Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của IMF
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) vừa công nhận việc bổ sung đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ rạng sáng 1.12. Giờ đây bản tệ Trung Quốc sẽ đứng cùng hàng với đô la Mỹ, bảng Anh, yen Nhật và đồng euro.
Nhân dân tệ vừa được công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế – Ảnh: Bloomberg
Theo CNN và Bloomberg, IMF vừa công bố chấp nhận thêm nhân dân tệ (CNY) vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho hay quyết định trên là “một cột mốc quan trọng” trong quá trình hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều thập niên qua, hệ thống tài chính thế giới được thống trị bởi Mỹ, Nhật Bản và khu vực châu Âu.
“Đây cũng là sự công nhận các tiến bộ mà chính quyền Trung Quốc đã đạt được trong các năm qua về việc cải cách hệ thống tiền tệ và tài chính đất nước”, bà Lagarde nói.
Giỏ SDR là nhóm các đồng tiền được sử dụng để định giá tài sản mà các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, giúp các quốc gia chống lại sự biến động tỷ giá hối đoái. Cứ mỗi 5 năm, IMF đánh giá giỏ tiền này một lần.
Việc nhân dân tệ góp mặt trong giỏ SDR phần lớn chỉ là tượng trưng, song nó cũng có thể giúp nhân dân tệ tăng vị thế trên thế giới và giúp nhiều nước khác có thêm tự tin để giữ đồng tiền này.
Video đang HOT
Việc CNY được thêm vào giỏ tiền dự trữ là một thắng lợi cho Trung Quốc, đất nước đã không ngừng vận động để bản tệ nước nhà được quốc tế công nhận trong thời gian qua. Hồi năm 2010, CNY đã không được xem xét cho vào giỏ SDR vì đồng tiền vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mà IMF đưa ra, trong đó có tính chất tự do giao dịch và chuyển đổi.
Bắc Kinh có lịch sử kiểm soát chặt chẽ đồng nội tệ vì CNY giá rẻ sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và hoạt động sản xuất. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Mỹ.
Hiện tại, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn đặt tỷ giá tham chiếu hằng ngày cho CNY, cho phép giá trị đồng bản tệ dao động trong một phạm vi nhất định. Song Bắc Kinh đã dần nới lỏng mức kiểm soát.
Năm ngoái, PBOC tăng gấp đôi biên độ dao động của tỷ giá và tháng 8 vừa qua, họ thông báo rằng tỷ giá tham chiếu CNY sẽ được đặt bằng giá trị đóng cửa của ngày hôm trước. Điều này khiến nhân dân tệ sụt giá, giảm gần 3% giá trị so với USD trong năm nay.
IMF trước đây vốn có cái nhìn hoài nghi về CNY, nhưng gần đây mọi chuyện đã thay đổi. Đầu tháng này, thành viên IMF cho hay nhân dân tệ giờ đã được “tự do sử dụng”. Dù vậy, Bắc Kinh “vẫn cần phải làm nhiều hơn trong việc thuyết phục các nhà quản lý dự trữ toàn cầu đầu tư thực sự vào các tài sản dự trữ liên quan đến Trung Quốc”, nhà phân tích ngoại hối Koon How Heng thuộc ngân hàng Credit Suisse viết.
Hôm 30.11, nhân dân tệ được giao dịch ở mức 6,40 CNY đổi 1 USD. Ngày 1.10.2016, quyết định vừa rồi của IMF sẽ có hiệu lực và CNY sẽ chính thức đứng cùng 4 đồng tiền chính khác.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Nhân dân tệ vào giỏ tiền IMF: Không đủ để thay đổi cuộc chơi?
Theo giới quản lý quỹ đầu tư, đưa tên nhân dân tệ vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu có, sẽ chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, chưa đủ để thay đổi cuộc chơi.
Giới quản lý quỹ đầu tư cho rằng việc nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ chưa đủ sức để tạo nên sự thay đổi - Ảnh: Bloomberg
Đối với hãng quản lý đầu tư Aberdeen Asset Management và Investec Asset Management, nhân dân tệ (CNY) bước vào giỏ SDR, trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế, sẽ mang tính tượng trưng nhiều hơn là việc thực sự thay đổi cuộc chơi. Hai hãng Aberdeen Asset Management và Investec Asset Management quản lý tổng cộng 600 tỉ USD tài sản cho các tổ chức và nhà đầu tư tư nhân trên thế giới.
Các nhà quản lý quỹ không kỳ vọng vào chuyện sẽ có dòng đầu tư ồ ạt chảy vào Trung Quốc sau khi Ban điều hành IMF bỏ phiếu chấp thuận đưa CNY vào rổ tiền SDR vào ngày 30.11 tới.
Wilfred Wee, nhà quản lý quỹ đầu tư Investec tại Singapore cho hay: "Việc ghi tên CNY vào giỏ tiền sẽ không khiến chúng tôi gia tăng các khoản đầu tư. Các yếu tố cơ bản vẫn sẽ là những gì làm chúng tôi thay đổi quyết định".
Việc CNY trở thành một đồng tiền dự trữ hiện được các nước thành viên IMF, trong đó có Mỹ, lên tiếng ủng hộ. Ngân hàng Standard Chartered dự báo họ sẽ thu hút 7.000 tỉ CNY, tương đương 1.100 tỉ USD, đến các quỹ đầu tư vào Trung Quốc trong 5 năm. Song đối với hai hãng Investec và Aberdeen, thể trạng kinh tế Trung Quốc và quỹ đạo của nhân dân tệ vẫn là hai yếu tô chính ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư.
"Về mặt đầu tư, tôi không cho rằng chuyện CNY trở thành một đồng tiền dự trữ chắc chắn là một sự kiện quan trọng. Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc trước khi quyết định liệu Trung Quốc có nằm trong danh mục đầu tư của bạn hay không", Kenneth Akintewe, nhà quản lý quỹ đầu tư Aberdeen nói. Hãng này đang quản lý 483 tỉ USD tài sản.
Akintewe cho hay đồng nhân dân tệ sẽ chỉ chiếm một phần "tương đối thấp" trong giỏ SDR sau khi được thêm vào và vì thế, vốn chảy vào các tài sản Trung Quốc sẽ không lớn. Ông Akintewe, người từng là cố vấn cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc, nói rằng tác động của việc CNY được ghi tên vào giỏ tiền của IMF nhiều khả năng được phóng đại.
Trong ngắn hạn, nhân dân tệ sẽ không thể ảnh hưởng đến đồng đô la Mỹ, ngay cả khi nó có xuất hiện trong giỏ SDR. Người Mỹ sẽ làm mọi cách để gây áp lực lên nhân dân tệ nhằm giữ giá trị USD ở mức cao. Đây là ý kiến của giáo sư Wang Yong thuộc Trường đào tạo Trịnh Châu của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc.
Ông Wang ước tính rằng có 90% cơ hội để CNY đứng vào hàng ngũ cùng với 4 đồng tiền chính khác đang có mặt trong giỏ tiền của IMF: bảng Anh, yen Nhật, đô la Mỹ và euro.
Manu George, nhà quản lý quỹ Schroder Investment Management cũng ở Singapore, cho hay: "Chiến lược của chúng tôi hiện giờ đã tính cả tiềm năng vào giỏ SDR của đồng nhân dân tệ. Do đó, chuyện CNY chính thức vào giỏ SDR sẽ không có nhiều tác động tức thì lên các khoản đầu tư vào tài sản Trung Quốc. Xét đến những cải cách mà Trung Quốc đang tích cực thực hiện, việc CNY vào giỏ SDR là khả thi trong dài hạn. Vì thế chúng tôi có thể hình dung được việc mình sẽ tiếp xúc nhiều hơn với trái phiếu Trung Quốc trong những năm tới".
Bloomberg nhận định trong khi thị trường trái phiếu Trung Quốc là lớn thứ ba thế giới, giới quản lý quỹ đầu tư có thể ưu ái các đồng tiền khác, chẳng hạn như franc Thụy sĩ hay đô la Úc, trước khi Trung Quốc có thể nâng kiểm soát vốn, cải thiện tính minh bạch và tính ít thanh khoản của các thị trường nước này.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Trung Quốc lần đầu mở cửa thị trường ngoại hối Nhiều ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế đầu tiên vừa đăng ký tham gia thị trường ngoại hối liên ngân hàng của Trung Quốc. Trung Quốc lần đầu mở cửa thị trường ngoại hối liên ngân hàng cho người nước ngoài - Ảnh: Reuters Theo Reuters hôm nay 26.11, hoạt động đăng ký...