Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Điện ảnh chưa làm khán giả yêu lịch sử Việt”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn nói tại hội thảo: “Các nhà làm phim có một nỗi sợ mơ hồ với đề tài lịch sử. Chúng ta còn hạn chế trong nghệ thuật, tư duy và quản lý”.
Sản xuất phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học là vấn đề được đông đảo khán giả cũng như giới làm phim quan tâm bấy lâu nay. Ngày 9/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội, hội thảo về chủ đề này được tổ chức, ghi nhận nhiều ý kiến nổi bật, chỉ ra điểm yếu của phim Việt về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Các chuyên gia tham gia hội thảo như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn, nhà sản xuất Trinh Hoan… cũng chỉ ra những rào cản, thách thức, lý do vì sao điện ảnh Việt lại vắng bóng, “quá nghèo nàn” dòng phim này.
Nỗi sợ mơ hồ kìm hãm sự sáng tạo
Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim – cho rằng, Mỹ, Hàn Quốc là hai nền điện ảnh có nhiều phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia có phim lịch sử thành công bậc nhất thế giới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói, mỗi khi xem các phim của họ nói riêng hay phim lịch sử, chuyển thể văn học nói chung, ông đều nghĩ đến cốt truyện, luôn tìm lại bản gốc hoặc tìm hiểu sự thật lịch sử để mở rộng thông tin, kiến thức.
Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Đào Anh Vũ).
Ông cũng từng đọc một nghiên cứu cho rằng các phim chuyển thể từ Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc có ít nhất khoảng 200 chi tiết thay đổi so với lịch sử.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, không phải người Việt, khán giả trẻ Việt không thuộc văn hóa hay lịch sử Việt Nam, không yêu thích lịch sử Việt Nam mà bởi điện ảnh chúng ta chưa làm được điều đó.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chỉ ra thách thức, rào cản trong việc làm phim lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến từ nhiều phía: Các nhà làm phim, nhà sản xuất, người xem và nhà quản lý.
“Các nhà làm phim Việt tôn trọng quá mức, ý tứ quá với tác phẩm văn học. Các nhà làm phim Việt cũng mang một nỗi sợ hãi mơ hồ với đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử. Chính những điều này đã kìm hãm sự sáng tạo. Chúng ta tôn trọng bản chất, sự thật lịch sử, nhân vật lịch sử nhưng chúng ta có quyền sáng tạo, tạo dựng đời sống cho nhân vật lịch sử.
Ở Việt Nam, có nhiều nhà làm phim tài năng làm ra các bộ phim sáng giá nhưng đề tài lịch sử bị hạn chế, đề tài văn học thì mở rộng hơn một chút. Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình. Chúng ta thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử. Chúng ta hạn chế trong nghệ thuật và tư duy”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông Thiều kể, 30 năm trước, ông phỏng vấn một loạt học sinh trung học với câu hỏi: “Bạn thích Quan Vân Trường (Quan Vũ hay Quan Công, tự Vân Trường là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc – PV) hay Quang Trung hơn?”, 99% các em trả lời thích Quan Vân Trường.
“Quang Trung có kém Quan Vân Trường không? Không. Tuy nhiên, các nhà văn và nhà làm phim của Trung Quốc chắc chắn giỏi hơn Việt Nam. Điện ảnh, văn học Việt Nam chưa và không làm cho khán giả Việt yêu Quang Trung hơn”, ông Thiều thẳng thắn.
Ông chia sẻ thêm một ví dụ, Hội Nhà văn Việt Nam từng phải mở cuộc họp để bàn về chi tiết trong truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga. Truyện lấy cảm hứng lịch sử, đề cập một số nhân vật như An Tư, Trần Ích Tắc và Thoát Hoan, hoàng tử nhà Nguyên từng hai lần mang quân sang đánh Đại Việt. Tác giả viết khi tháo mặt nạ, Thoát Hoan lộ ra gương mặt điển trai, tuấn tú.
Nhiều nhà văn khi ấy phản đối chi tiết vì cho rằng kẻ xâm lược phải được miêu tả xấu xí, bặm trợn. Ông Thiều bảo vệ Trần Quỳnh Nga vì cho rằng đây là sáng tạo phù hợp: “Người xấu không phải mặt nào cũng xấu, đó là suy nghĩ theo lối mòn”.
Đạo diễn phim “Dòng máu anh hùng” – Charlie Nguyễn – nêu quan điểm tại hội thảo (Ảnh: Đào Anh Vũ).
Đồng tình với những quan điểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng bày tỏ, đề tài lịch sử rất hấp dẫn và nhiều người ôm ấp làm dự án này.
“Tuy nhiên, các nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ khi tiếp cận đề tài lịch sử và tác phẩm văn học để chuyển thể thành phim. Đây cũng là tâm tư của tôi nhiều năm qua.
Các nhà làm phim cần nhận thức được trong phim lịch sử có hai sự thật. Một là sự thật về thông tin tư liệu, vốn không thể thay đổi. Hai là sự thật tâm lý, miêu tả hành trình nội tâm, biến chuyển cảm xúc của nhân vật trong từng sự kiện, không có trong sử sách. Và trách nhiệm của các nhà làm phim là, muốn điện ảnh đến được với công chúng, kết nối với khán giả phải có cảm xúc”, “cha đẻ” phim Dòng máu anh hùng chia sẻ.
Nói đến câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, nhân vật Quan Vũ được yêu thích bởi phim ảnh Trung Quốc xây dựng ông như một con người bình thường, có những xung đột nội tâm, cảm xúc chân thực. Trong khi phim Việt thường thần thánh hóa các vĩ nhân lịch sử, khiến họ trở nên xa lạ.
Phim “ Ngày xưa có một chuyện tình” chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tham gia LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII (Ảnh: Nhà sản xuất).
Cản trở từ phía dư luận và khó khăn đến từ… tiền đâu?
Các chuyên gia cũng cho rằng làm phim đề tài lịch sử Việt còn gặp phải khó khăn, cản trở từ phía người xem. Đạo diễn Charlie Nguyễn bộc bạch, nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, điều này sẽ “bó tay, bó chân” nhà làm phim.
“Nếu điện ảnh là lịch sử thì câu chuyện khô khan, hoàn toàn không có cảm xúc. Nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh”, Charlie Nguyễn nói.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhắc lại việc phim điện ảnh Đất rừng phương Nam (2023). Thời điểm vụ ồn ào nổ ra, có một đạo diễn, NSND nói với ông rằng: “Các nhà làm phim, các nghệ sĩ như những người nông dân cày bừa dưới ruộng, còn trên bờ ruộng thì cường hào, ác bá chửi bới rất nhiều”.
Cục trưởng Cục Điện ảnh giãi bày, Đất rừng phương Nam được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi.
Khoảng một tuần sau khi ra mắt, phim đã rơi vào những cuộc tranh cãi không hồi kết về tính đúng và sai của lịch sử, từ tạo hình cho đến vai trò và công lao của các hội nhóm trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời gian đầu.
Trong khi phía Cục Điện ảnh đã khẳng định phim không đề cao một hội nhóm nào mà chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân Nam Bộ khi đó, vẫn có một bộ phận dư luận trên mạng xã hội không ngừng tấn công vào tác phẩm và đoàn phim một cách vô căn cứ.
Ông Vi Kiến Thành chia sẻ: “Khi ấy, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội đã tổ chức 3 phiên họp để giải quyết. Ở lần thứ ba, tôi đề xuất: “Nếu phải tìm một người hay đơn vị để nhận trách nhiệm về phát hành phim thì không nên quy kết tội cho đoàn phim Đất rừng phương Nam vì họ không sai gì. Nếu cần xử lý một ai đó để giải quyết khủng hoảng truyền thông thì tốt là cách chức Cục trưởng Cục Điện ảnh, tức là cách chức tôi”.
Trailer phim “Đất rừng phương Nam” ( Video: Nhà sản xuất).
Nhà sản xuất Trinh Hoan chia sẻ khó khăn của các nhà làm phim khi làm đề tài lịch sử ở khía cạnh kinh phí.
“Thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học. Trong khi làm phim hiện đại đầu tư ít tiền mà dễ thu hồi vốn thì phim lịch sử vừa khó làm, vừa khó hấp dẫn khán giả. Vì vậy, rất khó thuyết phục được nhà đầu tư và cũng khó thuyết phục được khán giả đến xem để thu hồi vốn”, ông Trinh Hoan nói.
Cũng theo nhà sản xuất Trinh Hoan, vừa rồi, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi còn đề xuất tăng thuế VAT đối với các sản phẩm điện ảnh, thể thao tăng từ 5% lên 10%.
“Tôi thấy điều này không hợp lý. Làm phim từ khi đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là 1 năm. Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỷ đồng mà vì thuế phải lên 21 tỷ đồng thì sẽ ngưng ngay, họ không đầu tư nữa.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem lại Dự thảo Luật thuế VAT nếu không thì sẽ khó cho ngành điện ảnh, càng khó cho phim lịch sử, phim rủi ro cao. Nếu các nhà làm luật muốn điện ảnh phát triển đặc biệt là sản phẩm lịch sử, văn hóa phát triển thì phải xem lại việc tăng thuế VAT”, nhà sản xuất Trinh Hoan kiến nghị.
'Nhà bà Nữ' của Trấn Thành thu 475 tỷ, Việt Nam có công nghiệp điện ảnh chưa?
Gần đây Việt Nam có hàng loạt phim phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu thị trường phim chiếu rạp như 'Nhà bà Nữ', 'Bố Già' của Trấn Thành nhưng việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề lớn cần bàn thảo.
Thiếu vắng đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi đứng sau những phim 'hot'
Ngày 23/11, hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh diễn ra tại Đà Lạt trong khuôn khổ LHP Việt Nam 2023. Đây là vấn đề lớn tồn tại lâu nay nhưng được nhắc tới gần đây trong bối cảnh nền điện ảnh ngày càng hội nhập và chứng kiến sự xuất hiện của các LHP quốc tế do Việt Nam tổ chức, cũng như bước tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường sản xuất phim lẫn doanh thu chiếu rạp.
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt Nam khi đạo diễn Phạm Thiên Ân giành giải Camera Vàng tại LHP Cannes cho phim Bên trong vỏ kén vàng.
Đặc biệt lần đầu tiên có phim Việt thu về 475 tỷ đồng. Nhà bà Nữ khi công chiếu dịp Tết đã bán được hơn 5,8 triệu vé, dẫn đầu doanh thu phim chiếu rạp tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 3/2021, Bố Già của Trấn Thành cũng giải cứu các rạp phim đang khủng hoảng sau dịch Covid-19 thu 427 tỷ đồng với 5,2 triệu vé bán ra, hình thành thói quen ra rạp trở lại của khán giả.
Trấn Thành trong phim 'Nhà bà Nữ'.
Đáng tiếc là hội thảo không có sự xuất hiện của các nhà làm phim đang hoạt động sôi nổi và đóng góp vào thị trường những bộ phim thay đổi diện mạo thị trường điện ảnh như: Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng...
Tuy nhiên, xây dựng công nghiệp điện ảnh không chỉ đo bằng lượng phim rạp, các giải thưởng hay tác phẩm có doanh thu cao. Chính vì vậy, hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh nhằm tìm ra những giải pháp thực tế.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 hương tới phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên cần có sự chung tay của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông, cùng vai trò không kém phần quan trọng của công chúng".
Ông Vi Kiến Thành tại hội thảo. Ảnh: Anh Vũ.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra các ví dụ về những công ty lớn hay các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... trong việc sử dụng dữ liệu lớn của ngành công nghiệp điện ảnh.
"Công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng tài năng điện ảnh, nguồn lực văn hóa, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh. Dữ liệu lớn (Big data) trong xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh đề cập đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng một lượng lớn thông tin số hóa nhằm cải thiện mọi khía cạnh của ngành điện ảnh".
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh về sử dụng dữ liệu lớn. Xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến dữ liệu lớn và ứng dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Cuối cùng là đầu tư nguồn lực cho triển khai dữ liệu lớn.
PGS. Bùi Hoài Sơn nói: "Việc sử dụng dữ liệu lớn có khả năng nâng cao chất lượng của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam. Không chỉ giúp tạo ra nội dung sáng tạo và phong cách hấp dẫn hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh. Các công ty và nhà sản xuất phim có thể sử dụng dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khán giả, cải thiện quản lý sản xuất và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị".
Phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử chỉ vài lỗi mà dư luận đã sôi sục
Nếu như PGS Bùi Hoài Sơn nghiêng về khía cạnh công nghệ thì theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp.
NSƯT Phi Tiến Sơn nhận định: "Con đường phát triển trở thành một nền điện ảnh công nghiệp còn khó khăn. Máy móc phương tiện hiện đại có thể mua được. Nhà xưởng đất đai trường quay hoành tráng có thể được đầu tư, nếu Nhà nước coi phát triển điện ảnh là một quốc sách để quảng bá hình ảnh, để phát triển kinh tế văn hóa du lịch (như Hàn Quốc chẳng hạn). Nhưng không có con người công nghiệp cũng chẳng làm được. Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong một công việc, một dự án, kế hoạch và cả một "nền", như ở đây chúng ta đang nói về nền điện ảnh... ".
'Đất rừng phương Nam' gây tranh cãi trong dư luận vì cho rằng có chi tiết sai lệch lịch sử.
Đạo diễn Đào, Phở và Piano cho rằng một nền điện ảnh lớn phải có tác phẩm lớn, có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng. "Làm phim có tính giải trí cao, thu hút được nhiều khán giả, doanh thu cao là rất khó và cần thiết để tái đầu tư, nuôi đội ngũ. Nhưng giấc mơ của các nhà làm phim, của nền công nghiệp điện ảnh không dừng ở đó.
Họ muốn không chỉ có sản phẩm điện ảnh ăn khách mà còn có tác phẩm điện ảnh. Chỉ khi đó thế giới mới biết điện ảnh Việt Nam. Nhưng làm được không dễ. Vừa rồi có một số phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử, tìm hiểu hồn cốt dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước. Vậy mà chỉ vài lỗi, hoặc chưa chính xác về chi tiết lịch sử mà dư luận đã sôi sục soi xét. Con đường gian truân chưa đi đã vấp còn ai muốn đi nữa? Và đến khi nào chúng ta ra được biển lớn?".
Tại hội thảo, vai trò của truyền thông trong xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam cũng được đề cập tới. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - TBT Báo Điện tử Tổ Quốc chia sẻ: "Tất cả các khâu từ sản xuất, phát hành đến quản lý, phê bình đều phải được tổ chức, vận hành một cách chuyên nghiệp, đồng bộ vì điện ảnh là ngành tổng hợp của nghệ thuật và công nghiệp. Dù công nghệ có sức mạnh và ảnh hưởng lớn đến đâu thì vai trò lao động, sáng tạo của con người vẫn là không thể thay thế.
Truyền thông là cách tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất tới khán giả. Song công cụ nào cũng có mặt mạnh và chưa mạnh. Trong mỗi chiến lược truyền thông cho ngành công nghiệp điện ảnh hay cho từng bộ phim, thiết nghĩ phải có kế hoạch dự phòng cho những tình huống, nguy cơ khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Xử lý khủng hoảng truyền thông như thế nào lại là một vấn đề không đơn giản".
'Đất rừng phương Nam' tranh giải Bông sen Vàng, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói gì? Trước những thắc mắc liệu ồn ào của bộ phim "Đất rừng phương Nam" có ảnh hưởng đến LHP Việt Nam, Cục trưởng Vi Kiến Thành lên tiếng. Sáng 30/10, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII (LHP) được công bố với khẩu hiệu: "Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn"....