Nhạc sỹ Hải Phong sẽ kiện Uyên Linh “ăn cắp” bản quyền
Sau nghi án hét cát -sê 2.000 USD và hát nhép, quán quân Idol 2010 Uyên Linh một lần nữa lại dính scandal khi nhạc sĩ Hải Phong cho rằng cô đã vi phạm bản quyền với ca khúc “Đường cong” của anh.
Người bị vi phạm phản ứng
Tác giả của ca khúc Đường cong tỏ ra ngậm ngùi khi có nhiều ý kiến cho rằng, anh đang ăn theo sự nổi tiếng của thần tượng Idol. Anh cho biết, công chúng luôn luôn có quyền phán xét. Tuy nhiên sự phán xét lần này của họ đã sai. Vì rõ ràng, Uyên Linh đã vi phạm nghiệm trọng việc sử dụng bản quyền bài hát.
Không thể phủ nhận sức nóng của Đường cong qua tiếng hát của Uyên Linh. Đặc biệt, sau Vietnam Idol, với một lượng người hâm mộ đông đảo trên các diễn đàn mạng, cô nữ sinh đại học ngành ngoại giao có giọng hát truyền cảm và cách xử lí bài hát tinh tế đã trở thành một hiện tượng âm nhạc Việt Nam 2010. Ca khúc Đường cong được Uyên Linh sử dụng trong cuộc thi và tạo nên dấu ấn mạnh. Với ca khúc này, cô đã giành được nhiều sự bình chọn của khán giả và giành quyền đi sâu vào những vòng trong của cuộc thi.
Video đang HOT
Tuy nhiên mới đây, nhạc sĩ Hải Phong lên tiếng về việc nữ ca sĩ này sử dụng ca khúc Đường cong trong nhiều show diễn riêng mà chưa xin phép anh cùng ca sĩ độc quyền là Thu Minh. Nhạc sĩ này còn nhấn mạnh đến việc bản quyền âm nhạc còn bị xem nhẹ ở Việt Nam, sự thiếu ý thức, thiếu sự tôn trọng của người sử dụng đối với người sáng tác. Trong khi một số người hâm mộ của Uyên Linh cho rằng anh đang lợi dụng sự nổi tiếng của Uyên Linh để đánh bóng tên tuổi và quảng cáo cho các dự án âm nhạc của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong
Thực hư vấn đề này như thế nào, phóng viên báo ĐS&PL đã có cuộc trao với tác giả ca khúc Đường cong để làm rõ. Bằng thái độ điềm đạm, nhạc sĩ trẻ tài năng đã có những chia sẻ chân thành. Theo Nguyễn Hải Phong, vấn đề bản quyền vốn đã khá mập mờ ở Việt Nam. Tuy nhiên, với những người vốn hiểu biết về âm nhạc như Uyên Linh và êkip Việt Nam Idol 2010 thì việc họ không thông qua Hải Phong khi sử dụng bài hát Đường cong là một điều đáng trách.
Nhạc sĩ Hải Phong cũng cho biết: “Hiện tại, tiếng nói của chị Thu Minh là quan trọng nhất. Vì chị ấy là người chịu thiệt thòi đầu tiên. Tuy nhiên, Thu Minh đang đi lưu diễn ở nước ngoài. Đầu tháng 3 tới, nữ ca sĩ này sẽ về Việt Nam và cô sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề nay”.
Hiện nay, Linh đang chiếm được nhiều cảm tình của khán giả nên chắc chắn Hải Phong sẽ gặp nhiều phản ứng xấu trong dư luận. “Tuy nhiên, phải có ai đó đứng lên nói tiếng nói của những nhạc sĩ. Họ có quyền giành lại công bằng cho những đứa con tinh thần của mình. Và để vấn đề “bản quyền âm nhạc” được nhìn nhận và thực hiện một cách công bằng và chuyên nghiệp hơn ở Việt Nam”, nhạc sĩ Hải Phong phân trần. Nhạc sỹ Hải Phong cho biết: “Tôi đang đứng mũi chịu sào thay cho rất nhiều người nữa. Dư luận phản ứng gay gắt sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Nhưng mình phải có chính kiến và bảo vệ chính kiến đó bằng pháp luật”.
Nên có sự tôn trọng trí óc của nhạc sỹ
Đạo diễn Quang Dũng, một trong bốn vị giám khảo của Vietnam Idol 2010 có bình luận về vấn đề này. Theo anh, câu chuyện này rất nhạy cảm không chỉ đối với Uyên Linh mà còn đối với cả nhạc sĩ. Vấn đề bản quyền là vấn đề còn khá mới mẻ và chưa thực sự được chú ý ở Việt Nam. Ý thức sử dụng ca khúc của người Việt chưa cao. Việc Uyên Linh sử dụng nhiều lần ca khúc Đường cong mà chưa có sự xin phép cũng là do thói quen đó. Có thể ca sĩ trẻ này chưa hiểu hết được vấn đề bản quyền như thế nào. Và công chúng cũng như nhạc sĩ nên có cái nhìn thông cảm đối với cô ấy.
Trả lời cho câu hỏi vì sao không đưa vấn đề này ra sớm hơn, nhạc sĩ Hải Phong cho rằng, anh bận rộn và trước đây cũng không để ý quá nhiều. Tuy nhiên, khi nhiều người bạn của anh phát hiện ra việc Uyên Linh sử dụng ca khúc Đường cong trong nhiều chương trình riêng của cô ấy mà không hề xin phép anh thì sự việc phải khác đi và anh cần lên tiếng. Bản thân Hải Phong có quá nhiều việc để làm trong một ngày nên không có thời gian để ngồi nhặt nhạnh những cái sai sót của người khác. Cũng không có chuyện nói này nói nọ để quảng cáo bản thân mình.
Khi được hỏi về vấn đề có hay không việc Uyên Linh vi phạm bản quyền ca khúc Đường cong của nhạc sĩ Hải Phong, người quản lí của ca sĩ này cho rằng: “Hiện tại chưa thể đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên trong thời gian sớm nhất, phía Uyên Linh sẽ nhanh chóng họp cùng công ty BHD (đơn vị quản lí của ca sĩ Uyên Linh) và đưa ra câu trả lời sớm nhất với báo chí. Hiện nay, việc khẳng định Uyên Linh vi phạm bản quyền bài hát là chưa đúng”.
Nhạc sĩ Quốc Trung – người đang thực hiện album đầu tay cho Uyên Linh cũng tỏ ra ngại ngùng khi được hỏi về vấn đề Uyên Linh vi phạm bản quyền bài hát. Quốc Trung cho rằng anh không phải là người có thẩm quyền để phát ngôn vấn đề này thay thần tượng âm nhạc. Mọi kết luận sẽ do công ty BHD đơn vị quản lí của Uyên Linh đưa ra.
Sự kiện tranh cãi về thần tượng âm nhạc 2010 vi phạm bản quyền bài hát một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề bản quyền âm nhạc Việt. Cho dù thực tế, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ra đời từ năm 2002 nhưng quyền tác giả vẫn bị đánh cắp một cách vô tình lẫn hữu ý! Đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề quyền tác giả được đề cập đến và gây nên tranh cãi. Mà đã có rất nhiều các nhạc sĩ Việt Nam đau đầu vì tác phẩm của mình bị lạm dụng quá mức (Đơn cử như gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng lên tiếng đòi bản quyền tác phẩm của nhạc sĩ này). Vậy một tác phẩm sử dụng như thế nào thì bị vi phạm bản quyền, việc vi phạm đó sẽ được xử lý ra sao?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tác giả của “Không thể và có thể, Trên đỉnh Phù Vân” cho rằng, chuyện bản quyền ở Việt Nam đang vô cùng phức tạp và khó quản lí. Khi ca sĩ chưa được sự đồng ý của nhạc sĩ mà sử dụng bài hát thì được xem là vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều ca sĩ vi phạm theo kiểu này. Vấn đề chỉ được đưa ra khi nhạc sĩ có sự lên tiếng bảo vệ quyền tác giả của mình. Và việc xử lí sẽ tùy theo sự khiếu kiện của nhạc sĩ ấy. Cũng theo lời của nhạc sĩ Phó Đức Phương, sự ra đời của Trung tâm cũng chỉ mang lại hi vọng vào một phương thức làm ăn chuyên nghiệp và nên có sự tôn trọng giá trị lao động trí óc của nhạc sỹ.
Theo Đời Sống và Pháp Luật