Nhận biết bệnh lý mạch máu nguy hiểm
Các bệnh lý về mạch máu có những dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng hay bị chúng ta bỏ qua. Khi bệnh không được điều trị kịp thời thường biến chứng rất nguy hiểm, đa phần gây ra các ca tai biến hoặc đột tử.
Bệnh lý mạch vành
Theo BS Đinh Đức Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim Tâm Đức TP.HCM, có thể chia bệnh động mạch vành ra làm hai loại là bệnh mạch vành mạn tính và hội chứng mạch vành cấp.
Người ta phân chia mức độ nặng của cơn đau thắt ngực từ I tới IV. Ở độ I, bệnh nhân chỉ đau ngực khi hoạt động gắng sức mạnh như leo cầu thang cao, leo dốc, mang vác nặng. Độ II là cơn đau xuất hiện với mức gắng sức trung bình, độ III bệnh nhân có cơn đau khi gắng sức nhẹ (khi làm vệ sinh cá nhân, đánh răng là cơn đau cũng xuất hiện). Ở mức độ nặng nhất, ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ, không hoạt động cũng có thể có cơn đau. Cơn đau thắt ngực điển hình của người bị bệnh động mạch vành mạn tính thường lan về phía cánh tay trái và lan lên cằm.
“Khi các mảng xơ vữa chiếm hơn 70% đường kính lòng động mạch vành thì gọi là mạch vành bị hẹp khít, khoảng 50-70% là hẹp trung bình, còn dưới 50% là hẹp nhẹ”, BS Huy nói.
Nguy hiểm và khó lường trước hơn cả là hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có thể sẽ thấy xuất hiện những cơn đau ngực với mức độ đau thay đổi về tần suất và cường độ, mà thuật ngữ y khoa gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định. Nặng hơn, trong hội chứng động mạch vành cấp, bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim cấp.
Có tới gần 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị đột tử trước khi đến bệnh viện, nguyên nhân thường do rối loạn nhịp thất. Có nhiều bệnh nhân ở dạng này lên cơn đau tim và tử vong bất ngờ ngay khi đang chơi tennis, bóng đá…
Những bệnh lý mạch vành hoàn toàn có thể được nhận biết để điều trị sớm. Bệnh nhân bị bệnh mạch vành đa số nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hoặc tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành…
Video đang HOT
Để phát hiện bệnh lý mạch vành sớm, BS Huy khuyên những người trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ như trên nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định cho làm xét nghiệm sinh hóa, chụp Xquang tim phổi, đo điện tâm đồ lúc nghỉ, siêu âm tim, các trắc nghiệm gắng sức để phát hiện bệnh sớm và tư vấn cho bệnh nhân chế độ sinh hoạt, điều trị phù hợp.
Bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành trung bình ở độ tuổi trên 60. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Ở nhóm bệnh nhân trẻ dưới 45 tuổi, các bác sĩ ghi nhận phần lớn họ đều hút thuốc lá nhiều.
Ngoài ra, chế độ sống, sinh hoạt không điều độ, quá căng thẳng cũng có thể có liên quan đến bệnh mạch vành.
Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chân – Ảnh: Trâm Anh
Suy, giãn tĩnh mạch chi
Kể tới bệnh lý về mạch máu không thể bỏ qua bệnh mạch máu chi. PGS-TS-BS Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Lồng ngực – mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết, bệnh nhân mắc bệnh mạch máu chi không điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng làm da lở loét, tạo ra các huyết khối tĩnh mạch dẫn tới tử vong.
Các đối tượng thường bị bệnh mạch máu chi hay gặp ở phụ nữ, chủ yếu là người lớn tuổi, những người phải đứng, ngồi lâu như thợ dệt, thợ may, giáo viên, phụ nữ dùng thuốc ngừa thai và gặp cả ở đối tượng bị căng thẳng quá độ.
Bệnh mạch máu chi được chia ra thành suy tĩnh mạch mãn và giãn tĩnh mạch chi. Bệnh chia thành sáu cấp độ. Ở độ I – II biểu hiện của bệnh kín đáo, đôi khi đứng lâu người bệnh chỉ hơi bồn chồn chân. Ở độ III – IV, biểu hiện bệnh cũng tăng theo bằng các triệu chứng phù chân, tĩnh mạch ngoài nổi rõ. Từ độ IV – VI da bệnh nhân bị đổi màu, lở loét, nặng nhất sẽ tạo ra huyết khối tĩnh mạch gây ứ trệ máu về tim và tử vong.
BS Thịnh cảnh báo, người có dấu hiệu lâm sàng như nặng chân nên đi khám chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Trước đây, người bị bệnh mạch máu chi được điều trị bằng phương pháp mổ hở nhưng nay đã có máy laser đốt tĩnh mạch, thời gian hồi phục nhanh, ít biến chứng hơn nhiều.
Hiện tại, Bệnh viện 115 đang tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh lý mạch máu chi cho mọi người.
Bệnh lý mạch máu não
Theo BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, nặng nề nhất đối với bệnh lý mạch máu não là xuất huyết não gây đột quỵ
Trong não có rất nhiều mạch máu nhỏ, khả năng chịu áp lực kém. Đặc biệt trên nền một người bị cao huyết áp sẵn, bản thân mạch máu đã bị xơ vữa rất nhiều, khi huyết áp tăng cao, việc xuất huyết là khó tránh khỏi. Những nguyên nhân dễ làm con người bị xuất huyết não chính là rượu bia, chất kích thích và sự thay đổi thời tiết đột ngột. Ngoài ra, trong các ca bị xuất huyết não có nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp nhưng không chịu uống thuốc đều đặn. Khi họ uống thuốc một thời gian, thấy huyết áp trở lại bình thường thì tự ý ngưng thuốc.
BS Thắng lưu ý, khi thấy người thân có các dấu hiệu của xuất huyết não như cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, bỗng dưng không nói được, hoặc nói nhảm, mất thị lực (đặc biệt chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt), đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn hãy đưa tới bệnh viện ngay trong vòng ba giờ đồng hồ.
Nếu chậm trễ cấp cứu, bệnh nhân xuất huyết não sẽ phải sống đời tàn phế hoặc tử vong.
Theo Trâm Anh (Phụ nữ Online)
Sống lại nhờ thuốc tiêu sợi huyết
Liên tục những ngày qua Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang không chỉ cứu sống hai bệnh nhân bị đột quỵ nặng mà còn giúp họ phục hồi gần như hoàn toàn.
Bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn, giám đốc bệnh viện, cho biết đó là nhờ phương pháp điều trị hiện đại của thế giới: dùng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA).
Hiện nay ở TP.HCM có một số bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ và sử dụng thuốc này, còn tại ĐBSCL chỉ mới có Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
Ngày 16-9, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu cho bệnh nhân N.V.B. (62 tuổi, ngụ xã Điềm Hi, huyện Châu Thành, Tiền Giang) bị đột quỵ liệt nửa người bên phải. Bệnh nhân được tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Ngày 27-9, bệnh nhân B. đã tự đi lại bình thường, cánh tay phải bị liệt khi đột quỵ cũng đã co duỗi, cử động được.
"Các bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não nếu được cấp cứu, tiêm thuốc tiêu sợi huyết trong vòng ba giờ kể từ lúc phát bệnh và tổn thương mạch máu ít thì việc điều trị sẽ rất hiệu quả, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn" - GS.TS Lê Văn Thành, chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não VN, cho biết.
Theo bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn, năm 2010 tại Tiền Giang có tới 1.520 bệnh nhân bị đột quỵ, có 242 người (chiếm 16%) tử vong. Trong số bệnh nhân đột quỵ có 72% bị nhồi máu não, còn lại là xuất huyết não.
Trước thực trạng bệnh nhân đột quỵ liên tục tăng cao, ngay trong năm 2010 bệnh viện đã thành lập "đơn vị điều trị đột quỵ" nhằm đào tạo, ứng dụng những phương pháp điều trị hiện đại để giảm số bệnh nhân tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ.
Đầu năm 2012 các bác sĩ của bệnh viện được tập huấn điều trị đột quỵ (nhồi máu não) bằng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) tại Bệnh viện 115, dưới sự hướng dẫn của GS-TS Lê Văn Thành.
Nhiều phương pháp điều trị bệnh đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, phó khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM, cho biết: Phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là phương pháp điều trị chuẩn mực và hiệu quả cho các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả tốt khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện điều trị sớm, trong vòng 3 giờ kể từ khi khởi phát những triệu chứng đột quỵ. Áp dụng phương pháp này từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã điều trị cho hơn 400 trường hợp bị đột quỵ. Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, có thể sinh hoạt và làm việc như trước.
Hiện nay Bệnh viện Nhân Dân 115 đã áp dụng thêm nhiều phương pháp điều trị đột quỵ khác như làm kỹ thuật đưa thuốc tiêu sợi huyết qua đường động mạch hoặc lấy huyết khối bằng các loại dụng cụ cơ học. Các kỹ thuật mới này được áp dụng đối với những trường hợp thuyên tắc các động mạch não lớn đã thất bại với phương pháp điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc nhập viện trễ từ 3 - 6 giờ.
Trong đó, phương pháp bẫy cục huyết khối bằng hệ thống lưới Solitaire (một phương pháp bằng các dụng cụ cơ học) cho đến thời điểm này được xem là phương pháp tốt nhất trên thế giới để điều trị các ca tắc những mạch máu lớn.
Theo VÂN TRƯỜNG, THÙY DƯƠNG (Tuổi trẻ)
Dấu hiệu trẻ bị đột quỵ Thời gian qua, khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đã tiếp nhận vài trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, truỵ tim mạch mà trước đó không có biểu hiện bệnh lý gì. Kết quả chụp CT scan cho thấy những trẻ này bị đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu não gây...