Nhân bản kết quả XN: Đề nghị truy tố 10 bị can
Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ, đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
Ngày 26/10, cơ quan CSĐT Công an, Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án &’&' Vương Thị Kim Thành cùng đồng phạm can tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra từ tháng 7.2012 đến tháng 5.2013 tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Theo đó, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ, đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên tại BV Đa khoa Hoài Đức.
Các bị can gồm: Vương Thị Kim Thành (SN 1959) – Trưởng khoa Xét nghiệm, Phan Thị Oanh (SN1972), Vương Thị Lan (SN 1988), Nguyễn Thị Ngà (SN 1984), Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990), Nguyễn Đồng Sơn (SN 1989), Nguyễn Thị Xuyên (SN 1961), Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990) bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai bị can còn lại là Nguyễn Thị Nhiên (SN1959) – Phó giám đốc BV và Nguyễn Trí Liêm (SN1962) – Giám đốc BV, bị đề nghị truy tố tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận của cơ quan điều tra: Ngày 5.6.2013, Cơ quan CSĐT, Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác của bà Hoàng Thị Nguyệt – Nhân viên khoa xét nghiệm; bà Khuất Thị Định – Nhân viên khoa sản và bà Phan Thị Nam Đông – Nhân viên khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức tố cáo: “Nguyễn Trí Liêm – Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi, rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu máu khác để gắn trả cho nhiều người bệnh. Số lượng người bệnh bị lừa dối lên đến hàng nghìn người”.
Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nơi xảy ra sự việc
Qua điều tra, công an kết luận: Hiện tại bệnh viện có 197 cán bộ, nhân viên làm việc tại 13 khoa nghiệp vụ và 3 phòng quản lý hành chính. Khoa xét nghiệm có nhiệm vụ thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị cho bệnh nhân.
Căn cứ quyết định số: 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19.9.1997 của Bộ Y tế quy định về công tác xét nghiệm như sau: “Trước khi trả kết quả xét nghiệm trưởng labô hoặc viên chức có trình độ kỹ thuật cao nhất có trách nhiệm kiểm tra lại kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp kết quả có nghi vấn phải báo cáo trưởng khoa để đối chiếu với lâm sàng, khi cần thiết phải xét nghiệm lại. Trưởng khoa xét nghiệm phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm và ký trước khi trả kết quả cho khoa điều trị, bệnh phẩm còn lại chỉ được hủy sau khi trưởng khoa đã ký duyệt”, cũng như các quy định về quy trình xét nghiệm cụ thể.
Video đang HOT
Dù quy định của Bộ Y tế, của Bệnh viện đối với công tác tại khoa xét nghiệm rất cụ thể, nhưng trong quá trình chỉ đạo và điều hành trong các cuộc họp giao ban, Nguyễn Trí Liêm – Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho bệnh viện (bệnh viện hưởng 30% số tiền Bảo hiểm Y tế), số tiền này hàng quý được chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện. Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Vương Thị Kim Thành – Trưởng khoa xét nghiệm đã chỉ đạo các nhân viên trong khoa in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ sau đó gắn vào phiếu xét nghiệm huyết học để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác trong bệnh viện đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế.
Căn cứ vào sổ theo dõi kết quả xét nghiệm huyết học mà Cơ quan CSĐT đã thu giữ xác định: Trong thời gian từ ngày 1.8.2012 đến ngày 31.5.2013, Vương thị Kim Thành, cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong đó có 1.544 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau (1 mẫu bệnh phẩm trùng nhiều nhất là 4 kết quả và trùng ít nhất là 2 kết quả). Các kết quả xét nghiệm trước khi trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác, Vương Thị Kim Thành và các nhân viên khoa xét nghiệm trực tiếp ghi chép kết quả xét nghiệm huyết học do mình thực hiện vào 18 quyển sổ.
Trong 1.544 kết quả xét nghiệm huyết học trùng, có: 724 bệnh phẩm (mẫu máu) được làm xét nghiệm, nhưng lại in ra 1.448 kết quả giống nhau (1 mẫu bệnh phẩm in ra 2 kết quả), 28 bệnh phẩm (mẫu máu) được làm xét nghiệm, nhưng lại in ra 84 kết quả giống nhau (1 mẫu bệnh phẩm in ra 3 kết quả), 3 bệnh phẩm (mẫu máu) được làm xét nghiệm, nhưng lại in ra 12 kết quả giống nhau (1 mẫu bệnh phẩm in ra 4 kết quả).
Thực tế trong số 1.544 kết quả xét nghiệm trùng thể hiện trong 18 quyển sổ có 789 kết quả được đưa vào thống kê thanh toán Bảo hiểm Y tế và thu trực tiếp của bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) là hơn 16 triệu đồng. Số tiền này được đưa về bệnh viên và được chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện theo từng quý.
Tại cơ quan điều tra các bị can Vương Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Ngà (đều là kỹ thuật viên) khai: Có in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm (mẫu máu) cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác. Mục đích là để khoa xét nghiệm và các khoa khác đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, tăng nguồn thu cho bệnh viện. Các bị can ý thức được việc in trước các kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ và ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân, cho nhân viên các khoa khác là sai nhưng thực hiện theo sự chỉ đạo của Vương Thị Kim Thành và Phan Thị Oanh.
Cũng theo kết luận điều tra, trong quá trình điều tra vụ án, Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác của bị can Nguyễn Trí Liêm – Giám đốc bệnh viện và một số bệnh nhân, công dân tố giác Hoàng Thị Nguyệt lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học, thu tiền xét nghiệm của bệnh nhân không đưa vào sổ sách.
Tiến hành điều tra, xác minh và gọi hỏi Hoàng Thị Nguyệt, Công an Hà Nội đã thu giữ 161 hồ sơ bệnh án bệnh nhân nội trú, xác định có 20 phiếu kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau do Hoàng Thị Nguyệt ký được đính vào phiếu xét nghiệm huyết học. Xét thấy Hoàng Thị Nguyệt là người chủ động tố giác sự việc tiêu cực xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, từ tháng 7.2012 Hoàng Thị Nguyệt không thực hiện việc in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm (mẫu máu) cũ để trả cho bệnh nhân hoặc cho nhân viên các khoa khác, Cơ quan CSĐT – Công an không xem xét xử lý sai phạm của Hoàng Thị Nguyệt trong vụ án này mà tách ra để điều tra, làm rõ, nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ xem xét, xử lý sau.
Theo Thắng Quang
Vụ "nhân bản" xét nghiệm: Hậu quả nghiêm trọng về tinh thần
Vì sao chưa bắt 10 bị can vụ "nhân bản" xét nghiệm?, trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Hoài Đức, hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là về mặt tinh thần: gây hoang mang lo lắng cho người bệnh, làm giảm uy tín của nhà nước về công tác khám chữa bệnh...
Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức
Liên quan đến việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), ngày 20/8 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố các bị can để tiếp tục điều tra theo tố tụng.
Theo đó, ông Giám đốc Nguyễn Trí Liêm và phó Giám đốc Nguyễn Thị Nhiên bị khởi tố về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285, Bộ luật hình sự.
8 bị can còn lại bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281, Bộ luật hình sự gồm: Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa xét nghiệm; Phan Thị Oanh, Kỹ thuật viên trưởng cùng các kỹ thuật viên thực hiện với động cơ và mục đích của việc lập khống là để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho bệnh viện, một số khác do nể nang, chỉ đạo nên đã có hành vi vi phạm.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội), cả hai tội nêu trên đều có có chung điểm giống nhau là mặt chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên điểm khác nhau là động cơ mục đích tức là mặt chủ quan của tội phạm.
Đối với Điều 281, Bộ luật hình sự được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội này. Đối với điều 285, Bộ luật hình sự được thực hiện với lỗi vô ý (do quá tự tin hoặc do cẩu thả) và không có động cơ mục đích vụ lợi và động cơ cá nhân khác.
Trong vụ án này, qua các chứng cứ chứng minh Giám đốc và phó Giám đốc bệnh viện không biết, hoặc lơ là trong quản lý, yếu kém về nghiệp vụ mà không quản lý sát sao, không có động cơ vụ lợi trong việc các cán bộ bệnh viện dưới quyền có những hành vi vi phạm pháp luật trong suốt thời gian dài nên phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 285, Bộ luật hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Lãnh đạo bệnh viện chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao
Luật sư Thơm cho biết, hậu quả nghiêm trọng trong vụ án này là hậu quả vật chất và tinh thần. Hậu quả vật chất tuy không lớn nhưng hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là về mặt tinh thần: gây hoang mang lo lắng cho người bệnh, làm giảm uy tín của nhà nước về công tác khám chữa bệnh,...
Quan điểm của luật sư Thơm cho rằng, không thể chỉ căn cứ vào các lời khai, đơn tố cáo... cho rằng đã có sự chỉ đạo làm khống các xét nghiệm từ lãnh đạo bệnh viện. Nếu lãnh đạo bệnh viện không thừa nhận thì phải có chứng cứ vật chất chứng minh có sự chỉ đạo như: văn bản, chữ ký của lãnh đạo chỉ đạo...
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của lãnh đạo bệnh viên được Nhà nước phân công và quy chế hoạt động của Bệnh viện thì rõ ràng lãnh đạo bệnh viện Hoài Đức đã không làm hết chức năng nhiệm vụ của mình nên phải có trách nhiệm trong việc các nhân viên cấp dưới xảy vi phạm nghiêm trọng tại bệnh viện do mình quản lý.
Tuy nhiên, trong vụ án này cũng cần thiết phải xem xét việc thanh tra, kiểm tra công tác hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Để xảy ra các sai phạm trong suốt một thời gian dài mà không phát hiện ra sai phạm thì cũng nên xem xét lại việc quản lý nhà nước.
"Nếu không có việc các cá nhân tại bệnh viên đứng ra tố cáo các sai phạm tại bệnh viện thì các sai phạm đó không biết đến bao giờ mới bị xử lý và hậu quả để lại thì sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn", luật sư Thơm nói.
Như cơ quan điều tra đã thông báo thì hậu quả vật chất trong vụ án này là nhỏ. Số tiền hưởng lợi do việc "nhân bản" mà bảo hiểm y tế chi trả cũng chỉ 16 triệu đồng. Số tiền này hiện vẫn nằm trong quỹ của bệnh viện cũng chưa phát hiện ra việc động cơ vụ lợi, chiếm đoạt hưởng lợi tiền từ việc sai phạm này của các cá nhân.
Mặt khác các kết quả nhân bản xét nghiệm này cũng chưa phát hiện trường hợp người bệnh nào dùng kết quả này để điều trị dẫn tới hậu quả chuẩn đoán sai bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
"Việc xử lý hình sự đối với các cán bộ bệnh viện cũng là một mất mát của ngành y tế. Vì dù sao các cán bộ này cũng có nhiều cống hiến cho ngành y tế, phục vụ công tác chữa bệnh cho người dân trong suốt thời gian qua. Chỉ vì nhận thức pháp luật còn hạn chế, do chủ quan, nể nang và do suy nghĩ việc làm của mình cũng chỉ làm cho bệnh viện mà không nghĩ tới hậu quả nghiêm trọng sau này", luật sư Thơm chia sẻ.
Việc sai phạm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức có thể là là bài học về công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý hoạt động tại các bệnh viện. Nhà nước cần phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các bệnh viện để phát hiện ra những sai sót và có những biện pháp kịp thời xử lý.
Theo_VnMedia
Diễn biến bất ngờ trong vụ nhân bản tại BVĐK Hoài Đức Vụ nhân bản xét nghiệm tại BV ĐK Hoài Đức xảy ra không ít những pha "bẻ còi", gây chấn động trong báo giới cũng như dư luận. Đầu tiên phải kể đến đó là việc hai người trong số 5 người đồng ký tên tố cáo việc làm sai trái tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, đã đột ngột rút chữ...