Nhà tình báo và cuộc chiến chống ma túy
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (phải) tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Ảnh: CHÍ TÙNG
Đất nước thống nhất gần 40 năm, thành quả ấy được kết tinh từ sự hy sinh xương máu của hàng triệu người con nước Việt, trong đó có sự đóng góp, cống hiến của không ít nhà tình báo.
Bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng như Trần Quốc Hương, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức,… còn có sự đóng góp không nhỏ của cụm điệp báo A10 thuộc Cơ quan an ninh T4 và vô vàn các nhà tình báo còn ẩn danh khác. Tôi đã đi tìm một nhà tình báo – bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, nguyên Cụm phó Cụm điệp báo A10 – người được chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam Trần Quốc Hương trực tiếp quản lý để xem cuộc đời ông hiện ra sao. Và cuộc tìm kiếm đã đưa tôi đến… trại cai nghiện – nơi ông đang ngày đêm cứu những con người sa ngã, bất hạnh.
Sau chiến tranh, rất nhiều tài liệu cả trong nước và nước ngoài đã viết về Cơ quan an ninh T4 và Cụm điệp báo A10, nhưng tất cả đều có nhận xét: Dường như không có một tổ chức tình báo nào trên thế giới hoạt động đặc biệt như cụm điệp báo A10, bởi họ không được hướng dẫn, trang bị bất kỳ một thứ máy móc thiết bị gì mà họ chỉ là những học sinh, sinh viên yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Họ chỉ nhận định hướng chung từ thủ trưởng trực tiếp rồi tự quyết định hành động sao cho đạt hiệu quả cao nhất và không để bị lộ, bị bắt.
Quá khứ hào hùng…
Với cuộc đời của Nguyễn Hữu Khánh Duy có thể tóm tắt như sau: Sinh năm 1947 tại Nghệ An, năm 1966, ông thi đỗ Đại học Y Sài Gòn và bắt đầu hoạt động trong phong trào sinh viên. Năm 1968, tham gia phong trào cách mạng, bằng việc giúp đỡ những chiến sĩ cách mạng tại các bệnh viện sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Năm 1971, ông được đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) – chỉ huy mạng lưới an ninh T4 – bố trí về công tác tại Ban An ninh vũ trang Sài Gòn, Gia Định với bí danh Năm Quang. Sau đó, Ban An ninh T4 thành lập cụm tình báo A10 với nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, để làm công tác phản gián, thu thập tin tức liên quan đến ý đồ của địch, nhằm kịp thời tham mưu cho các cấp chỉ đạo để tấn công địch.
Để tạo vỏ bọc hoạt động, Nguyễn Hữu Khánh Duy đã được đồng chí Mười Hương chỉ đạo gia nhập đội ngũ ngụy quân và ông đã từng đeo hàm đại úy, bác sĩ trưởng quân y của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ ngụy quân Sài Gòn. Trong quá trình hoạt động, Nguyễn Hữu Khánh Duy đã xây dựng được các cơ sở tình báo lẫy lừng như Huỳnh Bá Thành (Ba Trung, họa sĩ Ớt) lúc đó là Giám đốc kỹ thuật báo Điện tín – Cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Dương Văn Minh – để sử dụng báo Điện tín vào mục đích phân rã tư tưởng hàng ngũ địch, hướng dẫn dư luận theo hướng có lợi cho cách mạng và điều quan trọng nhất là góp phần vào việc gây áp lực buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Dương Văn Minh đầu hàng vào ngày 30.4.1975. Nguyễn Hữu Khánh Duy còn xây dựng được các cơ sở như đồng chí Huỳnh Huề (Ba Hoàng) – nguyên sinh viên Đại học Khoa học, hiện nay là Thiếu tướng Tổng cục An ninh – Bộ Công An, Anh hùng lực lượng vũ trang (2010), kỹ sư Ngô Văn Dũng (Ba Hùng) lúc đó công tác tại Cơ quan phát triển kinh tế quốc gia và hàng chục cơ sở trọng yếu khác…
Video đang HOT
Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, các trận đánh kết thúc cuộc chiến bao giờ cũng để lại cảnh hoang tàn hủy diệt, nhất là khi trận đánh cuối cùng diễn ra ở các thành phố lớn. Sự chống cự giãy chết luôn thảm khốc và quyết liệt. Thế nhưng công cuộc giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh đã không diễn ra như vậy. Lý giải về điều này, CIA cho rằng “trùm tình báo” Mười Hương đã tiên liệu và góp phần chuẩn bị “hậu sự” cho VNCH từ trước năm 1972 để khi giải phóng Sài Gòn không có đổ máu và thành phố còn nguyên vẹn. Nói về vấn đề này, ông Mười Hương khẳng định: “Cụm điệp báo A10 ngoài những chiến công làm lũng đoạn chính trường VNCH, xoay chuyển dư luận báo chí quốc tế có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng và kêu gọi binh lính VNCH buông súng… còn có rất nhiều điệp vụ hoàn hảo khác cần được lịch sử ghi nhận. Ví như năm 1973, T4 chỉ đạo A10 đưa điệp viên của ta vào làm việc trong một cơ sở vệ tinh của CIA có trụ sở trong sân bay Tân Sơn Nhất. Cụm phó Năm Quang (bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy) và cụm phó Ba Hoàng (Thiếu tướng Huỳnh Huề) đã tuyển dụng 3 sinh viên vừa tốt nghiệp kỹ sư điện, điện tử loại giỏi ở Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn đưa vào mạng lưới của mình. Để đưa được người lọt vào cơ sở của địch phải qua được “máy nói dối” của CIA, Năm Quang phỏng đoán, máy đó có thể là một loại máy đo điện não đồ và điện tâm đồ. Thế là, Năm Quang đề nghị trước khi thi tuyển, 3 điệp viên chỉ nên ăn chơi và không giao tiếp với tổ chức một thời gian dài nhằm xếp bỏ mọi “tư tưởng cách mạng” trong tư duy. Cuối cùng, họ vượt qua được cuộc thi tuyển và vào làm chuyên viên chính thức. Từ đó, những thông tin tình báo tối mật của CIA đều có trên bàn làm việc của các vị lãnh đạo An ninh T4. “Chính A10 mà trực tiếp là Huỳnh Bá Thành và một số điệp báo khác đã tiếp cận, tạo lòng tin và có sự tác động trực tiếp để Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, tránh một cuộc đổ máu vô ích” – ông Mười Hương cho biết.
Cứu những con người bất hạnh
Với một quá khứ hào hùng như vậy, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy tiếp tục phục vụ trong lực lượng công an nhân dân và về hưu với cương vị bệnh xá trưởng của trại tạm giam Chí Hòa. Nhiều người dễ nghĩ rằng khi đã được nhà nước tưởng thưởng công trạng, ông sẽ an nhàn hưởng tuổi già. Nhưng cuộc đời ông lại bắt đầu một cuộc chiến mới với đầy gian nan – cuộc chiến với ma túy. “Con đường nào để đưa một nhà tình báo đến trại cai nghiện?”‘- tôi hỏi? Ông già Khánh Duy tóc bạc như cước, hiền từ nói: “Khi còn là cụm phó điệp báo A10 dưới vỏ bọc bác sĩ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau giải phóng lại làm việc tại trại tạm giam Chí Hòa và nhất là khi làm hội thẩm tại TAND TP.Hồ Chí Minh, chú đã tiếp xúc với rất nhiều đối tượng nghiện ma túy, chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của ma túy đối với con người. Có thể nói ma túy đã tàn phá sức khỏe, băng hoại đạo đức, biến dạng nhân cách để lại hậu quả vô cùng nặng nề, không những đối với bản thân người nghiện mà còn ảnh hưởng tới gia đình người nghiện và xã hội. Với kiến thức về ngành y, chú thấy mình cần phải có trách nhiệm làm một việc gì đó để cứu những con người này”.
Nghĩ là làm, về hưu, ông cùng những người bạn cựu binh quyết định lập Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa – trung tâm cai nghiện ma túy đầu tiên trong cả nước không sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Những người lính già không có tiền, họ phải lấy sổ đỏ làm vật thế chấp để xây dựng trung tâm. Thời gian đầu, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với niềm tin mãnh liệt, sự uyển chuyển của một nhà tình báo lão luyện và được sự ủng hộ lớn của UBND TP.Hồ Chí Minh, ông khẳng định quyết tâm của mình: “Không thể để ma túy hủy hoại giống nòi dân tộc, trên mặt trận này, người chiến sĩ phải có tấm lòng nhân ái thì mới có thể chiến thắng”. Ông bảo: “Những người nghiện ma túy, họ còn trẻ, nếu bỏ mặc, họ sẽ trượt mãi, vì vậy cần phải chiến đấu để đưa họ về với cuộc sống đời thường và có ích”.
Dẫn tôi đi tham quan một lượt khu điều trị bệnh nhân nghiện ma túy, sạch đẹp như bệnh viện, học viên gắn bó với bác sĩ như những người thân trong gia đình, ông bảo: “Mỗi năm có gần 1.000 học viên được cai nghiện tại đây, mỗi người nghiện đều có phác đồ điều trị riêng và được Bộ Y tế kiểm duyệt. Với tôi bây giờ, hạnh phúc lớn nhất là được nhìn những học viên, những đứa con của mình bước ra khỏi trung tâm với dáng vẻ của một con người hoàn toàn bình thường”. Như ngọn nến cháy đến giọt cuối cùng, những năm tháng tuổi già, nhà tình báo – bác sĩ Khánh Duy đã dành trọn tâm huyết cho công việc cai nghiện. Ông không chỉ tạo dựng một mái ấm thân thương cho những con người lầm lỡ, giành giật họ từ tử thần ma túy để trả về cho gia đình, cho xã hội mà còn tiếp tục nghiên cứu, tham gia các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế để tìm ra các biện pháp cai nghiện tốt nhất. Với tấm lòng như vậy, ông đã được tặng thưởng hàng trăm danh hiệu các loại.
Chia tay, ông bảo: “Làm tình báo thời chống Mỹ cũng là vì con người, cai nghiện ma túy cũng là vì con người, quỹ thời gian của tôi còn ít quá mà công việc thì nhiều, tôi mong chờ một người trẻ có đủ tâm huyết, lòng nhân ái và hiểu rõ về việc cai nghiện ma túy để có thể tiếp nối con đường mà tôi đang đi”.
Theo laodong
Chùm ảnh các loại bom mìn từng tàn phá Việt Nam
Trong chiến tranh, mảnh đất hình chữ S đã hứng chịu hơn 800.000 tấn bom mìn các loại. Rất nhiều trong số đó đến nay vẫn ẩn mình trong lòng đất và còn nguyên tính sát thương. Hậu quả chiến tranh vẫn rình rập ở nhiều nơi.
Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm hàng triệu héc-ta đất đai và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất độc hại có trong bom mìn.
Đế quốc Mỹ đã dùng bom Napan trong cuộc thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) năm 1968
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ sau chiến tranh đã có tới hơn 100.000 người chết và bị thương do bom mìn sót lại phát nổ, trong đó đa phần là trẻ em và người lao động chính trong gia đình.
Cơ quan thường trực - Ban chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cho hay, lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh quá lớn, với tiến độ rà phá bom mìn như hiện nay thì phải mất 300 năm nữa mới giải quyết được hết bom mìn để lại sau chiến tranh. Nếu đẩy mạnh tiến độ và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thời gian dự kiến được rút lại còn khoảng 100 năm và nhanh là 70 năm nữa.
Hướng tới ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4), mời độc giả cùng xem lại một số hình ảnh về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh Việt Nam đã được rà phá và trưng bày tại Bảo tàng Công binh, do PV Dân trí ghi lại :
Đuôi bom MK 81, 82
Và rất nhiều loại bom đạn khác mà quân đội nước ngoài đã sử dụng để
bắn phá Việt Nam trong những năm chiến tranh khốc liệt
Theo Dantri
Tiếng kêu cứu từ rừng xanh! Đầu tháng 3, chúng tôi theo chân người dân bản địa xã Mà Cooih (Đông Giang, Quảng Nam), lên đường đi thăm hàng ngàn bẫy thú rừng chứng kiến một khu rừng pơ mu quý hiếm đã bị lâm tặc tàn phá quá nặng nề... Hàng ngàn bẫy thú giăng kín rừng Người dẫn đường cho chúng tôi là ông A Lăng M....