“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tượng đài khổng lồ”
Đó là nhận định của Giang Trang – một ca sĩ đặc biệt khi chọn cách gắn bó chỉ với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nhiều chương trình chị thực hiện như “Lênh đênh phố nhớ”, “ Hạ Huyền” đều được những người yêu thích nhạc Trịnh đánh giá cao.
Phóng viên NTNN trò chuyện với Giang Trang trước khi chị lên đường lưu diễn tại Pháp và Đức.
Vì sao trong khi có quá nhiều ca sĩ đã thành công với dòng nhạc Trịnh Công Sơn như Khánh Ly, Hồng Nhung… mà chị vẫn chọn con đường đến với dòng nhạc này. Chị có thể kể về bước khởi đầu của mình ra sao?
Giang Trang hát trong đêm “Hạ Huyền 2″. Nguyễn Đình Toán
- Từ bé tôi hay được bố mẹ cho nghe nhạc nước ngoài, ít được nghe bài hát Việt Nam. Năm 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe Trịnh Công Sơn hát nhân dịp chuyến ra thăm Hà Nội của ông. Tôi còn nhớ đó là một con người gầy gò, giản dị với gương mặt “đau đời”, tự tay cầm ghi ta và hát. Bài đầu tiên tôi được nghe ông hát là “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Nhưng lúc đó tôi còn nhỏ nên chưa đủ sức để thấu hiểu âm nhạc Trịnh nên hầu như không có ấn tượng gì. Mọi chuyện chỉ dừng ở đó và tôi cũng không nhớ đến nhạc Trịnh nữa…
Vậy cơ duyên để chị biểu diễn nhạc Trịnh bắt đầu từ khi nào để cho đến bây giờ, chị xác định con đường đi của mình gắn liền với âm nhạc của ông?
- Năm 19 tuổi, tôi học Đại học Ngoại thương và hay tham gia đàn hát trong các cuộc thi và hội diễn ở trường. Tới năm 2002 tôi được giải Nhất trong cuộc thi văn nghệ ở trường với 3 bài, trong đó có một bài của nhạc Trịnh Công Sơn. Trước đó, đêm kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi có đến chơi ở quán Nhạc Tranh (một quán chuyên hát về nhạc Trịnh tại Hà Nội) và được chủ quán mời tham gia hát ở đêm kỷ niệm đó. Tôi đã hát thử “Diễm xưa”, “Tuổi đá buồn”… Đó là tối đầu tiên thành công của tôi khi mọi người đã vỗ tay nhiều lần.
Video đang HOT
Từ đó, thứ Tư hàng tuần ở quán Nhạc Tranh mở thêm một buổi biểu diễn ca nhạc và tôi thường xuyên tham gia trong 3 năm liền. Mọi người đều rất yêu thích những buổi biểu diễn đó và tôi đã có một lượng khán giả riêng cho mình. Đây chính là những năm tháng đầu tiên tôi đến với nhạc Trịnh.
Cảm nhận của chị về con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn ra sao để chị có thể hát được những ca khúc thể hiện tinh thần nhạc sĩ? Để được giới yêu âm nhạc của ông thừa nhận chị là “một người hát nhạc Trịnh”, chắc chắn không phải dễ dàng gì?
- Tôi có cảm giác Trịnh Công Sơn là con người giàu nội lực, và một tâm hồn mong manh, yếu đuối, dễ đổ vỡ. Đó là một tính cách đặc trưng rất nghệ sĩ luôn đau đáu với cuộc đời. Có thể nói tâm hồn ông trong sáng đến mức trong suốt không có chút vết gợn. Về âm nhạc của Trịnh Công Sơn, xưa nay tôi thấy có ý kiến cho rằng ông chỉ giỏi về ca từ còn phần nhạc thì bình thường. Tôi muốn chứng minh ngược lại điều đó. Chẳng hạn như những người Nhật không thể hiểu được lời Việt, nhưng khi hát Trịnh Cộng Sơn thì họ hát hay không kém chúng ta. Điều đó chứng tỏ tách riêng phần ca từ, âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể đứng riêng với những giá trị của nó.
Có nhiều người hát nhạc Trịnh với những quan niệm khác nhau, người thì hát như để lãng quên thực tại, người thì hát như một sự tha thứ, tìm về bản thể, còn chị thế nào?
- Tôi muốn khai thác sâu phần âm nhạc của Trịnh. Đó là âm nhạc của ấn tượng và cảm giác. Âm nhạc của ông thấm đẫm tinh thần du ca và triết. Ở đây trí tuệ đã được kết tinh với mức độ cao tới tối giản và trong suốt. Cho nên, theo tôi khi hát nhạc Trịnh thì phải cố gắng hát thật tự nhiên không phô diễn. Tôi cho rằng, nhạc Trịnh sẽ là một dòng sông chảy qua nhiều thế hệ, đến với nhiều dân tộc. Tôi hát nhạc của ông không phải như một chủ đích nhưng cũng không phải ngẫu nhiên. Tôi hát như vậy vì theo bản năng thôi. Mỗi người hát đều nhìn Trịnh Công Sơn theo một góc độ, một khía cạnh. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tượng đài khổng lồ.
Chị có thể tiết lộ kế hoạch tương lai của chị với nhạc Trịnh?
- Sau “Lênh đênh nhớ phố”, “Hạ Huyền 1″, bây giờ là “Hạ Huyền 2″ để tưởng niệm 14 năm ngày mất của nhạc sĩ (1.4.2001-1.4.2015), ngày 2.4 tới nhóm chúng tôi sẽ lên đường lưu diễn tại Pháp và Đức để trình diễn các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và tiếp sau “Hạ Huyền 2″ sẽ là chương trình “Em và Trịnh Công Sơn”. Tôi không dám tự xưng là ca sĩ mà chỉ nhận là người hát. Trong ban nhạc của tôi, tất cả các thành viên đều bình đẳng và có đóng góp như nhau.
Xin cảm ơn chị!
Giang Trang sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, từng làm ngành ngân hàng nhưng đã nghỉ để chuyên tâm vào âm nhạc. Chị đã có 10 năm âm thầm hát nhạc Trịnh Công Sơn trước khi được giới yêu nhạc biết đến và thừa nhận như một trong những người hát thể hiện được rõ nhất tinh thần của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Theo_Dân việt
Giang Trang lánh mình khỏi showbiz để hát nhạc Trịnh
Giang Trang từng từ chối lời hát trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn vì không muốn xuất hiện với vai trò ca sĩ. Cô chỉ tự nhận mình là một người yêu nhạc Trịnh.
Giang Trang có thể là một cái tên khá xa lạ trong showbiz Việt nhưng lại được nhiều khán giả yêu nhạc Trịnh biết tới. Cô từng cho ra album Lênh đênh nhớ phố, Hạ huyền và mới đây nhất là Hạ huyền 2 gồm những sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa gốc Huế.
Từng có thời gian theo học guitar cổ điển nhưng Giang Trang lại rẽ sang một bước ngoặt khác khi thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Trong những năm tháng sinh viên, cô thường hát nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng hát của cô có cái thản nhiên và u hoài nên tìm thấy sự đồng vọng với ca từ và âm nhạc của cố nhạc sĩ.
Rời giảng đường, cuộc sống mưu sinh cuốn Giang Trang rời xa âm nhạc. Sau khi lấy chồng sinh con, Giang Trang rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô một lần nữa tìm tới nhạc Trịnh để giải tỏa những chất chứa trong lòng. Với Giang Trang, nhạc Trịnh giống như điểm tựa tinh thần. Chính vì thế, khi nghe album Hạ huyền đầu tiên, người nghe thấy nó mang nặng tự sự cá nhân.
Tới Hạ huyền 2, giọng hát của Giang Trang vẫn có nét u hoài nhưng đã nhẹ nhõm hơn. Giang Trang hát các ca khúc nhạc Trịnh với tinh thần của một người dường như đã tìm được sự yên tĩnh trong lòng và nhìn ra thế giới.
Giang Trang chia sẻ mình hát với tâm thế của một khán giả yêu nhạc Trịnh, thế nhưng giọng ca này lại có dịp cộng tác với những tay guitar nổi tiếng nhất Hà Nội như Anh Hoàng, Thanh Phương.
Giang Trang có mối quan hệ khá thân thiết với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em ruột cố nhạc sĩ - từng nhiều lần mời cô tham gia các đêm nhạc tưởng nhớ anh trai nhưng cô đều từ chối. Giang Trang không muốn xuất hiện với vai trò ca sĩ. Cô cũng không muốn kể về tình thân với gia đình cố nhạc sĩ vì cho rằng, đó là chuyện riêng tư, chưa tới lúc chia sẻ với công chúng.
Sau khi giới thiệu Hạ huyền 2 tới công chúng Hà Nội vào tháng 3, Giang Trang mang sản phẩm âm nhạc mới nhất của mình tới Paris (Pháp) và Munich (Đức) trong đầu tháng 4.
Theo Zing
Những dự án âm nhạc đình đám "cộp mác" nhạc sĩ Quốc Trung Trong suốt quá trình lao động của mình, nhạc sĩ Quốc Trung đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều dự án, sản phẩm chất lượng và gây được tiếng vang. World Music Có thể nói, nhạc sĩ Quốc Trung chính là người đã "khai sáng" cho khái niệm World Music tại Việt Nam. Tuy đam mê và tâm huyết theo...