Nhà thờ xương ở Séc cấm chụp ảnh selfie vì sợ sọ người bị cưỡng hôn
Nhà thờ được trang trí bằng xương, sọ người Sedlec Ossuary ở thành phố Kutná Hora của Cộng hòa Séc đã trở thành điểm tham quan và chụp ảnh lý tưởng vì thiết kế độc đáo của nó.
Gần 60.000 bộ xương người được dùng làm vật trang trí cho nhà thờ. Điểm nhấn của nó là chiếc đèn chùm bằng xương và sọ rất lớn đặt ngay chính giữa nhà thờ.
Thiết kế phi truyền thống và rợn tóc gáy của nhà thờ đã kéo du khách đến với thị trấn “ngủ yên” ở vùng nông thôn nước Séc. Tuy nhiên, dòng người đổ về cũng đem theo những yếu tố lợi bất cập hại.
Radka Krejí, Giám đốc Giáo xứ Sedlec, nói với truyền thông rằng việc chụp ảnh nhà thờ Sedlec Ossuary sẽ bị hạn chế vào năm 2020. “Chúng tôi tin rằng khách tham quan sẽ tôn trọng quyết định này và hiểu lý do khiến chúng tôi làm như vậy”, bà nói.
Theo bà Krejí, nửa triệu người đã tham quan nhà thờ xương trong năm 2017 và con số dự kiến tiếp tục tăng. “Đây không phải là lệnh cấm chụp ảnh vĩnh viễn. Thay vào đó, những du khách muốn chụp ảnh nhanh sẽ phải xin phép giáo xứ trước 3 ngày”, bà giải thích thêm. Trong ảnh là biểu tượng huy hiệu của gia đình Schwarzenberg được làm bằng xương người.
Những du khách bất lịch sự đã bất chấp mọi quy định của nhà thờ để chụp bằng được tấm hình độc, lạ. Họ quên đi rằng những bộ xương thuộc về người đã khuất và chúng cần được bày tỏ sự tôn kính. Nhiều người cố gắng chạm hoặc hôn vào bộ xương, đội mũ hoặc đeo kính râm cho hộp sọ để chụp ảnh tự sướng hoặc thực hiện các hành vi thiếu tôn trọng khác.
Việc bảo tồn nhà thờ rất quan trọng vì đây là một trong những công trình nổi bật của Kutná Hora, trung tâm của nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 7/2008.
Sedlec là nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 14, theo kiểu kiến trúc Gothic. Tọa lạc ở ngôi làng cùng tên thuộc ngoại ô Kutna Hora, Cộng hòa Séc, nhà thờ Sedlec nằm ngay bên cạnh nghĩa trang “Nhà thờ các vị Thánh”. Theo thời gian, cùng với sự gia tăng dân số trong làng, diện tích nghĩa trang trở nên quá chật chội, và từ đó, tầng hầm của nhà thờ được tận dụng để chứa các bộ hài cốt khai quật từ những ngôi mộ cũ nhằm để dành chỗ cho những “cư dân” mới tại nghĩa trang.
Video đang HOT
Năm 1870, gia đình Schwarzenberg, một gia đình quý tộc Séc từng cai trị thành phố, đã mua lại nhà thờ và thuê Frantisek Rint (thợ chạm khắc gỗ) đến để sắp xếp lại các bộ xương, bắt đầu từ đây nhà thờ Sedlec trở nên nổi tiếng. Bằng bộ óc sáng tạo vĩ đại, cách bố trí, phối hợp cực kỳ tinh tế và táo bạo, Rint đã tạo ra những “ kiệt tác xương người” độc đáo có một không hai, khiến người xem vừa rợn tóc gáy, vừa nể phục.
Với vẻ bề ngoài không quá nổi bật, nhưng “nội thất” bên trong lại được chế tác hoàn toàn từ xương người đã khiến cho nhà thờ Sedlec trở nên khác thường và nổi tiếng khắp thế giới. Mỗi năm có hơn 200.000 du khách đến đây tham quan để được trải nghiệm cảm giác sợ hãi đầy thú vị.
Theo news.zing.vn
Bí ẩn 'quái thú'ăn bò hàng loạt trong rừng Pù Luông khiến người Mường khiếp sợ
Những bản làng người Mường trong đại ngàn Pù Luông, đâu đâu cũng bàn tán xôn xao về con thú lạ dữ dằn, tấn công hại bò của dân bản.
Những ngày này, đi khắp vùng Tân Lạc (Hòa Bình), sang tận Bá Thước (Thanh Hóa), những bản làng người Mường trong đại ngàn Pù Luông, đâu đâu cũng bàn tán xôn xao về con thú lạ dữ dằn, tấn công diết hại bò của dân bản. Người bảo thú dữ là hổ, người nói là báo, người khẳng định chó sói. Thật bất ngờ, khi đại ngàn trên những dãy đá vôi không xa xôi lắm, vẫn còn sót lại, một loài vật hoang dã, với cú đớp cướp mạng được cả trâu, bò.
Dưới gầm ngôi nhà sàn là homestay của anh Hà Văn Thạn, những người đàn ông xứ Mường, có cả đời đi rừng cưa gỗ, săn thú, giờ giải nghệ vì rừng được quản lý ngặt nghèo, ngồi uống trà, rít thuốc lào sòng sọc, phóng tầm mắt qua thung lũng lúa vàng, bao quanh bởi những dải núi mờ sương xanh thẫm, nói chuyện sôi nổi về con thú dữ.
"Lũng Vân nóc nhà xứ Mường này chẳng thiếu gì thú dữ. Ngày xưa, hổ ăn hại người như cơm bữa. Bên ngoại nhà tôi, cũng có một cụ ông bị hổ ăn thịt, vừa năm ngoái mới cải táng, bốc xương cụ lên. Loài sói trong Pù Luông cũng dữ lắm, tấn công trâu bò, ăn thịt gia cầm gia súc, quấy nhiễu cuộc sống người dân. Lợn rừng húc chết không ít người. Gấu thì móc mắt, lột da khiến nhiều người tật nguyền bi thảm lắm. Nhưng, chuyện ấy tưởng là quá khứ rồi, ai dè, bây giờ, thú dữ lại lộng hành như vậy, diết hại hàng loạt bò, khiến xứ Mường mất ăn mất ngủ" - anh Hà Văn Thạn trầm ngâm với những câu chuyện thú dữ đại ngàn Pù Luông.
Pù Luông gồm những dãy đá vôi chạy dài, với rừng xanh mướt mắt.
Đại ngàn Pù Luông vẫn biến đến là một khu vực rộng lớn. Nhưng thực ra, Pù Luông chỉ là một khu bảo tồn thuộc tỉnh Thanh Hóa, mà chủ yếu nằm ở huyện Bá Thước. Ngay cạnh khu bảo tồn Pù Luông, là khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nhưng ít người biết đến cái tên này, bởi nó nằm cạnh những dãy núi đá Pù Luông hùng vĩ. Vì thế, rừng Ngọc Sơn - Ngổ Luông cũng được gọi luôn là Pù Luông. Những dải núi đá vôi kéo dài với rừng xanh rợn ngợp hòa với vườn quốc gia đầu tiên của nước ta, đó là Cúc Phương. Dải núi đá này, là nơi nhiều loài thú dữ xuất hiện.
Ông chủ homestay thơ mộng Hà Văn Thạn dẫn tôi đi xuyên qua những thửa ruộng vàng óng của Lũng Vân, đến hốc núi xanh ngắt rừng rậm và bảo đó là xóm Bục, thuộc xã Lũng Vân, nơi "quái thú" đang tàn sát đàn bò của dân.
Thung lũng nhỏ hẹp, nên thơ, lúa vàng rực rỡ. Cả trăm con trâu, bò đang thong dong gặm cỏ.
Đồng bào miền núi có tập quán thả rông trâu bò trong rừng. Ruộng nương chỉ có một ít nơi hẻm núi, cỏ chẳng đủ trâu bò ăn, nên họ dắt vào rừng sâu thả. Vài hôm, họ lại cắt cử nhau vào rừng, cho trâu bò ăn muối, để chúng nhớ vị mặn mà không đi xa. Chúng cứ ở rừng kiếm ăn, tối rúc hốc đá, gốc cây ngủ. Nhiều nơi, rừng hoang rậm quá, thả trâu bò xa xôi, đến lúc vào thăm, thấy bê nghé con lúc nhúc, mới biết là chúng đã chửa đẻ từ lúc nào.
Anh Hà Văn Thạn.
Thế nhưng, cả tháng nay, người Mường xóm Bục không dám thả trâu trong rừng nữa, mà dắt về bản, bởi quái thú độc ác liên tục tấn công diết hại, moi tim, ăn thịt bò. Người dân sợ hãi, còn không dám vào rừng. Hoặc có đi, cũng phải đông người, với vũ khí trang bị.
Đang mùa gặt và làm nương, nên xóm Bục vắng hoe. Cả bản nhà nào cũng đóng cửa, đến tối mịt với về. Loanh quanh mãi, thì gặp được đồng chí trưởng thôn Hà Văn Tuyến đang trên đường ra đồng gặt lúa cho vợ.
Kéo anh vào ngôi nhà sàn ven đường nói chuyện, hỏi về thú lạ diết hại bò, anh Tuyến bảo: "Người Mường xóm Bục đến khổ với thú dữ. Ngày xưa thì hổ ăn thịt cả người. Rồi cỡ hơn chục năm trước, đến nạn chó sói diết hại trâu bò. Khu rừng sau bản có đàn chó sói 20-30 con hung dữ lắm. Chúng diết hại không biết bao nhiêu trâu bò của dân. Khi đó, súng đạn còn nhiều, người dân căm lắm, cứ bắt diết dần nên chúng chết sạch, hoặc bỏ đi nơi khác. Yên bình được thời gian, thì lại xuất hiện con thú này. Trước kia, lâu lâu mới có trâu hoặc bò bị diết , nhưng đợt này bị tổn thất nhiều quá. Mới độ hơn tháng nay, đã có 6 con bò của xóm bị nó diết hại ăn thịt, mấy con bị thương. Cuộc sống dân bản xáo trộn".
Trưởng thôn Hà Văn Tuyến.
Gia đình đầu tiên trong xóm có bò bị thú dữ ăn thịt là nhà anh Bùi Văn Chiểu. Đầu tháng 9, như thường lệ, anh Chiểu vào rừng thăm đàn bò nhà mình, mang theo nhúm muối cho chúng ăn. Đến nơi thả bò, không thấy đàn bò đâu cả. Tất tả chạy khắp các ngóc ngách, thì anh thấy mỗi nơi một con, nem nép trốn trong bụi rậm, ánh mắt sợ hãi.
Ngược lên vách núi một đoạn, anh giật mình khi thấy con bò cái chửa to tướng nằm chết trong trạng thái thảm khốc. Phần cổ bị ăn sạch. Da bả vai bị lột ra, thịt bả vai bị gặm hết. Con thú dữ kéo hết bộ lòng từ cái lỗ hổng hoác ở bả vai ra xơi sạch sẽ.
Một con bò bị diết , đã chết vài ngày. Ảnh người dân cung cấp.
Khi cả xóm Bục còn đang xôn xao vì thú dữ bí ẩn diết hại bò nhà anh Chiểu, thì vài hôm sau, ông Hà Văn Bực thất thểu từ rừng chạy ra thông báo 2 con bò lớn nhà ông đã bị diết hại. Thú dữ đã cắn đứt họng, bẻ gẫy cổ, ăn hết bả vai, moi sạch bộ lòng, để lại cái xác bò trương phình giữa rừng hoang.
Vài hôm sau, thì đến lượt nhà chị Đinh Thị Chiều. Gia sản nhà chị cũng chỉ có 3 con bò là quý nhất, thì "quái thú" diết mất một con, lột nội tạng ra ăn sạch. Rồi một tuần sau, đến lượt nhà anh Hà Văn Tô, rồi tiếp tục đến bò nhà anh Hà Văn Tuẩn.
Bò của người dân xóm Bục bị thú dữ ăn thịt. Ảnh người dân cung cấp.
Nhoằng cái, khoảng một tháng trời, con thú bí ẩn trong cánh rừng Suối Bắc phía sau xóm Bục đã diết hại, ăn thịt 6 con bò to. Điều đặc biệt, là con thú này chỉ diết hại những con bò to nhất, béo nhất, và nó chỉ ăn phần bả vai cùng bộ lòng, tổng khoảng 10kg thịt. Nó diết hại bò, ăn thịt tươi, rồi bỏ lại xác bò đó. Người dân phát hiện sớm, xác bò còn tươi thì mang về ăn được, còn phát hiện muộn, thịt thối rữa, đành phải đem chôn.
Cho đến lúc này, vẫn chưa ai dám khẳng định chắc nịch con thú dữ dằn đó là loài gì. Người bảo chỉ có hổ mới hung dữ như vậy, người nói chó sói, người bảo gấu. Tuy nhiên, một số người đi rừng, hiểu biết về thú vật, thì đoán nó là một con báo rất lớn.
Hôm tôi đến xóm Bục, dân làng vẫn xôn xao chuyện anh Đinh Văn Luyến giáp mặt con thú này vào tối hôm trước. Như các gia đình trong xóm, anh Luyến cũng đem hết bò về làng, rồi thả ở cánh đồng, ven rừng. Buổi tối, bố con anh ra thăm bò ở dưới thung, thì bỗng nghe thấy tiếng "hừ, hừ" sau lưng. Quay lại nhìn, anh lạnh toát sống lưng, khi thấy hai ánh mắt đỏ rực trong bóng đêm, và cái màu sắc vằn vện lấp lóa dưới ánh trăng mờ.
Chú bò mang bầu bị thú dữ cắn chết, ăn thịt. Ảnh người dân cung cấp.
Sợ quá, hai bố con bỏ lại bò, ba chân bốn cẳng chạy về bản thông báo. Với cái tiếng "hừ hừ" mà anh Luyến nghe được, thì những người có kinh nghiệm cho rằng, con thú dữ diết hại bò là con "khá cối" hoặc "lảng kẻng". Nó chính là con báo đốm trong tiếng Mường.
Báo đốm là loài rất hung dữ, cực khỏe, có thể diết bò trong chớp mắt. Nó có móng vuốt sắc lẹm, bộ hàm khỏe cùng răng nhọn và trọng lượng tới 80kg, nên những chú bò có thể bị nó diết trong nháy mắt với cú đớp đứt họng, cú bẻ gẫy cổ.
Khác với hổ, thích ăn thịt thối, báo đốm lại chỉ ăn thịt tươi, nên nó diết bò xong, chỉ ăn no bụng, rồi bỏ lại con mồi. Khi đói, nó lại săn con mồi khác để ăn thịt.
Theo chỉ dẫn của người dân xóm Bục, chúng tôi tìm sang xóm Mý thuộc xã Bắc Sơn, vì dư luận mới xôn xao người dân bên đó nhìn thấy thú dữ. Xóm Mý thuộc xã khác, nhưng lại có chung dãy núi và rừng già với xóm Bục. Từ xóm Bục, đi cắt qua dãy núi, khu rừng, là đến xóm Mý. Tuy nhiên, người dân xóm Mý lại thả bò ở khu rừng khác, nhường cánh rừng ngay sau bản cho xóm Bục thả bò.
Tìm mãi mới thấy nhà anh Hà Văn Huệ ở sát mép rừng. Nhưng, anh Huệ lại vừa đi làm phụ hồ ở xa, vài hôm nữa mới về. Trong nhà chỉ có vợ anh, là chị Mùi Thị Huy.
Chị Mùi Thị Huy chỉ khu rừng mà vợ chồng chị đã chạm mặt thú dữ.
Hỏi chuyện gặp thú dữ, chị Huy vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi. Chị bảo, mới mấy hôm trước, hai vợ chồng đi lấy củi ở rừng xóm Bục, ngay sau lưng nhà, thì chạm mặt con thú.
"Lúc đó, khoảng 3 giờ chiều, hai vợ chồng tôi đang chặt củi ở rừng Ngọc Pến mãi đầu nguồn suối Pắc, thì nghe tiếng loạt xoạt sau lưng, rồi kế đó là tiếng hừ hừ. Vợ chồng tôi quay lại nhìn, thì thấy con thú đứng bên gốc cây giương mắt nhìn chúng tôi. Hoảng quá, hai vợ chồng vứt củi chạy tuột về nhà. Đến giờ, vẫn còn sợ hãi" - chị Huy nhớ lại.
Theo lời anh Huệ, chồng chị Huy, cũng là người hiểu biết về thú rừng, thì con vật dữ dằn to lớn đó là con báo đốm. Có thể, rừng ít đồ ăn, nó quẫn như con mèo điên, mới tìm về bản diết bò của dân để ăn, chứ xưa nay, ít thấy báo diết hại vật nuôi lớn như vậy để gây thù chuốc oán với con người.
Trò chuyện với anh Hà Văn Tuyến, trưởng xóm Bục (xã Lũng Vân), anh bảo, người dân đã bị thu hết súng, nên dù thù con thú này lắm, nhưng không làm gì được nó. Tuy nhiên, những ngày ở Lũng Vân nghe ngóng, có một số thông tin người dân vẫn vào rừng phục bắn con thú này, để bảo vệ đàn bò.
Chưa thể chắc chắn con thú đang diết hại bò là loài gì. Dù là gấu, sói, hổ, hay báo, thì cũng cũng đều là loài rất quý, và là những con thú dữ rất hiếm con còn sót lại của rừng già. Rất mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sát sao thực địa, tuyên truyền người dân, để bảo vệ con vật.
PHẠM DƯƠNG NGỌC
Theo vtc.vn
Phim kinh dị tuổi teen kiếm bộn tiền cho nhà sản xuất Những câu chuyện dân gian rợn tóc gáy, hay những truyền thuyết hiện đại luôn khiến trí tưởng tượng của con người ta, đặc biệt là giới trẻ, bay xa. Giờ đây, một tuyển tập các truyện kinh dị ngắn cho trẻ em có tên "Scary Stories to Tell in the Dark" của tác giả Alvin Schwartz và hoạ sĩ Stephen Gammel đang...