Nhận biết viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh đường hô hấp dễ xảy ra nhất vào thời điểm giao mùa.
Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi gây viêm và tắc nghẽn các tiểu phế quản. Tiểu phế quản là các ống dẫn khí nhỏ trong phổi, có vai trò kiểm soát các luồng không khí lưu thông trong phổi. Tuy nhiên, khi tiểu phế quản bị tổn thương do virus, bộ phận này có thể bị sưng lên gây tắc nghẽn và ngăn chặn không khí lưu thông khiến trẻ cảm thấy khó thở.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản nhất. Thông thường trẻ mắc bệnh sẽ có biểu hiện ốm trong khoảng từ 7 đến 10 ngày. Đây là thời điểm bệnh lây lan nhanh và mạnh nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp, trong một số trường hợp trẻ cần được đưa đến viện viện sớm để được kiểm tra nguyên nhân, tình trạng và có phương pháp điều trị phù hợp.
Biểu hiện viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh khởi đầu là viêm mũi họng đơn thuần, sốt nhẹ, sổ mũi và ho khan. Sau đó trẻ thở nhanh, xen kẽ với những khoảng dừng, đặc biệt là trong bữa ăn. Các ống phế quản của trẻ bị tắc với các chất tiết không thể thoát ra ngoài, vì thế có thể nghe thấy tiếng thở khò khè của trẻ.
Các triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và sẽ kéo dài trong khoảng 1 – 2 ngày. Sau 3 đến 5 ngày thì các triệu chứng này càng ngày càng rõ rệt và nặng hơn. Tình trạng khó thở sẽ khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, bỏ bú, da nhợt nhạt, dần dần trở thành suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Video đang HOT
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi gây viêm và tắc nghẽn các tiểu phế quản.
Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?
Nếu trẻ có các triệu chứng của viêm tiểu phế quản và xuất hiện thêm một trong các biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế:
Thở kèm theo tiếng khò khè
Nhịp thở nhanh và nông trên 60 nhịp/phút
Thở gấp, xương sườn dường như bị lõm vào trong khi trẻ hít vào
Trẻ mệt mỏi, uể oải, lờ đờ
Thở nhanh khi bú, bú kém, bỏ bú
Da nhợt nhạt, xanh xao, môi và móng tay tím tái
Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng: Khô miệng, khóc không ra nước mắt, uống nước và đi tiểu ít hơn bình thường…
Cách phòng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Để phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
Tránh cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu viêm đường hô hấp, cảm lạnh, đặc biệt là ở những trẻ sinh non và dưới 2 tháng tuổi. Vệ sinh, rửa tay cẩn thận trước khi tiếp xúc với trẻ.
Không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi vì virus gây bệnh có thể dính trên chúng qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện với người bệnh.
Vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đồ dùng, quần áo cho trẻ thường xuyên. Giữ ấm cho trẻ cẩn thận, nhất là vào mùa đông.
Đảm bảo môi trường sống của trẻ lành mạnh, không chứa khói bụi, khói thuốc lá và các hóa chất độc hại. Đảm bảo độ ẩm trong không gian phòng của trẻ. Lưu ý vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên và không để ẩm mốc phát sinh trong phòng của trẻ.
Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách đảm bảo trẻ bú đủ sữa và cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ, luôn đảm bảo cho trẻ đủ nước.
Thực hiện tiêm chủng vaccine cho trẻ đúng lịch và đầy đủ các mũi cúm, phế cầu, HiB… theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thời tiết chuyển mùa, trẻ em nhập viện vì bệnh đường hô hấp tăng cao
Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi đến khám, 60-70% là bệnh đường hô hấp, trong đó có những trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp...
Điều trị bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, thời điểm giao mùa, sự chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm không khí khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao. Tại khoa Nhi của bệnh viện hiện ghi nhận hơn 100 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, các bệnh đường hô hấp hay gặp ở trẻ liên quan đến virus như viêm tiểu phế quản do virus RSV, cảm cúm, cúm A, cúm B, Adeno virus và một số bệnh nhiễm khuẩn khác...
Trong đó, virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, dễ gây biến chứng nặng. Sau 2-3 ngày nhiễm bệnh sẽ tiến triển nặng lên và chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi; bệnh có thể biến chứng thành bội nhiễm gây viêm tai giữa, có trẻ bị viêm tiểu phế quản, suy hô hấp...
Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng thông tin cho biết, trong nửa đầu tháng 3, khoa Nhi của bệnh viện ghi nhận 74 trẻ nhiễm RSV đến khám và điều trị. Lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh liên quan đường hô hấp khác cũng tăng đáng kể trong gần 2 tháng trở lại đây.
Theo các bác sĩ, bệnh do virus hợp bào hô hấp thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, nhất là mùa xuân - hè. Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh, có thể dẫn tới khó thở, suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi.
Do vậy, trong thời điểm giao mùa này, để phòng tránh nhiễm RSV, cần chú ý hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh tay; cha mẹ cũng cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, sau khi cho trẻ ăn, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng trẻ bằng tay khi chưa rửa sạch.
Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà trẻ thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa; tăng cường dinh dưỡng, bổ sung đủ nước, vitamin...
Bệnh RSV thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có thể trạng sức khỏe tốt và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng như: sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực... cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Loại virus lây qua nụ hôn khiến 100 trẻ nhập viện, có bé phải thở máy Trong tháng 10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 100 trẻ nhiễm virus lây qua nụ hôn (virus hợp bào hô hấp - RSV), đặc biệt có bệnh nhân diễn biến nặng phải thở máy hoặc thở oxy. Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, các bác sĩ khoa Nhi đang điều trị cho một...