Nhà vườn chủ động ứng phó với mưa bão
Biến đổi khí hậu từ El Nino sang La Nina gây ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, nhiều nông dân ở miền Đông Nam bộ đang tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng, gia cố lại vườn tược để ứng phó với mưa bão.
Do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, trong thời gian qua, nhiều diện tích bưởi da xanh, mãng cầu, chôm chôm trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu bị mất mùa nghiêm trọng. Nguyên nhân do những cơn mưa dầm kéo dài gây rụng hoa, mất nụ, sâu bệnh gây hại dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp.
Theo kết quả điều tra mới nhất về một số loại cây trồng ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai), hầu hết cây ăn trái đều giảm năng suất, riêng măng cụt mất tới 50 – 70% năng suất. Để đảm bảo việc thâm canh cây trồng cho thu hoạch vào dịp tết, nhiều hộ nông dân đang tích cực áp dụng các biện pháp ứng phó với thời tiết bất lợi. Đang hì hục với mớ dây thừng lùng nhùng, anh Phan Văn Bảo ở ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh cho hay: “Gần đây, những cơn áp thấp nhiệt đới kèm gió mạnh liên tục xảy ra, nếu chăm sóc không cẩn thận cây sầu riêng sẽ gãy đổ hàng loạt…”.
Chằng dây, gia cố vườn tược đối phó mưa bão.
Anh Bảo nhớ lại năm 2001, do không có sự chuẩn bị trước, năm đó có bão lớn, vườn của anh gãy đổ, tróc gốc tới 50%. Ông Lê Văn Đàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng cho biết: “Phải chuẩn bị ứng phó trước, chứ không thì “kịch bản” năm 2001 xảy ra lại nguy. Năm đó, vườn sầu riêng của tôi và nhiều vườn khác ở xung quanh chịu thiệt hại nặng nề, trên 30% số cây gãy đổ”.
Từ bài học xương máu này, bà con luôn nhắc nhau đến mùa mưa bão chủ động phòng ngừa sớm, neo giữ những cây con, cây mới, đồng thời kiểm tra kỹ từng đoạn dây, nút buộc của cây lâu năm. Chẳng hạn, để bảo đảm cây sầu riêng vững chắc, anh Bảo cột dây từ trên ngọn xuống tới tận gốc, chằng xung quanh vườn như mạng nhện. Ngoài ra, nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, độ ẩm trong đất luôn được đảm bảo, mầm bệnh cũng khó có khả năng phát sinh gây hại…
Đối với các loại cây trồng khác như chôm chôm, măng cụt, sau giai đoạn thu hoạch, nhiều nông dân đang tiến hành dưỡng cây, chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Ngoài việc tỉa cành, tạo tán nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều nông dân còn tăng cường thêm một số biện pháp như đào mương thoát nước xung quanh vườn, trải bạt vào từng gốc cây để nước mưa thoát ra ngoài…
Bà Nguyễn Thị Kim Mai, Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất trái cây Lộc Mai ở ấp 1, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai cho biết: “Đối với các loại trái cây xử lý cho trái vào trái vụ gặp mưa nhiều là rất nguy. Tôi và các thành viên tổ hợp tác tăng cường các biện pháp dưỡng cây, xử lý thuốc BVTV phòng ngừa sâu bệnh.
Video đang HOT
Ngoài ra, để bảo đảm độ ẩm cần thiết cho cây, mọi thành viên cũng thường xuyên dọn dẹp, phát quang đất trồng để ánh nắng xuyên qua giúp giảm thiểu sâu bệnh”. Theo ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Nai, để chủ động phòng tránh, đối phó với những yếu tố bất lợi của thời tiết, bà con cần thăm vườn thường xuyên để nắm bắt tình hình dịch hại và có biện pháp phòng trừ.
Đặc biệt chú ý tỉa cành, tạo tán; thoát nước tốt, tránh để đọng nước trong vườn. Đầu mùa mưa phá bồn, đào mương thoát nước cho cây trồng, nhất là những vườn trũng hoặc vườn hay bị ngập cục bộ. Ngoài ra, thời tiết ẩm ướt sẽ tạo điều kiện phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng, Chi cục BVTV cũng khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp vệ sinh vườn thường xuyên để tiêu hủy nguồn bệnh, bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, áp dụng biện pháp bao trái. Nếu bệnh phát triển với mật số cao thì dùng thuốc đặc trị có đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ, lưu ý luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, tình hình thời tiết đang chuyển biến rõ rệt từ El Nino sang La Nina. Các đợt không khí lạnh sẽ tràn vào kèm theo mưa lớn, dồn dập, tập trung vào một thời điểm. Dự báo năm 2016, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông vào khoảng 10 – 12 cơn, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta khoảng 5 – 6 cơn. Nông dân cần chủ động đề phòng bão cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp và có thể ảnh hưởng đến vườn tược như hiện tượng lốc xoáy, gió lớn làm bật gốc và đổ ngã cây trồng.
Theo Ngô Trường (Nông nghiệp Việt Nam)
Vườn cà phê lên tuổi "cụ" đạt năng suất trên 4 tấn/ha
Mặc dù những vườn cà phê đã lên tuổi "cụ" (32 năm) nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Có được kết quả này, nhờ Cty TNHH MTV Cà phê 704 đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Sung sức vườn cà phê "cụ"
Những vườn cà phê xanh mướt, cành vươn dài, quả sai trĩu trịt của Cty Cà phê 704 không ai nghĩ chúng đã lên tuổi "cụ" cần phải tái canh thay thế. Ông Nguyễn Văn Bể, GĐ Cty phấn khởi cho biết, Cty có 150ha cà phê trồng từ năm 1984, nhưng vẫn chưa phải tái canh do vẫn đạt trên 4 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Bể đi thăm vườn cây cà phê
Để có năng suất này, ban lãnh đạo Cty đã xác định việc duy trì và phát triển vườn cây thực hiện theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng. Cụ thể, Cty đã triển khai nhiều giải pháp trong từng công đoạn như quản lý quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây; đầu tư, cung ứng vật tư, phân bón; triển khai, kiểm tra việc thực hiện các công đoạn chăm sóc vườn cây của người lao động nhận khoán.
Đồng thời áp dụng đầu tư KH-CN cao vào sản xuất (chế phẩm sinh học, phân bón lá...); phối hợp thường xuyên với các cơ quan chuyên môn như Trạm BVTV các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Cty Cà phê 704 (TCty Cà phê Việt Nam) tiền thân là Cty Cà phê Đăk Uy 3 được hình thành từ Nông trường cà phê thuộc Cty Xuất nhập khẩu Kon Tum, Cty Thủy nông Đăk Uy 3; gồm cơ quan Cty và 11 đội sản xuất.
Trong đó có 4 đội SX đóng trên địa bàn huyện Đăk Hà điều kiện kinh tế khá thuận lợi; 3 đội đứng chân tại hai xã HơMoong, Sa Nghĩa thuộc huyện Sa Thầy và đặc biệt có 3 đội ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei thuộc diện vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Cty đang quản lý 510ha cà phê, 68ha lúa nước hai vụ, 48ha cao su. Năm 2016, hoạt động của Cty diễn ra trong điều kiện thời tiết đầu năm diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, tác động lớn đến sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê.
Trồng mới cây cà phê
Toàn bộ diện tích cà phê của Cty tại khu vực huyện Sa Thầy và huyện Đăk Glei phải tưới đến 4 đợt, có nơi tưới 5 đợt và phải tưới truyền 2 máy. Trước tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, Cty đã thành lập BCĐ phòng chống khô hạn, để chỉ đạo tưới nước chống hạn cho các loại cây trồng tại các khu vực sản xuất.
Cty cùng với người lao động đã khắc phục mọi khó khăn, tìm cách khai thông nguồn nước, nạo vét, tu sửa hồ đập. Cty còn hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với 74ha cà phê phải tưới truyền 2 máy. Tính đến đầu tháng 7, toàn bộ diện cà phê phát triển khá tốt, không bị khô hạn. Đồng thời Cty đã đầu tư 18 tỷ đồng để trồng mới 40ha cà phê.
Làm kinh tế song hành công tác xã hội
Địa bàn sản xuất của Cty phân tán, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, lao động thiếu cả về số lượng và chất lượng nhưng với tinh thần phấn đấu vượt khó, Cty đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế năm 2015 với doanh thu 42.373 triệu đồng, nộp ngân sách 1.149 triệu đồng, lợi nhuận 3.017 triệu đồng.
Với 510ha cà phê nằm trên 3 huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy, chất lượng cây không đồng đều, nhất là ở Đăk Glei, Sa Thầy nhưng người nhận khoán đã nỗ lực chăm sóc, cà phê phát triển tốt và cho năng suất khá.
Vườn ươm cà phê chất lượng cao
Số hộ công nhân, người lao động nhận khoán gồm 689 hộ, việc ký hợp đồng giao nhận khoán và giao nộp sản phẩm khoán đạt 100%.
Với mức thu nhập bình quân của hộ trồng cà phê 44 triệu đồng/ha/năm và 34 triệu đồng/ha/năm cây lúa. Cụ thể, khu vực Đăk Hà (151,2ha) năng suất bình quân 16 tấn quả tươi/ha/năm; khu vực Sa Thầy (188,5ha) 15 tấn/ha/năm; khu vực Đăk Glei (170ha) 18,4 tấn/ha/năm; tổng sản lượng 8.296 tấn.
Với cây cao su, thu hoạch được 203 tấn mủ nước, cây lúa nước, sản lượng đạt 748 tấn, năng suất bình quân 11 tấn/ha/năm. Công tác kinh doanh vật tư phân bón, xăng dầu đạt doanh thu 13.628 triệu đồng, duy trì tốt tổ dịch vụ thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê sau chế biến đạt 1.480 tấn nhân.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum về phân công các đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu xây dựng các phum sóc khó khăn, Cty đã vận động 02 sóc tham gia nhận khoán, giúp bà con ngói lợp nhà, hỗ trợ kinh phí xây dựng nâng cấp nhà rông, tu sửa đường sá, tặng quà đối tượng chính sách, gia đình khó khăn dịp lễ tết. Nơi địa bàn Cty đứng chân, về cơ bản không còn hộ đói, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể, trình độ dân trí, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên. Kế hoạch năm 2016 của Cty là nỗ lực thâm canh các loại cây trồng để đạt sản lượng 8.136 tấn cà phê, 61 tấn mủ cao su, 816 tấn lúa; kinh doanh vật tư phân bón các loại 1.500 tấn, tiêu thụ xăng, dầu 450 ngàn lít. Tổng doanh thu 55,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng.
Theo Ngọc Thăng (Nông Nghiệp Việt Nam)
Thu vài tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá lóc Với nghề nuôi cá lóc, mỗi năm, Nguyễn Văn Thêm xuất bán hàng trăm tấn cá, sau khi trừ chi phí thu lời được vài tỷ đồng. Không những trở nên khá giả nhờ loại cá này... Nguyễn Văn Thêm (giữa) đang đưa khách đi tham quan các ao cá Xung quanh hồ Dầu Tiếng, từ nhiều năm nay đã xuất hiện rất...