Nhà tù xa xỉ nơi giam giữ Cốc Khai Lai
Vợ của cựu chính trị gia Bạc Hy Lai được cho là đã chuyển đến trại Yến Thành ở tỉnh Hà Bắc, một nhà tù “hạng sang” của Trung Quốc, nơi có thảm cỏ xanh và nhìn từ ngoài vào trông giống như một khu biệt thự.
Bà Cốc Khai Lai trong video làm chứng được công bố tại phiên tòa xét xử ông Bạc Hy Lai. Ảnh: Indiacn
Cựu chính trị gia “ngã ngựa” của Trung Quốc Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân và được cho là sẽ sống quãng đời còn lại ở “nhà tù cao cấp” Tần Thành, ngoại ô Bắc Kinh. Vợ ông, bà Cốc Khai Lai, nhận án tử hình ân hạn, thường sẽ được rút xuống thành chung thân, dường như mới được chuyển tới nhà tù Yến Thành ở Hà Bắc. Ở hai nhà tù khác nhau khiến cho vợ chồng ông Bạc sẽ không phải đối mặt với tình huống khó xử khi chạm mặt trong cùng một nhà tù.
Yến Thành là nhà tù duy nhất do bộ Tư pháp Trung Quốc trực tiếp quản lý và bộ này mô tả đây là một “nhà tù xanh”, với khuôn viên vườn cây rộng rãi, nơi một số tù nhân làm thơ.
Nhà tù Yến Thành được xây dựng từ năm 2000, hoàn tất năm 2009, tại thành phố Tam Hà. Hiện có khoảng 650 phạm nhân đang thụ án tại đây, trong đó có khoảng 40 quan chức tham nhũng. Khác với các trại giam ở Trung Quốc, tất cả các phạm nhân ở nhà tù Yến Thành đều được chuyển đến từ các nhà tù khác.
Nhà tù này giam giữ hơn 40 phạm nhân là người nước ngoài, thuộc hơn 20 quốc gia khác nhau, chủ yếu phạm tội giết người, cướp giật, buôn bán thuốc phiện… Những tội phạm nói tiếng Anh có thể giao tiếp với quản giáo bằng tiếng Anh, còn những tội phạm nói những thứ tiếng khác thì thỉnh thoảng nhà tù sẽ mời giảng viên có học hàm phó giáo sư trở lên ở trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh số 2 đến phiên dịch.
Video đang HOT
Ngoài giam giữ các quan chức cấp cao và tội phạm quốc tế, nhà tù Yến Thành cũng có nhưng tội phạm hình sự thông thường như tội cướp giật, lừa đảo, hiếp dâm…, phần nhiều là các tội phạm bị phạt tù chung thân hoặc tù dài hạn, trong đó có không ít các tội phạm ngoan cố không chịu cải tạo.
Nhà tù Yến Thành được chia làm hai khu: khu tội phạm hình sự thông thường và khu tội phạm nước ngoài cùng tội phạm quan chức. Các khu nhà giam giữ phạm nhân được xây dựng ở hai bên cổng nhà tù. Ở giữa là thảm cỏ xanh, được cắt tỉa rất gọn gàng.
Diện tích nhà tù tương đương với ba sân bóng đá. Nếu không nhìn thấy những bức tường cao bao quanh nhà tù thì mọi người sẽ tưởng mình đang ở một khu biệt thự ở ngoại ô thành phố. Các tòa nhà giam được sơn màu vàng, tạo cảm giác trang nghiêm và nhã nhặn.
Tội phạm hình sự thông thường được giam 6 người một phòng. Trong phòng có 3 chiếc giường tầng làm bằng gỗ, một chiếc bàn hình chữ nhật, hai chiếc ghế. Chăn gối đều được gấp ngay ngắn, mỗi người có hai chiếc tủ quần áo nhỏ. Nhà vệ sinh và khu tắm rửa đều ở trong phòng giam. Mỗi một phòng giam có một chiếc ti vi được treo trên tường.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên là mỗi phòng giam còn có cả bể cá vàng. Phía ngoài phòng giam có một phòng đọc sách, phạm nhân có thể đến đó đọc sách hoặc xem báo. Lao động chủ yếu của phạm nhân là may quần áo. Nhà ăn ở đây rất sạch sẽ. Trên tường có thông báo thực đơn trong 10 ngày. Bữa trưa và bữa tối gồm hai món mặn và một món canh. Đầu bếp đều là phạm nhân tự phục vụ.
Tội phạm quan chức bị giam giữ trong nhà tù Yến Thành thấp nhất là cán bộ cấp tỉnh, còn chủ yếu là giam giữ các quan chức giữ các chức vụ cấp Trung ương, ngoài ra cũng có một số quan chức địa phương, độ tuổi thường vào khoảng 40-50.
Phòng giam ở khu hạng sang này có 2 người một phòng, TV được đặt trên chiếc bàn đối diện với giường ngủ, giống như trong các khách sạn. Nhà vệ sinh và nhà tắm đều ở trong phòng, nhưng nhà vệ sinh được ngăn cách với phòng ngoài bằng tấm kính, đó là để đảm bảo cho người ở trong và người ở ngoài có thể quan sát lẫn nhau.
Ở phía bên ngoài gian phòng còn có ban công rộng khoảng 5-6 m2, có thể phơi quần áo hoặc tập thể dục. Bình thường vào buổi chiều, các phạm nhân này thường hay ra bên ngoài tập thể dục, như chạy bộ trên thảm cỏ hay tập các động tác nâng cao sức khỏe. Những phạm nhân này rất coi trọng việc rèn luyện thân thể, sáng nào họ cũng ra sân tập luyện.
Nơi đây đã từng giam giữ các nhân vật nổi tiếng như cựu cục trưởng cục thuế tỉnh Hà Bắc Lý Chân, và đạo diễn nổi tiếng của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc Triệu An…
Theo VNE
Bạc Hy Lai kháng án
Chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai hôm qua tuyên bố sẽ kháng cáo đối với án tù chung thân mà tòa tuyên.
Bạc Hy Lai tại tòa án Tế Nam hôm 22/9. Ảnh: AFP
"Ông ấy thông báo cho tòa án về yêu cầu kháng cáo sau khi bản án được tuyên",AFP dẫn lời một luật sư, yêu cầu được giấu tên và là người hiểu rõ vụ việc, cho biết.
"Theo luật pháp Trung Quốc, tòa án phải chấp nhận yêu cầu bằng miệng của ông ấy", nguồn tin trên nói, và bổ sung rằng cựu chính trị gia sẽ kháng lại "toàn bộ bản án".
Tòa án trung cấp nhân dân Tế Nam, tỉnh Sơn Đông hôm qua tuyên án ông Bạc tù chung thân, sau khi tổ chức phiên xét xử kéo dài 5 ngày hồi cuối tháng 8. Các công tố viên buộc tội ông Bạc nhận hối lộ và tham nhũng 20,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu USD).
Ông cũng bị buộc tội lạm quyền khi xử lý vụ việc vợ ông, bà Cốc Khai Lai, sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood và việc cấp dưới Vương Lập Quân tới Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô xin tị nạn.
Tuy nhiên, suốt thời gian diễn ra phiên tòa, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh đã luôn tỏ rõ tinh thần phản kháng mạnh mẽ, hiếm thấy trong các phiên xử ở Trung Quốc, khi các bị cáo thường nhận tội nhanh chóng.
Giáo sư luật đại Bắc Kinh, He Weifang cho biết, ông Bạc phải trình một bản kháng cáo bằng văn bản trước ngày 8/10. Thời hạn này đã được trì hoãn so với thông thường, do trùng với một kỳ nghỉ lễ quốc gia.
Tòa sẽ phải xem xét việc kháng án trong vòng hai tháng, ông He nói. Ông cho rằng việc ông Bạc kháng án không có gì là đáng ngạc nhiên, dù khả năng thành công là không cao.
Cựu thị trưởng Thượng Hải Trần Lương Vũ năm 2008 đã quyết định không kháng cáo đối với án tù 18 năm tội tham nhũng. Trong khi đó, đơn kháng án của thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng chống lại án tù 16 năm tội tham nhũng vào năm 1998 bị bác bỏ.
Anh Ngọc
Theo VNE
Bạc Hy Lai vẫn được yêu quý ở Trùng Khánh Dù Bạc Hy Lai bị kết tội tham nhũng và lạm quyền, nhiều người dân ở Trùng Khánh, thành phố 30 triệu dân nơi ông này từng làm bí thư, vẫn nhớ đến Bạc như một người làm cho cuộc sống của họ tốt lên. Phiên tòa xử Bạc Hy Lai thu hút hàng chục triệu người theo dõi. Với việc công khai...