Nhân chứng vạch trần sự thật vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Syria
Tại trụ sở của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, các nhân chứng khẳng định đoạn video chiếu c ảnh họ bị cho là nạn nhân của một vụ tấn công hóa học là giả và được sử dụng như cái cớ để liên quân Mỹ, Anh, Pháp không kích Syria.
Các quan chức Nga và nhân chứng có mặt tại cuộc họp báo tại trụ sở OPCW. (Ảnh: AFP)
Theo Tân Hoa Xã, hơn 10 nhân chứng từ bệnh viện ở thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria ngày 26/4 đã tham dự cuộc họp báo do Nga tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở Hà Lan để nói lên sự thật về đoạn video do tổ chức “Mũ Bảo hiểm Trắng”, hay còn gọi là nhóm Phòng vệ Dân sự Syria, do phương Tây bảo trợ công bố. Đoạn video này từng được chia sẻ rộng rãi trên mạng, trong đó ghi lại cảnh được cho là các nạn nhân của một vụ tấn công hóa học đang được chữa trị tại bệnh viện Douma. Mỹ và các đồng minh từng cáo buộc lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công này và tiến hành cuộc không kích nhằm vào Syria hôm 14/4.
“Chúng cháu đang đứng ở tầng hầm. Chúng cháu nghe thấy tiếng mọi người gào thét rằng nên chạy đến bệnh viện. Chúng cháu chạy qua một đường hầm. Tại bệnh viện họ bắt đầu dội nước lạnh vào người cháu. Cháu không biết tại sao họ làm vậy”, Hassan Diab, 11 tuổi, nói với các phóng viên.
Phía sau Diab là một màn hình lớn, chiếu hình ảnh cậu bé này trong đoạn video do “Mũ Bảo hiểm Trắng” công bố. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy cả người Diab đều bị ướt, trong khi cậu bé run rẩy và sợ hãi. Trong khi đó cha của Diab, ông Omar Diab, nói rằng không có ai trong đoạn video này bị nhiễm độc và tất cả mọi người đều khỏe mạnh.
“Lũ trẻ được đưa tới bệnh viện mà không rõ lý do. Sau đó chúng tôi mới biết đó là chuyện bịa đặt. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ chất độc hay chất hóa học nào. Cả gia đình tôi cũng chưa thấy bao giờ”, ông Omar Diab khẳng định.
Hình ảnh cậu bé Diab xuất hiện trong đoạn video do tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng công bố (Ảnh: East2west)
Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tại bệnh viện Douma xác nhận đúng là có một số người gặp các vấn đề về hô hấp, tuy nhiên triệu chứng đó bắt nguồn từ việc họ tiếp xúc với khói và bụi do các tòa nhà bị đánh bom đổ sập, chứ không phải do vũ khí hóa học.
Video đang HOT
“Một số người đã hét lên “vũ khí hóa học”, gây ra tình trạng hỗn loạn và sợ hãi. Tuy nhiên, không ai gặp bất kỳ triệu chứng nào của việc tiếp xúc với vũ khí hóa học. Mọi người đều rời bệnh viện sau khi được điều trị. Không ai thiệt mạng trong bệnh viện ngày hôm đó”, Muwaffak Nasrim, nhân viên chăm sóc khẩn cấp tại bệnh viện Douma, cho biết.
“Có những người lạ mặt đứng quay lại quá trình cấp cứu, quay lại tình cảnh hỗn loạn xảy ra lúc đó và quay cả những người bị dội nước. Vụ việc xảy ra trong khoảng 1 giờ. Chúng tôi giúp họ và trả họ về nhà. Không ai chết cả. Không ai chết vì tiếp xúc với chất hóa học”, Ahmad Kashoi, một nhân viên tại bệnh viện Douma, nhớ lại.
Ông Aleksandr Shulgin, đại diện thường trực của Nga tại OPCW, gọi kịch bản dàn dựng thô thiển trong đoạn video giả của tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng là hành động khiêu khích “có chủ đích”. Trong khi tính xác thực của đoạn video vẫn chưa rõ ràng, liên quân Mỹ, Anh, Pháp tuyên bố có đủ bằng chứng cuộc tấn công hóa học đã xảy ra và quyết định tiến hành không kích Syria hôm 14/4.
Hiện các thanh sát viên của OPCW vẫn đang tiến hành điều tra tại Syria để xác minh cáo buộc tấn công hóa học. Mỹ và các nước phương Tây cho rằng hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên thấy gì qua cuộc không kích của Mỹ tại Syria?
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc không kích bằng tên lửa của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria gần đây có thể là lời cảnh báo cứng rắn với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể nhìn nhận động thái quân sự này của các nước phương Tây theo một chiều hướng khác.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trong bản tin của truyền hình Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
Sau lệnh tấn công của Tổng thống Donald Trump, liên quân Mỹ, Anh, Pháp sáng 14/4 đã tiến hành cuộc không kích bằng hơn 100 tên lửa hành trình và không đối đất nhằm vào các mục tiêu tại Syria. Cuộc không kích diễn ra sau khi chính quyền Mỹ cáo buộc lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công hóa học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng ở thị trấn Douma tại Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus hồi đầu tháng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc tấn công này chính là điều mà chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang lo sợ trong bối cảnh Washington liên tục gây sức ép với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Hành động của liên minh các nước phương Tây nhằm vào Syria có thể gây sức ép lên Triều Tiên trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
Cuộc không kích diễn ra trong bối cảnh đội ngũ cố vấn an ninh "diều hâu" của Tổng thống Trump, những người "đạo diễn" hành động quân sự của Washington tại Syria, vẫn đang hoài nghi về mục đích thực sự của chính quyền Kim Jong-un khi tham gia hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Đây cũng là những quan chức từng để ngỏ phương án sử dụng biện pháp quân sự đối với Bình Nhưỡng nếu cần thiết.
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cảnh báo ông sẽ không loại trừ khả năng tấn công quân sự hoặc sử dụng vũ lực với Triều Tiên. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói rằng Bình Nhưỡng "chỉ đang câu giờ" để tiếp tục phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của nước này với mục tiêu đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Tên lửa vụt sáng trên bầu trời thủ đô Damascus, Syria trong cuộc không kích hôm 14/4 (Ảnh: AP)
Theo giới phân tích, Triều Tiên chắc chắn đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ lo ngại rằng Mỹ có thể tấn công Triều Tiên như cách nước này từng làm với Syria, nếu việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới cũng như các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa không đi đúng hướng.
"Cuộc không kích tất nhiên không liên quan trực tiếp tới Triều Tiên. Tuy nhiên, nó là bằng chứng cho thấy ông Trump không hề nói suông khi đề cập tới các biện pháp quân sự nhằm vào các quốc gia từng bị Mỹ xếp vào trục ma quỷ", Giáo sư Kim Hyung-wook tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc nhận định. Trước đó, cả Triều Tiên và Syria đều bị liệt vào nhóm "Trục Ma quỷ" do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George. W. Bush lập ra.
Theo nhà nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Sung-ryul, cuộc không kích gần đây của liên quân Mỹ, Anh, Pháp có thể xem là lời cảnh báo tới Triều Tiên nếu hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra không thành công.
"Mỹ từng tuyên bố rõ rằng nước này sẽ tiếp tục để ngỏ mọi phương án ngay cả khi ông Kim và ông Trump đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa. Đây chắc chắn là một nỗi lo ngại đối với Triều Tiên", chuyên gia Cho nói với Korea Times.
Sau cuộc không kích tại Syria, Triều Tiên không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ đưa những bản tin về các hoạt động tiếp đón của ông Kim Jong-un với phái đoàn Trung Quốc. Theo Giáo sư về quan hệ quốc tế Park Won-gon tại Đại học Toàn cầu Handong, việc Triều Tiên hoàn toàn "im hơi lặng tiếng" như vậy một phần vì nước này không muốn "khiêu khích" Mỹ.
Triều Tiên nghĩ gì?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cơ sở sản xuất tên lửa (Ảnh: Reuters)
Trong bài viết đăng trên Washington Post, chuyên gia Marc A. Thiessen cho rằng cuộc không kích của Mỹ và hai đồng minh nhằm vào Syria có thể khiến Triều Tiên nhìn nhận Mỹ theo một hướng khác, thay vì e ngại trước sức mạnh của Washington như nhiều người nhận định.
Theo ông Thiessen, Tổng thống Trump đã làm điều mà người tiền nhiệm Barack Obama chưa làm, đó là hai lần phát lệnh tấn công Syria và tập hợp liên minh đứng về phía Mỹ trong một chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, ông Thiessen cho rằng cuộc không kích mới nhất của Mỹ tại Syria chỉ là hành động "phô diễn cơ bắp đủ để không bị cười nhạo".
Mặc dù huy động dàn tàu chiến, máy bay, tên lửa hùng hậu để tấn công 3 mục tiêu tại Syria, song Mỹ, Anh, Pháp không bắn trúng bất kỳ máy bay, sân bay hay hệ thống bệ phóng nào của Syria. Ngay cả ở những mục tiêu mà liên quân nhắm tới, phía Syria cũng đã có đủ thời gian để di chuyển các trang thiết bị cần thiết. Không có người nào thiệt mạng trong vụ không kích, đồng nghĩa với việc chính quyền Syria đã kịp sơ tán các mục tiêu này.
Nhìn vào những gì diễn ra tại Syria, Triều Tiên có thể thấy rằng chính quyền Trump đã hành động yếu ớt và Mỹ thực chất cũng là quốc gia dễ bị hăm dọa và không dám đương đầu với rủi ro. Bằng chứng là việc liên quân Mỹ không nhắm mục tiêu tới các khu vực gần các căn cứ quân sự của Nga tại Syria để tránh xảy ra đối đầu trực diện với Moscow. Nga cũng không cần triển khai bất kỳ hệ thống phòng không nào để đối phó với Mỹ trong cuộc không kích lần này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể hiểu rằng, nếu Tổng thống Trump không dám tấn công các căn cứ không quân của Syria vì sợ vấp phải phản ứng của Nga, vậy ông chủ Nhà Trắng chắc chắn cũng sẽ không liều lĩnh tấn công các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, bởi điều đó có thể dẫn tới đòn đáp trả mạnh mẽ bằng pháo binh từ Bình Nhưỡng nhằm vào quốc gia láng giềng Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Washington.
Theo chuyên gia Thiessen, cách duy nhất để Mỹ có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách hòa bình là khiến cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un tin rằng những lời đe dọa sử dụng vũ lực quân sự của Tổng thống Trump là đáng tin cậy. Tuy nhiên, sau cuộc không kích nhằm vào Syria, sự tin cậy này đã sụt giảm.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nhóm tiền trạm an ninh của Liên Hợp Quốc bị tấn công khi tới Syria Nhóm tiền trạm an ninh của Liên Hợp Quốc đã bị tấn công bằng súng khi tìm cách tiếp cận hiện trường nơi xảy ra vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở Douma, Syria hồi đầu tháng. Xe của Liên Hợp Quốc chở các nhà điều tra của OPCW được nhìn thấy ở Damascus hôm 17/4. (Ảnh: Reuters) Tổng giám...