Nhại tên, giải pháp “xấu” của nhà phát hành Việt ?
Việc nhà phát hành Soha tung tin phát hành game Tiếu Ngạo Giang Hồ mới đây, đã bị cộng đồng chỉ trích là màn “ăn theo nói leo”, dựa hơi sản phẩm nhà sản xuất Thế giới Hoàn mỹ để thu hút game thủ. Như thế,, Soha trở thành nhà phát hành “nổi tiếng” tiếp theo vụ VTC Game “nhái” tên game War Thunder thành phiên bản cập nhật cho game Đột Kích.
Những tưởng câu chuyện “nhại tên” này chỉ dừng như vậy, thì mới đây làng game Việt lại tiếp tục “ngơ ngác” khi FPT Online ra mặt đồng lúc, “bừa tiếp luống cày” với phiên bản cập nhật mới cho game Hoành Tảo Thiên Hạ, cũng với cái tên Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Phiên bản cập nhật “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Hoành Tảo là xứng đáng ?
Hết chiêu bắt chước ?
Video đang HOT
Nhà phát hành FPT Online đã giải thích rất “mạch lạc” trong thông tin với các trang game, phiên bản Tiếu Ngạo Giang Hồ là “1 phiên bản Big update đáng được mong chờ của đông đảo người chơi Hoành Tảo Thiên Hạ”. Phiên bản bao gồm sự xuất hiện Boss mới Phong Thanh Dương, phụ bản Thập Diện Mai Phục cùng hệ thống tu luyện mới, chiêu thức mới dính liền tuyệt kỹ Dịch Cân Kinh, và khả năng nâng cấp hệ thống Bảo Giáp Ngự Thần…
Nhà phát hành Soha thì lý giải tựa gMo Tiếu Ngạo Giang Hồ có tên gốc là Đại Võ Lâm, 1 game 2D kiếm hiệp, dạng đánh theo lượt, chạy trên 2 hệ điều hành phổ biến iOS và Android. Trong game, người chơi sẽ tiếp cận nhiều nhân vật nổi tiếng ở các bộ tiểu thuyết võ hiệp như Hoa Vô Khuyết, Lý Tầm Hoan, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược, Tạ Tốn…
Đoạn phim giới thiệu Tiếu Ngạo Giang Hồ của Soha gây chán cho cộng đồng.
Tuy nhiên, trong mắt cộng đồng game thủ, rõ ràng 2 động thái này không khác biệt lắm với “trò mèo” đã được VTC Game áp dụng với Phi Đội. Phiên bản cập nhật lớn War Thunder cho Phi Đội, dù được giải thích thế nào cũng không che nổi “đuôi áo” nhại tên sản phẩm nổi tiếng, khiến người chơi bị nhầm lẫn tai hại. Đa số game thủ theo dõi sự vụ đều có quyền thắc mắc, có phải các nhà phát hành đã hết chiêu “bắt chước” để làm rầm rộ hơn tên tuổi sản phẩm của mình ?
Kịch cũ, nhưng tuồng mới !
Thậm chí 1 số người quan sát còn chỉ trích rõ, cách ứng biến “nhại tên” của các đơn vị làm game trong đợt này có vẻ khéo léo hơn 1 số “chiêu ăn theo cũ”, vì đã chọn những tựa game chưa đưa về Việt Nam, để lôi kéo sự chú mục của cộng đồng. Phải chăng các nhà phát hành sẽ có thể lý giải “ngụy biện” mà không sợ có ai thưa kiện, vì bản quyền các game bị nhại tên chưa hề áp dụng tại Việt Nam ?
Nhại tên nhau chỉ là “trò bắt chước” ?
Sự thật này làm gợi lại những câu chuyện về các webgame “ăn theo” Thủy Hử, Tam Quốc đã 1 thời nhan nhản; mới đây nhất là những sự việc kiểu iGà (cũng của Soha) bị nhà phát hành VNG lật tẩy “nhại chú gà Gunny” buộc phải tháo gỡ các hình ảnh “tầm gởi” trên website; hay gMO Võ Lâm 3 (của Minh Châu Corp) bám vào “danh tiếng” tựa game lão làng Võ Lâm Truyền kỳ. Sự thất bại của những kiểu “nhại tên” này, là chỉ sau 1 thời gian ngắn, những người chơi đã trải nghiệm các sản phẩm “tên thật” hiểu ra vấn đề, và nhanh chóng quay lưng để các tấm chiêu bài giả dạng tự rơi xuống.
“Với cách diễn lại những chiêu thức cũ, nhưng biến tấu nhắm vào game mới, sẽ có mặt và đang cuốn hút người chơi ham thích, những nhà phát hành lần này coi bộ dễ thành công hơn”. Một đại diện truyền thông đơn vị dự báo lấy Tiếu Ngạo Giang Hồ của Thế giới Hoàn mỹ nhìn nhận như vậy. Dĩ nhiên, đơn vị này cũng không giấu sự bực bội khi trò chơi sắp tung ra của họ sớm bị “mượn đầu heo nấu cháo”, với logic chắc chắn những người chơi đã bị lừa sẽ trở nên khắt khe hơn và không tin vào thực lực giá trị của các nhà phát hành game Việt nữa.
Nhà phát hành game Việt đang tự xóa nhòa chính mình khi “nhại tên”.
Nỗi buồn lớn nhất cho làng game Việt, là bằng những động thái “nhại tên” thô kệch này, 1 số nhà phát hành tên tuổi lớn đã tự mình “hạ thấp bảng hiệu” trong mắt cộng đồng. Trong khi đông đảo người chơi đang lầm lẫn tai hại, cần được hỗ trợ góc nhìn xác đáng hơn trước các private games “ăn theo” những game bản quyền chính thức, thì ngờ đâu lại đến lượt các nhà phát hành nghiêm túc cũng biên soạn đủ kiểu kịch bản “nhái danh giả dạng” để tranh giữ thị phần. Vậy làm sao họ có thể trở thành các tấm gương đàng hoàng để những thế hệ người làm game và game thủ trẻ nhìn thấy những điều tốt đẹp mà ngành công nghiệp game Việt có thể mang lại ở tương lai ?
Theo VNE