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cảnh sát, quân đội hỗ trợ quần áo, thực phẩm, thuốc men cho các nạn nhân bị ảnh hưởng do vỡ đập. Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric cho biết sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ nếu chính phủ Lào đề nghị.
Đã phát hiện vết nứt trước đó một ngày
Một ngày trước khi con đập phụ của đập Xe-Pian vỡ, Công ty PNPC – đơn vị thi công dự án đã phát hiện có vết nứt và đưa ra cảnh báo nước trong đập Xe-Pian có khả năng tràn vì mưa lớn.
Trong thông báo, ông Lee Kan Yeol, người đứng đầu phụ trách công tác tái định cư xây dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, nhân sự Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK cảnh báo “đập yên ngựa D” không an toàn và trong tình trạng rất nguy hiểm” và yêu cầu chính quyền địa phương sơ tán 12 ngôi làng phòng trường hợp con đập bị vỡ.
Reuters dẫn lời Công ty SK hôm qua (25-7) cho biết sau khi phát hiện một phần con đập bị vỡ và bị cuốn trôi từ lúc 21 giờ ngày 22-7, các kỹ sư đã mang các thiết bị hạng nặng đến sửa chữa ngay trong đêm và vật lộn suốt nhiều giờ đồng hồ để ngăn chặn thảm họa nhưng không cứu được.
Đến 3 giờ sáng 23-7, các kỹ sư đã mở thêm một van khẩn cấp của đập Xe-Pian Xe-Namnoy để giảm bớt mực nước đổ ra khu vực lân cận. Tuy nhiên, đến sáng 24-7, sáu trong số 12 ngôi làng trong huyện San Sai, tỉnh Attapeu đã bị nhấn chìm.
Sau khi sự cố xảy ra, Công ty SK đã lập một đội quản trị khủng hoảng, triển khai trực thăng, thuyền cứu hộ, nhiều quản lý cấp cao từ Tập đoàn SK từ Hàn Quốc bay qua Lào để hỗ trợ cứu hộ. Cổ phiếu của Tập đoàn SK, tập đoàn mẹ của Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK giảm 3,5% trong phiên giao dịch sáng 25-7.
Công ty SK và Công ty Điện Ratchaburi ngày 24-7 đều nhận định nguyên nhân đập phụ bị vỡ là vì mưa lớn bất thường và liên tục, vượt gấp ba lần lượng mưa thông thường dẫn đến quá tải cho đập phụ trong hệ thống các hồ.
Video đang HOT
Người dân khu tỉnh Attapeu đang khốn khổ vì vỡ đập thủy điện. Ảnh: AFP
Công luận Hàn Quốc lên tiếng
Trong tuyên bố ngày 25-7, Tổ chức Đoàn kết vì dân chủ của nhân dân (PSPD) Hàn Quốc cho rằng con đập bị vỡ nhận hỗ trợ từ Cơ quan Hỗ trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc nên chính phủ Hàn Quốc phải “giúp giải quyết sự cố”.
“Công ty xây dựng SK nói con đập bị vỡ vì “lũ tràn” và công ty Điện miền Tây Hàn Quốc mô tả sự cố như một “sự đổ sập bất ngờ”. Nguyên nhân chính xác của sự cố phải được điều tra, phải xác định lỗi nằm ở đâu trong quá trình lựa chọn địa điểm, hay trong quá trình xây dựng” – theo Tổ chức Đoàn kết vì dân chủ của nhân dân.
Trong khi đó Tổ chức Liên đoàn phong trào môi trường Hàn Quốc cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng có thể là một yếu tố góp phần khiến con đập bị vỡ. Con đập phụ vừa bị vỡ hoàn thành xây dựng vào tháng 4 vừa qua, trước thời hạn dự tính và được cho sẽ đi vào hoạt động vào tháng 2-2019. Tổ chức này cũng chỉ trích cách phản ứng với sự cố từ các cổ đông Công ty Điện Xe-Pian Xe-Namnoy.
Dự án có quy mô “khủng”
Dự án đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tọa lạc trên cao nguyên Bolaven, cách thủ đô Vientiane của Lào khoảng 550 km về phía Đông Nam. Dự án được phát triển trên một diện tích rộng 238 ha, được cho thuê trong vòng 32 năm. Hồ chứa nước trên sông Xe-Namnoy cao 73 m, dài 1.600 m và có khả năng chứa được xấp xỉ 1,043 tỉ m3 nước.
Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy gồm ba con đập chính Xe-Pian, Xe-Namnoy và Houay Makchan và ba con đập phụ nhỏ hơn. Đập bị vỡ tối 23-7 là con đập phụ của đập chính Xe-Pian, được gọi với cái tên “đập yên ngựa D”.
Dự án này được xây dựng từ năm 2013, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm nay và bắt đầu chính thức hoạt động từ năm 2019. Khoảng 90% lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại được phân phối tại địa phương. Theo AFP, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy có công suất thiết kế 410 MW, ước tính cung cấp khoảng 1.860 GWh điện/năm.
Công ty PNPC đang thi công dự án này. Đây là một công ty liên doanh được thành lập vào tháng 3-2012, Công ty Điện Ratchaburi (Thái Lan, nắm 25% cổ phần) và công ty nhà nước Lao Holding State Enterprise (Lào, nắm 26% cổ phần), số còn lại thuộc hai công ty Hàn Quốc là Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK và Công ty Điện miền Tây Hàn Quốc. Đây là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc và Thái Lan tại Lào với chi phí ước tính lên đến 1,02 tỉ USD. Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK là một công ty con của Tập đoàn SK, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.
Công ty Việt Nam tham gia dự án đã hoàn thành hạng mục công trình
Trong số các đơn vị thi công có Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam – CMVietnam. Sáng 25-7, ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT CMVietnam, cho biết công ty này đã ký hợp đồng với tổng thầu SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) thi công gói chín và gói ba. Cụ thể, thi công xây dựng nhà máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện; thi công hệ thống cơ điện (M&E) gồm điều hòa, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc… Tổng trị giá hai gói thầu khoảng 385 tỉ đồng. Các gói thầu của CMVietnam đã cơ bản hoàn thiện tại thời điểm này.
“Chúng tôi được biết sự cố vừa xảy ra tại một hạng mục đập thuộc cụm đầu mối của dự án. Trong khi đó, gói thầu CMVietnam đảm nhận nằm ở dưới khu vực hạ lưu, cách vị trí vỡ đập (nhà thầu khác làm) khoảng 180 km nên gói thầu của chúng tôi hoạt động bình thường và không có thiệt hại gì về tài sản và người” – ông này khẳng định.
TÚ QUYÊN
Theo PLO
Bầu Đức chi bao nhiêu tiền cho việc giải cứu công nhân tại Lào?
Để giải cứu 26 công nhân và trẻ em mắc kẹt do vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu (Lào), bầu Đức chi hơn 10.000 USD thuê trực thăng giải cứu, tuy nhiên lãnh đạo HAGL khẳng định chi phí không quan trọng mà tập trung vào công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn
Như tin đã đưa, trưa nay ngày 25/7, máy bay trực thăng của hãng Lao Skyway xuất phát từ thủ đô Vientiane vào lúc 11h30', đến sân bay Pakse máy bay dừng lại cho việc tiếp nhiên liệu và đến hiện trường lúc 15h20' để giải cứu các công nhân cao su của HAGL.
Máy bay được HAGL thuê chuẩn bị cất cánh làm nhiệm vụ giải cứu công nhân.
Trong số 26 người bị mắc kẹt cần giải cứu, có 24 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại nông trường 12, Công ty Đại Thắng (công ty con của HAGL) và 2 trẻ em là con em của nhân viên.
Các công nhân vui mừng sau khi được giải cứu.
Việc cứu hộ công nhân bị mắc kẹt được hoàn tất trong vòng khoảng 1 tiếng sau đó, khoảng 16h30-16h45, các công nhân được đưa về 2 địa điểm là Trụ sở Công ty Đại Thắng (tỉnh Pakse, Lào) và Trụ sở CTCP Hoàng Anh Attapeu (tỉnh Attapeu).
Toàn bộ 26 người bao gồm cả người Việt và người Lào, 16 nam, 8 nữ và 2 trẻ em đã được giải cứu an toàn trong tình trạng sức khỏe tốt.
Hai trẻ em và một số công nhân được đưa về trụ sở CTCP Hoàng Anh Attapeu (tỉnh Attapeu).
Trao đổi với PV Infonet qua điện thoại, ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL - cho biết, chi phí thuê máy bay để giải cứu các công nhân rơi vào "khoảng mười mấy nghìn USD".
Bữa ăn của các công nhân sau gần 2 ngày bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết việc quan trọng nhất là tập trung vào công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho công nhân, do đó chi phí cho công tác cứu hộ là không quan trọng.
Các công nhân được tặng quà ngay sau khi về đại bản doanh của HAGL tại Attapeu.
Ông Sơn cũng cho biết, theo kế hoạch máy bay sẽ ở lại Attapeu trong ngày 26/07 để chở lương thực và thiết bị cứu trợ cho những người vẫn còn đang bị kẹt ở vùng sâu vùng xa khi Uỷ ban cứu trợ Chính phủ Lào có yêu cầu.
Được biết, ngoài việc thuê máy bay cứu hộ, HAGL đã cử 10 bác sỹ từ Bệnh viện Y dược Hoàng Anh Gia Lai với đầy đủ thuốc men và thiết bị y tế sang Lào trong ngày 25/7 để sẵn sàng cho việc cứu trợ cho các nạn nhân.
Công ty HAGL bước đầu hỗ trợ 50 tấn gạo, 100.000 gói mì tôm, 5 tấn cá khô, 2.000 bộ quần áo, 100 túi bảo quản tử thi. Đồ cứu trợ được chuyển từ Gia Lai đến Attapeu vào 17h chiều ngày 25/7 để bàn giao cho Uỷ ban cứu trợ Chính phủ Lào.
Ông Võ Trường Sơn xác nhận HAGL không có thiệt hại nào về người sau sự cố vỡ đập nói trên. Thiệt hại về hoạt động đầu tư và kinh doanh của dự án là không đáng kể do cây cao su của HAGL trồng chủ yếu trên đồi cao, ít chịu tác động của nước lũ.
Theo infonet
Vỡ đập thuỷ điện ở Lào: Nỗ lực cứu nạn Tối 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc họp báo, sau khi ông trở về từ tỉnh Attapeu, nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập. Người dân vùng bị ngập lụt được đưa đi sơ tán bằng thuyền. Ảnh: Vientiane Times. Nhà báo Souknilundon Southivongnorath, đặc phái viên của Tiền phong từ Vientiane cho biết, tại cuộc họp báo...