Nhân dân TPHCM góp hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung
Theo bà Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, tính đến ngày 7/10, c án bộ nhân dân TPHCM đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 10.
Sáng 7/10, tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Công đoàn viên chức TPHCM đã trao cho MTTQ Việt Nam TPHCM số tiền 500 triệu đồng mà các cán bộ viên chức cơ quan Thành ủy, UBND và các ban ngành thành phố quyên góp, ủng hộ đồng bão bị thiệt hại trong cơn bão số 10 vừa qua
Công đoàn Viên chức TPHCM ủng hộ đồng bào miền Trung 500 triệu đồng
Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Ủy viên Thành ủy, Bí thư Đảng ủy khối Dân – Chính – Đảng TPHCM thì đây là số tiền mà Công đoàn Viên chức TP vận động được trong đợt 1 và vẫn đang tiếp tục vận động trong các đơn vị khác. Khi các cán bộ viên chức khác trong các cơ quan trực thuộc thành phố ủng hộ, Công đoàn viên chức thành phố sẽ tiếp tục gửi đến MTTQ Việt Nam TPHCM để chuyển đến đồng bào các tỉnh miền Trung.
Ngoài ra, ông cho biết Công đoàn viên chức TPHCM cũng đã kêu gọi cán bộ viên chức các cơ quan, ban ngành trực thuộc thành phố tổ chức quyên góp, ủng hộ cho ngay các đồng nghiệp trong đơn vị mình có tứ thân phụ mẫu đang sinh sống tại các tỉnh miền Trung và bị ảnh hưởng bởi các đợt thiên tai, bão lũ vừa qua.
Bà Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết: “Tính đến chiều 6/10, MTTQ Việt Nam TPHCM đã nhận được hơn 1,8 tỷ đồng từ nhân dân thành phố ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10. Cộng thêm số tiền của Công đoàn Viên chức TP thì đã nhận tổng cộng hơn 2 tỷ đồng”.
Video đang HOT
Bà cũng cho biết, ngay sau cơn bão số 10 kết thúc, MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đã thành lập 1 đoàn cứu trợ đến các tỉnh miền Trung. Đoàn đã xin trích từ ngân sách TP để ủng hộ cho 4 tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nhất trong cơn bão số 10 với số tiền, quà tổng cộng là 5 tỷ 750 triệu đồng.
Bà Dung chia sẻ: “Do thời gian gấp rút nên MTTQ Việt Nam TPHCM phải xin ứng trước từ ngân sách. Mấy ngày qua MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp tục nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân thành phố. Có những trường hợp hết sức xúc động như anh khiếm thị bán vé số nhưng lần nào nghe thành phố quyên góp ủng hộ bão lụt anh cũng đến ủng hộ 100 ngàn đồng. Nhiều em nhỏ đập ống tiết kiệm, cụ già trích quỹ lương hưu… để ủng hộ đồng bào miền Trung là hình ảnh rất xúc động minh chứng cho tình cảm của người dân thành phố”.
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo… trên địa bàn thành phố cũng đang ráo riết chuẩn bị tiền, hàng để chuyển ra ủng hộ đồng bào miền Trung. Chiều 7/10, đại diện các đơn vị lớn trên địa bàn TP đều cho biết đang triển khai vận động cán bộ nhân viên công ty quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Nhiều đơn vị nhỏ cũng có nhu cầu ủng hộ cho đồng bào miền Trung nhưng gặp rắc rối trong việc vận chuyển hàng ra các tỉnh.
Về vấn đề này, chiều tối ngày 7/10, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn cho biết: “Mọi năm khi xảy ra bão lũ lớn, Tổng công ty Đường sắt đều có chủ trương vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ cho đồng bào miền Trung nếu có con dấu của MTTQ. Tuy nhiên, năm nay tôi chưa thấy có văn bản nào về vấn đề này. Tôi sẽ hỏi ý kiến của tổng công ty rồi sẽ thông báo rộng rãi cho người dân được biết”.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
"Gặp ai cũng thấy nỗi đau xót khi nghe tin Đại tướng từ trần"
"Là người nhà Phật, chúng tôi nghĩ sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình của con người. Nhưng với những hành trạng, công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân và đất nước, ai không đau buồn khi Đại tướng mất thì không phải là người Việt Nam!".
Đó là những lời bộc bạch chân tình của Hòa thượng Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM), Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi chia sẻ về tin Đại tướng mất.
Hòa thượng Thích Như Niệm khoe bức ảnh Bác Hồ và những người học trò xuất sắc của Bác (trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình...) mà ông cất giữ như báu vật
Hòa thượng Thích Như Niệm cho biết: "Là một nhà sư, nhưng trước hết là một người Việt Nam, tôi cảm ân của Đại tướng vì chính những chiến thắng oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng và Đại tướng nên mới đem đến thắng lợi cho đất nước ta trên bàn đàm phán chính trị, mang lại hòa bình, độc lập và thống nhất cho đất nước".
Nói rồi ông cảm khái: "Tuổi như các chú có lẽ chưa biết chiến tranh tàn khốc như thế nào đâu. Nhưng những người đã bước sang tuổi thất thập như chúng tôi đều đã trải qua kiếp sống nô lệ, trải qua 2 cuộc chiến đều thấu hiểu số phận tủi nhục, bị gông cùm của kẻ nô lệ, của người dân mất nước".
Như chạm vào ký ức, ông kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh bất hạnh của mình: "Thân phụ của tôi là thanh niên tiền phong, trong cuộc chiến chống Pháp nhận nhiệm vụ làm an ninh cho Trung tướng Nguyễn Bình trong thời gian ông hoạt động ở Sài Gòn, đoàn kết các lực lượng quân sự ở Nam Kỳ chống Pháp. Thân phụ tôi bố trí cho ông Nguyễn Bình sống trong nhà tôi để tiện việc bảo vệ, lúc đó tôi chỉ hơn 9 tuổi".
Ông nhớ lại ngày giặc vào truy lùng Trung tướng Nguyễn Bình, cha ông bảo vệ trung tướng tháo chạy và bị giặc bắn chết. Mẹ ông bụng mang dạ chửa bị bắt vào khám. Còn ông thì bị chúng ôm quẳng vào căn nhà lá bị đốt cháy hừng hực. May khi giặc đi, một đồng chí của cha ông đã lao vào căn nhà đang cháy cứu sống và nuôi dưỡng ông nên người...
Hòa thượng Thích Như Niệm bùi ngùi: "Có trải qua những ngày ấy các anh mới biết được khi nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ những người như chúng tôi xúc động đến mức nào, tự hào về Đại tướng ra sao. Vì cảm ân ông đã đem lại cuộc sống tốt đẹp như hôm nay, khi nghe tin cụ Giáp mất, dù là người nhà Phật nhưng tôi không thể nào không quặn lòng đau xót!".
Tâm trạng của Hòa thượng Thích Như Niệm cũng là tâm trạng chung của bất cứ người dân nào ở thành phố mang tên Bác. Ngày 7/10, trao đổi cùng phóng viên Dân trí, bà Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết: "Nếu gặp bất cứ người dân nào của thành phố này để hỏi thì cũng có thể thấy nỗi đau xót vô cùng khi nghe tin Đại tướng từ trần".
Bà Võ Thị Dung: "Người dân cả thành phố đều tiếc thương khi Đại tướng mất!"
Còn đại diện Hội Cựu chiến binh TPHCM cũng cho biết nhiều Hội Cựu chiến binh các quận huyện xin được tự tổ chức bàn thờ, lễ viếng Đại tướng ngay tại trụ sở hội. Tuy nhiên, Hội Cựu chiến binh TP đang chờ ý kiến chỉ đạo chung của Thành ủy nên các cựu chiến binh ở các quận, huyện chỉ tổ chức mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng tại các trụ sở hội; khi có chỉ đạo của Thành ủy sẽ tổ chức nghi lễ thống nhất cho cựu chiến binh toàn thành phố.
Còn tại trụ sở Ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên tại TPHCM, những cựu chiến binh chiến đấu một thời ở Điện Biên Phủ nay ai cũng đã bước sang tuổi 80 nhưng vẫn tất bật họp hành mấy hôm nay để bàn nhau tổ chức viếng tang Đại tướng. Trung tướng Lê Nam Phong, Trưởng ban liên lạc cho biết: "Vì anh em ai cũng tuổi cao sức yếu nên chúng tôi quyết định chỉ cử một anh em làm đại diện ra quê nhà Đại tướng để tham dự lễ tang. Anh em trong đây sẽ tổ chức đoàn đi viếng tại TPHCM".
Hòa thượng Thích Như Niệm cho biết ngày 9/10 ông cũng tổ chức đoàn Phật tử cùng Thành hội Phật giáo TPHCM ra quê nhà Đại tướng để tham dự lễ tang. Nhiều cá nhân, tổ chức khác trên địa bàn TP cũng đang sắp xếp kế hoạch để về quê hương Đại tướng tiễn đưa Người về với đất Mẹ.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Hà Nội ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng bão số 10 Ngày 3-10, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10. Trên tinh thần chia sẻ, "lá lành đùm lá rách", mỗi cán bộ viên chức đã ủng hộ tối...