Nhạc Việt đảo chiều, Bolero tái sinh mạnh mẽ cùng tranh cãi nhạc trữ tình có khiến nghệ thuật thụt lùi
Đã từng thất thế, đã từng bị coi là dòng nhạc cho người ‘bình dân’ nhưng chưa khi nào, người ta lại chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của Bolero như lúc này.
Nhạc Việt đang có xu hướng đảo chiều
Theo quan niệm của giới trẻ hiện nay, Bolero chỉ dành cho khán giả trung niên, những người hoài cổ, hoài niệm. Thay vì nhập tâm lắng nghe những bản tình ca bất hủ, những ca khúc đã đi cùng năm tháng, họ có xu hướng tìm đến nhạc trẻ, nhạc EDM, những bài hát mà chỉ nghe 1,2 lần đã có thể nhớ ngay giai điệu. Đó là thị hiếu của khán giả, không ai khẳng định được điều ấy đúng hay sai.
Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, Bolero lại bắt đầu tái sinh mạnh mẽ. Người người, nhà nhà, từ ca sĩ mới nổi cho đến người đã có chỗ đứng vững chắc, từ khán giả bình dân đến người trước giờ chỉ chuộng thính phòng đều đổ xô đi hát, đi nghe Bolero. Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt những gameshow ca nhạc tôn vinh ca/nhạc sĩ đã từng là huyền thoại của trữ tình, bolero như: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Hãy nghe tôi hát, Người hát tình ca, Nhạc hội song ca, Tình khúc vượt thời gian, Sol vàng,… Bolero ở thời điểm hiện tại theo danh ca Phương Dung “không khác gì cơn sóng thần”, suốt nhiều thập niên sau năm 1975 chỉ sống đời sống âm thầm trong con hẻm, trong cuộc nhậu, trong những chiếc cassette cũ kỹ… nay bỗng hùng dũng bước ra ánh sáng, cạnh tranh được với dòng nhạc đang rất thịnh hành là nhạc trẻ.
Nhạc Việt từ năm 2017 đến nay đang chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của Bolero
Đi đầu trong lớp ca sĩ hạng A mà lại có mối lương duyên mật thiết với Bolero chính là Đàm Vĩnh Hưng. Không chỉ song song hoạt động ở nhiều dòng nhạc mà “ông hoàng nhạc Việt” còn tổ chức riêng một liveshow “Sài Gòn Bolero và Hưng” với sự đầu tư ở mức chỉn chu và hoành tráng.
“Sài Gòn Bolero và Hưng” được diễn ra ở cả 2 địa điểm là Hà Nội và Sài Gòn với giá vé đắt đỏ nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của số đông khán giả
Sau Mr. Đàm, Giang Hồng Ngọc, Dương Triệu Vũ, Thuỷ Tiên, Tố My,… cũng lần lượt thử sức ở dòng nhạc trữ tình,… Tuy không thực sự thành công như Lệ Quyên nhưng cũng từng gây tiếng vang trong thời gian ngắn.
Nhạc Việt “đảo chiều”. Điều này cho thấy xu hướng nghe nhạc của khán giả Việt đang có dấu hiệu quay trở lại tìm kiếm những giai điệu da diết, ngọt ngào đã từng ăn sâu vào tiềm thức.
“Dòng nhạc trẻ rất hiếm nhạc sĩ có khả năng viết hay, trừ Trần Tiến, Đức Trí,… Riêng Bolero của tác giả người Bắc lại viết rất thanh thuý.
Giới trẻ hiện nay viết nhạc theo kiểu mì ăn liền, theo lối văn nói, không thể khiến cho người ta rung động và cũng rất khó để sống lâu dài. Nên nhớ, muốn viết tình ca hay phải có một câu chuyện trong đó”. Danh ca Phương Dung giải thích về việc Bolero sống lại mạnh mẽ như vậy.
Video đang HOT
Sự khác biệt giữa Bolero ngày nay và Bolero ngày trước
Bolero tái sinh nhưng chắc chắn một điều là cả cách nghe và cách hát của nó đều không giống Bolero ngày trước. Danh ca Phương Dung có phân tích sự khác biệt này cụ thể như sau:
“Khán giả nghe nhạc bolero bây giờ 70% là những khán giả lớn tuổi, có những kỉ niệm với bolero trước đây.
30% ca sĩ hiện nay thấy bolero dễ hát nên lao mình vào hát, muốn thử sức mình, muốn toả sáng, muốn khẳng định họ trình diễn được bolero. Tuy nhiên, họ thiếu người hướng dẫn.
Điểm cốt lõi, ca sĩ bây giờ nghe lại người trước đây hát rồi hát theo, thành ra có nội lực, giọng tốt nhưng chưa đạt tới đỉnh. Còn ca sĩ trước năm 1975 là được người nhạc sĩ dạy từng bài hát của mình khi còn viết chưa ráo mực, họ nhắm người nào có tài năng để trao gửi đứa con của họ, họ huấn luyện người ca sĩ, huấn luyện theo ý họ, theo tâm tình họ viết”.
Đấy là chưa kể, đa phần ca sĩ trẻ hiện nay đều gặp thiếu sót rất lớn trong khoản phát âm. Họ không phân biệt được đó là ca khúc của vùng miền nào, thành ra lẫn lộn giọng Bắc – Trung – Nam.
“Hầu hết ca sĩ người Nam đang có sự lơ là, không có đam mê lắm trong dòng ngôn ngữ học của Bolero. Họ phát âm không chuẩn, không theo một quy tắc. “Bóng đêm” theo người Bắc là phải rõ “bóng”, “đêm” chứ không phải “bóng đem”, “hoa sim” chứ không phải “hoa siêm”, “con tim” chứ không phải “con tiêm”, “mưa chiều kỉ niệm” mà hát thành “kỉ nịm”. Đã là ca sĩ thì phải phát âm những bài tình ca giọng Bắc rõ ràng, đúng tiêu chuẩn của người Bắc. Đó là điều bắt buộc, phải nghe người Bắc – Hà Nội phát âm để học theo, hát theo.
Tương tự, hát dân ca miền Trung phải theo sát cách phát âm của người Huế, hát dân ca Nam Bộ là phải hát theo giọng Nam Sài Gòn chứ không phải Nam Cà Mau”. Đấy mới là quy tắc chuẩn mà danh ca Phương Dung đúc kết được sau hơn 50 năm đi hát.
Sống dậy mạnh mẽ nhưng nhiều danh ca khi nhìn vào sự phát triển của Bolero ngày nay vẫn không khỏi chạnh lòng. Ở một khía cạnh nào đó, kho tàng Bolero có đến 80.000 bài hát nhưng từ ngày này qua tháng khác, họ vẫn chỉ bắt gặp những cái tên quen thuộc. Sự quản lý gắt gao của Cục Biểu diễn Văn hoá Nghệ thuật khiến nhiều ca khúc được sáng tác trước năm 1975 không được lưu truyền. Để bây giờ, Bolero chỉ quẩn quanh ở những giai điệu nghe mãi thành quen, nghe riết rồi nhàm, thậm chí lặp đi lặp lại từ chương trình này sang chương trình khác.
Bolero quan trọng nhất yếu tố nào?
“Ở Bolero, kĩ thuật chiếm 60% thành công của một ca khúc nhưng cảm xúc lại chiếm đến 100%”- danh ca Phương Dung.
Nghe có vẻ phi lý nhưng công thức này phù hợp với một dòng nhạc tưởng bình dân mà lại rất khó hát và để hát hay được thì càng khó hơn nữa như Bolero/ trữ tình. Chính vì thế, khi nhận định về xu hướng nhạc trẻ “flop” thì chuyển hướng sang hát Bolero của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, danh ca Phương Dung khẳng định đó là “sự phiêu lưu đáng sợ”. Bà trân trọng sự liều lĩnh đó và biết ơn khi có nhiều người vẫn còn yêu thích dòng nhạc tưởng chừng cũ kĩ, tuy nhiên, bà cũng mong mỏi thế hệ hậu bối biết chấp nhận sự thật: nếu không hát được bolero thì phải sẵn sàng bỏ, đừng “cố đấm ăn xôi”.
“Bolero khó hát lắm và không phải cứ kéo dài lê lết là Bolero. Làm sao ca sĩ trẻ phải chọn được bài hợp với giọng của mình. Ai cũng có thể hát nhưng hát hay hay không mới là quan trọng. Có bài nhiều ca sĩ hát nhưng chỉ có 1 người là làm nó nổi. Ví dụ: Hiền Thục từng hát “Con bướm xinh” trước Hồ Quang Hiếu nhưng mãi đến khi Hồ Quang Hiếu hát, bài đó mới thành hit… Ca sĩ trẻ hiện nay, có quá nhiều người có nội lực, hát rất hay nhưng lại thiếu đi người dẫn dắt”.
Đặc biệt, danh ca Phương Dung phản đối gay gắt chuyện remix Bolero, thể hiện những bản tình ca bất hủ trên nền nhạc sàn chói tai. Bà nhấn mạnh: “Hát Bolero là phải giữ chắc cốt lõi của Bolero, có thể phá cách thay đổi nhưng vẫn phải giữ cái hồn của dòng nhạc này. Ca sĩ, nhạc sĩ có quyền đổi ở phần phối âm để làm mới nhưng vẫn phải giữ vững nền móng. Nếu phá cách theo hướng hiện đại thì chỉ hợp hát trong các tiệc vui, còn nếu trình diễn trên 1 sân khấu hoành tráng thì không thể chấp nhận”.
Không riêng gì cá nhân ca sĩ khiến Bolero “biến chất” mà nhiều chương trình hiện tại cũng đang làm mất đi giá trị dòng nhạc này gây dựng bấy lâu nay. Không nói về những chiêu trò mà họ tạo ra nhằm câu view, câu rating, vấn đề quan trọng nhất là họ không tìm được các thí sinh phù hợp, đồng thời cũng không có những giám khảo đủ hiểu biết để chấm thi, để dẫn dắt cho thế hệ trẻ. Chính vì nguyên nhân này mà Bolero có nguy cơ bị “bình dân hoá”, tức là mất đi sự song hành của cả 2 yếu tố kĩ thuật – cảm xúc.
Bolero sống lại có phải là sự thụt lùi của nghệ thuật?
Tranh cãi về xu hướng “đổi chiều” của nhạc Việt, Tùng Dương từng lên án Bolero bằng câu nói gây tranh cãi: “già trẻ gái trai cứ đắm đuối hát Bolero thì đó là sự thụt lùi”. Theo Divo Việt, Bolero (hay nhạc vàng, nhạc sến) chỉ mang tính hoài niệm, không thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà. Nhiệm vụ của nghệ sĩ đích thực là phải “cày xới những mảnh đất mới”, không thể rủ nhau chuyển sang hát Bolero chỉ để đắt show, kiếm tiền.
Tùng Dương từng coi Bolero là “sự thụt lùi” nhưng không lâu sau đó, anh lại thể hiện một ca khúc thuộc dòng nhạc này
Câu nói này của Tùng Dương không khác gì “cái tát” vào một bộ phận ca sĩ đang có ý định chuyển hướng dòng nhạc, trong đó có cả Hồ Quỳnh Hương, Phương Vy, Quốc Thiên, Mỹ Tâm,… Đây là lý do mà Đàm Vĩnh Hưng – Vũ Hà – Quang Lê – Lệ Quyên đã có cuộc khẩu chiến gay gắt với giọng ca “Mưa bay tháp cổ” bởi với họ, Bolero sống lại trong khoảng 2 năm gần đây là một quy luật tất yếu, còn người nghe thì Bolero ắt còn “đất dụng võ”.
Thế nhưng, nhạc sĩ Quốc Trung lại đồng ý với quan điểm của Tùng Dương khi nhận định việc Bolero lấn át các dòng nhạc mới là điều nguy hiểm, biểu hiện của sự bế tắc, lười biếng của tầng lớp nghệ sĩ khi chạy theo xu hướng đám đông. Anh gọi đó là “sự lệch lạc đáng buồn”. Đỉnh điểm, Hồ Hoài Anh – giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt còn tuyên bố trong buổi họp báo đầu năm rằng: “Tôi sẽ loại không chọn các thí sinh hát nhạc Bolero trong vòng sơ tuyển. Nếu hát hay Bolero, xin mời sang cuộc thi khác”. Lý do được anh đưa ra rất rõ ràng dù có phần chủ quan: hầu hết các thí sinh theo đuổi Bolero khó bứt phá được bản thân vì họ đã quá quen với nhịp 6/8.
Với danh ca Phương Dung, bà cảm thấy chạnh lòng khi người ta khẳng định, Bolero làm nhạc Việt “thụt lùi” bởi mỗi dòng nhạc đều có sứ mệnh của nó. Bolero không hề cũ bởi nó vẫn đươc phá cách, được đổi mới trên nhiều sân khấu. Điển hình là tại Hãy nghe tôi hát 3 mùa đầu tiên, cùng một ca khúc, mỗi ca sĩ/thí sinh lại có cách thể hiện khác nhau mà không làm mất đi giá trị cốt lõi. Hơn nữa, nếu được lới lỏng các ca khúc đang bị cấm, hẳn Bolero còn đa dạng hơn nhiều.
Bolero có khiến nhạc Việt thụt lùi hay không, điều này phụ thuộc vào nhận định của chính khán giả. Bởi một khi còn người nghe, Bolero hay các dòng nhạc khác vẫn cứ tồn tại, thậm chí là cạnh tranh nhau.
Theo TinNhac
'Ngọc nữ Bolero' Tố My: 'Ai nói bolero là già cỗi, lỗi thời, không thu hút giới trẻ?'
Sau một năm nỗ lực, Tố My đã nhận lại được thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của mình.
Sau khi nhận lời làm HLV chương trình Thần tượng bolero cùng những tên tuổi lớn như Quang Lê, Giao Linh, Đình Văn..., 'ngọc nữ bolero' Tố My đã được xướng tên tại hạng mục Ca sĩ bolero của năm trong một lễ trao giải tối qua.
Tố My xuất hiện trong chương trình với áo dài trắng
Tố My gây ấn tượng với bộ áo dài màu trắng tinh khôi của NTK Song Toàn cùng lối trang điểm nhẹ nhàng. Nữ ca sĩ cho biết cô luôn dành tình cảm trân trọng cho dòng nhạc bolero và chiếc áo dài. Khi được xướng tên nhận giải Ca sĩ bolero của năm, Tố My không khỏi xúc động.
Bước lên sân khấu nhận giải, Tố My phát biểu: 'Là một ca sĩ trẻ mới bước vào nghệ thuật chuyên nghiệp 4 năm và giờ đây cầm trên tay chiếc cúp này, Tố My cảm thấy bản thân nhận được quá nhiều sự ưu ái từ Tổ nghiệp, từ khán giả và đặc biệt là từ dòng nhạc mình đang theo đuổi. Thời gian qua, có khá nhiều ý kiến tranh cãi về dòng nhạc này, từ các tên tuổi gạo cội đến những ca sĩ trẻ.
Riêng với Tố My, bolero vẫn luôn có sức sống mạnh mẽ. Ai nói bolero là già cỗi, lỗi thời, không thu hút giới trẻ? Fan của My lại chính là các bạn trẻ. Họ yêu và cảm nhận bolero theo những cách rất riêng. Hy vọng rằng khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ cho My và các ca sĩ trẻ có thêm động lực gìn giữ và phát huy dòng nhạc này'.
Tố My nhận giải thưởng
Trong chương trình, Tố My đã thể hiện bản mash-up hai ca khúc Duyên phận và Chuyện đời con gái (Đắp mộ cuộc tình 2). Cả hai bài hát này đều nói lên nỗi lòng người con gái khi không muốn yêu, không muốn lấy chồng nhưng vì hoàn phải bắt buộc nên phải theo chồng.
Tố My cho biết hiện cô đang tập trung chuẩn bị cho vai trò HLV Thần tượng bolero. Giải thưởng Ca sĩ bolero của năm sẽ là động lực lớn để cô tiếp tục cống hiến, truyền lửa cho thế hệ kế tiếp và sắp tới là những dự án bolero chất lượng dành tặng khán giả.
Theo Tiin
Cùng làm MV về 'người thứ ba', 'ngọc nữ bolero' Tố My lại có cái nhìn rất khác Bài hát đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm trong tình yêu, được 'ngọc nữ bolero' đầu tư thực hiện MV hoành tráng nhưng cũng đẫm nước mắt. Là tác giả bài karaoke quốc dân Đắp mộ cuộc tình, nhạc sĩ Vũ Thanh luôn đánh giá cao giọng hát ngọt ngào của Tố My. Sau ca khúc Chuyện đời con gái, ông...