Nhân chứng cũng bị “ép cung”
Vô tình rơi vào tình thế làm nhân chứng trong vụ án giết người, Hoàng Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận bắt khai nhiều lần.
Mặt trước và mặt sau giấy triệu tập nhân chứng của Công an tỉnh Bình Thuận – Ảnh: H.Đ.
Vụ án được tóm tắt như sau: Phạm Văn Lý (thường gọi là Bi, 18 tuổi, trú tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh) đột nhập nhà bác sĩ Mai Thị Thanh T. (trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận) khoảng 21h ngày 6/4/2012 để trộm cắp. Lý bị bà T. phát hiện nên lấy đá đánh vào thái dương của nạn nhân. Tiếp đó, Lý dùng tay kẹp cổ và kéo lê bà T. xuống nhà bếp rồi dùng dao, kéo đâm, chém 52 nhát khắp cơ thể khiến nạn nhân chết tại chỗ. Lý lấy hai điện thoại di động trị giá 3.080.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Thùy Dung khai bị cáo Phạm Văn Lý có gọi điện thoại cho cô để kể về việc Lý giết người vì được thuê với giá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, Lý khẳng định không nói điều đó với Dung. Tòa xử phúc thẩm do đại diện của nạn nhân có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa này, Phạm Văn Lý cũng chỉ khai nhận mục đích giết bà T. là để không bị nhận diện, hoàn toàn không có người nào thuê mướn. Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Văn Lý y án 18 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội cướp tài sản; tổng hợp hình phạt là 18 năm tù giam do Lý phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi.
“Tôi có phải là tội phạm đâu?”
Nỗi hoảng hốt vẫn còn hiện trên gương mặt của Hoàng Thị Thùy Dung khi kể với PV về lý do phải bỏ trốn khỏi địa phương: “Tôi làm ở tiệm gội đầu, Lý có đến đây cắt tóc một vài lần nên biết nhau. Khi xảy ra vụ việc giết người, Lý gọi điện thoại cho tôi và nói lỡ giết người rồi do một ông kia thuê với 100 triệu đồng. Sau này cơ quan điều tra căn cứ vào những cuộc gọi của Lý mà mời tôi lên làm việc”.
Nước mắt ngắn dài, Thùy Dung kể: “Tôi không phải là tội phạm, vậy tại sao tôi lại bị triệu tập thế này? Thậm chí khi ông ngoại tôi mất, gia đình lo việc tang ma vừa xong thì các chú công an lại yêu cầu đến làm việc. Tôi nói tôi rất mệt và mong muốn được từ chối nhưng các chú không chịu”.
Video đang HOT
Chìa ra tờ giấy triệu tập lần thứ ba do Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận gửi đến, Thùy Dung bảo: “Tôi đọc những điều được in phía sau giấy triệu tập mà thấy mình không khác gì tội phạm. Khi tôi đến, các chú nói tôi đã khai sai trước tòa nên bây giờ phải viết lại thừa nhận mình sai, thậm chí các chú còn nói tôi phải xin lỗi trước nhân dân. Tôi bị triệu tập nhiều lần khiến tinh thần khủng hoảng, không đi làm để lo cho gia đình được” – Thùy Dung kể.
Thùy Dung cho biết do vẫn giữ lời khai rằng Lý đã nói với cô có người thuê Lý giết người, nên điều tra viên yêu cầu cô phải viết lại lời khai trước cơ quan điều tra là đã khai man: “Các chú đọc luật cho tôi nghe và bảo tôi nói một đằng, Lý nói một nẻo nên tôi phải khai lại, nếu không thì tôi vi phạm pháp luật và có thể bị đi tù đến 7 năm. Tôi sợ quá, lại chả có bằng chứng gì chứng minh mình nói đúng ngoài cách giữ nguyên những gì mình đã nói. Nhưng nhiều ngày cứ lên lên xuống xuống, viết đi viết lại, khai đi khai lại như thế nên tôi rất hoảng hốt, chỉ muốn sớm được về nhà chăm mẹ nên đã viết theo ý mấy chú” – Dung cho biết.
Vẫn phải mời Dung lên đối chất
Trao đổi về vấn đề của nhân chứng Hoàng Thị Thùy Dung, ông Nguyễn Đắc Minh, trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Bình Thuận, cho rằng: “Mặc dù phiên tòa phúc thẩm của vụ án đó khép lại nhưng đã để lại một hậu quả phức tạp bởi vì ngay từ ban đầu khi anh em điều tra hỏi, cô Dung không khai về việc có nhận cuộc điện thoại của Lý nói có người thuê bị cáo 100 triệu đồng để bị cáo giết bác sĩ T.. Nhưng khi ra phiên tòa sơ thẩm thì Dung lại khai chi tiết này. Sau đó cơ quan điều tra vẫn điều tra lại, nhưng khổ một điều là mỗi người khai một kiểu. Lời khai của Thùy Dung có tình tiết không đúng. Cô ấy bảo có nhắn tin cho Lý nhưng chúng tôi kiểm tra lại trên tổng đài thì không có tin nhắn như vậy”. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về văn bản cho thấy trên tổng đài không có tin nhắn thì ông Minh nói không thể cho xem văn bản đó với lý do sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhà mạng.
Ông Minh nói rằng: “Chúng tôi đã vận động gia đình nhân chứng rồi. Bây giờ cô Dung phải giúp cơ quan điều tra phá án chứ. Về lý mà nói, vụ án đã khép lại thì mình không có vấn đề gì cần suy nghĩ nữa, nhưng rõ ràng vụ án này đã để lại hậu quả. Gia đình nạn nhân, quần chúng nhân dân nghĩ cơ quan điều tra bỏ lọt tội phạm. Vậy nên bây giờ nếu không bắt đầu điều tra tiếp từ Dung thì điều tra từ đâu bây giờ?”.
Về chuyện cô Dung nói điều tra viên dọa dẫm, ép buộc nhân chứng, ông Minh phủ nhận và khẳng định: “Chúng tôi không bắt Dung nên cô ấy hoàn toàn không cần phải bỏ trốn. Nếu như cô ấy đàng hoàng, gặp chúng tôi, chúng tôi sẽ cho người gặp làm việc với cô ấy đàng hoàng. Còn nếu như cô ấy không chủ động thì chúng tôi phải mời cô ấy lên làm việc chứ chúng tôi không có thời gian chạy theo cô ấy. Dung có quyền bảo lưu lời khai ở phiên tòa sơ thẩm nhưng cô ấy vẫn phải hợp tác ở nhiều vấn đề. Nếu lãnh đạo, cơ quan điều tra làm sai điều gì cô ấy có quyền phản đối”.
Về việc cơ quan điều tra muốn đưa cô Dung ra xin lỗi trước công chúng, ông Minh lý giải là nhằm tăng niềm tin của công chúng vào kết luận của vụ án. Đồng thời, ông Minh khẳng định chắc chắn khi có tình tiết mới liên quan đến vụ án buộc cơ quan điều tra vẫn phải mời Dung lên đối chất. Còn mời bao nhiêu lần nữa thì ông Minh nói: “Tôi không biết. Bởi để giải đáp một thắc mắc rất khó, không phải một bữa hai bữa là ra”.
Nỗi khổ của người mẹ Ánh mắt lơ láo, nhìn trước ngó sau lo lắng hoang mang khi thấy bất cứ người nào, bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ của nhân chứng Hoàng Thị Thùy Dung, thất thần mỗi khi có ai hỏi về con gái. Bởi cả chục ngày nay con gái bà trốn nhà đi biệt tăm. “Từ hôm 24, 25/10 Dung bị Công an tỉnh Bình Thuận mời lên làm việc cả một ngày. Buổi chiều tối về nhà nhìn người nó bải hoải, rồi nó nằm bẹp không thiết ăn uống gì nữa. Hôm sau là khăn gói đi khỏi nhà. Nó bảo người ta bắt nó lên tỉnh, phỏng vấn lên truyền hình xin lỗi trước toàn dân là nó khai không đúng sự thật. Nhưng nó bảo con đã khai những gì nghe thấy rồi, giờ bắt con khai khác con sợ lắm, không làm được” – bà Thanh nghèn nghẹn kể. Từ hôm đó tới nay, bà Thanh chẳng biết con đi đâu, ở đâu, làm gì.”Thỉnh thoảng bạn trai nó gọi điện nhắn tôi là Dung vẫn khỏe nhưng tôi không sao nguôi thấp thỏm”. Bà Thanh kể bà có năm người con. Chồng bà bỏ sáu mẹ con đi biệt xứ. Dung là con thứ ba. Khi vụ án xảy ra, Dung đang vừa học vừa làm ở tiệm cắt tóc gần nhà. Ngày công chẳng đáng là bao nhưng góp vào với ngày công vụn vặt của mẹ cũng đủ cho mấy mẹ con sống tạm qua ngày. Mấy tháng trước, bà Thanh nhận kết luận từ bệnh viện bà mắc u xơ cổ tử cung và u ngực. Bác sĩ dặn phải sớm phẫu thuật khối u tử cung, nếu không nguy cơ mắc ung thư rất cao. Nhưng tiền chẳng có, bà chỉ đành uống nước lá rừng người ta mách để cầm chừng. Thương mẹ bệnh tật, bà ngoại đã già, hai em gái còn nhỏ nhưng Dung vẫn đành khăn gói trốn đi vì sợ bị… bỏ tù. Khi được hỏi muốn nhắn Dung điều gì, ánh mắt bà Thanh kiên định:”Tôi đã nói với con từ đầu rồi, con nghe thấy gì, có thế nào thì nói thế. Dù ai nói gì cũng không được nói lệch sự thật đi”. Rồi bà lại tự than chua xót: “Tự dưng đang yên đang lành đi nghe một cú điện thoại đó làm chi để giờ rước vạ vào thân con ơi!”.
Theo Xahoi
Hàng nghìn người chứng kiến ngày đền tội của kẻ giết nữ bác sĩ
Khuôn mặt búng ra sữa, Phạm Văn Lý run rẩy đứng trước vành móng ngựa. Nhưng khi cáo trạng được công bố, ai cũng tỏ vẻ ngỡ ngàng trước hành vi phạm tội dã man của bị cáo.
Không ai ngờ Lý lại ra tay dã man với nữ bác sĩ từng rất tốt với mình. Ảnh: Bắc Ninh
Ngày 25/6, hàng nghìn người đã đến UBND xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh (Bình Thuận) để xem phiên tòa lưu động của TAND tỉnh Bình Thuận xét xử Phạm Văn Lý (tức Bi, 18 tuổi) về các tội Giết người và Cướp tài sản.
Với khuôn mặt búng ra sữa, Lý tỏ vẻ run sợ khi đứng trước vành móng ngựa. Ít ai ngờ, một thanh niên khá hiền lành và được bạn bè quý mến tại địa phương lại là hung thủ giết người, cướp tài sản với thủ đoạn dã man đến thế. Hơn nữa, nạn nhân chính là bác sĩ Mai Thị Thanh Thúy (52 tuổi, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Nam Bình Thuận), người đỡ đẻ và làm giấy chứng sinh cho Lý.
Theo cáo trạng, từ nhỏ, Phạm Văn Lý (18 tuổi) đã sống cùng ông ngoại ở sát nhà của bà Thúy tại đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Đức Tài (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận). Vì vậy, mọi quy luật sinh hoạt và tình hình kinh tế của nữ bác sĩ hàng xóm, Lý nắm rõ trong bàn tay.
Tối 6/4, Lý đi xe đạp ngang nhà bà Thúy thấy chỉ khoá cổng, bên trong mở đèn sáng và không có ai nên nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Nhanh chóng về nhà cất xe, hắn leo qua hàng rào sắt để vào sân nhà bà Thúy.
Đang mon men theo đường bên hông để ra phía sau nhà thì hắn bị chủ nhà phát hiện. Lý đuổi theo, cầm cục đá hoa cương ở tường rào đánh vào thái dương bà bác sĩ. Hắn kéo nạn nhân ra sau bếp đâm hơn 50 nhát dao. Quăng hung khí cạnh thi thể nạn nhân, hung thủ lục lấy 2 điện thoại di động. Cất một cái để dành, Lý mang bán chiêc còn lại được môt triêu đông. Hai ngày sau khi gây án, hắn bị bắt.
Gia đình nạn nhân vẫn chưa nguôi nỗi đau. Ảnh: Bắc Ninh
Tại tòa, Lý thừa nhận bà Thúy rất tốt với hắn và chưa từng xảy ra bất cứ mâu thuẫn gì. Chỉ vì muốn có tiền tiêu xài nên đột nhập vào nhà hàng xóm trộm tài sản.
Cho rằng bị cáo đã thành khẩn khai báo, không có tiền án, tiền sự, gia đình đã bồi thường một phần thiệt hại và khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi. Song, hành vi phạm tội của Lý là đặc biệt nghiêm trọng, mang tính côn đồ, hung hãn, cố tình thực hiện hành vi đến cùng... nên HĐXX đã tuyên phạt Lý mức án 18 năm tù cho cả hai tội. Đây là hình phạt cao nhất dành cho người chưa thành niên phạm tội.
Theo VNE
Thêm án giết người nghi oan sai ở Bắc Giang Vụ án kéo dài từ năm 2005 đến 2012 và từng bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hôm 7/11 có thư tay gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chỉ đạo tòa án thẩm tra lại vụ án của công dân Hàn Đức Long...