“Nhà tổ chim” ở Sin Suối Hồ – Điểm nhấn thu hút khách du lịch
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh hữu tình – nơi đây đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Đến với Sin Suối Hồ du khách không chỉ được ngắm địa lan, tham quan thác trái tim, đi chợ phiên hay trải nghiệm săn mây trên đỉnh núi… mà còn được đến tham quan và nghỉ lại trong những “Nhà tổ chim” độc đáo, mới lạ, chỉ có duy nhất ở Sin Suối Hồ, Lai Châu. Những “Nhà tổ chim” này vừa giúp con người gần gũi, hòa mình cùng thiên nhiên, vừa tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Sau đây là một số hình ảnh về những “Nhà tổ chim” ở bản Sin Suối Hồ đang hút khách du lịch hiện nay:
Sin Suối Hồ là bản tựa lưng vào núi, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, người dân đã làm “Nhà tổ chim” nhỏ xinh ngay trong bản. Vào buổi chiều tà những “Nhà tổ chim” đẹp như một bức họa giữa núi rừng.
Về đêm những “Nhà tổ chim” đẹp lung linh dưới ánh điện.
Đến đây du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên đến lạ khi màn đêm bắt đầu buông xuống.
Những “Nhà tổ chim” được đặt theo tên của các loài chim với những bậc cầu thang lên xuống độc đáo, làm cho du khách thấy được cuộc sống mộc mạc, giản dị nhưng rất nên thơ của người dân nơi đây.
Video đang HOT
Những “Nhà tổ chim” được người dân làm gần nhau để tạo sự ấm cúng.
Nằm giữa những tán lá, “Nhà tổ chim” như một căn phòng thu nhỏ với diện tích khoảng 7m2 có chỗ sinh hoạt cá nhân đầy đủ, tiện lợi, có bình nóng lạnh và có wifi riêng. Nhà được dựng vững chắc, có hệ thống cửa sổ và cửa ra vào đảm bảo an toàn cho khách khi ở lại. Xung quanh các “Nhà tổ chim” được trang trí bằng những chậu địa lan do chính người dân trong bản trồng.
Con đường làm bằng đá quanh co, uốn lượn dẫn đến “Nhà tổ chim” tạo nên nét vẽ mềm mại.
“Nhà tổ chim” được làm trên cây, du khách sẽ dễ dàng ngắm bình minh mỗi khi thức giấc.
Những “Nhà tổ chim” hiện đang thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ lại. Du khách khi đến với bản Sin Suối Hồ đều có cảm nhận nơi đây phong cảnh đẹp hữu tình, bản như một bức họa của thiên nhiên giữa núi rừng. Đặc biệt, những “Nhà tổ chim” này đã tạo cho du khách cảm giác thỏa mái, trải nghiệm mới lạ và là điểm check in thu hút giới trẻ hiện nay. Khi đến với Sin Suối Hồ, du khách sẽ thấy cuộc sống của con người gần gũi với thiên nhiên hơn và được “Tiếp thêm năng lượng” sau những ngày việc, lao động căng thẳng.
Xa Sin Suối Hồ, nhớ những đôi chân thông vải
Sin Suối Hồ như một thiên đường thu nhỏ bởi những con người hồn hậu cùng nét văn hóa truyền thống độc đáo của người H'Mông
Trong chuyến famtrip kích cầu du lịch nội địa dành cho khu vực Tây Bắc vừa diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, các điểm đến trải dài trên cung đường quanh co, đẹp như tranh thì Sin Suối Hồ lưu lại trong tim mọi người bởi nét mộc mạc, chân phương cùng những dấu ấn rất riêng.
Có lịch sử khoảng 300 năm, đây là một bản nhỏ chỉ với 702 cư dân của người H'Mông (tộc Mông Hoa), an vị thảnh thơi trên rặng Sơn Bạc Mây có độ cao khoảng 1.400 m thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Lúc chia tay vùng đất Suối có vàng, điều ghi sâu trong tim tôi chính là những đôi chân thông vải của phụ nữ Sin Suối Hồ làm việc thường nhật, đó là dệt lanh và thêu hoa văn lên váy.
Thông vải là gì?
Qua trò chuyện cùng Sú - cô gái được cả bản tiến cử làm đại diện truyền thông Sin Suối Hồ - cho biết thông vải là một trong những khâu để làm ra những chiếc váy H'Mông đầy màu sắc hoặc tạo thành những mảnh vải thêu trang trí trong nhà như khăn trải bàn, rèm hay túi đeo và cả khăn địu con.
So với các bản làng khác, cư dân Sin Suối Hồ vẫn gìn giữ việc may thêu trang phục truyền thống với nguyên liệu từ cây lanh.
Cây lanh trồng khoảng 4 tháng là tới mùa thu hoạch. Đem lanh về nhà, các phụ nữ phải bỏ công đập thân cây, tước vỏ lấy sợi để làm chỉ. Chỉ sau đó đem se thành cuộn rồi dệt thành vải thô. Vải lanh sẽ được nhuộm màu với nguyên liệu là các loại lá hoặc vỏ cây vải có màu sắc theo ý muốn.
Phụ nữ Sin Suối Hồ đang thông vải
Vải đã nhuộm xong nhưng muốn thêu hoa văn hay vẽ sáp ong thì bắt buộc phải trải qua một khâu quan trọng. Đó là thông vải,
Sú nói: Vải lanh khi dệt xong do nguyên liệu sợi chỉ từ thân cây nên sẽ không mướt mặt, khi đem thêu sẽ rất khó nhận rõ sớ để thêu cho đúng vị trí. Vì thế, ở Sin Suối Hồ, các phụ nữ dùng một trụ gỗ to khoảng 5 tấc và tròn nhẵn để thực hiện việc thông vải.
Để thông vải được thuận tiện, người ta dùng cuộn vải trải lên mặt con lăn gỗ rồi để lên đó một tấm đá hình chữ nhật có chiều dài khoảng 6 tấc, ngang hơn 2 tấc. Qua quan sát, tôi thấy tấm đá này có màu đen tuyền, mặt đá rất mịn và phẳng, sờ vào mát lạnh.
Đặt tấm đá lên trụ gỗ có hình con lăn với tấm vải đang nằm ở giữa. Giống như một nghệ sĩ xiếc đang trình diễn, người phụ nữ đứng trên tấm đá, vịn tay vào một thanh ngang để lấy đà và giữ thăng bằng rồi cứ thế dùng chân lăn qua lăn lại. Khi cảm nhận mặt vải bóng lên, họ tiếp tục xê dịch cuộn vải và làm việc cho đến khi hoàn tất.
Vải được thông xong sẽ được chuyển qua khâu thêu thùa, trang trí các hoa văn đặc trưng của dân tộc H'Mông rồi dùng để may váy, áo.
Từng đến Hợp tác xã Lanh Lùng Tám ở Hà Giang để xem nghề dệt lanh, đến Sơn La xem nhuộm vải, đến Hòa Bình xem các cô gái dân tộc thêu thùa... nhưng việc thông vải của các bản dường như không xuất hiện trong mắt du khách. Không biết do chất liệu vải có thay đổi (vải công nghiệp) hay người đồng bào mình đã biết cách dùng máy ép nóng vải cho mướt bóng? Dù lý do gì đi nữa thì những đôi chân thông vải cần mẫn ở Sin Suối Hồ thật sự khiến tôi lưu luyến.
Làm du lịch bằng trái tim
Nếu bạn có duyên đến thăm Sin Suối Hồ, ngôi bản nhỏ này dường như mang một cảm giác là lạ, bởi ngoài việc gìn giữ những nét phong tục đậm đặc văn hóa H'Mông, đi kèm đó là câu chuyện cam kết sống lành mạnh, an vui của bản. Họ cam kết sống theo tiêu chí 4 điều không được phạm: Không uống rượu; không cờ bạc; không chích hút ma túy, dùng chất cấm; không quan hệ tình ái lăng nhăng, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
Đặc biệt, khi Lai Châu phát triển du lịch, qua nhiều khảo sát, UBND tỉnh đã thống nhất chọn Sin Suối Hồ là điểm đến văn hóa du lịch cộng đồng. Bởi qua sự lãnh đạo của 2 nhân tài của bản là anh Vàng A Chỉnh (trưởng bản) và anh Hảng A Xà.
Dân bản Sin Suối Hồ chào du khách bằng những ly nước thảo quả pha mật ong rừng
Gọi cả hai là nhân tài không ngoa khi tận tai nghe câu chuyện của họ. Năm 1995, khi mới 20 tuổi, 2 chàng trai trẻ đã dẫn dắt dân bản vượt qua sự cám dỗ chết người của thuốc phiện. Sau đó, họ lại nghiên cứu, dạy cả bản cách nuôi trồng địa lan, thảo quả phơi khô để làm nguồn kinh tế chính.
Sau 25 năm miệt mài, người dân của Sin Suối Hồ đã đi qua những gian khó nhất, tự thắng chính mình và "hô biến" bản làng nghèo nàn này trở thành một điểm đến xinh xắn, làm nao lòng mọi du khách bởi phương châm: "Sin Suối Hồ làm du lịch không hướng theo mục đích kinh doanh mà đây là nơi tiếp đón, mời du khách trải nghiệm văn hóa H'Mông với sự chân thành từ trái tim".
Lai Châu: Du lịch nông thôn - hướng phát triển đầy tiềm năng Phát triển du lịch nông thôn không chỉ góp phần bảo tồn các di sản thiên nhiên, văn hóa, giữ gìn môi trường, mà còn tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Là tỉnh miền núi biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, Lai Châu đang sở...