Nhâm nhi với rù rì
Bọn nhóc làng mình hay đọc một cách rập ràng câu ‘thơ’ của lão ngư Tư phệ bày cho khi nhảy chân sáo xuống bãi biển: Chiều chiều đi bắt rù rì. Đem về cho bố nhâm nhi với rườu (rượu).
Rù rì bò trên bãi cát
Các ông bố cười tít mắt nhưng các bà mẹ thì la mắng: “Cha bay, mới hơn ba giờ, trời còn nắng chang chang mà đi dang cho nứt đầu hả? Có đi thì đội mũ lên!”. Nhưng chẳng đứa nào “chấp hành”. Có… khùng mới đội. Gió biển ngang dọc thế kia, tay khư khư giữ mũ thì làm sao bắt rù rì?
Họ nhà rù rì thật ham chơi. Chúng theo những con sóng phiêu lãng tràn lên bãi. Rồi khi nước rút thật nhanh, rù rì bị mắc cạn, vội vã đùn ngay xuống lớp cát mềm. Tại đây chúng bị tóm bởi những bàn tay nhanh nhẹn của lũ trẻ.
Dưới bóng dương, chúng tụm nhau lại, xổ rù rì ra ngắm nghía rồi “bình loạn” con nào đuôi dài nhất, con nào lớn nhất, con nào càng to nhất. Chẳng có bữa nào ngã ngũ chuyện này. Chúng trương gân búng má cãi nhau ỏm tỏi. Khi một đứa la lên “de”, cả bọn bợ vạt áo đựng rù rì chạy về làng “bán” cho bố. Mỗi đứa chỉ được vài ngàn mua kẹo mút mà mừng hết lớn.
Hiện tại rù rì trở thành món nhâm nhi mùa hè phổ biển của dân chài Sa Huỳnh (Quãng Ngãi), nhất là khi được các “tửu thủ” ví von là “Tiểu huỳnh đế”, rù rì đã leo lên thang giá 45.000 đồng/kg. Lối ví ấy cũng có “cơ sở”: Rù rì rất giống với cua huỳnh đế thu nhỏ.
Đám trẻ ranh xưa giờ đã cuối cấp 2, biết hồi đó mình “bán hớ” cho bố nên… tiếc hùi hụi. Có đứa nói tính ra tụi mình mỗi đứa “thất thoát” cỡ… vài triệu chớ không ít. Nhưng biết làm sao được khi bài vở ngày một nhiều lên. Với lại cái tuổi bắt rù rì đổi kẹo mút cũng đã lùi xa.
Cuối tuần rồi có mấy đứa bạn trên huyện về chơi. Mình vừa thoáng nghĩ “mồi gì đây” thì lũ nhóc xóm chài đã kéo ngang ngõ với những bọc rù rì vừa bắt được. 90.000 đồng/2kg.
Mồi rù rì làm dễ ợt. Giữ nguyên con. Luộc sơ, để ráo rồi trút vào chảo dầu đang phi tỏi. Cho ớt đường mắm muối hành tiêu vào. Đảo nhẹ và đều để rù rì thẩm thấu gia vị. Nước keo lại là xong.
Rù rì lên mâm có màu nâu đỏ, càng giống với màu cua huỳnh đế. Cứ mỗi đũa một “em”. Răng vừa khởi động đã nghe rù rì vỡ tan, giòn rụm. Cái giòn rào rạo như tiếng mưa nhanh và nhẹ của rù rì cộng hưởng với cái giòn rôm rốp, chắc nụi của bánh tráng phơi đúng nắng làm nên những thanh âm hân hoan. Bạn mình đứa nào cũng khen nức nở.
Với rù rì, khái niệm “to mới ngon” hoàn toàn bị phá sản. Thịt rù rì li ti trong vỏ, trong càng, trong que từ từ tiết ra, nhỏ nhẹ, rủ rỉ, tỉ tê với người ăn về cái chất ngọt ngào, thanh tao, đằm thắm. Cô bạn gái của mình lấy ngón út vén lọn tóc mai, duyên dáng nói: “Em nghe trong rù rì có mùi bọt sóng nữa đó, mấy anh ơi”. Tụi mình bỗng nhao lên, khen câu này hay nhất trong bữa nhậu rù rì.
Ôi chao! Món “tiểu huỳnh đế” mà đãi những người tinh tế như thế thật chẳng bõ công tí nào.
depplus
Video đang HOT
Những món quà biển nổi tiếng tại các tỉnh giáp biển
Đất nước Việt Nam tự hào có bờ biển dài, các tỉnh có biển sở hữu nguồn tài nguyên hải sản dồi dào. Mỗi vùng lại có những đặc sản riêng, là món quà của biển cả hào phóng gửi tặng người dân có cuộc sống gắn liền với con nước mặn mòi.
1. Quảng Ninh - Chả mực Hạ Long
Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (mực mai và chỉ mực mai mới làm được món ăn này. Hầu hết nguyên liệu chế biến chả đều là mực đánh bắt ở khu vực vịnh Hạ Long mới ngon và có mùi vị rất riêng. Chất lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng...
2. Hải Phòng - Nem cua bể
Với nguồn tài nguyên hải sản phong phú, ẩm thực Hải Phòng đa dạng, đa sắc màu và mang đậm hương vị biển.Người nước ngoài đến Hà Nội thường rất mê những chiếc nem cua bể vuông vức, giòn rụm. Thật ra, món ăn này nổi tiếng hơn cả phải là ở Hải Phòng. Ngoài những nguyên liệu thông thường của món nem miền Bắc, nem cua bể có thêm sự có mặt của thịt cua bể, cũng là một trong những đặc sản của vùng biển quê hương.
Chiếc bánh đa nem tuy giản đơn nhưng cũng phải là loại bánh tráng sản xuất theo phương pháp truyền thống địa phương, gói bọc nhân nem rồi gấp thành miếng vuông vức đẹp mắt, khi chiên lên vẫn còn nguyên hương vị đặc trưng của cua bể. Nem có thể chấm với nước chấm hoặc ăn kèm bún và rau sống.
3. Thanh Hóa - Gỏi cá Sầm Sơn
Ai tới Sầm Sơn mà chưa thưởng thức qua đặc sản gỏi cá thật quả đáng tiếc. Cá dùng để làm Gỏi thường là loại cá ít xương, nặng chừng 3-5 ký.Cá được rửa sạch, dùng dao sắc lọc riêng phần thịt ).Thịt cá được ướp với nước cốt chanh trộn với thính gạo rang thơm tho rồi bày ra đĩa. Nước chấm mới là thứ đặc sắc hơn cả của món gỏi cá biển Sầm Sơn. Nước chấm được làm từ da và gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt, tỏi khô, mẻ, mắm muối, đường..tạo nên loại nước sốt sánh đặc, vàng ươm mà đậm đà khó cưỡng.
Gỏi cá ăn với rau húng, ngò, răm, đinh lăng, lá mơ tam thể, thêm môt vài lát khế chua, chuối xanh thái mỏng. Miếng cá ngọt thơm quyện với vị cay béo của nước chấm, chua mát của rau ăn kèm tạo cảm giác đặc biệt khói nói hết thành lời.
4. Quảng Bình - Lẩu cá khoai
Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.
Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi.
5. Đà Nẵng - Nước mắm Nam Ô, hải sản tươi
Làng Nam Ô (Hoà Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) xưa nay đã lừng danh với nghề làm nước mắm "tiến vua". Thương hiệu nước mắm Nam Ô không lẫn vào các loại nước mắm khác, do hương vị chế biến từ một thứ nguyên liệu độc đáo - con cá cơm than. Mắm người làng Nam Ô làm ra cho chất lượng nguyên chất, tuyệt hảo, sản phẩm tinh khiết, hợp vệ sinh, chất đạm vừa phải, rất cần thiết cho sức khỏe"...
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, khoảng 20 phút đi xe máy sẽ tới "làng đặc sản biển" Mỹ Khê, quận Sơn Trà. Dọc theo bãi biển, nhà hàng, quán ăn nối nhau san sát, kéo dài hàng cây số. Tại đây bạn có thể tìm được những loại hải sản tươi ngon nhất. Chỉ cần chế biến theo phương cách đơn giản như nướng hay hấp đã có thể thưởng thức trọn vẹn vị ngon của biển cả Đà Nẵng.
7. Phú Yên - Gà nước mặn
Trong các loài đặc sản biển có một loài cá mà dân vùng biển đặt cho nó biệt danh là "gà nước mặn" để nhớ tới một món nướng độc vị và bổ dưỡng từ cá Bò hòm. Thịt của loại cá này còn trắng hơn thịt gà; trừ xương sống, toàn thân cá là thịt không lẫn tý xương nào cả.Cá sau khi nướng trên than hồng được cho vào đĩa, dùng đũa hoặc tay lột hết lớp da là một khối thịt trắng phau, dùng đũa xắn từng miếng chấm với muối ớt. Thịt cá không tanh mà thơm ngon ngót, ăn miếng rồi muốn thêm miếng nữa.
6. Nha Trang - Bún chả cá
Bún cá trong văn hóa ẩm thực của người dân biển Nha Trang thân thuộc như món phở với người Hà Nội hay tô mì Quảng với người Quảng Nam. Vì là vùng biển nên nguyên liệu nấu bún cá cũng là cá biển chứ không phải loại cá đồng, cá nước ngọt như các tỉnh miền Bắc hay miền Tây. Cá ở đây là chả cá, được làm từ cá tươi, quết bằng tay, là sự kết hợp của nhiều loại cá khác nhau nên vị ngọt đậm đà, tươi, ngon chứ không rõ ràng toàn bột như các loại cá viên chiên hay các loại chả khác.
Các nguyên liệu trong tô bún cá hoàn toàn lấy từ biển, nước dùng được nấu hoàn toàn từ cá chứ không dùng thịt, các phụ liệu khác cũng từ biển và rất hạn chế gia vị nên tô bún cá vừa ngọt ngào, vừa dịu dàng lại vẫn đậm đà nồng nàn vị biển.
7. Bà Rịa - Vũng Tàu - Cá thu một nắng Côn Đảo
Cá thu câu Côn Đảo được đánh bắt trong môi trường tự nhiên nên thịt ngon, ngọt.Sau khi đánh bắt được bảo quản ngay lập tức bằng nước đá, không tẩm ướp hóa chất. Thưởng thức cá thu tươi của Đặc sản Côn Đảo bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của cá, điều mà bạn sẽ không bao giờ cảm nhận thấy khi mua cá ở siêu thị hay tại bất cứ chợ nào tại Sài Gòn.
Món ăn đã vinh dự ghi tên vào danh sách Top Đặc sản Quà tặng Việt Nam lần thứ nhất năm 2013 và là niềm tự hào của người dân Côn Đảo nói riêng cũng như người dân Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.
8. Kiên Giang - Nhum biển, gỏi cá trích Phú Quốc
Cũng giống như các đặc sản khác, nhum không phải là loại hải sản chỉ riêng Phú Quốc có, nhưng cầu gai (tên gọi khác của nhum) ở nơi đây nổi tiếng là tươi, nhiều và rẻ. Nhum được chế biến theo nhiều cách khác nhau, ngon nhất là nhum nướng mỡ hành thơm lừng, cháo nhum hải sản ngọt như cháo trứng, chả nhum và mắm nhum.
Quanh năm ở vùng biển Phú Quốc đều có thể đánh bắt cá trích, và vì thế gỏi cá trích biển đảo luôn tươi mới và hấp dẫn. Cá từ biển được làm sạch, thái mỏng, trộn đều với nước cốt chanh, ớt, hành tây băm nhuyễn. Ăn kèm với gỏi trộn là rau sống rừng, dừa khô nạo. Cuốn cả gỏi, cả rau trong bánh tráng dẻo dai, chấm nước chấm pha từ mắm với đậu phộng, tỏi, ớt là đã có thể thưởng thức món đặc sản ngon nhất nhì xứ đảo.
9. Bình Thuận - Cá lồi xối mỡ Phan Thiết
Cá lồi xuất hiện nhiều nhất là vào các tháng 7-8-9 âm lịch và thường có trọng lượng từ 0,5 - 5kg. Theo mẹo vặt của các bà nội trợ thì cá lồi lớn nhiều thịt và ngọt hơn cá lồi nhỏ.
Có thể chế biến nhiều món ngon từ cá lồi như nấu canh chua, kho tỏi, tiêu hay ớt, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cá lồi xối mỡ. Ngoài điểm nhấn độ ngọt, tươi của cá, nước mắm me với vị béo của gan cá cũng mê hoặc thực khách không kém.
Theo depplus
100 đứa trẻ run rẩy ở bãi rác kiêm bãi mìn Rù Rì Bà Nguyễn Thị Cúc, người có thâm niên 25 năm nhặt rác ở Rù Rì lo lắng: "Tôi già rồi thì không tính, nhưng còn gần 100 đứa trẻ đang thất học kia không biết rồi sẽ ra sao. Chúng tôi đã an cư ở đây trên 20 năm rồi không biết bãi rác đóng cửa, chúng tôi có bị bỏ rơi không"....