Nhà trẻ nằm lọt thỏm giữa ‘khu đèn đỏ’ ở Amsterdam
Nằm kẹp giữa hai nhà thổ ở trung tâm Amsterdam là một ngôi trường mẫu giáo với 60 học sinh, bé nhỏ nhất mới ba tháng tuổi.
Cô Sally Fritzsche, quản lý của trường mẫu giáo Princess Juliana ở Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: BBC.
Đứng trong khuôn viên trường mẫu giáo Princess Juliana nằm giữa trung tâm Amsterdam, ta có thể nghe rõ tiếng rì rầm và cảm nhận những ánh nhìn hiếu kỳ của khách du lịch đi ngang qua đây. Họ không thể tin được vào mắt mình khi thấy một trường mẫu giáo nằm kẹp giữa hai nhà thổ lớn nhất nhì khu đèn đỏ, BBC đưa tin.
Cô Sally Fritzsche, quản lý của trường, không còn ngạc nhiên với những phản ứng kiểu này nữa. Một người đan ông từng mắng cô không tiếc lời khi đi ngang đúng lúc giáo viên đón học sinh vào trường. Hay lần khác, một hướng dẫn viên du lịch giả vờ như không biết và giới thiệu với nhóm khách nước ngoài rằng đây trường mẫu giáo dành cho con cái của phụ nữ hành nghề mại dâm ở Amsterdam.
Dù tọa lạc tại địa điểm “không địa lợi”, Princess Juliana là một trong những trường mầm non tốt nhất ở thủ đô của Hà Lan.
Princess Juliana, thành lập vào năm 1875, chuyển về phố Oudekerksplein, chỉ cách con kênh chạy xuyên “khu đèn đỏ” của Amsterdam vài bước chân, từ năm 1999. Nhà trường hiện nhận trông 60 học sinh, bé nhỏ nhất mới ba tháng tuổi và bé lớn nhất 4 tuổi. Các gia đình gửi con đến đây học có hoàn cảnh khá đa dạng, cư dân bản địa, người nhập cư không nói tiếng Hà Lan, lao động bình dân cho đến nghệ sĩ nổi tiếng.
‘Những người bình thường’
Với những giáo viên mới đến dạy ở Princess Juliana, việc khó khăn nhất là làm sao để quen với lộ trình đi làm hàng ngày.
“Tôi dạy ở đây 4 năm rồi mà mỗi khi đi qua những người phụ nữ (bán dâm), tôi vẫn phải nghĩ xem mình nên nhìn đi đâu cho đỡ ngại”, quản lý Sally Fritzsche tâm sự.
Cô Wilma Korff, lớn lên ở khu đèn đỏ và có 28 năm kinh nghiệm dạy học tại Princess Juliana, tin rằng địa điểm đặc biệt của trường thậm chí có ích cho bọn trẻ.
“Lũ trẻ lớn lên ở một nơi hơi chút khác biệt như thế này, chúng sẽ thấy những người phụ nữ này cũng chỉ là những con người bình thường mà thôi”, cô Korff rút ra nhận xét từ chính trải nghiệm của bản thân.
“Bọn trẻ học cách nhìn nhận về con người… Chúng không đánh giá hay thành kiến”, cô Fritzsche đồng ý.
Tuần nào, các cô giáo cũng đưa lũ trẻ, ngồi trong những chiếc nôi đủ màu sắc, đi dạo một vòng quanh khu vực lân cận. Và cuộc dạo chơi không chỉ khiến các bé thích thú mà còn khuấy động không khí trên phố, lôi kéo nhiều phụ huynh có con nhỏ tham gia cuộc dạo chơi.
‘Chiếc phanh hãm du lịch’
Video đang HOT
Khu “đèn đỏ” nằm trong trung tâm Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: BBC.
Các chuyên gia gọi trường mầm non Princess Juliana là “chiếc phanh hãm” làm chậm lại quá trình thành phố Amsterdam bị “Venice hóa”.
Hiện tượng được đặt theo tên thành phố Venice của Italy để chỉ bản sắc của một địa phương hoàn toàn thui chột do sự phát triển bùng nổ của ngành du lịch và người dân không thể duy trì cuộc sống bình thường do bệnh viện và trường học dần biến mất.
Tiến sĩ Jan van der Borg giảng dạy tại đại học KU Leuven ở Bỉ miêu tả hiện tượng “Venice hóa” là “văn hóa du lịch kiểu ‘độc canh’ bóp nghẹt các hoạt động xã hội”. Nghĩa là các cửa hàng bán đồ lưu niệm mọc lên, dần chiếm chỗ của những công trình tiện ích công cộng.
Ý thức được vấn đề, chính quyền Amsterdam hạn chế cấp phép kinh doanh cho các cửa hàng dịch vụ du lịch mới, tăng thuế doanh thu từ cho du khách thuê chỗ ở. Tuy nhiên, theo tiến sĩ van der Borg, đây không phải là cách làm hiệu quả, thay vào đó, thành phố nên “nuôi dưỡng” các trường học như Princess Juliana để “làm chậm lại hoặc ngăn chặn quá trình Venice hóa”.
Duy trì hoạt động của các trường học sẽ giúp níu chân người dân địa phương tiếp tục sinh sống ở các trung tâm du lịch như Amsterdam, theo chuyên gia.
“Tôi không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra với khu vực lân cận nếu trường của chúng tôi không hoạt động nữa”, cô quản lý Sally Fritzsche nói. “Phụ huynh sẽ gửi con cái họ ở đâu? Anh chỉ xây dựng được một khu dân cư có môi trường sống tốt nếu có hệ thống tiện ích công cộng tốt. Nếu hệ thống đó sụp đổ, khu dân cư đó cũng sẽ tan rã”.
Cô Sally Fritzsche kể mùa hè vừa qua, cô bị một du khách chặn giữa đường và hỏi “Cô đang làm gì với lũ trẻ ở đây vậy?”
“Chúng tôi phản ứng kiểu chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi thuộc về nơi này”, cô giáo nói.
Theo Danviet
Khát vọng của gái điếm ở thiên đường tình dục châu Âu
Được chia sẻ, được hòa nhập cộng đồng, là khát vọng của những cô gái điếm làm việc ở khu đèn đỏ Amsterdam, thiên đường tình dục châu Âu.
Một cô gái điếm nhìn ra cửa sổ có một người đàn ông đi qua ở De Waleen, Amsterdam. Ảnh: Humanityhouse
Mỗi tháng, hàng nghìn người tìm đến De Waleen, khu đèn đỏ ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan, nơi mệnh danh là thiên đường tình dục châu Âu. Khu phố kết nối bởi các lối đi hẹp, cầu nhỏ, và các kênh rạch. Du khách lang thang qua các quán cà phê, trong lúc những cô gái bán dâm đứng sau cửa sổ, nhìn ra phố, theo CNN.
Đây là nơi Toos Heemskerk-Schep bắt đầu sự nghiệp nhân viên xã hội, và lần đầu tiên tiếp xúc với nạn buôn bán người. Bà hiện là chủ tịch Not for Sale chi nhánh Hà Lan, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, chuyên giúp đỡ nạn nhân của chế độ nô lệ và bị bóc lột.
Kể từ khi Amsterdam hợp pháp hóa mại dâm năm 2000, thành phố đã cân bằng được tinh thần của chủ nghĩa tự do khi cho phép bán dâm công khai, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho người bán dâm hoạt động và hạn chế tội phạm.
Việc chỉnh trang đô thị đã gây tác động tốt. Bất động sản Amsterdam giờ là cục nam châm thu hút các nhà đầu tư. Số người hành nghề mại dâm ít dần. Tuy nhiên, trước khi hợp pháp hóa mại dâm, nơi đây từng rất tồi tệ, Heemskerk-Schep cho biết.
"Khi tôi bắt đầu sự nghiệp ở đây năm 1995, nơi này đầy gái mại dâm", Heemskerk-Schep nói. "Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng nổi lại có một nơi như thế này".
Quá khứ
Bà chỉ tay vào một dãy phố gần Nhà thờ cổ và nói:
"Chỗ đó đầy các cô gái Nigeria, tới từ bang Edo, miền nam đất nước. Họ phải è cổ trả 40.000 USD nợ bọn buôn người. Sau khi Bức màn sắt mở cửa, phụ nữ Đông Âu di cư vào Hà Lan tăng vọt. Chúng tôi thường trò chuyện với họ và tôi bắt đầu tìm hiểu hoàn cảnh của họ".
Heemskerk-Schep tiếp tục chỉ tay sang một con phố lân cận.
"Con đường phía sau tôi từng là nơi gái điếm Hungary hành nghề. Họ tiếp cận tôi, chia sẻ với tôi việc bị buôn bán hay lạm dụng. Khi họ được cảnh sát cứu ra và đưa tới nhà an toàn, tôi tự hỏi, việc tiếp theo là gì? Làm thế nào để họ xây dựng lại tương lai lần nữa? Làm thế nào để họ học được kỹ năng tái hòa nhập xã hội?"
Heemskerk-Schep thất vọng và muốn giúp đỡ các cô gái điếm nhiều hơn chức trách của một nhân viên xã hội. Bà quyết định hợp tác với Quỹ Not for Sale. Họ lên ý tưởng mở một quán ăn thu lời, nơi những nạn nhân của bọn buôn người sẽ được đào tạo, cấp chứng chỉ và làm việc cùng chuyên gia.
Sau 4 năm lập kế hoạch, nhà hàng Dignita khai trương năm 2015 với phương châm: "Nấu giỏi, ăn ngon".
Heemskerk-Schep giới thiệu về nhà hàng Dignita. Ảnh: CNN
Nhà hàng xây dựng được một lượng khách hàng thân thiết, cung cấp thu nhập ổn định để giúp đỡ các cô gái điếm. Tới nay, khoảng 162 học viên đã tham gia khóa học nấu ăn.
Học viên tốt nghiệp không chỉ được cấp giấy chứng nhận, mà còn được tương tác với xã hội bình thường trong môi trường an toàn, giúp nạn nhân vượt qua được chấn thương tâm lý trong quá khứ, Heemskerk-Schep nói.
"Chỉ dạy nghề thôi không đủ", bà nói. "Khiến họ hòa nhập với cộng đồng ở đây là điều vô cùng quan trọng".
Hana là một trong số những học viên đã thành công. Cô gái trẻ đến từ Bắc Phi rất thích môi trường mới và thường xuyên pha trò với nhân viên ở đây. Trước khi tham gia đào tạo ở nhà hàng, hoàn cảnh của Hana khác hẳn.
Lúc mới tới Hà Lan, Hana phải làm người giúp việc và thường xuyên bị lạm dụng. Cô vừa khóc vừa nói nhà hàng Dignita đã cứu rỗi đời mình.
"Khi tôi chuyển tới nhà an toàn của chính phủ, mọi việc rất khó khăn", Hana nhớ lại. "Tôi luôn muốn tự sát, bản thân luôn cảm thấy trong người không chút sức lực".
"Lúc đó, tôi được hỏi có muốn học nghề không. Tôi không biết Not for sale dạy cái gì, nhưng vẫn quyết định tới xem thử".
"Sau khi xem thử, tôi thấy rất vui và tiếp tục quay lại. Tôi luôn hạnh phúc mỗi khi nấu nướng. Tôi cảm thấy mình như một bông hoa thiếu nước, nhưng khi bắt đầu học khóa đào tạo, tôi lại cảm thấy mình tràn trề năng lượng".
Khóa đào tạo đã giúp Hana tự tin và bây giờ, cô ước mơ trở thành đầu bếp.
Đứng dậy
Một trong những món đầu tiên học viên được dạy là nấu súp. Hai tuần một lần, súp sẽ được chuyển bằng xe đạp từ nhà hàng tới các quầy bán hàng của Dignita và trung tâm thông tin trong khu đèn đỏ. Từ đây, tình nguyện viên sẽ đem hàng giao cho những người bán dâm đã đặt trước.
"Món súp hay bất kỳ việc gì chúng tôi đang làm đều nhằm tạo cơ hội tiếp xúc với họ, tạo mối quan hệ thân cận để tìm hiểu hoàn cảnh họ",Heemskerk-Schep nói.
"Hiện tôi biết được có ba cô gái ở đằng sau những cánh cửa đèn mờ kia bị lạm dụng, buộc phải bán dâm. Mặc dù chúng ta đã có hệ thống pháp lý, nhưng nó không có nghĩa là bọn tội phạm đã chấm dứt hoạt động trong ngành này".
"Vẫn còn đó nhiều thiếu nữ bị lạm dụng, mà chúng tôi muốn được giúp đỡ và lên tiếng bênh vực họ".
Học viên là nạn nhân của bọn buôn người học nấu ăn trong nhà hàng. Ảnh: CNN
Heemskerk-Schep muốn mở rộng mô hình của Dignita ra ngoài Amsterdam để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những người như Hana.
"Nếu có ai đó chìa tay ra và nói 'hãy đến đây với tôi và đứng dậy', bạn nên nghe theo", Hana nói. "Not for sale đã chìa tay ra cho tôi, còn tôi thì tin tưởng làm theo họ. Khi đó, tôi không đủ sức nhưng vẫn cố gắng. Bây giờ tôi không còn phải nằm liệt giường nữa. Hãy đứng dậy. Cảm giác này thật tuyệt".
Hồng Hạnh
Theo VNE
Nhật Bản: Cánh máy bay rơi trúng ô tô gây hư hại nặng Không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Nhật Bản, cánh của một máy bay thuộc hãng hàng không Hà Lan KLM Royal Dutch Airlines đã bị gãy và rơi trúng một ô tô khiến xe này bị hư hỏng nặng. Chiếc máy bay bị gãy cánh (Ảnh: AFP) Vụ việc xảy ra hôm 23/9 tại sân bay quốc tế Kansai ở...