Nhạc Việt: Món ăn ngon cần có đầu bếp giỏi
Nhìn vào bức tranh tổng thể của thị trường nhạc Việt trong những năm qua mới thấy những “đầu bếp giỏi” xuất hiện như lá mùa thu.
Âm nhạc cũng giống như ẩm thực. Nếu một giai điệu, một giọng hát muốn đi sâu vào lòng công chúng thì những người nghệ sĩ làm ra nó cần phải có tài có tâm giống như những người đầu bếp có tay nghề, biết cách làm thế nào để chế biến được món ăn ngon cho những người thưởng thức.
Tuy nhiên trên thực tế lại không như vậy, nhìn vào bức tranh tổng thể của thị trường nhạc Việt trong những năm qua mới thấy những “đầu bếp giỏi” xuất hiện như lá mùa thu.
Nguyên liệu tốt chưa hẳn đã có món ngon…
Nếu đưa những nguyên liệu tươi ngon cho một người đầu bếp thực thụ thì anh ta sẽ dễ dàng chế biến ra được những món ăn ngon và hấp dẫn cho mọi người. Thế nhưng khi nguyên liệu đó rơi vào tay một người đầu bếp tồi thì món ăn cuối cùng cũng không ra gì. Và tương tự như thế, việc cho ra đời những ca khúc hay, đi sâu vào lòng công chúng cũng cần dựa vào năng lực thực sự và cách thức lựa chọn của những người nghệ sĩ. Nhưng đáng tiếc thay vẫn có khá nhiều “vị đầu bếp” quá dễ dãi, không chịu tận dụng những nguyên liệu quý mà trời ban cho mình.
Phan Đinh Tùng, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương
Họ sẵn sàng chiều lòng khán giả và quay lưng lại mới phong cách của chính mình mà đi hát nhạc sến, nhạc thị trường hay nhạc teen theo trào lưu. Chính vì cơm áo gạo tiền, vì muốn có được sự nổi tiếng chóng vánh mà hàng loạt ca sĩ từ sao lớn đến sao bé quá sa đà vào những ca khúc rẻ tiền. Hệ quả của sự đầu tư không đúng chỗ này là sự xuất hiện vô số những món ăn kém chất lượng, không có mùi vị ấn tượng và nhạt nhẽo. Những tác phẩm đó sau khi “trôi nổi” được một thời gian ngắn rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Bảo Thy, Noo Phước Thịnh, Thủy Tiên,
Cái khó chồng thêm cái khó làm nền âm nhạc nước nhà dường như vẫn còn ì ạch dậm chân tại chỗ. Sự lạc hậu về khoa học kĩ thuật, máy móc dẫn đến sự hạn chế về vấn đề sản xuất âm nhạc và việc chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo của các ca sĩ, nhạc sĩ tài năng gặp nhiều khó khăn. Họ dường như không có đất để dụng võ mà chủ yếu là các producer từ nước ngoài đem làn gió mới mong manh thổi vào nhạc việt, hy vọng một ngày nào đó từ những nguyên liệu quý hiếm sẽ có thể nhào nặn nên những sản phẩm âm nhạc đáng nghe và vươn tầm quốc tế.
Producer Nguyễn Hải Phong, Dương Khắc Linh
Ăn hoài một món cũng ngán…
Video đang HOT
Khi đầu bếp đã thành công với món ăn mà mình tâm đắc thì chưa chắc sau này, nó sẽ còn được đón nhận nồng nhiệt như trước đây. Đó chính là quy luật đào thải khắc nghiệt của cuộc sống. Cho nên bản thân người đầu bếp hay nghệ sĩ đều phải không ngừng hoàn thiện, trau dồi năng lực và tự làm mới mình liên tục để đáp ứng những nhu cầu đa dạng của khán giả. Nhưng nhìn vào mặt bằng âm nhạc chung hiện nay thì các ca sĩ teen cho đến các nhạc sĩ trẻ mới nổi thay vì tạo sự đột phá bằng những khả năng âm nhạc thực sự thì lại nhắm mắt đi thực hiện những cách chế biến cũ kĩ đến nhàm chán.
Vĩnh Thuyên Kim, Vũ Hà, Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như
Hàng tá ca sĩ trẻ mọc lên như nấm sau mưa với chỉ một hai ca khúc hít là đã nổi tiếng mặc dù trong đó không tồn tại giá trị nghệ thuật nào. Một số bộ phận nhạc sĩ trẻ hiện nay lại sáng tác ca khúc quá hời hợt nên rơi vào tình trạng rập khuôn na ná nhau. Quanh đi quẩn lại vẫn là những giai điệu quen thuộc, cũ kỉ nghe đến nhàm tai dẫn đến sự nghèo nàn, vô vị trong khả năng sáng tác. Chỉ trong một ngày trên mạng xuất hiện tràn lan 4 đến 5 ca khúc theo phong cách đại trà thường hay bắt chước giai điệu của nhau, rồi lại gây tranh cãi ca khúc này đạo ca khúc kia. Thế là anh em nghệ sĩ trẻ được dịp kiện tụng, xỉ vả nhau trên mặt báo hòng thu hút sự chú ý của dư luận.
Cái thiết yếu nhất mà phần lớn nghệ sĩ Việt còn thiếu đó là sự sáng tạo nghệ thuật và tự làm mới mình. Phải hiếm hoi lắm mới phát hiện ra những nhân tố tài năng trong làng nhạc có sự tìm tòi đột phá mới. Hiện nay trên thế giới nhiều nước đã bắt kịp trào lưu phát triển của nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến nhưng thế hệ nghệ sĩ Việt lại quá lười trong lối tư duy và chuyên copy paste những cái có sẵn mà không chịu đầu tư học hỏi. Khi người đầu bếp không chịu khó đi tìm cái mới thì những món ăn họ làm ra người ta ăn hoài rồi cũng đâm ra ngán ngẫm và quay lưng đi tìm một món ăn khác hấp dẫn hơn.
Cần lắm những đầu bếp giỏi, có tâm lẫn tài
Như một thói quen vẫn thấy, đa phần nghệ sĩ trẻ hiện nay thường hay chạy theo trào lưu mà không quan tâm, để ý đến mặt chất lượng của đứa con tinh thần. Họ cũng giống như những đầu bếp “thị trường” chỉ vì ham muốn sự nổi tiếng mà đánh đổi món ăn ngon, bổ thay cho món ăn nhạt nhẽo. Nếu như lĩnh vực ẩm thực cần những đầu bếp yêu nghề không vì đồng tiền mà đánh mất khả năng cảm vị các món ăn thì trong âm nhạc đòi hỏi ca sĩ, nhạc sĩ yêu nhạc cống hiến vì nghệ thuật đích thực và có thể vượt qua khỏi những rào cản “tiền tài tiếng tăm” trong đời sống phức tạp của làng giải trí. Nghệ sĩ không chỉ dừng lại, bằng lòng với những cái có sẵn mà phải đi tìm những cái mới, dám thể hiện nhiều thể loại nhạc khác nhau, bắt kịp với trào lưu quốc tế để nâng tầm cảm quan âm nhạc.
Vợ chồng Mỹ Linh – Anh Quân, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhạc sĩ Quốc Trung
Đầu bếp giỏi là những người không vì đồng tiền mà cho ra lò những món ăn nhìn bề ngoài có vẻ sơn hào hải vị nhưng thực chất khi ăn xong lại chẳng thấy mùi vị gì đặc biệt. Đó cũng chính là “điều răn” mà các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cần phải áp dụng cho mình. Sự đua đòi chạy theo phong trào của lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay vô hình chung tạo điều kiện cho thứ âm nhạc dễ dãi, nghèo nàn cứ tăng dần đều theo thời gian trong khi chất lượng âm nhạc lại tỉ lệ nghịch và dần biến chất. Âm nhạc rất dễ đổi mới mà cũng rất dễ bắt chước nhau khi nó chỉ gói gọn trong 7 nốt nhạc quen thuộc. Nhưng nếu biết cách thả hồn và cảm nhận bằng cảm xúc thật của mỗi cá nhân thì không quá khó khăn để tạo nên một thứ âm nhạc hoàn mỹ.
Ngoài những yếu tố cần thiết vốn đã được mặc định sẵn thì người nghệ sĩ nói chung cần phải dám thể hiện cá tính của mình nhưng theo hướng cầu thị và sự sáng tạo. Sẵn sàng gạt bỏ những tư tưởng lợi danh, tên tuổi để viết nên những ca khúc có hồn mà vẫn được khán giả đón nhận. Còn các nghệ sĩ trẻ nói riêng cần đi đầu trong việc hiện đại hóa nền âm nhạc và xây dựng hình ảnh có chọn lọc kĩ lưỡng như vậy mới có hội cải thiện thị hiếu thẫm mỹ của giới trẻ hiện đại. Đó còn là sự định hướng phong cách nghe nhạc cho công chúng một cách có văn minh.
Thay cho lời kết
Trong cuộc sống ai cũng muốn hưởng thụ những cái gì ngon nhất tốt nhất, bổ nhất nhưng để tạo ra được những thứ tinh hoa đó cần có những con người tài giỏi, tận tâm nhiệt huyết với nghề và thật sự nghiêm túc. Họ có thể là những người đầu bếp bình thường hay người nghệ sĩ đam mê nghệ thuật nhưng đều có điểm chung là sự tìm tòi sáng tạo cái mới hợp thời đại và thể hiện cảm xúc chân thật nhất trong từng tác phẩm. Đó chính là yếu tố quyết định hàng đầu để chinh phục trái tim của đông đảo tầng lớp khán giả.
Để có thể trở thành “đầu bếp giỏi” và được công chúng ngưỡng mộ yêu mến thì người nghệ sĩ phải thật sự nổ lực hơn nữa trong lao động nghệ thuật. Không để bị mờ mắt bởi danh tiếng hay tiền tài mà đánh mất đi giá trị nghệ thuật đích thực tiềm ẩn trong con người mình. Người nghệ sĩ chân chính khác với vật chất tầm thường ở chỗ họ tạo món ăn ngon nhưng khác lạ và ăn rồi thì nhớ mãi nhưng mỗi khi ăn là nhớ đến người đầu bếp chế biến thành công món ăn đó.
Minh Trung
Theo 2sao
Nhạc Việt - Hết sến, nhảm đến nhát ma
Thị hiếu âm nhạc của công chúng sẽ đi về đâu khi thường xuyên bị tra tấn bởi những thứ âm nhạc... không bình thường như hiện nay?
Khái niệm nhạc sang và nhạc thị trường chưa bao giờ khó phân định đẳng cấp như thời kỳ này khi mà cả nhạc thị trường (mà hạ cấp là nhạc nhảm) và nhạc nghệ thuật (cụ thể ở đây là nhạc quái của nhóm Đại - Lâm - Linh) đang gặp phải lựa chọn: loại nhạc nào cần bị tẩy chay?
Nhạc nhảm làm hỏng ngôn từ Việt
Khoảng chục năm trở lại đây, nhạc Việt Nam trở nên sôi động và có phần... nhảm nhí bởi sự xuất hiện của dòng nhạc thị trường mà đỉnh điểm của sự nhảm nhí là dòng nhạc chợ, nhạc nhảm. Những ca khúc nghe tên đã "nuốt" không nổi như "Không bao giờ bó tay", "Trái tim đặt nhầm chỗ", "Người ấy và con ba phải chọn", "Kiếp vợ bé"... đua nhau ra mắt với tốc độ chóng mặt khiến một bộ phận công chúng không chịu nổi và phải quay lưng lại với nhạc Việt.
Không hiểu khả năng ngôn từ và âm nhạc của nhạc sĩ, ca sĩ để đâu đặt tên các ca khúc một cách phi nghệ thuật như: "Chỉ vì quá tin bạn", "Miễn cưỡng không có hạnh phúc"...
Hàng trăm bài báo, hàng triệu bình luận của cư dân mạng thể hiện thái độ khó chịu về vấn nạn này. Thế nhưng, những bình luận, phản ánh của cộng đồng mạng xem chừng không có nhiều tác động đến các ca sĩ. Vậy nên, những thảm họa V-Pop lại liên tiếp ra đời mà đỉnh cao là "Da nâu" - Phi Thanh Vân, "Đừng yêu em" - Lê Kiều Như, "Teen vọng cổ" - Vĩnh Thuyên Kim và hầu hết bài hát của ca sĩ Vũ Hà khiến cộng đồng mạng gần như "phát điên" bởi tính phi nghệ thuật.
Những bài hát nhạc nhảm này như một sự "phỉ báng" ngôn ngữ Việt Nam khi hàng tá những ngôn ngữ Tây không ra Tây, ta không ra ta được đưa vào bài hát với những câu từ sáo rỗng, giai điệu lặp đi lặp lại. Ca sĩ chỉ vài lần "ứ ư" đã hết bài... Nghe những ca khúc đó, không thể cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ Việt mà khiến người ta luẩn quẩn với cái vòng yêu - đương, chia tay nhảm nhí.
Vũ Hà là một trong những ca sĩ sở hữu nhiều bài hát nhảm nhất
Thế nhưng nhờ sự tò mò của cộng đồng mạng nên những ca khúc này được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Công chúng nghe xong thì chửi, nhưng lại nghe, chửi rồi lại nghe...Vòng luẩn quấn khiến những bài hát "dở hơi" bỗng dưng thành hit vì ai cũng thuộc. Độ phổ biến của bài hát nhảm còn lớn gấp nhiều lần những bài hát "chính chuyên", tử tế. Và những ca sĩ nhạc chợ, nhạc nhảm bắt đầu hét toáng lên rằng: "Tôi có hit".
Nhạc "quái" ám người nghe
Một vài ngày trở lại đây, cư dân mạng mải mê bình luận và "thẩm định" thể loại nhạc mới của bộ ba: Đại - Lâm - Linh. Một số người trong nghề gọi đó là nghệ thuật còn phần nhiều công chúng cho rằng đó là một hình thức tra tấn và ... dọa ma người nghe.
Nhóm Đại - Lâm - Linh thể hiện cá tính bằng sự kỳ dị
Không thể phủ nhận những nỗ lực kiếm tìm sự mới mẻ, công sức tập luyện, tài năng của nhóm Đại - Lâm - Linh nhưng những gì họ thể hiện trong chương trình Bài hát Việt khá phản cảm. Chia sẻ về dòng nhạc của mình, ca sĩ Linh Dung cho biết: "Chúng tôi muốn đưa tất cả những âm thanh của đời sống vào âm nhạc như tiếng trẻ con nũng nịu, tiếng tụng kinh, tiếng thét, tiếng thì thào của tình yêu, tình dục, rồi những âm thanh như đưa người ta vào cõi tâm linh...". Thế nhưng thực tế, rất ít khán giả có thể "nuốt trôi" những thể nghiệm: cười, rú, hú, hét - những thanh âm gai lạnh hay những phát âm xí xào vô nghĩa khiến tâm lý bị căng thẳng.
Một khán giả có mặt ở nhà hát Hòa Bình - nơi diễn ra chương trình Bài hát Việt kể: "Nhiều người bịt tai, quay ra nói chuyện để không phải nghe hát. Những người dẫn con đi xem thì lục tục ra về vì sợ mấy đứa bé không chịu nổi. Có người còn bảo, sẽ không bao giờ xem chương trình Bài hát Việt nữa, thậm chí không ít người bắt đầu thấy nản với dòng nhạc dân gian đương đại của Việt Nam". Trên một diễn đàn về âm nhạc, một thành viên cũng ý kiến: "Từ khi nghe nhóm quái này biểu diễn, mình không dám ra đường buổi tối. Đi đâu cũng thấy có ma, phát sợ".
Và chính nhạc sĩ Phó Đức Phương trên một bài báo gần đây cũng nhận xét: "Chương trình Bài hát Việt tôi có xem qua truyền hình và bản thân tôi cũng thấy mệt mỏi, có cảm giác phải chịu đựng". Đây cũng là tâm trạng, cảm nhận chung của phần đông khán giả. Ai cũng nhận thức rất rõ một điều, thứ âm nhạc ấy ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của không ít người "thưởng thức".
Nhìn họ biểu diễn trên sân khấu, không ít người... rợn tóc gáy
Tuy nhiên, có vẻ như nhóm Đại - Lâm - Linh không quan tâm tới "hậu quả" mà họ để lại cho người nghe bởi nhạc sĩ Ngọc Đại thì nói rằng "nhạc tôi ai nghe không sốc mới là lạ" (nghĩa là anh hoàn toàn đoán trước được phản ứng của khán giả) còn ca sĩ Linh Dung thì cho rằng: "Tôi cũng không quan tâm lắm. Nhưng hình như những người "yếu bóng vía" thì họ lảng đi. Chỉ còn một số người hay thì họ lại muốn đến gần. Mà như thế thì mình đỡ "mệt" (?).
Nhạc nào nên bỏ?
Âm nhạc cũng như bất cứ môn nghệ thuật nào khác, cần rất nhiều yếu tố và mục đích cuối cùng là để nuôi dưỡng tâm hồn và định hướng thẩm mỹ cho người thưởng thức. Nhạc quái hay nhạc nhảm đều chưa đạt được mục đích cao siêu ấy.
Nói không ngoa rằng, nhạc nhảm đang phá hoại gu âm nhạc của người thưởng thức, khiến một bộ phận công chúng không còn ý thức "thẩm định" nghệ thuật. Khán giả nghe một cách dễ dãi, hát theo một cách thụ động và không phân biệt thế nào là nghệ thuật và thế nào là phi nghệ thuật.
Trong khi đó, nhạc "quái" đóng mác nghệ thuật nên dụ dỗ khá nhiều người có tính "học đòi làm sang". Đối với một bộ phận công chúng, họ không thể hiểu Đại - Lâm - Linh hát gì (ngay cả phần lời bài hát cũng không thể nghe rõ) nhưng vẫn mặc định rằng đó là thứ nghệ thuật cao cấp, phải những người ở trình độ cao mới thấu hiểu được. Nếu vậy, thứ âm nhạc này nên "đóng cũi" để những người có thể nghe cùng chia sẻ với nhau, đừng khiến dư luận phản ứng dữ dội như phần thể hiện trong chương trình Bài Hát Việt vừa qua.
Nghệ thuật không phải hòn đá, tròn, vuông, méo mó ai cũng có thể nhìn thấy. Cảm nhận, đánh giá về mỗi thể loại nhạc phụ thuộc vào gu thưởng thức, thẩm mỹ của mỗi người, và sự lựa chọn sẽ quyết định thể loại nhạc đó có tồn tại hay không. Nhưng trước hết, cá nhân nghệ sĩ rất cần có ý thức văn hóa thể hiện khi đứng trước một tác phẩm. Những thể nghiệm nên có sự giới thiệu, điều tiết hợp lí trên các phương tiện truyền thông để khán giả khi theo dõi, thưởng thức có thể dễ dàng tiếp nhận mà không bị ảnh hưởng về tâm lý theo chiều hướng tiêu cực như báo chí vừa qua đã đưa tin.
Theo 2Sao
Bị Bảo Yến "bỏ rơi", Long Nhật song ca cùng Hương Lan Vậy là sau sự cố lùm xùm với nữ ca sĩ Bảo Yến, Long Nhật lại có thêm chuyện để báo chí mổ xẻ. Ca sĩ Long Nhật vừa cho ra Album Vol 10 Tuyệt phẩm vàng 4 bao gồm những ca khúc như: Ba tháng tạ từ, Hồi tưởng, Thành phố buồn, Mong chờ, Ai ra xứ Huế, Cho con, Chiều phủ...