Nhận 10 tỉ đồng chia chác tham ô, Dương Chí Dũng nói: Cảm ơn!
2 lần nhận 10 tỉ đồng “chia chác” tiền tham ô từ vụ mua ụ nổi No. 83M, mỗi lần 5 tỉ đồng đựng trong chiếc va ly có tay kéo, Dương Chí Dũng đều nói ngắn ngọn với người đưa tiền: “Cảm ơn em!”.
2 lần nhận 10 tỉ đồng chia chác tiền tham ô, Dương Chí Dũng đều nói với người đưa tiền: “Cảm ơn em!”
Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng (C48 – Bộ Công an), bị can Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) và nguyên Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc biết rõ ụ nổi No. 83M No sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản bị hư hỏng nặng, đã bị Đăng kiểm Nga không cho hoạt động từ năm 2006 song nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hợp thức thủ tục để mua với giá 9 triệu USD thông qua Công ty AP (Singapore).
Quá trình điều tra, C48 Bộ Công an đã cử đoàn công tác sang Singapore để ghi lời khai của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP, và đã phát hiện ra “kịch bản” chia chác tiền tham ô tài sản của các cán bộ, lãnh đạo Vinalines.
Giám đốc Công ty AP đã cung cấp một bản thỏa thuận ngày 7-7-2007 do Công ty Global Success (Công ty của Nga, có chi nhánh tại Hongkong) và Công ty AP ký kết, nội dung ghi rõ việc ăn chia 9 triệu USD tiền bán ụ nổi No. 83M.
Theo đó, Công ty Global Success được hưởng 4,334 triệu USD, riêng Giám đốc Công ty này được hưởng 1,134 triệu USD, và bên thứ 3 do Công ty Global Success chỉ định được hưởng 1,666 triệu USD…
Sau khi Vinalines chuyển 9 triệu USD, Giám đốc Công ty Global Success lập tức yêu cầu ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà (tại Việt Nam) thông qua ngân hàng UOB – Chi nhánh TPHCM, ghi rõ: Công ty AP chuyển cho Công ty Phú Hà để thanh toán cho các công việc chuẩn bị tài liệu xuất khẩu, hải quan và thuế xuất khẩu ụ nổi No. 83M.
Cơ quan điều tra xác định Công ty Phú Hà không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan tới ụ nổi No. 83M, đồng thời làm rõ Giám đốc Công ty này là bà Trần Thị Hải Hà, em gái ông Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines. Ông Sơn nhờ công ty em gái để nhận số tiền trên.
Ngày 18-6-2008, theo thỏa thuận trước đó, ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Sơn qua tài khoản của Công ty Phú Hà. Đến tháng 7-2008, Công ty Phú Hà đổi sang tiền Việt thành hơn 28 tỉ đồng.
Để chia chác tiền theo sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng từ trước, hơn 10 ngày sau khi nhận tiền, khi ông Dũng vào TP HCM công tác, Sơn gọi điện thoại hẹn nói: “Em gặp bác để chuyển ít quà”. Dũng đồng ý.
Video đang HOT
Sau đó, Sơn tự tay xếp 5 tỉ đồng tiền mặt, loại mệnh giá 500.000 đồng vào 1 chiếc va ly có bánh xe, tay kéo, rồi đến khách sạn bằng xe taxi.
Tại phòng VIP của khách sạn này, Sơn đưa va ly tiền cho Dũng và nói: “Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển cho bác trước 5 tỉ đồng tiền ụ nổi No. 83M. Số tiền còn lại em chuyển bác sau”. Dũng nhận va ly tiền nói: “Cảm ơn em!”.
Lần đưa tiền thứ hai, tại nhà mẹ vợ của Dũng tại TP Hải Phòng, cách sau lần gặp nhau tại TP HCM khoảng 3, 4 tuần. Hôm ấy, khi ra Hà Nội, Sơn đến phòng làm việc gặp Dũng và nói: “Em gửi anh nốt số tiền 5 tỉ đồng còn lại. Khi nào anh về Hải Phòng thì em đưa, vì tiền em để ở Hải Phòng rồi”. Dũng đồng ý, hẹn gặp Sơn cuối tuần ở Hải Phòng.
Sơn lúc đó đã chuẩn bị toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng, đựng trong túi quà Tết. Sau đó, Sơn tự tay xếp số tiền trên vào trong va ly có bánh xe, tay kéo.
Trước khi đến, Sơn gọi điện cho Dũng, hỏi Dũng đã đến nhà mẹ vợ chưa, rồi kéo va ly đi bộ sang nhà mẹ vợ Dũng cách đó chừng 500 mét. Tại phòng khách, Sơn nói: “Em đưa nốt anh số tiền còn lại”. Dũng nhận va ly, tiếp tục: “Cảm ơn em!”.
Mai Văn Phúc cũng được chia tới 10 tỉ đồng tiền tham ô từ vụ mua ụ nổ No. 83M
Về việc đưa tiền cho Mai Văn Phúc, bị can Sơn khai cũng đã đưa cho Phúc 10 tỉ đồng chia làm 3 lần. Lần đầu tiên tại nhà riêng của Phúc ở làng quốc tế Thăng Long, khoảng tháng 6, tháng 7-2008, số tiền 2,5 tỉ đồng. “Hôm nay em gửi bác trước tiền ụ nổi. Số còn lại em chuyển bác sau” – nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines trình bày.
Lần đưa tiền thứ hai của Sơn cũng diễn ra tại nhà riêng của Phúc, số tiền 5 tỉ đồng, cách sau đó khoảng 2, 3 tuần.
Lần thứ 3, khoảng cuối năm 2008 âm lịch, Sơn ra Hà Nội công tác. Sau khi liên lạc, biết Phúc đang ở huyện An Dương (Hải Phòng), Sơn hẹn gặp và chuyển số tiền 2,5 tỉ đồng.
Số tiền còn lại, Sơn chia cho em gái 2 tỉ đồng; chia cho Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi No. 83M) 340 triệu đồng và chiếm hưởng 5,8 tỉ đồng.
Khoảng cuối năm 2008, sau khi ụ nổi đưa về Việt Nam, Sơn đã giao cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng cho tiền đựng trong túi ni-lông, nói: “Gửi anh chút tiền bồi dưỡng”.
Thương vụ mua ụ nổi No.83 M về để đấy đã gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng đã bị vỡ lở và các bị can đều bị sa lưới pháp luật.
Truy tố Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm Bộ Công an ngày 14-10 ra thông báo cho biết Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) cùng 9 bị can, gồm: Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi No. 83M), Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bô Chi cục Hải quan Tân Phong, tinh Khánh Hòa), Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó 4 bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều còn bị đề nghị truy tố thêm tội danh “Tham ô tài sản”.
Theo Nguyễn Quyết
Người lao động
Dân đóng tiền cho "quan" nuôi... bồ nhí!
Nghĩ đến việc phải còng lưng chắt bóp đóng thuế cho "quan" nuôi bồ nhi đã xót xa, uất ức lắm rồi. Nếu như lại phải nghe những lời tuyên án "thân nhân tốt, chưa có tiền án, tiền sự..." với mức án "nhẹ hều" thì càng xót xa, đau đớn!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Sáng 14/10, cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị can trong vụ án tham nhũng trong việc mua ụ nổi 83M tại Vinalines.
Theo đó, Dương Chí Dũng và đồng bọn cố ý làm trái trong đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD. Cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho bồ nhí 2 căn hộ chung cư.
Cụ thể, theo báo Thanh niên ngày 16/10, bài "Ăn 1 phá 10", để biển thủ số tiền ấy, chúng đã mua một "đống sắt vụn" với giá 37 tỉ đồng, chỉ sau một hồi "nhào nặn" khối sắt vụn này được thổi giá lên thành 9 triệu USD (theo tỷ giá năm 2008 tương đương 144 tỉ đồng):
"Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo Vinalines đã móc nối với cơ quan đăng kiểm, hải quan "vẽ" cục sắt này thành một con tàu để đủ điều kiện hoạt động hàng hải, đủ điều kiện thông quan. Báo cáo của Vinalines cho thấy chỉ tính riêng việc vận chuyển chiếc ụ nổi này theo đường biển về VN đã lên tới hơn 73 tỉ đồng, tính đến tháng 5.2012, tổng chi phí cho chiếc ụ nổi này lên tới 525 tỉ đồng...
Trong phi vụ nói trên, lãnh đạo Vinalines "chỉ" được chia người nhiều nhất 10 tỉ đồng, người ít 340 triệu đồng nhưng con số thiệt hại họ gây ra đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Điều cay đắng hơn để ăn được những khoản tiền này, lãnh đạo Vinalines phải chấp nhận lại quả cho người nước ngoài. Theo kết luận điều tra, trong khoản chênh lệch 9 triệu USD mua ụ nổi với thực giá 2,3 triệu USD, lãnh đạo Vinalines đã phải "biếu" không do các doanh nghiệp nước ngoài hàng triệu USD".
Đọc những dòng tin trên không khỏi bất bình và uất ức bởi sự nhẫn tâm, sa đọa của bọn quan chức tham nhũng.
Bất bình hơn bởi lúc này đây, kinh tế đất nước đang cực kỳ khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp thua lỗ, phá sản vì thiếu vốn, hàng chục vạn công nhân không có việc làm đang phải ngày đêm bươn chải kiếm từng đồng, từng cắc để nuôi gia đình và góp vào ngân sách nhà nước....
Uất ức bởi trước áp lực về ngân sách, Bộ Tài chính vừa phải đề xuất giảm 100.000 đồng lương tối thiểu trong số tiền còm cõi của công chức bởi không thể cân đối thu chi.
Nhẫn tâm bởi để có được hơn 30 tỉ đồng (1,6 triệu USD), Dương Chí Dũng và đồng bọn đã cấu kết với nhau ăn cắp số tiền gần 400 tỉ đồng tiền thuế của dân, trong đó có hàng triệu USD được bọn chúng "lại quả" cho người nước ngoài.
Không chỉ bất bình, uất ức thậm chí là cảm giác nhục nhã bởi số tiền đó được ông Dũng dùng để mua nhà cho bồ nhí ở các chung cư đẹp nhất Hà Nội. Nói trắng ra, dân chúng ta đã phải còng lưng chắt bóp để ông ta đem tiền đi nuôi gái, mua nhà cho gái.
Thế nhưng càng thất vọng hơn, nếu như rồi đây, cái án ông Dũng chịu rất nhẹ so với những gì mà ông Dũng gây ra. Lý do có thể lại vẫn là những lập luận quen thuộc như thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ...
Có thể sẽ có ý kiến cho rằng không nên "Cầm đèn chạy trước ô tô" nhưng còn nhớ vụ ông Phạm Thanh Bình Vinashin, số tiền lên tới 500 tỉ đồng song cũng chỉ có án 20 năm tù, thì không biết án của ông Dũng sẽ như thế nào?
Nghĩ đến việc phải còng lưng chắt bóp đóng thuế cho "quan" nuôi bồ nhi đã xót xa, uất ức lắm rồi. Nếu như lại phải nghe những lời tuyên án kiểu: Thân nhân tốt, chưa phạm tội bao giờ... với mức án "nhẹ hều" thì không chỉ bất bình, uất ức mà còn xót xa, đau đớn và thất vọng!
Theo Dân trí
Dương Chí Dũng "kéo theo" các đồng phạm và em trai "trượt dốc" Liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT TCty Hàng hải Việt Nam - Vinalines), đã có nhiều người vướng vòng lao lý. Trong đó có cả em trai của Dũng là Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát...