Nhà Trắng: ‘Lẽ ra nên có quan chức cấp cao hơn tuần hành ở Paris’
Mỹ hôm qua thừa nhận lẽ ra Nhà Trắng nên cử “một quan chức cấp cao hơn” tham dự vào cuộc tuần hành ở Paris, nơi có hơn 40 lãnh đạo thế giới cùng biểu thị tình đoàn kết và phản đối chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và 44 lãnh đạo nước ngoài tham dự cuộc tuần hành tại Paris. Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama rất muốn tham dự sự kiện trên nhưng công tác an ninh cho mỗi chuyến thăm của ông rất “nặng nề và phức tạp”. Nhà Trắng chỉ nhận được thông báo trước 36 tiếng và khoảng thời gian này là không đủ để chuẩn bị.
“Tuy nhiên, công bằng mà nói, lẽ ra chúng tôi nên cử một người có chức vụ cao hơn”, BBC dẫn lời ông Earnest nói thêm.
Cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử Pháp diễn ra ở thủ đô Paris cùng nhiều thành phố khác hôm 11/1, thu hút hơn 3 triệu người. Hơn 40 lãnh đạo các nước, trong đó có Anh, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palestines đã cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande nắm tay biểu thị tình đoàn kết và tưởng nhớ 17 nạn nhân thiệt mạng trong những vụ tấn công ở Paris tuần trước.
Quan chức Mỹ cao nhất có mặt ở sự kiện là đại sứ tại Pháp Jane Hartley. Các nhà bình luận trên giới truyền thông Mỹ đặt câu hỏi tại sao ông Obama lại không tham dự, hay ít nhất là cử một quan chức cấp cao như phó tổng thống Joe Biden hoặc Ngoại trưởng John Kerry thay mặt ông.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Eric Holder có cuộc họp với các quan chức an ninh châu Âu ở Paris để thảo luận về cách thức ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhưng cũng không có mặt ở cuộc tuần hành.
Video đang HOT
Trang bìa của tờ New York Daily News với hình ảnh về cuộc tuần hành tại Paris và 4 quan chức cấp cao của Mỹ. Tờ báo viết: “Không ai trong những người này có mặt. Các ông khiến thế giới thất vọng”. Ảnh: Telegraph
Phát biểu với các phóng viên khi đang trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Kerry cho hay ông sẽ thăm Pháp để tái khẳng định mối quan hệ gắn bó với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ.
Là một người nói tiếng Pháp lưu loát, ông Kerry đã đến Pháp 17 lần kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng. Kerry cho biết cả ông lẫn ông Obama đều hợp tác chặt chẽ với giới chức Pháp kể từ vụ tấn công đầu tiên và hỗ trợ về mặt tình báo.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng mối quan hệ với Pháp không phải chỉ trong một ngày hay một thời điểm nhất định”, ông nói. “Nó là một mối quan hệ lâu dài đang tiếp diễn, dựa trên những giá trị chung và nhất là cam kết chung về tự do ngôn luận”.
Ông Kerry dự kiến đến Paris vào cuối tuần này. Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan ở Washington vào tháng tới.
Anh Ngọc
Theo VNE
Obama bị chỉ trích vì không tham dự tuần hành chống khủng bố ở Pháp
Sự vắng mặt của Tổng thống Barack Obama và các quan chức cấp cao của Mỹ trong cuộc tuần hành khổng lồ ở Pháp hôm qua làm dấy lên nhiều câu hỏi trên giới truyền thông.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và 44 lãnh đạo nước ngoài tham dự cuộc tuần hành hôm qua tại Paris. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Francois Hollande và 44 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Đức, Italy, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Israel, hôm qua dẫn đầu gần 4 triệu người tuần hành tại Paris.
Cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử Pháp nhằm tưởng nhớ 17 nạn nhân, trong đó có các nhà báo, cảnh sát và dân thường, đã thiệt mạng trong những vụ tấn công và bắt cóc con tin ở thủ đô Pháp tuần trước.
Đại diện của Mỹ tại sự kiện này là đại sứ Jane Hartley. Các nhà bình luận trên giới truyền thông Mỹ đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Obama lại không tham dự, hay ít nhất là cử một quan chức chính quyền cấp cao như phó tổng thống Joe Biden hoặc Ngoại trưởng John Kerry thay mặt ông.
Ông Kerry đang trong chuyến thăm Ấn Độ đã được lên kế hoạch trước. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Eric Holder hôm qua có cuộc họp với các quan chức an ninh châu Âu ở Paris để thảo luận về cách thức ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhưng cũng không tham gia cuộc tuần hành.
CNN đã nêu ra vấn đề này trong chương trình tin tức của mình. Fareed Zakaria, người dẫn một chương trình về các vấn đề công chúng trên kênh này, cho rằng sự vắng mặt của các quan chức cấp cao Mỹ là một sai sót.
Người dẫn chương trình của kênh Fox News, Greta Van Susteren, viết trên Twitter: "Thật xấu hổ. Tổng thống Obama đâu rồi? Tại sao ông ấy không đến đó?".
"Thật đáng buồn khi gần 50 lãnh đạo thế giới biểu thị tình đoàn kết ở Paris nhưng Tổng thống Obama lại từ chối tham gia", Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ, người từng tranh cử ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2012, nói.
Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng nào trước các bình luận trên. Tuy nhiên, ông Obama hôm 9/1 cam kết Mỹ ủng hộ Pháp. "Tôi muốn nhân dân Pháp biết rằng nước Mỹ đứng cạnh các bạn ngày hôm nay và cả ngày mai", ông nói.
Nhà Trắng hôm qua cho hay tổng thống Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị an ninh toàn cầu tại Washington vào tháng sau để thảo luận về những nỗ lực trong nước lẫn quốc tế nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Trong khi đó, tại Pháp, việc ông Obama không có mặt tại cuộc tuần hành dường như không gây nhiều chú ý. Một nhà bình luận trên kênh One French TV nói rằng sự hiện diện của Obama sẽ dẫn đến một cấp độ an ninh không tưởng.
Các kênh tin tức Pháp cũng đăng tải những phát biểu bày tỏ tình đoàn kết của Obama với quốc gia đồng minh, cùng các phát biểu của ông Kerry lên án các vụ tấn công vào tuần trước.
Anh Ngọc
Theo VNE
Gần 4 triệu người tham gia tuần hành lớn nhất lịch sử Pháp Gần 4 triệu người hôm qua tham gia cuộc tuần hành khổng lồ ở Pháp nhằm vinh danh các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố, vượt xa ước tính ban đầu. Gần 4 triệu người tham gia tuần hành ở Pháp hôm qua. Ảnh: AP Riêng tại Paris có từ 1,2 đến 1,6 triệu người tham gia cuộc...