Nhân chứng vụ nhà báo bị đốt nói gì?
Một trong những người có mặt sớm nhất tại hiện trường là ông Nguyễn Văn Sữa, anh rể của bà Trần Thị Thúy Liễu – vợ nhà báo Hoàng Hùng.
4 giờ sáng 19-1, sau khi xảy ra vụ nhà báo Hoàng Hùng bị đốt khi đang ngủ, phóng viên báo Người lao động đã gặp một trong những người có mặt sớm nhất tại hiện trường là ông Nguyễn Văn Sữa, anh rể của bà Trần Thị Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng).
Ông Nguyễn Văn Sữa (trái), anh rể bà Trần Thị Thúy Liễu
Ông Sữa kể lại, lúc đó ông đang ngủ ở lầu 1 (nhà ông Sữa kề vách nhà bà Liễu), nghe tiếng la lớn từ nhà bên cạnh nên ông Sữa nhìn sang thì thấy lửa đang cháy từ phòng ngủ của nhà báo Hoàng Hùng, ông đã leo ban công sang chữa cháy.
Lửa cháy quá lớn nên ông Sữa leo ngược về nhà mình lấy một chiếc mền rồi lại leo sang nhà bà Liễu để dập lửa. Lúc này, nhà báo Hoàng Hùng đã tự chạy sang phòng bà Liễu và hai con đang ngủ kêu cứu.
Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường, chiếc nệm nhà báo Hoàng Hùng ngủ bị cháy đen nhưng tấm drap nệm chỗ đầu nằm của Hoàng Hùng vẫn chưa cháy hết. Điều này chứng tỏ chất gây cháy rất dữ dội và cực nhanh. Vậy bằng cách nào mà ông Sữa hai lần leo qua nhà bà Liễu để có mặt nhanh chóng tại hiện trường để chữa cháy?
Mặt khác, theo lời ông Sữa, ông chữa cháy bằng chiếc mền hai da (loại dày), khi thấm nước, chiếc mền rất nặng, phải hai người mới khiêng nổi, vậy làm sao ông Sữa mang chiếc mền qua ban công một cách dễ dàng? Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Vì sao ông dập tắt đám cháy quá lớn mà không bị lửa “táp” vào người hay bị cháy lông tay?” thì ông Sữa không trả lời.
Nhiều người có mặt tại hiện trường nhận xét: “Ban công lầu một từ nhà ông Sữa leo sang nhà bà Liễu không có chỗ đeo bám mà trong lúc xảy ra vụ cháy, ông Sữa leo qua ban công đến hai lần là điều khó tin được!”.
Một chi tiết khác khá bất ngờ là trong lúc cơ quan công an đang khám nghiệm hiện trường thì cha của bà Liễu gọi một công an đang làm việc tại hiện trường và cho biết 15 giờ ngày hôm trước ông đến đây thì phát hiện có một đám cháy nên ông dập lửa. “Có thể là bọn chúng đốt thử!” – ông nói.
Theo Người lao động
Mẹ nhà báo Hoàng Hùng: Mong chuyện đó đừng xảy ra
Ngày 10.2, phóng viên Báo Lao Động đã đến thăm mẹ nhà báo Hoàng Hùng - bà Nguyễn Thị Kim Nga, 75 tuổi - ở ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An.
Nhà báo Hoàng Hùng khi còn ở viện. Phóng viên đã trao cho bà số tiền 3 triệu đồng của các đồng nghiệp của Hoàng Hùng gửi biếu bà chữa bệnh (bà mang nhiều chứng bệnh của tuổi già). Bà Nga sống một mình trong căn nhà vách lá, nền đất, trống trước trống sau. Các con của bà (em của Hoàng Hùng) đều có gia đình, sống gần đó, tất cả đều nghèo. Bà Nga sống bằng nguồn trợ cấp cho vợ liệt sĩ, mỗi tháng 700 ngàn đồng. Bà cho biết, lúc còn sống, hằng tháng Hoàng Hùng đều về thăm và biếu bà từ 200 đến 300 ngàn đồng. Lần Hoàng Hùng về thăm bà gần nhất là khoảng 1 tuần lễ trước ngày bị nạn và biếu bà 200 ngàn đồng. Bà hỏi: "Con cất nhà mắc nợ nhiều hôn?". Anh trả lời: "Dạ, hơn ba trăm" (ba trăm triệu đồng). Bà Nga trả lại con 100 ngàn đồng, nói: "Má lấy một trăm thôi, trả lại con một trăm để trả nợ"! Chồng bà Nga hy sinh năm 1966 để lại cho bà 3 con nhỏ, lớn nhất là Hoàng Hùng mới 6 tuổi, nhỏ nhất chưa thôi bú. Năm 1970, bà tái giá, sinh tiếp 3 người con. Gia đình nghèo, đông con, Hoàng Hùng vất vả từ nhỏ, vừa đi học vừa đi làm mướn để phụ cha mẹ nuôi em, do vậy mà anh trưởng thành sớm so với tuổi. Nhờ chịu khó học, thông minh, được người cha kế hết lòng thương yêu, Hoàng Hùng là người học cao nhất trong gia đình... Do nhà nghèo nên khi Hoàng Hùng cưới Thúy Liễu, gia đình đưa anh đi ở rể. Cách đây 1 năm, bà Nga thấy hạnh phúc dâng trào khi con bà cất nhà riêng, mà lại nhà lầu. Vậy mà...! Sau hơn 10 ngày mất đứa con yêu quý, bà Nga vẫn chưa hết bàng hoàng. Suốt thời gian con bà nằm viện, người thân không ai dám cho bà lên thăm. Tối 29.1, người nhà không còn cách nào khác là phải chở bà đến nhà Hoàng Hùng để bà nhìn mặt con lần cuối trước giờ tẩm liệm. Suốt những ngày sau đó, bà cứ khóc than đúng một câu: "Phải chi để má chết thay con..."! Bà Nga cho biết, nỗi đau mất con càng tăng thêm khi những ngày qua, đi tới đâu bà cũng nghe mọi người bàn tán về chuyện con bà chết do "nội bộ gia đình". Hằng đêm bà đều đốt nhang cầu nguyện 2 người chồng quá cố và đứa con yêu của bà đừng để chuyện đó xảy ra. Bà cầu nguyện con bà chết vì sự trả thù nào đó do những bài báo gan góc của anh. Nếu được như thế, bà cũng đau, nhưng là niềm đau tự hào, giống như bà đã đau đớn khi nhận tin ba của Hoàng Hùng anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nếu được như thế, các cháu nội của bà - con của Hoàng Hùng - sẽ không quá bất hạnh. Còn bằng ngược lại, chắc bà không sống nổi! Báo chí đồng hành cùng cơ quan điều tra. Ngày 9.2, phóng viên Báo Lao Động và Báo Sài Gòn Giải Phóng đã được lãnh đạo CA tỉnh Long An tiếp để chia sẻ thông tin xung quanh vụ án nhà báo Hoàng Hùng. Đại tá Phan Chí Thanh - Giám đốc CA tỉnh - và thượng tá Phạm Văn Tiến - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - đã thông báo diễn biến vụ án và tiếp nhận những thông tin của phóng viên có được trong quá trình điều tra tác nghiệp. Lãnh đạo CA tỉnh đánh giá tốt sự cộng tác của báo chí, những thông tin phóng viên có được khá phù hợp với hướng điều tra của cơ quan chức năng. Ông tin tưởng báo chí tiếp tục đồng hành cùng cơ quan điều tra nhằm sớm kết thúc vụ án.(Theo Lao động)
Đủ cơ sở khởi tố vợ nhà báo bị đốt Theo Đại tá Phan Chí Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Long An, đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở khởi tố bà Liễu - vợ nhà báo Hoàng Hùng và đồng phạm về hành vi đánh bạc, đồng thời đã khoanh vùng một số nghi phạm có liên quan tới cái chết của nhà báo Hoàng...