Nhạc sĩ Dương Thụ tìm thấy chất ‘bụi đời’ trong Bằng Kiều
Khác với suy nghĩ của những khán giả về những cuộc gặp gỡ của nhạc sĩ – ca sĩ thông thường là bàn về âm nhạc, Dương Thụ và Bằng Kiều không nói âm nhạc, việc đầu tiên là rủ nhau ra quán vỉa hè để làm mấy điếu thuốc lào.
Những câu chuyện kể bởi Nhà báo Thủy Phạm- vợ nhạc sĩ Dương Thụ sẽ đưa khán giả có cái nhìn hoàn toàn mới, đặc biệt về những điều chưa biết về những nhân vật sẽ góp mặt trong Live Concert Dương Thụ & Cửa sổ âm nhạc số 4 với chủ đề “Đánh thức tầm xuân”. Và Bằng Kiều không chỉ là nhân vật góp mặt mà còn đóng vai trò là người nhiệt tình xúi giục và nhắc nhở Dương Thụ thực hiện chương trình lần này.
Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Bằng Kiều
Nhà báo Thủy Phạm kể, từ khi mình chơi với “ông chú” (tức nhạc sĩ Dương Thụ) (1994) thì cũng chơi luôn với bạn này. Thường xuyên chứng kiến, mỗi lần chú cháu họ gặp nhau, chả thấy nói âm nhạc gì, việc đầu tiên là rủ nhau ra quán vỉa hè để làm mấy điếu thuốc lào! Hai mươi mấy năm nay điều ấy chưa bao giờ thay đổi.
Ngay cả sau những chuyến bay chớp nhoáng, qua hàng chục ngàn cây số, cũng phải “đối thuốc lào” bằng được, có chăng, ở những nơi giờ đây không còn quán vỉa hè, thậm chí ở giữa Quận Cam, thì điếu và thuốc luôn được cậu cháu chuẩn bị sẵn, mang theo kè kè như bảo bối. Chỉ nói thế là biết ngay ai rồi.
Mình có lần thắc mắc: “Nhung, Lam, Linh, rồi Nguyên Thảo, thì hiểu rồi. Thế cái gì để “tìm thấy” Bằng Kiều?”. Câu trả lời choáng luô : Bụi đời !
Hồi đầu gặp chú Thụ, Kiều là một…thằng ku buôn đồ âm thanh từ Hải Phòng. Ông lập tức thích cái chất bụi đời và lém lỉnh ở “thằng bé” ấy như gặp lại chút gì đó vừa có, vừa thiếu thốn trong quãng đời tuổi trẻ của mình. Một cậu ấm con nhà quan, phải vào đời kiếm sống từ năm 12 tuổi. Một cậu út ít con nhà văn nghệ, thích vào đời tự lập ngay từ khi mới lớn.
Anh Tú – Bằng Kiều – Tuấn Hưng
Trong một lần “bàn về Dương Thụ”, đạo diễn Lê Hoàng nhận định: “Thụ có sức hút lạ lùng với phụ nữ, vì yêu anh có vẻ “sang”. Đó là thứ rất nhiều đàn ông thèm muốn mà không đạt được dù có bao nhiêu tiền”. Giá kể vị đạo diễn này biết được hồi mới quen, mỗi lần đi chơi về muộn, ngại làm phiền gia đình thức mở cửa, ông “có vẻ sang” này toàn phi chiếc Simson ra ga Trần Quý Cáp thuê nhà trọ ngủ qua đêm! Nhà Kiều ở phố Ngô Sĩ Liên, cũng gần đấy. Đến sau này, khi có nhà to, nhiều phòng ở Mỹ, nhà Kiều cũng như là…nhà trọ miễn phí cho nhiều nghệ sĩ, bạn bè mới từ Việt Nam qua. Hồi mình đi công tác, có tạt qua đấy mấy ngày, được bố trí ở phòng-trọ-dài-ngày mà Ngọc Anh (Tam ca 3A) vừa dời đi và trước đó là Nguyễn Hồng Nhung. Kiều sống với bạn rất “đời”.
Nhưng tất nhiên phía sau câu chuyện bụi đời ấy là âm nhạc. “Bằng Kiều là người tôi đặt nhiều kỳ vọng, là ca sĩ có khả năng gần như hoàn hảo nhất ở Việt Nam”- ông chú bảo. Ngoài kèn Fagott là chuyên môn câu học ở Nhạc viện, Kiều còn có thể chơi guitar, phối khí, sáng tác âm nhạc, diễn xuất sân khấu và kể chuyện hài hước. Đó là chưa kể còn có thể vẽ – một khả năng toàn diện hiếm có cho một hình mẫu nghệ sĩ biểu diễn. Và còn chất giọng tenor hàng hiếm, vì nó không kiểu bi hùng, hoành tráng như các giọng tenor phổ biến ở miền Bắc thời ấy, mà rất đời, rất nhạc nhẹ, mềm mại và bay bổng.
Video đang HOT
Thời nhạc Việt bùng nổ cuối thập niên 1990, ông Thụ được TTBN Trẻ mời biên tập album, thì album đầu tiên ông mời ngay Bằng Kiều và Trần Thu Hà, hai giọng hát “trẻ” lúc ấy. Hai chú cháu cũng cùng nhau biên tập album riêng đầu tiên của Kiều, Chuyện lạ. Lần ấy có nhiều chuyện đầu tiên như là Kiều “tìm ra” Lê Minh Sơn và dẫn Sơn tới nhà chú Thụ để giới thiệu (hồi Sơn còn tí rụt rè, nhưng tính cách đã “lạ” lắm rồi khi tiết lộ “gu yêu” khác thường), Kiều nhờ chú góp ý sửa chữa cho “bài ca cưa cẩm” Trizie Phương Trinh- chính là bài Chuyện lạ (trước đó là bài Hè muộn)… Ông chú còn định viết một vở nhạc kịch, mang tên Trương Chi, để có thể khai thác hết cả khả năng âm nhạc và kịch nghệ của ông cháu. Mình nghe lỏm kịch bản, thấy có đoạn Trương Chi thời hiện đại làm nghề đạp xích lô chứ không phải nghề chài lưới, cũng hấp dẫn phết.
Nhưng người tính không bằng giời tính. Sau Chuyện lạ thì mọi thứ cũng đi theo những con đường phải đi của nó. Một lúc rảnh rỗi, tự dưng ngồi nhớ Trương Chi trong ngăn kéo, mình mới dò hỏi: Xưa kỳ vọng, thế giờ có thay đổi không, thất vọng chưa? Ổng bảo: Chả có gì thất vọng cả, ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, mỗi người có những trách nhiệm phải làm cho người khác, không chỉ cho mình. Mọi người nhìn thấy Kiều thay đổi, còn anh nhìn thấy những gì không thay đổi ở nó.
Chính Bằng Kiều là người nhiệt tình xúi giục và nhắc nhở ông chú mở tiếp Cửa sổ âm nhạc số 4. Kiều cũng xin được tự đàn guitar hát Bóng tối ly cà phê, một bài hát nhiều ám ảnh với các giọng hát nữ trước đó, từ Hồng Nhung, Thanh Lam đến Nguyên Thảo.
Live Concert Dương Thụ & Cửa sổ âm nhạc số 4 với chủ đề “Đánh thức tầm xuân”. Chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 5 & 6/1/2019 và tại Hà Nội ngày 19/1/2019. Chương trình còn có sự góp mặt của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Tùng Dương (Ngày 6/1/2019), Nguyên Thảo, Nguyễn Trần Minh Đức, Nhóm Con Gái,… sẽ góp mặt tại Live Concert Dương Thụ – Cửa sổ âm nhạc 4 với chủ đề Đánh Thức Tầm Xuân.
Theo Công Lý
Dương Thụ chia sẻ về 40 năm sống ở TP.HCM, lần đầu làm liveshow riêng
Hơn 40 năm sống và sáng tác tại TPHCM, giờ đây nhạc sĩ Dương Thụ mới thực hiện đêm nhạc cá nhân đầu tiên của mình tại thành phố phương Nam.
Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, ngày 5 và 6/1 sẽ diễn ra đêm nhạc đầu tiên của ông tại TPHCM. Ông có thể cho biết lý do vì sao đã sống và làm việc hơn 40 năm tại TPHCM, nhưng đây là lần đầu tiên ông làm liveshow cá nhân tại đây?
Ngay từ năm 1980 tôi đã làm nhiều chương trình âm nhạc ở TPHCM, nhưng chương trình riêng cho mình thì chưa. Chỉ có chương trình Nghe mưa (1999) làm cùng anh Bảo Chấn, nhưng vẫn là chương trình chung của cả 2 người. Cá nhân mình thì đây là lần đầu tiên.
Lý do cũng đơn giản thôi, chung qui chỉ là vấn đề tài chính. Âm nhạc của tôi không thích hợp để diễn ở những rạp lớn. Mà nhà hát ở TPCM không như ở Hà Nội, cái diễn được thì quá lớn (Nhà hát Hòa Bình 2400 chỗ) hoặc là quá nhỏ (Nhà hát thành phố có hơn 400 chỗ). Cái lớn thì sợ khán giả chỉ đủ ngồi 1/3 còn lại 2/3 là ghế trống, đêm diễn thế thì lạnh lẽo quá, tôi không dám. Cái nhỏ quá thì khán giả có chật kín thì số tiền bán vé cũng không thể đủ để trả các chi phí biểu diễn (thật không may, những người chuyên hát nhạc của tôi lại là những diva, divo hàng đầu, dàn nhạc và các điều kiện âm thanh ánh sáng cũng phải tương ứng với họ, thành thử cái tên Dương Thụ thì nhỏ nhưng chương trình vô hình chung lại thành quá lớn về tiền bạc. Cái này là lý do khiến tôi chùn bước. Tôi không có ông bầu, (và cũng chả có ông bầu nào cả gan làm một chương trình "điên" như thế này).
Thế sao bây giờ lại dám? Vì có lẽ đây là Đêm nhạc Dương Thụ cuối cùng. 76 tuổi rồi, chả lẽ không một lần diễn ở nơi đã tạo ra tên tuổi cho mình, nơi mình có nhiều công chúng nhất. Và thật may, các nghệ sĩ tham gia chương trình, công ty tổ chức sự kiện Ngọc Việt hiểu được lý do này sẽ hỗ trợ cho tôi một phần để tôi yên tâm . Vậy thì làm.
Là một bầu sô nổi tiếng, tổ chức rất nhiều chương trình âm nhạc trong Nam ngoài Bắc suốt mấy chục năm qua, ông muốn giới thiệu tới công chúng TPHCM một chân dung Dương Thụ như thế nào qua âm nhạc của chương trình lần này?
Đúng là có tổ chức rất nhiều chương trình lớn, nhưng là bầu sô thì không phải. Tôi đóng vai trò người làm ý tưởng, lập ra dự án, làm giám đốc nghệ thuật, biên tập và viết kịch bản chương trình, và trực tiếp mời và làm việc về chuyên môn với các nghệ sĩ. Bầu sô là một câu chuyện khác hẳn.
Còn chương trình này thì cũng như 3 chương trình Cửa sổ âm nhạc tôi làm vào các năm 2012, 2014, 2016 tại Hà Nội. Dương Thụ về âm nhạc chỉ có một chân dung thôi. Tôi có viết một tự bạch như thế này: " Sống mùa đông và biết chắc mình chỉ có thể ở lại mùa đông lại hát về mùa xuân . Sống trong con hẻm chặt chội lại hát về biển rộng . Ngoài bốn mươi tuổi chẳng có một mối tình thật sự nào, vẫn chưa bao giờ chạm được vào bàn tay em lại luôn hát về tình yêu trong sáng . Đó là một nghịch lý và cái nghịch lý ấy đã tạo thành tôi, đã sinh ra những bài hát mà tôi viết trong gần nửa thế kỷ sống." Chân dung âm nhạc của tôi đấy.
Nhạc sĩ Dương Thụ và Mỹ Linh (Ảnh tư liệu)
Khán giả biết ông không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một người viết văn sâu sắc và duyên dáng. Ông có thể cho biết những kỷ niệm, những nhận xét của ông đối với văn hóa và con người của thành phố này, nếu được quay lại, ông có chọn con đường từ Hà Nội vào TPHCM?"
Thú thật, năm 1977 vào TPHCM mà giống như một cuộc trở về. Gặp lại cô chú ruột, rồi bạn bè mình từ thời học tiểu học di cư vào Nam từ 1954, rồi khung cảnh phố xá với các cửa hàng, cửa hiệu, tiệm ăn, tiệm bán đồ tư nhân, nhất là cách thưa gửi cứ vâng dạ nghe thật dễ chịu... Tôi không bị sock văn hóa như bạn nghĩ, tôi đã hòa nhập rất nhanh và gắn bó với phần còn lại của văn hóa Sài Gòn, nhất là với giới văn nghệ Sài Gòn, những người còn ở lại. Tôi đã nhận ra rõ hơn con người mình, có được môi trường sống tốt hơn cho việc phát triển những phẩm chất cá nhân. Vào TPHCM là cuộc trở về quan trọng. Tôi như thể cá mắc cạn được quay về với nước, tôi đã thành tôi, đã làm ra được cái tên đại diện cho sự trở thành đó: DƯƠNG THỤ. Như thế, hẳn nhiên nếu lịch sử quay lại tôi vẫn tiếp tục chọn con đường từ Hà Nội vào TPHCM như đã từng.
Các nhạc sĩ trẻ từ Hà Nội và các tỉnh thành vẫn tiếp tục vào lập nghiệp tại TPHCM. Ông có thể đưa ra những lời khuyên cho họ trong việc phát triển sự nghiệp ở đây không?
Tôi nghĩ rằng mình không có đủ tư cách để đưa ra lời khuyên với người khác, dù người đó còn rất trẻ. Nhưng tôi có thể chia sẻ vài điều. Theo tôi làm âm nhạc không giống với kinh doanh. Những tính toán lý trí, sự khôn ngoan có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền, nhưng không thể giúp bạn trở thành người sáng tạo. Bạn làm nghề để kiếm tiến thì ok, nhưng muốn có sự nghiệp của một kẻ sáng tạo thì bạn phải là một kẻ tự do, dám làm, dám vượt lên nghịch cảnh. Cái dám này không phải bắt nguồn từ bản lĩnh, từ lòng dung cảm, hay khả năng chịu đựng, mà nó bắt nguồn từ tình yêu và sự say mê với âm nhạc.
Vậy Hà Nôi, TPHCM, hay Đà Nẵng v.v sẽ không còn quan trọng nữa. Vấn đề là ở chính bạn. Còn nếu bạn muốn kiếm tiền và muốn nổi tiếng thí chắc vào TPHCM là dễ dàng nhất. Sự thành công của những người Hà Nội ở thành phố này là một minh chứng.
Nhạc sĩ Dương Thụ và Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương chụp chung với Tùng Dương
Xin ông một số nhận xét về sự vận động của âm nhạc TPHCM từ khi bước chân vào đây đến hiện tại?
Tôi là người làm nhạc bình thường, và chỉ biết những gì trong một góc hẹp thôi. Từ khi tôi hoạt động âm nhạc ở TPHCM (từ năm 1978: thành lập các ban nhạc (Ban nhạc Mùa Hè, CLB Thể Nghiệm, Ban Mùa Xuân, làm tụ điểm ca nhạc (Quận 10, Quận 11), Phòng trà ca nhạc Bến Nghé, Night Club Majestic (KS Cửu Long), làm biên tập âm nhạc cho hãng SAI GON AUDIO và cộng tác âm nhạc với Hãng Phim Trẻ với Studio Viết Tân v.v.nghĩa là tham gia hầu hết các hoạt động âm nhạc ở đây, tôi có một cái nhìn tích cực.
Về mặt người làm nghề thì kiến thức, kỹ năng, công nghệ mỗi ngày một tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. TPHCM vẫn mạnh về âm nhạc đại chúng và là cái nôi của lĩnh vực âm nhạc này. Hoạt động âm nhạc hàn lâm có phát triển mạnh, nhưng chưa xứng tầm với vị thế của một đô thị văn minh. TPHCM làm thương mại giỏi nhưng làm nghệ thuật thì chắc phải cần thời gian. Về chuyện này tôi nghĩ Hà Nội có lẽ hay hơn.
Được biết ông có nhà ở Bắc Ninh, liệu ông có giấc mơ "quy cố hương" hay tiếp tục gắn bó với xứ sở phương Nam như hơn 40 năm qua?
" Tôi không có quê hương để trở về" đó là bài hát mới tôi viết vào cuối năm nay (2018). Đẻ ở Vân Đình, Hà Nội, rồi sống ở Hải Phòng, rồi lại về Hà Nội, rồi lại lên Tuyên Quang, giờ là TPHCM. Hà Nội là quê quán nhưng nơi ở lâu nhất, chiếm phần đời quan trọng nhất lại là TPHCM. Sống lang bạt, giống như một kẻ tha hương, nay có trở về thì chốn cũ đã thay đổi tới mức không còn nhận ra được nữa.
Tôi có mua khu đất ở sườn Núi Chè huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và xây dựng thành một không gian sống theo kiểu các cụ. Tết nào cũng về ở một tháng. Đấy chả phải là quê, nhưng chắc sẽ là nơi gửi nắm xương tàn.
Âm nhạc của ông không có tuổi và nó luôn trẻ trung, ông có thể tiết lộ bí quyết giữ gìn sự trẻ trung và tươi sáng trong âm nhạc? Dự định của ông trong công việc sáng tác sắp tới như thế nào?
Bí quyết ư? Không đánh mất lòng tin vào con người và những điều tốt đẹp. Sống thực tế nhưng cũng nên mơ mộng một chút. Sự ngây thơ, trong trắng là phẩm hạnh cao nhất cần phải giữ gìn. Thừa nhận cuộc sống như là nó vốn có để không ngã lòng.
Dự định thì không có nhiều. Viết tiếp những cái còn có thể, hoàn thiện những cái còn dở dang với mục đích không phải để xuất bản mà chỉ là để được sống với những gì mình yêu thích.
Xin cám ơn và chúc ông có những đêm nhạc thành công tại TPHCM!
Theo Tiền Phong
Ca sĩ Nguyên Thảo với những kỷ niệm cùng nhạc sĩ Dương Thụ Nữ ca sĩ Nguyên Thảo sẽ cùng hội ngộ với những tên tuổi 'gạo cội' của làng nhạc Việt tại Live Concert Dương Thụ & Cửa sổ âm nhạc số 4 với chủ đề 'Đánh thức tầm xuân'. Chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 5 & 6/1/2019 và tại Hà Nội ngày 19/1/2019. Với những câu chuyện...