Nhà thiết kế Tomoaki Nagao (Nigo) và chìa khóa dẫn lối thành công
Trong cuôc phỏng vấn với chuyên trang Sotheby, nhà sáng lập thương hiệu thời trang đường phố A Bathing Ape (BAPE) tiếng tăm – Tomoaki Nagao (Nigo) – đã có những chia sẻ về bí quyết đằng sau các định hướng sáng tạo, mà theo ông, chính là chìa khóa vàng dẫn tới thành công.
Nhà thiết kế Tomoaki Nagao, hay nhiều người sẽ biết đến với nghệ danh Nigo hơn, là một trong những cái tên tiếng tăm trong giới nghệ thuật, được giới truyền thông chăm chút một cách kỹ lưỡng nhiều năm gần đây. Danh tiếng của vị doanh nhân, DJ, stylist tài ba này trở nên quen thuộc với giới mộ điệu hơn nhờ vào sự ra đời của thương hiệu thời trang đường phố A Bathing Ape (BAPE).
Ảnh: Apes Love To Bathe
Lại nói về Nigo, từ sau khi thành lập BAPE vào năm 1993 và gặt hái nhiều thành công trong ngành công nghiệp thời trang, sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của vị nhà thiết kế đa tài người Nhật Bản gắn liền với những cú “bắt tay” đỉnh cao, những sự hợp tác nổi tiếng cùng các nghệ sĩ, nhà sản xuất nhạc tiếng tăm của thời đại. Đơn cử như là Pharrell Williams cùng với thương hiệu thời trang bán lẻ Billionaire Boys Club and Ice Cream, hay nghệ sĩ, nhà thiết kế đương đại KAWS, rapper – nhà thiết kế Kanye West.
Tomoaki và rapper, fashion icon đình đám Kanye West. Ảnh: Instagram
Nigo trong chiếc áo thương hiệu HUMAN MADE, bên cạnh Pharrell Williams. Ảnh: Instagram
Bên cạnh đó, khi nhà thiết kế Tomoaki Nagao không tập trung vào những thiết kế cho thương hiệu HUMAN MADE của mình, ông cũng tham gia quá trình làm nhạc cùng với band nhạc hip-hop HONEST BOYZ, sản xuất các sản phẩm âm nhạc cho nhóm nhạc pop BILLIE IDLE, hoặc đi rong ruổi khắp nơi, tìm nguồn cảm hứng, hay những sản phẩm nghệ thuật tiềm năng cho buổi đấu giá NIGOLDENEYE vừa diễn ra.
Tầng hầm của tòa nhà nơi nhà thiết kế Tomoaki Nagao sống, nơi ông lưu giữ những bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Ảnh: Sotheby’s (Photo by: THOMAS THOMPSON)
Vào ngày 1/4/2019, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông, buổi đấu giá bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của nhà thiết kế Tomoaki Nagao với đề tựa NIGOLDENEYE Vol.1 diễn ra thành công. Cái tên được đích thân người bạn, đồng thời là đối tác kinh doanh của Nigo, Pharrell Williams đặt tên. Pharrell cũng thường được nhà thiết kế người Nhật tin tưởng, tham khảo những quan điểm, những góc nhìn về các thiết kế, về thời trang, nghệ thuật và nền văn minh pop đại chúng. Và tất nhiên, những sự tương tác chuyên môn như vậy luôn góp phần làm hoàn hảo hơn các sản phẩm trong tương lai, đơn cử như bộ sưu tập nghệ thuật của Tomoaki đã được bán với giá trị lên tới 28 triệu đô, tương đương khoảng 650 tỷ VND.
Lại nói lại một chút về những năm đầu sự nghiệp của Nigo, ông đã từng hợp tác cùng một người bạn cấp 3 là Jun Takahashi (nhà sáng lập thương hiệu Undercover ngày nay), mở ra cửa hàng thời trang đầu tiên của hai người, mang tên là Nowhere tại phố Ura-Harajuku nổi tiếng vào năm 1993, trước khi quyết định mở ra thương hiệu BAPE cho riêng mình.
Video đang HOT
NTK Jun Takahashi và Nigo đứng trước của hàng Nowhere đầu tiên ở Ura-Harajuku, Tokyo. Ảnh: Medium
Quả nhiên, đúng như nhận định chủ quan đến từ cha đẻ của thương hiệu đường phố A Bathing Ape, chính những sự cộng tác, giao thoa về nghệ thuật đã mang lại cho sự nghiệp của ông những thăng hoa, những thỏa mãn trong sáng tạo cũng như những thành công sáng chói. Chia sẻ với chuyên trang Sotheby, đơn vị tổ chức buổi đấu giá NIGOLDENEYE, tính tới thời điểm hiện tại, nghệ sĩ đã từng sát cánh cùng nhà thiết kế Tomoaki Nagao phải kể đến những cái tên như KAWS, Futura, Stash, Hajime Sorayama and Andre Saraiva. Họ đều là những họa sĩ, những nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, với những triết lý nghệ thuật khác lạ, đặc biệt cùng cung cách truyền tải độc đáo.
Có lẽ, khi nghe tới cụm từ collab, bạn sẽ nghĩ tới những cú “bắt tay” bạc tỷ, mang lại lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất. Điều đó cũng không sai, song, lại cũng chẳng hề đúng. Đối với những người nghệ sĩ như họ, tiền bạc, lợi nhuận chỉ là một khía cạnh trong những định hướng phát triển mang tính cá nhân. Những người nghệ sĩ, họ trở thành bạn với nhau, rồi dần thân thiết hơn. Khi hai quan điểm nghệ thuật giao thoa, và tìm được điểm tương đồng, chúng “đâm hoa kết trái”, tạo nên những bản phối nhịp nhàng, bổ trợ cho nhau, làm nên những tuyệt tác nghệ thuật đương đại, vừa bắt mắt, vừa sinh lời, lại thỏa mãn được cơn khát nghệ thuật, sự ham muốn được sáng tạo của cả đôi bên. Đó mới chính là thứ gọi là thành công đích thực mà họ hướng đến.
Nigo và KAWS bên cạnh bức họa KIMPSONS trị giá 14.7 triệu đô. Ảnh: Instagram
Quay trở lại với nhà thiết kế Tomoaki Nagao và KAWS. Họa sĩ kiêm nhà thiết kế người Mỹ, Brian Donnelly (thương được biết tới dưới nghệ danh KAWS) đã ghé thăm studio của Nigo trong một dịp ông cùng những người bạn thực hiện chuyến du lịch tới xứ sở Phù Tang vào năm 1996. Chính cuốn sách ảnh, cùng những bức hình ghi lại những posters được vẽ tại trạm dừng xe buýt mà Brian đưa cho Nigo đã bước đầu khiến nghệ sĩ người Nhật đặc biệt hứng thú với nghệ thuật của KAWS bấy giờ, mở đầu cho một sự hợp tác đầy thành công sau này. Đối với Tomoaki, KAWS là một trong những cái tên nổi tiếng, tài năng nhất đại diện cho dòng nghệ thuật đương đại trên thế giới hiện nay, và ông cũng rất tự hào về người cộng tác của mình.
Tomoaki bên cạnh họa phẩm KIMPSONS, bức họa mà ông được đích thân KAWS ủy quyền. Ảnh: Sotheby’s (Photo by: THOMAS THOMPSON)
Cũng trong buổi phỏng vấn, nhà thiết kế Tomoaki Nagao có những chia sẻ về những yếu tố làm nên nền văn minh đường phố đại chúng. “Thời trang đường phố, nghệ thuật đường phố và âm nhạc đường phố. Tôi tin rằng, chúng là những thành phần then chốt, cùng nhau cấu thành lên văn hóa đường phố. Đồng thời, tuy nghệ thuật và thời trang không hề có những ảnh hưởng trực tiếp tới nhau, nhưng chúng cộng sinh, bổ trợ cho nhau và cùng nhau tồn tại.”
Nigo bên cạnh những cái tên lớn, có ảnh hưởng tới nền văn minh đường phố đại chúng như Offset, Migos, Pharrell Williams,… Ảnh: Instagram
Trong ngành công nghiệp thời trang rộng lớn này, chính hai huyền thoại Karl Lagerfeld và Marc Jacobs là nguồn cảm hứng bất tận, là những tượng đài khiến nhà sáng tạo người Nhật phải ngưỡng vọng, học hỏi nhiều nhất. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự thích thú đối với sự thành công cùng tiếng tăm của vị tân giám đốc sáng tạo thương hiệu cao cấp Louis Vuitton, Virgil Abloh.
Nhà thiết kế Tomoaki Nagao bên cạnh người bạn, giám đốc nghệ thuật của Dior Men – Kim Jones. Ảnh: Instagram
Lời cuối cùng, khi nhắc tới những nghệ sĩ mà Nigo mong muốn được cộng tác cùng trong tương lai, ông cũng có những quan điểm rất chân thực, đậm nét một con người vị nghệ thuật. “Mỗi khi tôi được vinh dự tiếp xúc với những nghệ sĩ tài năng, và chúng tôi trở thành bạn bè, thì đều có khả năng rất cao cả hai sẽ mong muốn được hợp tác cùng với nhau. Nhưng, tôi sẽ chẳng bao giờ cố tiếp cận họ dưới mục đích kinh doanh, hay lợi nhuận. Tôi tin chắc rằng sẽ chẳng bao giờ có một chút nghệ thuật đáng giá gì có thể toát ra từ đấy, nếu tôi chọn lấy một thứ trần tục như vậy làm mục tiêu hàng đầu.”
Theo elleman.vn
Nghe nhiều về Met Gala, bạn có biết sự kiện này là gì?
Met Gala là một trong những sự kiện thời trang uy tín do tạp chí Vogue tổ chức. Dàn khách mời đến dự Met Gala đều được yêu cầu phải mặc trang phục đúng chủ đề của ban tổ chức.
Khách mời góp mặt tại bữa tiệc Met Gala bao gồm dàn ngôi sao nổi tiếng, người mẫu đình đám, nhà thiết kế danh giá và những người có tầm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thời trang. Tất cả đều được lựa chọn bởi tổng biên tập tờ Vogue Mỹ, Anna Wintour.
Met Gala là gì?
Met Gala là sự kiện gây quỹ thường niên cho Viện trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ). Met Gala cũng là nơi tổ chức các buổi biểu diễn nhằm tôn vinh những nhà thiết kế gạo cội của ngành thời trang như Rei Kawakubo, Alexander McQueen...
Ngoài ra tại đây còn có những buổi triển lãm về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên thời trang toàn cầu hay sự xâm nhập của phong cách punk đến các nhà mốt trên thế giới.
Người lựa chọn và quản lý danh sách khách mời không ai khác ngoài Anna Wintour, tổng biên tập tờ Vogue. Bà là đồng chủ tịch Met Gala từ năm 1995. Năm ngoái, số lượng khách mời chỉ có 600 gương mặt tên tuổi của ngành thời trang và chính trị, nhưng họ đã đem lại số tiền gây quỹ lên đến 12 triệu USD.
Met Gala được tổ chức ở Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York.
Chủ đề trang phục "hack não" của Met Gala 2019
Ở Met Gala có quy định rất rõ ràng, khách mời tham dự phải mặc đúng "dresscode" (yêu cầu trang phục) và thể hiện được tinh thần của thời trang cao cấp.
Tư duy thời trang của khách mời sẽ được thể hiện qua mỗi bộ trang phục đến từ các nhà mốt danh giá và hơn hết là sự văn minh trong thời trang. Chủ đề các năm trước của Met Gala tương đối rõ ràng như Công Giáo (2018), Avant-garde (2017), Công nghệ (2016), Trung Hoa (2015)... Năm 2019, Vogue đã công bố một định nghĩa mới: "Camp: Notes on Fashion".
Quản lý Viện trang phục, Andrew Bolton cho biết chủ đề 2019 lấy cảm hứng từ bài tiểu luận năm 1964 của Susan Sontag Notes on Camp. Trong bài luận, Sontag xác định, camp không phải là một ý tưởng cụ thể, mà chính là "sự nhạy cảm" và sụ từ chối những đánh giá theo thang điểm tốt xấu thông thường.
Camp là một phong cách thẩm mỹ, là sự nhạy cảm trong tạo tác. Camp chú trọng vào sự tươi vui, sự cường điệu hóa, sân khấu hóa và giá trị mỉa mai hơn là nội dung bên trong, Susan Sontage định nghĩa trong bài tiểu luận nổi tiếng.
Một số ví dụ về cảm hứng về trang phục cho chủ đề Met Gala 2019 "Camp: Notes on Fashion".
Thông qua hơn 250 tác phẩm có niên đại từ thế kỷ XVII đến nay, triển lãm mùa Xuân 2019 của Viện trang phục sẽ khám phá nguồn gốc thẩm mỹ xa hoa của Camp. Andrew Bolton cũng chia sẻ với Vogue: "Camp thường được miêu tả như một điều gì đó thật phong cách nhưng lại thiếu đi ý nghĩa nội tại. Song tôi lại nghĩ rằng, bạn phải có một cái nhìn đủ tinh vi để hiểu hết các thiết kế của Yves Saint Laurent hay Marc Jacobs".
Một số ví dụ được Andrew đưa ra phần nào củng cố định nghĩa này như BST Chanel Thu - Đông 1987 của Karl Lagerfeld với khởi nguồn là bức chân dung của Philippe em trai vua Louis, hay BST Xuân - Hè 2019 của Erdem với cảm hứng từ bộ đôi Fanny và Stella nổi tiếng trong thời kỳ 1870.
Ai chủ trì Met Gala 2019?
Từ năm 1995 đến nay, Anna Wintour luôn là nhân vật chủ chốt tại Met Gala. Tuy nhiên, cũng có nhiều gương mặt đình đám khác cũng từng song hành với bà trong những mùa trước như Idris Elba, Taylor Swift, Gisele Bndchen và Tom Brady.
Chương trình Met Gala năm nay được chủ trì bởi những gương mặt đáng chú ý như Lady Gaga, Harry Styles, Giám đốc sáng tạo Gucci - Alessandro Michele, nữ vận động viên quần vợt Serena Williams và không thể thiếu sự dẫn dắt của Tổng biên tập Tạp chí Vogue Mỹ, Anna Wintour.
Danh sách khách mời được gắn dấu sao
Theo truyền thống mỗi năm, Met Gala sẽ được tổ chức vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 5. Sự kiện này sẽ quy tụ các tên tuổi lớn trong ngành giải trí, thời trang và đặc biệt là chính trị.
Những người nổi tiếng đã bỏ qua Met Gala năm ngoái là Beyoncé, Taylor Swift và Kanye West có thể sẽ xuất hiện trở lại trên thảm đỏ vào ngày 6/5 tại kinh đô thời trang New York.
Theo Hollywood Reporter, có tổng cộng 183 khách mời sẽ đến tham dự, trong đó 48% là các diễn viên. Người hâm mộ Oceans 8 có thể trông chờ vào màn xuất hiện của các diễn viên trong bộ phim. Lupita Nyong'o, Jennifer Lopez, Blake Lively và Ryan Reynold, Bradley Cooper đều dự kiến sẽ bước trên thảm đỏ.
Rihanna và Katy Perry là những khách mời tạo nên vẻ đặc sắc cho Met Gala hàng năm.
Theo news.zing.vn
Lông thú nhân tạo có phải là phương án thay thế tối ưu cho lông thật? Hưởng ứng ngày Trái Đất năm nay, cùng tìm hiểu về một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời trang: Lông thú giả liệu có phải là "người kế nhiệm" tốt nhất cho lông thú thật? Lông thú nhân tạo đang đạt đến thời kì hoàng kim trong ngành công nghiệp thời trang khi ngày càng nhiều thương hiệu cao cấp...