Nhà văn Hoàng Anh Tú: Đừng khoác lên vai con nghĩa vụ sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ
Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau nó nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi.
Tôi biết sẽ có nhiều vị phụ huynh và cả các bạn trẻ sẽ lên án tôi khi tôi nói rằng đừng ai sinh con chỉ để có người dựa cậy lúc tuổi già. Bởi nói vậy là đi ngược lại truyền thống lâu đời của dân tộc. Khi mà câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ vẫn là “ Đẻ thằng con trai để sau này còn có người chống gậy“. Rằng, kể cả nhiều cha mẹ trẻ, con mới 3-5 tuổi vẫn nói: “ Mai này mẹ già con có nuôi mẹ không?”. Rằng “ đầu tư cho con ăn học để mai này lớn kiếm tiền nuôi lại bố mẹ“…
Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau nó nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi. Bởi mặc định rằng cha mẹ phải hy sinh mọi điều cho con cái thì sau này con cái mới chăm sóc lại cha mẹ.
Không! Điều đó là không sai. Không ai sai khi chúng ta dành tất thảy những điều tốt đẹp nhất cho con cái.
Nó chỉ sai nếu như tất thảy những thứ chúng ta làm chỉ là để mai sau có đứa nuôi lại mình.
Nó chỉ sai nếu như có những ông bố mang cả sổ đỏ đi cầm cố để lấy tiền cho con vượt biên trái phép bởi vì “Sang Anh sẽ kiếm được tiền nhiều gấp 4-5 lần hiện tại”.
Nó chỉ sai nếu như có những bậc cha mẹ vay mượn vài ba trăm triệu để “chạy cho con một chỗ biên chế trong cơ quan nhà nước”.
Nó chỉ sai nếu như cha mẹ bán hết cả trâu bò lợn gà ở nhà chỉ để gom tiền cho con học Đại Học trên thành phố.
Tôi nói nó sai là bởi kiếm tiền gấp 4-5 lần hiện tại nhưng có thể đánh đổi bằng sinh mạng như vụ 39 nạn nhân chết trong xe thùng đông lạnh.
Tôi nói nó sai là bởi chạy một chỗ ngồi trong biên chế là hối lộ, đút lót, mua chức, mua quyền.
Tôi nói nó sai là bởi Đại Học không phải là con đường duy nhất để thoát nghèo, mà trong trường hợp này, thoát nghèo chưa thấy đâu, gia đình lại càng thêm nghèo túng. Nhưng nhiều cha mẹ đã làm vậy!
Mấy tháng trước, tôi có đọc một bài báo về bi kịch người trẻ lẫn người già ở Singapore. Khi mà cha mẹ bán hết tài sản để đầu tư cho con đi du học rồi khi những đứa trẻ trở về, chưa kịp kiếm được một việc làm tử tế đã phải nai lưng ra trả nợ tiền bố mẹ đi vay, vừa phải nuôi bố mẹ khi bố mẹ đã trắng tay.
Video đang HOT
Vốn là nhiều cha mẹ Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Đài Loan vẫn thế. Họ sẵn sàng bán cả thận của mình để lo cho con một khoản tiền mong con đổi đời. Là thương con và kỳ vọng vào con.
Và những đứa con thì sao? Trường hợp của cô bé Trà My qua lời kể của mẹ cô, bà Nguyễn Thị Phong: “Tôi khuyên con ở nhà lấy chồng, nhưng nó bảo cố đi nốt chuyến này, kiếm tiền trả nợ giúp bố mẹ thoát nghèo đã rồi tính chuyện lập gia đình sau”.
Bi kịch của chữ Hiếu nhiều khi còn bi ai hơn cả chữ Tình. Trong hầu hết các bài báo thuật lại lời kể của những người nhập cư trái phép, những người vượt biên trong những chiếc xe tải kéo thùng đông lạnh hay những người trốn lại ở xứ người, tham gia vào các đường dây nhập cư trái phép đều bắt đầu bằng việc “Biết là nguy hiểm nhưng cần tiền giúp cha mẹ ở quê xây nhà, trả nợ”.
Và đâu đó, những bài báo về làng tỉ phú với những ngôi nhà khang trang từ dòng tiền con cái đang trồng cần sa, làm nail, làm thợ may, đánh hàng… sống chui lủi ở xứ người. Thậm chí, có những làng toàn đàn ông khi những người vợ, người mẹ, những cô em gái được “xuất khẩu” sang Hàn Quốc, Đài Loan làm giúp việc chui, làm thợ may, làm móng, làm… vợ.
Tôi vẫn hay đùa bảo vợ mình rằng, sinh con ra, đầu tư học hành ăn uống suốt 18 năm đầu, mạnh dạn cho thêm 4 năm Đại học nữa mới là 22 năm. Nếu cha mẹ có con năm 24 tuổi thì đến năm 46 tuổi trở đi là bắt đầu thu lợi được rồi. Đẻ càng sớm thì thời gian thu lợi càng sớm.
Từ 46 tuổi, nếu tính 22 năm thì đến 68 tuổi là hoà vốn. Sau 68 tuổi là lãi ròng. Mà chăm 1 đứa trẻ khi bé so với chăm một ông già bà lão thất thập cổ lai hi thì rõ ràng chăm người già tốn kém hơn nhiều vì thuốc men các kiểu. Đấy là nói vui vậy thôi. Chứ nếu nghĩ báo hiếu chỉ là vậy thì thật buồn. Nuôi con mà chỉ nghĩ đến việc sau này dựa cậy chúng lúc tuổi già thì nghe thật giống… công cụ.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Tôi vẫn nghĩ về chữ Hiếu được viết bằng sự mãn nguyện vì con cái trưởng thành. Rằng chúng ta đã tạo nên một gắn kết bền vững.
Đừng nghĩ sinh con để mai này cậy nhờ rồi lại thở dài nếu sinh… con gái. Vì con gái lấy chồng dù muốn báo hiếu với cha mẹ nhưng chúng vẫn còn bố mẹ chồng của chúng.
Đừng khoác lên vai chúng thứ nghĩa vụ phải học hành để sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ.
Đừng phủ lên đời chúng cái đích đến của chúng chỉ là sau này nuôi cha mẹ.
Chúng ta sinh ra những đứa con, hãy để chúng sống cuộc đời của chúng thay vì phải sống với ước mơ của chúng ta.
Với vợ chồng tôi, cuối cùng, con chăm cha không bằng bà chăm ông. Mai này, các con cứ việc sống với đời của các con, cha mẹ sẽ tự lo được cho đời mình. Nếu là hiếu nghĩa, thứ cha mẹ cần chỉ là được thấy mặt nhau hàng tuần, thấy nhau vui, khoẻ và hạnh phúc.
Thứ cha mẹ để lại cho con không phải là tài sản bao nhiêu mà là sự tự hào hãnh diện của con khi nói về cha mẹ chứ không phải con cái cố kiết sống giống sự tự hào của cha mẹ đã vẽ lên về con mình.
Theo Helino
Cha mẹ làm 9 điều này nhất định sẽ giúp con mình thành đạt trong tương lai
Làm cha làm mẹ ai mà chẳng muốn con mình thành công đúng không? Vậy hãy làm theo 9 điều sau nhé!
1. Đừng nói với con rằng chúng có thể là bất cứ điều gì chúng muốn
Theo khảo sát của 400 thanh thiếu niên, được thực hiện bởi cơ quan nghiên cứu thị trường C R Research, thanh niên Mỹ không hứng thú với những công việc hiếm nhân sự trong một vài năm tới. Dường như vì quá được cổ vũ trở thành bất cứ điều gì chúng muốn nên hầu hết đều lao vào các ngành như nhạc sĩ, vận động viên hoặc nhà thiết kế trò chơi điện tử... Những ngành này có tuổi nghề không cao và chỉ chiếm tỉ trọng 1% tổng số ngành nghề tại Mỹ. Tại sao cha mẹ lại không định hướng cho con cái vào những ngành trở thành xu hướng trong tương lai? Những ngành ấy rất giàu tiềm năng, mức lương cao và xã hội thực sự chú trọng.
2. Ăn tối cùng nhau như một gia đình
Theo một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Đại học Harvard, những đứa trẻ ăn cùng gia đình khoảng năm ngày/tuần biểu hiện mức độ lạm dụng chất kích thích, mang thai ở tuổi vị thành niên, béo phì và trầm cảm ít hơn. Họ cũng có điểm trung bình cao hơn, vốn từ vựng tốt hơn và lòng tự trọng cao hơn.
3. Không cho con cái tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bộ não của trẻ nhỏ có thể bị thay đổi vĩnh viễn khi chúng dành quá nhiều thời gian sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh. Cụ thể, sự phát triển của các khả năng nhất định bị cản trở, bao gồm sự tập trung, sự chú ý, từ vựng và kỹ năng xã hội. Trên thực tế, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết trẻ em dưới 18 tháng tuổi không nên có thời gian nhìn vào màn hình, ngoại trừ trò chuyện qua video.
Đối với trẻ em từ hai đến năm tuổi, bậc cha mẹ nên giới hạn thời gian tiếp xúc màn hình xuống còn một giờ/ngày. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, AAP cũng cho biết cha mẹ nên đặt bàn ăn tối, ô tô và phòng ngủ ở khu vực không có phương tiện truyền thông.
4. Làm việc ở ngoài
Mẹ ở nhà thì chắc sẽ vui, nhưng các nhà nghiên cứu tại Harvard đã phát hiện ra rằng khi các bà mẹ làm việc bên ngoài, con gái của họ có nhiều khả năng được làm việc, giữ vai trò giám sát và kiếm được nhiều tiền hơn đồng nghiệp có mẹ thất nghiệp.
5. Giao việc nhà cho con
Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra những người thành công và chuyên nghiệp lúc lớn hầu hết đã làm việc vặt ở nhà khi còn nhỏ.
6. Giúp con chống lại sự cám dỗ
Con người ta thường dễ bị sa lầy vào những thói hư tật xấu nếu không được giáo dục đúng cách. Do đó, bố mẹ nên rèn cho con làm một việc gì đó hàng ngày để chống lại cám dỗ dù chúng không hề muốn. Ví dụ như ngồi thẳng lưng, biết nói lời cảm ơn, biết từ chối, biết quay lưng với đồ ăn nhanh...
7. Đọc sách cho con cái nghe
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa New York đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ đọc cho chúng có ngôn ngữ, khả năng đọc viết và kỹ năng đọc sớm hơn trước khi bắt đầu học tiểu học. Những đứa trẻ đó sau này yêu thích đọc sách và trau dồi nội hàm hơn. Nói cách khác, đọc để giải trí có liên quan đến sự tiến bộ về trí tuệ, về từ vựng, chính tả và toán học.
8. Khuyến khích con cái đi du lịch
Hiệp hội Du lịch Thanh niên và Sinh viên (SYTA) đã khảo sát 1432 giáo viên Mỹ - những người thích du lịch để tìm hiểu xem liệu họ có ảnh hưởng như thế nào đến sinh viên. Kết quả khá tích cực, các giảng viên này đã truyền đi sự tự tin, tăng khả năng chịu đựng, sẵn sàng chấp nhận thách thức, tăng tư duy trí tuệ... Trong trường hợp bạn không có đủ tài chính cho con cái ra thế giới, bạn hoàn toàn có thể cho chúng khám phá môi trường trong nước.
9. Hãy cứ để con cái thất bại
Nghe điều này tuy hơi tàn nhẫn nhưng đây chính xác là một điều rất tốt cha mẹ có thể làm để con cái mình trưởng thành hơn. Trải nghiệm thất bại giúp con bạn học cách đối phó, một kỹ năng chắc chắn cần thiết trong cuộc sống. Bị thách thức cũng thúc đẩy nhu cầu làm việc chăm chỉ và nỗ lực bền bỉ. Theo thời gian, những đứa trẻ đã trải qua thất bại sẽ xây dựng khả năng phục hồi và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động khó khăn vì chúng không sợ thất bại. Việc lúc nào cũng cứu con mình khỏi thất bại làm cho chúng nghĩ chúng không hề có khả năng xử lý vấn đề gì.
Các cha mẹ hãy ghi nhớ để giúp con mình phát triển vượt bậc trong tương lai nhé!
Theo Inc/Helino
10 cách cha mẹ cần ghi nhớ để đối phó với những đứa trẻ cứng đầu Sự phát triển của trẻ em có tốt hay không trong cuộc sống sẽ là tấm gương phản ánh lại cách dạy con của gia đình đó ra sao, nhưng đôi khi cha mẹ cũng không thể lường trước được những cảm xúc bộc phát của những đứa trẻ mới lớn, nhất là khi chúng được tiếp xúc với thế giới bên ngoài....