Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – từ chàng nghệ sĩ nghèo đến “cây đại thụ” của nhạc Việt
“Sinh – lão – bệnh – tử” là quy luật bất biến của tạo hóa, ai rồi cũng đến đoạn phải từ giã cõi đời. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng không nằm ngoài quy luật đó. Dù vậy, sự ra đi của ông vẫn khiến giới mộ điệu âm nhạc không khỏi xót xa và tiếc nuối.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không ít lần nhận được những thắc mắc từ người hâm mộ về việc nguyên quán thực sự của ông là ở đâu. Sở dĩ vậy bởi lẽ nhắc đến ông, người ta nhớ đến rất nhiều bài hát gắn với nhiều vùng quê khác nhau mà bài nào cũng tha thiết, thân thương như thể được viết nên từ nỗi lòng của người con xứ, trở thành giai điệu tự hào của người dân bản địa.
Với người dân ở quê hương Đồng Khởi, đó là ca khúc “ Dáng đứng Bến Tre”. Với người dân ở quê hương Thái Bình, đó là “ Bài ca năm tấn”. Và nhiều hơn cả là những sáng tác về vùng quê Hà Tĩnh nằm trên dải đất miền Trung đất cằn lên sỏi đá, trong đó phải kể đến hai ca khúc bất hủ “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ”. Không quá khi nói rằng, đây là hai sáng tác đã vẽ nên bức chân dung bằng nhạc khắc họa đúng “chất” Hà Tĩnh trên bản đồ âm nhạc đất nước – mộc mạc, dung dị nhưng cũng rất kiên cường và sâu sắc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ
Kỳ thực, bảo nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “một chốn bốn quê” kể ra cũng đúng, vì ông sinh ra ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An nhưng nguyên quán gốc gác lại ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trước đó, gia đình ông từng có thời gian sống ở Vĩnh Phúc. Nửa cuộc đời về sau, ông lại gắn bó đến hơi thở cuối cùng với mảnh đất Sài thành. Có điều thú vị là dù không phải người Hà Tĩnh nhưng suốt một thời gian dài, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được bầu làm Chủ tịch hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM. Về phần mình, ông từng nhiều lần bộc bạch rằng, tuy không phải người Hà Tĩnh song vùng đất Xô Viết lại có ân tình sâu nặng với ông chẳng khác nào quê hương. Chính ông cũng không lý giải nổi tại sao mình lại dành tình cảm nhiều đến thế cho nơi này, có lẽ tất cả giống như một mối duyên, mà đã là duyên thì rất khó cắt nghĩa.
Ít ai biết rằng khởi nguồn cho mối duyên giữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với Hà Tĩnh lại là một ca khúc được ông sáng tác lấy cảm hứng từ người mẹ của mình. Bài hát đầu tiên mà ông viết về mảnh đất này có tên gọi “Đường về Hộ Đô” (Hộ Đô là một xã thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Khi ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa bước vào tuổi hai mươi thì người cha qua đời, còn lại người mẹ một mình gồng gánh nuôi đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngày ngày nhìn mẹ dậy từ sáng sớm tinh mơ, liêu xiêu đi về phía biển gánh từng gánhmuối về bán kiếm tiền nuôi con, ông đã viết nên những câu hát chất chứa tình yêu, sự xót xa và cả lòng biết ơn vô hạn với người mẹ của mình: “ Ngày xưa Mẹ đi về Hộ Độ/ Mua được muối mang về không đi bằng đường bộ mà phải theo đò vượt biển khơi sóng vỗ/ Bao đêm mất ngủ, mới đưa được muối về/ Ôi con đường xưa sao mà trắc trở, cũng vì con nhỏ bao gian khổ cũng không nề…”.
Có lẽ chính những cảm xúc từ tình mẫu tử thiêng liêng ấy, những gánh muối đã nuôi sống gia đình ông lúc bấy giờ đã nuôi dưỡng trong ông tình cảm đậm sâu với vùng đất dân ca ví dặm mặn mòi. Trong đó, ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” còn được xem như “Hà Tĩnh ca” của người dân nơi này. Bài hát này cũng được ông viết khi đang tuổi đôi mươi từ tình cảm trong sáng và cũng chất chứa nỗi niềm day dứt với một người con gái ở vùng quê Hà Tĩnh.
Tiết lộ về hoàn cảnh viết nên ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng kể, khi ấy ông chỉ là anh chàng nghèo mê ca hát, ngày ngày vẫn ôm đàn guitar gảy trên căn gác nhỏ. Tiếng đàn làm say lòng cô gái nhà bên cạnh, còn chàng nghệ sĩ nghèo cũng đem lòng thầm thương trộm nhớ cô gái có gương mặt hiền lành, thánh thiện. Có điều, tình cảm vừa chớm nở đã vội vàng khép lại vì sự nghèo khó khiến ông bị cho là không “môn đăng hộ đối” với người con gái nhà bên. Không lâu sau, cô gái đi lấy chồng nhưng không quên “mai mối” cho ông một người con gái khác ở thôn quê làm nghề dệt vải. Ông cũng tìm về bến sông quê để tìm gặp người con gái nọ và cả hai “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Cho tới lúc ông chuyển công tác ra Hà Nội, cả hai vẫn chưa một lần ngỏ lời hay hẹn ước cùng nhau. Mặc dù vậy, mãi sau này ông mới biết, cô gái ấy vẫn đợi chờ ông suốt gần 20 năm chỉ vì một chữ “thương”. Nhớ về tình cảm trong sáng mà đậm sâu ấy, ông đã viết nên những câu hát nặng chữ tình trong “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”.
Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn được nhớ đến là một trong 5 “cây đại thụ” (cùng với nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước) được chỉ định đứng ra thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền móng của nền tân nhạc Việt Nam. Lúc mới thành lập Hội, cả năm người mới phát hiện ra nhiều nhạc sĩ ta không biết chơi nhạc cụ dân tộc, thế là quyết định mua đủ loại nhạc cụ để tạo thành một dàn nhạc, giao cho mỗi người học một món rồi sau đó kết hợp lại để biểu diễn chung. Riêng ông được giao học đàn tỳ bà. Không lâu sau, trước nhu cầu phát triển khí nhạc, ông cũng viết một tác phẩm khí nhạc, tuy nhiên ông vẫn khẳng định chỉ có niềm đam mê duy nhất là sáng tác ca khúc.
Có vẻ ngoài lãng tử đẹp trai, lại tài hoa nên ngày trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được rất nhiều cô gái đem lòng yêu mến. Chỉ tiếc là trong cuộc sống riêng, ông cũng phải trải qua không ít thăng trầm sóng gió. Duyên phận giữa ông với người vợ đầu tiên chỉ vỏn vẹn được một năm thì bà qua đời sau khi hạ sinh cho ông cô con gái đầu lòng. Gần 10 năm sau, ông mới đi bước nữa và người bạn đời thứ hai cũng chính là em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Bằng tình cảm chân thành dành cho người vợ sau, ông đã viết nên ca khúc “ Mẹ yêu con”. Người vợ sau của ông qua đời cách đây nhiều năm. Giữa ông và người vợ thứ hai cũng có với nhau một cô con gái.
Rời xa cõi tạm ở tuổi 94, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã không còn phải chiến đấu với những cơn đau, căn bệnh của tuổi già. Có lẽ ở nơi nào đó mơ hồ và xa xôi, ông lại nhẹ nhàng gảy đàn ca hát, sum vầy với những người thân, người bạn, những người đồng đội của mình. Vĩnh biệt ông – người nhạc sĩ tài hoa ra đi để lại những dư âm đẹp còn vang mãi trong nền âm nhạc Việt Nam và đọng lại trong lòng người nghe nhiều thế hệ.
Theo anninhthudo.vn
Hai tình khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng vang lên tại Điều còn mãi
Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh... vừa qua đời ở tuổi 94 tại nhà riêng vào chiều 26/12 để lại sự tiếc thương trong lòng đồng nghiệp và người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trút hơi thở cuối cùng ngày 17h ngày 26/12, tại nhà riêng ở Quận 1, TP. HCM. Ông hưởng thọ 94 tuổi.
Ông sinh năm 1925 tại Vinh, quê gốc ở Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Các tác phẩm âm nhạc của ông luôn được ông chắt chiu, nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài. Nhiều sáng tác của ông sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của vùng miền, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và mang đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra, đề tài về người phụ nữ cũng được ông tâm tư và sáng tác trong nhiều ca khúc quen thuộc.
Ông là cha đẻ của nhiều ca khúc sống cùng năm tháng như Dư âm, Mẹ yêu con, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca Năm Tấn, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Cô nuôi dạy trẻ... Trong số đó, hai tác phẩm Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa và Mẹ yêu con của ông đã từng vang lên tại hòa nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức để lại những ấn tượng không thể nào quên trong lòng khán giả.
Bài hát "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" tại Điều còn mãi 2012
"Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc, để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc quần nhau với giặc, áo con rách thêm nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm, vá áo..." - đó là những ca từ đầm ấm, tha thiết đầu tiên trong bài hát Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác từ chuyến đi thực tế, cảm xúc trước hoạt động của Hội Mẹ chiến sĩ xã Đa Mai, thị xã Bắc Giang năm 1972.
Theo Hồi ký của nhạc sĩ, trong một đêm tối trời ông chứng kiến những bà mẹ ngồi khâu áo cho các chiến sĩ. Ông được kể rằng những mẹ, những chị ở đây đã khâu hết 2.500 tấm áo. Ông nhớ lại: "Tôi lắng nghe, vô cùng xúc động khi nhìn vào gương mặt các mẹ già, phần lớn đã sáu, bảy mươi tuổi, nhìn vào những cặp mắt đã kèm nhèm thế mà lại vá áo với những ngọn đèn "Hoa Kỳ" chỉ được phép sáng như những con đom đóm, với điều kiện che đậy thế nào cho máy bay trinh sát địch trên trời không phát hiện ra ánh sáng trong đêm. Mà đã vá là phải vá gấp để kịp đưa ra trận địa. Nhiều chiến sĩ mình trần, quần lại rách nhưng vẫn không ngơi tay đánh giặc. Thấy thế các mẹ đau lòng nên đường kim mũi chỉ phải vội vàng ngày cũng như đêm".
Trong đêm hôm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bất chợt chú ý đến một người có khuôn mặt rất giống mẹ ông. Chạnh lòng ông lại nhớ mẹ. Nếu còn sống ông biết mẹ vẫn luôn sẵn sàng vá áo cho con. Trong khoảnh khắc ấy, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa đã được ra đời.
Trọng Tấn biểu diễn ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại Điều còn mãi 2012.
Hòa nhạc Điều Còn Mãi 2012 với chủ đề Đêm Diva khi có sự hội ngộ của nhiều gương mặt tên tuổi trong làng nhạc Việt. Và tại đây, những giai điệu da diết của ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa lại một lần nữa được vang lên bởi ca sĩ Trọng Tấn. Giữa dàn hợp xướng đông đúc, giọng nam hào sảng của anh vút lên thanh thoát, khỏe khoắn và đẹp đẽ khiến người nghe rung động.
Ca khúc "Mẹ yêu con" vang lên tại Điều còn mãi 2017
Ở lần thứ 8 tổ chức, hoà nhạc Điều còn mãi 2017 có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra vào đúng năm VietNamNet tròn 20 tuổi với một nhạc mục ấn tượng. Vì vậy buổi hòa nhạc chọn trình diễn lại một số bản nhạc đã từng gây tiếng vang và được đông đảo công chúng mến mộ trong suốt 7 chương trình hòa nhạc đã diễn ra từ năm 2009 đến nay trong đó có ca khúc Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Ít ai biết, ca khúc Mẹ yêu con chính là ông viết tặng người vợ thứ hai của mình trong niềm hạnh phúc đón cô con gái nhỏ chào đời. Bà là em gái của NS Nguyễn Văn Thương, mà theo ông, là đẹp tuyệt vời.
Đó là vào năm 1956, sau khi sinh con, vợ chồng ông phải trở về quê mẹ sống một thời gian trong cảnh khó khăn, túng thiếu. Cũng trong hoàn cảnh này, nhạc sĩ gạo cội viết nên bài Mẹ yêu con bằng cả tấm lòng của những người làm cha mẹ khi thấy con biết cười, biết nói cho đến lúc trưởng thành. Nguyễn Văn Tý từng tự hào nói: "Đến bây giờ con tôi vẫn thường khoe với người ta miệng con "chúm chím xinh xinh như đài hoa đang hé trên cành" để nói về nó". Để thấy, với ông, Mẹ yêu con không chỉ là bài hát, mà còn là kỷ niệm khó quên gắn liền với những thăng trầm trong cuộc đời.
Theo thời gian, qua bao đổi thay của đất nước và bao thế hệ con người, Mẹ yêu con trở thành nhạc phẩm của toàn dân, kinh điển mẫu mực về tình mẫu tử mà già trẻ đều thuộc nằm lòng.
"Mẹ yêu con" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vang lên tại Điều còn mãi 2017.
Tại Điều còn mãi 2017, giọng soprano Lan Anh với kỹ thuật điêu luyện đã hòa thế giới tình cảm của mình vào trong tác phẩm này khiến cho khán phòng thêm những phút dạt dào cảm xúc. Ca khúc được phối khí bởi nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với một âm hưởng mới, dạt dào hơn khiến cho khán giả khó có thể quên được.
T.N
Theo Vietnamnet.vn
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: Đâu chỉ có 'Dư âm' Nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, người ta hay nói về ca khúc Dư âm- Một trong những ca khúc được coi như tiêu biểu trong dòng nhạc tiền chiến. Nhưng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đâu chỉ có Dư âm, mấy chục ca khúc khác của ông trong suốt sự nghiệp sáng tác đã đưa ông trở thành một trong những...