Nhân dân tệ: Đường còn dài để trở thành đồng tiền quốc tế
Sau hơn nửa thập niên bị trì hoãn, nhân dân tệ ( CNY) vừa chính thức vượt qua các nghi ngại và phản đối để trở thành đồng tiền dự trữ. Bây giờ, một cuộc chiến mới thật sự bắt đầu trên con đường không bằng phẳng phía trước.
Trung tâm mua sắm Galaxy Soho ở Bắc Kinh – Ảnh: Bloomberg
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) hôm 30.11 tuyên bố thêm nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ quốc tế, xác nhận vị trí của CNY ngang hàng với đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yen Nhật.
Theo Bloomberg, dù đã đáp ứng được tiêu chuẩn “tự do sử dụng” theo yêu cầu của IMF, các nhà hoạch định chính sách Đại lục vẫn còn một chặng đường dài để đồng bản tệ có thể “được tự do chuyển đổi”. Đó là mục tiêu dài hạn của các nhà cải cách đang cố gắng chuyển đổi mô hình cho vay theo chỉ đạo của nhà nước – mô hình đang để lại đống nợ 28.000 tỉ USD treo lơ lửng trên một nền kinh tế được dự báo là sẽ tăng trưởng ở mức độ thấp nhất kể từ năm 1990.
Sau khi IMF đưa ra thông báo, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết: “Chúng tôi vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với các thị trường phát triển. Gia nhập giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế kỳ vọng nhiều hơn vào Trung Quốc trong các vấn đề tài chính và kinh tế”.
“Cuộc chiến” cải cách
Hệ thống tài chính là “chiến trường chính” giữa Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên, ông Yi Gang cùng các đồng sự của họ và phía các thành viên thuộc giới doanh nghiệp nhà nước – những người muốn giữ cấu trúc của nền kinh tế cũ. Dù lẽ ra hiện giờ, nội các Trung Quốc cần đồng lòng nhất trí, họ vẫn ít nhiều còn bất đồng.
Các lãnh đạo Đại lục đã đồng thuận trong Kế hoạch 5 năm về việc để nhân dân tệ được tự do chuyển đổi vào năm 2020. Các bước tiếp theo mà Trung Quốc phải đi là đầy rủi ro vì nền kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều ví dụ về việc này. Nhật Bản mất 40 năm để hoàn thành cải cách lớn trong tỷ giá hối đoái, lãi suất và khu vực tài chính để rồi sau đó chịu cảnh bong bóng tài sản bị bơm căng, vỡ tung và kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế trong hai thập niên qua.
Video đang HOT
“Kinh nghệm quốc tế cho thấy các cải cách tài chính làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Cải cách phải được tiến hành thận trọng, theo đúng trình tự thì mới tốt cho nền kinh tế và tài chính Trung Quốc trong dài hạn”, chuyên gia kinh tế châu Á Louis Kuijs tại Oxford Economics cho biết.
Vấn đề nhân dân tệ
Hồi tháng 8, việc Trung Quốc quyết định thả nổi tỷ giá nhân dân tệ đã gây ra một cú sốc. “Một thị trường vốn dễ tiếp cận với giới đầu tư ngoại là chìa khóa. Tỷ giá hối đoái linh hoạt giúp làm dịu các rủi ro trong quá trình mở tài khoản vốn và cũng nên là một phần trong quá trình cải cách”, Cui Li, Phó giám đốc International Finance Forum Institute kiêm cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF nói.
Trong khi vài ngân hàng trung ương nước ngoài đã được chấp nhận để thâm nhập thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc, một số ngân hàng trung ương khác vẫn trúc trắc với các quy định hoặc bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chơi. Giới đầu tư trong nước Trung Quốc vẫn chịu giới hạn khi đem tiền ra nước ngoài. Song hệ thống chặt chẽ như trên vẫn khiến hàng trăm tỉ USD chảy khỏi Đại lục trong thời gian qua.
Rủi ro đạo đức và thị trường trái phiếu
Trung Quốc hiện vẫn chưa trả lời được câu hỏi sẽ cứu trợ ai trong số những người đi vay nội địa, ít nhiều tạo nên các rủi ro tiềm ẩn đối với các đơn vị phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Trong thị trường chứng khoán vốn đã chứng kiện đợt bong bóng vỡ, thổi bay 5.000 tỉ USD tài sản đầu năm nay, giới đầu tư ngạc nhiên với các biện pháp tức thời của giới chức như bất ngờ cấm giao dịch một số loại cổ phiếu nhất định. Những vụ mất tích không rõ nguyên nhân của các giám đốc điều hành công ty lớn Đại lục cũng chỉ ra rằng thị trường Trung Quốc còn thiếu minh bạch.
Các thực tế trên sẽ làm giảm bớt con số hàng trăm tỉ USD mua nhân dân tệ đầy hào hứng mà các nhà phân tích đã đưa ra sau khi CNY được IMF công nhận làm đồng tiền dự trữ – quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10 năm sau.
“Cuối cùng thì quyết định lượng nhân dân tệ nắm giữ của các nhà quản lý và đầu tư sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào giỏ tiền SDR, mà phụ thuộc vào tính thanh khoản và ổn định của thị trường trái phiếu Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Wang Tao thuộc ngân hàng UBS cho hay. Ngoài ra, công cụ bảo hiểm rủi ro cho tỷ giá hối đoái và lãi suất cùng sự ổn định của nền kinh tế tổng thể cũng là hai yếu tố quan trọng.
Chuyên gia Alexander Sullivan tại Center for a New American Security ở Washington (Mỹ) nhận định dù kết quả ngắn hạn có như thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi. “Trung Quốc hiện đang bắt đầu một câu chuyện sẽ ngày càng phức tạp hơn trong nhiều năm, nhiều thập niên tới”, ông nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ai chịu thiệt khi nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ?
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận nhân dân tệ (CNY) là đồng tiền dự trữ là cột mốc cho các nỗ lực quốc tế hóa bản tệ của Trung Quốc, song lại là dấu hiệu sụt giảm cho các đồng tiền mà CNY thay thế.
Từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền SDR - Ảnh: Reuters
Theo CNBC, từ cuối năm sau, CNY sẽ chính thức góp 11% trong giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). 11% không lớn nhưng là con số phần trăm mang tính biểu tượng cho việc nhân dân tệ có mặt trong giỏ tiền này.
Giỏ SDR hiện có mặt đô la Mỹ, bảng Anh (GBP), yen Nhật và euro. Đây là những đồng tiền sẽ được IMF giải ngân khi cần viện trợ tài chính. Quyết định thêm CNY vào giỏ sẽ tăng nhu cầu về đồng tiền này trên thế giới.
Việc CNY được đánh giá cao đồng nghĩa với chuyện các đồng tiền khác trong giỏ sẽ ít nhiều mất đi thị phần. Đơn cử là EUR - đồng tiền có thể sẽ giảm 6,5 điểm phần trăm và bảng Anh - đồng tiền sẽ giảm khoảng 3,2 điểm phần trăm.
GBP là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới vào những năm 1870, trước khi bị USD vượt qua vào thập niên 1920. Trong giỏ SDR, bảng Anh chiếm khoảng 11% trong vài thập niên qua và đã tăng lên được khoảng 11,3% hồi năm 2010. Theo số liệu của IMF, bảng Anh hiện chỉ chiếm 4 đến 5% dự trữ ngoại tệ chính thức của thế giới.
Đồng euro thì gia nhập giỏ tiền SDR sau khi được đưa vào sử dụng năm 1999. EUR góp mặt thay thế đồng franc Pháp và mark Đức. Năm 2010, EUR chiếm 37,4% trong giỏ tiền của IMF. Nếu sụt giảm thì đây sẽ là lần đầu tiên đồng tiền chung châu Âu mất thị phần. Trên thế giới, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng EUR đã giảm từ 27% vào năm 2010 xuống 20% trong năm nay.
Cả GBP và EUR đều đã giảm tương đối nhẹ so với USD, sau khi IMF công bố việc chấp nhận CNY vào giỏ tiền của tổ chức.
Thực tế, các thay đổi kể trên tuy nhỏ, nhưng việc một đồng bản tệ là đồng tiền dự trữ của thế giới đem lại lợi ích cho kinh tế một nước. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo trong 10 năm tới, khi nhân dân tệ có vai trò lớn hơn trên toàn cầu, sẽ có khoảng 2.000 tỉ USD chảy vào tài sản đồng nhân dân tệ.
Đã có 40 ngân hàng trung ương thế giới thêm CNY vào quỹ dự trữ của họ trong các năm từ 2010 đến 2014. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài cần đi, trước khi đủ sức đe dọa đô la Mỹ - đồng tiền hiện chiếm 60% dự trữ ngoại hối thế giới và 42% trong giỏ tiền SDR. Thị trường Trung Quốc vẫn còn ít mở cửa hơn nhiều thị trường quốc tế khác nhỏ hơn, chẳng hạn như Na Uy.
Một số quốc gia dường như bị thúc đẩy bởi các tham vọng chính trị, thách thức vị trí đồng tiền chi phối tiền tệ thế giới của USD hiện tại. Với mức phát triển của việc sử dụng CNY trong giao thương quốc tế và độ mở rộng trong tầm ảnh hưởng của CNY trên thế giới, có thể trong 5 năm tới, đô la Mỹ sẽ mất vị trí dẫn đầu trong giỏ tiền SDR.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công nhận việc bổ sung đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ rạng sáng 1.12. Giờ đây bản tệ Trung Quốc sẽ đứng cùng hàng với đô la Mỹ, bảng Anh, yen Nhật và đồng euro. Nhân dân tệ vừa được công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế - Ảnh: Bloomberg Theo...