Nhầm con 29 năm: Vật vã hành trình tìm mẹ đẻ
Từ khi nhận kết quả ADN, không một ngày nào chị Lê Thanh Hiền và chồng ngơi tìm kiếm thông tin về mẹ đẻ của mình.
Mò kim đáy bể
Sau khi làm xét nghiệm vì nghi ngờ, ngày 8/5/2013, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý – Viện Khoa học hình sự gọi chị Hiền đến nhận kết quả giám định ADN. Dòng chữ phũ phàng đã khiến chị ngã gục ngay lúc vừa lướt qua tờ giấy với kết luận bà Phan Thị Tuyết Hoa không phải mẹ đẻ chị.
Lúc đó, như người mất hồn, chị Hiền phóng xe máy vừa đi vừa khóc lang thang khắp Hà Nội.
“Tôi không nhớ mình đã đi những đâu, chỉ nhớ khi đến cầu Chương Dương thì đã nửa đêm. Chồng tôi tìm khắp nơi và mãi sau mới thấy tôi đang đứng trên cầu, tôi ôm chồng rồi bật khóc”, chị Hiền kể lại.
Trước sự thật đau đớn, chị Hiền lăn ra ốm một tuần trời.
Chị Lê Thanh Hiền vẫn đang tìm kiếm thông tin về người mẹ đẻ của mình
Từ khi nhận kết quả, không một ngày nào chị Hiền và chồng không tìm kiếm thông tin về người mẹ đẻ của mình.
Chị đã nhờ sự giúp đỡ của luật sư để xin được thông tin những ca sinh tại nhà hộ sinh quận Đống Đa vào ngày 12/1/1987.
Từ những thông tin đó, hai vợ chồng tìm đến địa chỉ nơi họ ở hiện nay. Thế nhưng, cuộc tìm kiếm như mò kim đáy bể.
Thông tin từ nhà hộ sinh quận Đống Đa cung cấp cho luật sư của chị Hiền cho biết, có tổng cộng 6 trường hợp sinh tại nhà hộ sinh này trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 12/12/1987 (tính cả ca sinh của bà Hoa). Có một ca sinh gần nhất với thời gian chị Lê Thanh Hiền chào đời (vào khoảng 4 giờ 20 phút), cũng vào ngày 12/12/1987. Tuy nhiên, địa chỉ của các sản phụ ghi trong sổ sinh nay đều đã thay đổi.
Hai người mà chị Hiền tìm được từ manh mối trong cuốn sổ sinh đã từ chối thẳng thừng.
“Tôi nói chuyện điện thoại được với một người và gặp được một cô gái ngang tuổi tôi, có thể sinh cùng nhà hộ sinh. Cả hai đều từ chối giúp và không muốn tôi làm phiền đến cuộc sống hiện tại của họ”, chị Hiền bất lực.
“Tôi chỉ muốn tìm được mẹ đẻ của tôi để biết mẹ là ai, mẹ đang sống ra sao. Mẹ có biết là tôi đang ngóng trông mẹ lắm không? Tôi cũng muốn tìm con đẻ cho mẹ Hoa. Mẹ Hoa đang đau khổ lắm. Bà dằn vặt rằng con đẻ của bà nơi đâu, có được được nuôi dưỡng, yêu thương như tôi không”, chị Hiền nức nở.
Video đang HOT
Chị Hiền lúc còn nhỏ
Chị Hiền cho biết, chị không hề oán trách nữ hộ sinh đã trao nhầm mình. Theo chị, đó cũng là cơ duyên để chị được làm con cha mẹ của mình hiện tại, ở đó chị có tình thương của gia đình dành cho mình.
“Hiện tại tôi mong muốn mọi người, các cơ quan chức năng, cơ quan công an giúp gia đình tôi tìm kiếm được người thân thực sự của mình”, chị nói thêm.
Cú sốc cuộc đời
Bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) xúc động kể lại về ngày sinh con gái: “Tôi tới nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên vào lúc khoảng 1 giờ sáng ngày 12/12/1987. Đến 4 giờ 35 phút sáng, tôi sinh con. Cô y tá đỡ đẻ nói với tôi là tôi sinh con gái. Thế nhưng, tôi chưa được nhìn con lúc đó. Em bé sau đó được trao cho chồng tôi, phải đến khoảng 8 giờ sáng cùng ngày tôi mới được ôm con”.
Nhớ lại cảm giác khi nhận con từ tay chồng bà Hoa nói: “Tôi không thể quên được khoảnh khắc ấy. Em bé rất xinh, da trắng, môi đỏ. Chỉ có điều, khi tôi kiểm tra trên người con thì thấy số trên đùi em bé rất mờ. Tôi hỏi thì chồng tôi nói là cháu vừa mới được tắm xong nên mờ là chuyện bình thường. Từ đó đến giờ cháu lớn lên trong vòng tay của tôi”.
Cuộc sống cứ thế trôi đi trong êm ả, chị Hiền lập gia đình và sinh được hai con kháu khỉnh. Các cháu thường xuyên qua lại thăm ông bà.
“Hôm đó là ngày rất nóng, cách đây 3 năm, Hiền cùng chồng con sang nhà ông bà chơi. Sau bữa cơm tối, Hiền đưa tôi đi chơi hóng mát. Tối hôm đó, Hiền đã kể cho tôi hết mọi chuyện. Tôi không tin đó là sự thật cho đến khi con bé đưa cho tôi toàn bộ giấy tờ. Tôi ốm mất mấy ngày sau đó” – bà Hoa nhớ lại ngày định mệnh.
Giấy khai sinh và kết luận giám định ADN của chị Hiền
Từ những giấy tờ đó mọi người trong gia đình phải chấp nhận sự thật và cùng nhau tìm kiếm mẹ đẻ cho Hiền, cũng là tìm lại người con, người chị, người em của gia đình mình đang sinh sống ở đâu.
Chị Hiền cho biết, điều khiến mọi người nghi ngờ nhất là thời điểm bà Hoa sinh con cũng có một người phụ nữ khác sinh cách đó 15 phút, ở cùng trong phòng.
“Cả hai đều sinh con gái và cùng cân nặng 3kg. Vì không được nhìn thấy mặt con, mãi sau khi nhận con thì mẹ mới được nhìn khuôn mặt nên có thể đã bị trao nhầm”, chị Hiền đặt ra nghi vấn.
Theo chị Hiền, đến giờ phút này sau 3 năm biết sự thật mới dám nói ra bởi chị sợ mọi người trong họ hàng sẽ bị sốc và mất đi tình cảm yêu thương của mọi người.
“Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn xem bố mẹ là người yêu thương mình nhất. Tôi càng thương bố mẹ hơn vì biết chuyện này bố mẹ sẽ sốc. Sau câu chuyện bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình cách đây 42 năm tôi mới đủ can đảm nói ra sự thật. Tôi mong muốn tìm được người thân của tôi, còn mẹ tôi cũng mong muốn tìm được người con thất lạc của mình bao năm qua”, chị Hiền tâm sự.
Nhị Tiến
Theo_VietNamNet
40 năm nuôi nhầm con: Công an Hà Nội vào cuộc
Lực lượng công an dự tính dùng các biện pháp nghiệp vụ để có danh sách những trẻ sinh ngày 10/10/1974, từ đó lọc ra số bé gái chào đời trong ngày này để tổ chức tìm kiếm.
Sáng 11/3, trao đổi với Zing.vn, chỉ huy Công an quận Ba Đình cho biết chưa nhận được đề nghị hỗ trợ của "gia đình 40 năm nuôi nhầm con ở Hà Nội". Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị khẳng định trên cơ sở thông tin báo chí phản ánh, cơ quan công an đã cử một tổ công tác tới gặp gia đình chị Tạ Thị Thu Trang để trao đổi, nắm bắt thông tin, nguyện vọng để giúp họ tìm kiếm người thân.
Công an nhận định có hy vọng
Theo cơ quan công an, 40 năm trước địa giới hành chính quận Ba Đình gồm cả phường Bưởi và Yên Phụ thuộc quận Tây Hồ ngày nay, nên việc xác định cần thêm nhiều đơn vị cùng tham gia hỗ trợ.
Chưa kể đến khả năng vào ngày 10/10/1974, có nhiều người dân ở các quận, huyện khác thuộc Hà Nội có thể đến Nhà hộ sinh quận Ba Đình đẻ con, nên cần rà soát ở diện rộng.
Chị Thu Trang (áo xanh) chụp ảnh cùng bà Hạnh và chị Vân. Ảnh: NVCC.
Cơ quan công an dự tính sẽ làm việc với Nhà hộ sinh quận Ba Đình để có thông tin, danh tính những nữ cán bộ công tác ở đây 40 năm trước nhằm tìm kiếm manh mối.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, với sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan, cảnh sát nhận định có thể thu được danh sách những người sinh ngày 10/10/1974. Từ đó, cơ quan công an sẽ lọc lấy danh sách các bé gái chào đời ngày 10/10/1974, có bố mẹ là người quê Hà Nội cũ.
Từ số liệu này, cảnh sát sẽ khoanh vùng tiếp có bao nhiêu bé gái chào đời bằng phương pháp sinh thường, bao nhiêu là đẻ mổ để tiếp tục thu hẹp số lượng trẻ cần xác minh và tìm kiếm.
Các vướng mắc cũng được cơ quan công an tính tới. 40 năm trước, có bao nhiêu bé chào đời ở Nhà hộ sinh quận Ba Đình được bố mẹ khai sinh đúng ngày 10/10/1974; bao nhiêu trường hợp người thân do không nhớ ngày sinh của con mà khai nhầm, không chính xác, gây khó khăn trong truy tìm.
"Nếu tra cứu hồ sơ toàn bộ thành phố có hy vọng tìm được" - đại diện cơ quan công an nhận định.
"Dù 1% chúng tôi cũng hy vọng"
9h tối, căn hộ trong khu tập thể Kim Liên - nơi gia đình chị Tạ Thị Thu Trang và chồng con sinh sống tràn ngập tiếng cười. Trong phòng nhỏ chừng 30 m2, vợ chồng chị Trang và 2 con gái dùng điện thoại trò chuyện với bà Nguyễn Mai Hạnh (64 tuổi - người mẹ bị trao nhầm con suốt 42 năm) đang ở nước ngoài.
Ngoài hỏi thăm về tình hình sức khoẻ, cuộc sống hiện tại, những thành viên thường xuyên nhắc tới việc tìm người thân lưu lạc. Dù vui, cười nhưng đằng sau đôi mắt của 2 người phụ nữ ẩn chứa nỗi lo canh cánh về sự nhầm lẫn định mệnh 42 năm trước.
5 ngày sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về câu chuyện gia đình hơn 40 năm nuôi nhầm con, cuộc sống của chị Trang không có nhiều xáo trộn, ngoài đôi lần nhận điện thoại từ các nhà hảo tâm.
Chị Trang (thứ 2 từ trái sang) cùng gia đình cập nhật tin tức về sự việc. Ảnh: Mỹ Hằng.
Chị cho biết, nhiều người đã liên hệ với gia đình mình ngỏ ý giúp đỡ. Hôm 9/3, có người tìm được danh sách 400 trẻ sinh ngày 10/10/1974 ở Hà Nội và có tên 3 phụ nữ trong số đó sống ở quận Ba Đình, đã cung cấp cho chị Trang.
Nghe tin, vợ chồng chị tức tốc đến các địa chỉ với hy vọng có một sự kỳ diệu. Tuy nhiên, tất cả đều là người nhập cư từ nơi khác tới - chị Trang nói với vẻ mặt thất vọng.
"Tôi từng xem một bộ phim có hoàn cảnh y hệt mình. Hai cô bé học cùng lớp nhau. Nhiều lần suy nghĩ, tôi cứ tự hỏi liệu người con ruột của mẹ Hạnh có từng học cùng trường, hay cùng khu phố với tôi không? Phim thì có đạo diễn còn cuộc đời tôi sao lại ra nỗi này" - chị Trang bộc bạch với gương mặt thất thần.
"Sau khi thông tin lan truyền trên mạng, bạn bè, hàng xóm đều biết việc nhưng họ giữ ý chỉ hỏi han qua nhau. Có lẽ, họ sợ mình thêm xúc động nên không ai chia sẻ" - chị Trang kể.
Trong hành trình tìm bố mẹ đẻ, người luôn sát cánh, động viên chị Trang là anh Nguyễn Trung Thành (chồng chị). Chia sẻ về hoàn cảnh của vợ, anh Thành bày tỏ cảm thông, động viên tinh thần chị Trang vượt qua khó khăn.
Anh kể rằng, nhiều lần vợ giận mẹ, trách bà giữ bí mật lớn quá lâu. Những phút đó, anh Thành lại tới khuyên nhủ, trấn an tinh thần chị. Đến nay, dù chưa có thêm manh mối nào, nhưng gia đình chị Trang vẫn ngày đêm hy vọng sự kỳ diệu sẽ đến với mình.
"Dù chỉ 1% thôi, chúng tôi cũng hy vọng tìm được người con ruột cho mẹ Hạnh và tìm thấy gia đình thật của mình. Nếu không được, tôi sẽ ân hận đến cuối đời" - chị Trang bật khóc.
Về phía bà Hạnh, dù đang ở nước ngoài nhưng hàng ngày luôn đọc báo, tìm kiếm tin tức về đứa con gái thất lạc, cũng như tìm gia đình cho đứa con mình nuôi nấng suốt 40 năm qua.
Mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc
Chị Trang kể nhiều lần gia đình tới Sở Y Tế, Phòng Tư pháp quận Ba Đình (Hà Nội) để dò hỏi thông tin năm xưa, nhưng đều ra về trong vô vọng.
Chiều qua (10/3), một lần nữa gia đình đến UBND quận Ba Đình hỏi thêm thông tin. "Họ yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan chức năng về việc trích lục hồ sơ cá nhân có ngày sinh trùng với vợ tôi. Việc này quá nan giải vì nằm ngoài khả năng của gia đình" - anh Thành chia sẻ.
"Chúng tôi mong các cơ quan chức năng giúp đỡ. Gia đình không làm gì sai trái, bản thân chỉ mong tìm được rõ nguồn gốc của mình" - anh Thành nói thêm.
Trong lúc rối ren, một niềm vui đến với gia đình anh chị. Theo thông tin anh Thành nhận được, chiều 10/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã tìm ra 3 nữ hộ sinh làm việc tại Nhà hộ sinh quận Ba Đình năm xưa. Họ đều ngoài 80 tuổi nên không còn nhớ rõ điều gì. Dù vậy, thông tin cũng đem đến cho anh chị niềm hy vọng.
5h hàng ngày, vợ chồng chị Trang cùng nhau dạy bán đồ ăn sáng. Công việc vất nhưng họ bảo thảnh thơi đầu óc.
Theo Zing News
Trao nhầm con 42 năm trước: Sở Y tế Hà Nội trần tình gì? Theo chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm y tế quận Ba Đình, đến nay chưa thể tìm được manh mối nào để gỡ những vướng mắc của vụ trao nhầm con 42 năm trước. Liên quan tới vụ trao nhầm con tại nhà hộ sinh quận Ba Đình 42 năm trước, ông Nguyễn Việt Cường, Trung tâm y tế quận Ba Đình...